Hiệp hội Y tế Công giáo (C.H.A.) ngày 7 tháng 7 cho biết, thật vô cùng đáng tiếc, khi Tổng thống Donald Trump đã chính thức rút Hoa Kỳ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới khi đang xảy ra một đại dịch toàn cầu.
Thay vào đó, Hoa Kỳ nên dẫn đầu một phản ứng phối hợp toàn cầu để bảo vệ sự sống của hàng triệu người trên thế giới, tổ chức này cho biết trong một tuyên bố được đưa ra đúng vào ngày Hoa Kỳ gửi đến tổng thư ký Liên Hợp Quốc thông báo rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới.
“Cũng như Ebola, bệnh đậu mùa, bại liệt và HIV / AIDs, virus COVID-19 không biết đến biên giới quốc gia,” tuyên bố của Hiệp hội Y tế Công giáo nói. “Vì vậy, một phản ứng toàn cầu là cần thiết để cứu lấy sự sống trên toàn thế giới và ngay tại Hoa Kỳ. Hiệp hội Y tế Công giáo mạnh mẽ kêu gọi Tổng thống xem xét lại quyết định này và đảm bảo Hoa Kỳ vẫn là một nhà lãnh đạo về sức khỏe toàn cầu.”
Tuyên bố của Hiệp hội Y tế Công giáo đã đề cập đến một lá thư mà Chủ tịch và Giám đốc điều hành của tổ chức này, bà Mary Haddad, đã gửi cho ông Trump ngày 22 tháng 6 để yêu cầu ông xem xét lại việc rút khỏi WHO.
“Rút khỏi tổ chức ở đỉnh cao của đại dịch là phản tác dụng và chỉ đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ ít có ảnh hưởng đến những nỗ lực” cải cách WHO, bà nói. Thật vậy, đây là lúc để đoàn kết với những người có nhu cầu trên khắp thế giới để cứu sống và mang lại hy vọng.
Haddad lưu ý rằng, trong hơn 100 năm qua, với dịch bệnh sốt vàng da, rồi dịch cúm năm 1918 và cho đến ngày nay, các nhà cung cấp dịch vụ y tế Công giáo đã luôn ở tuyến đầu trong việc giải quyết các đại dịch toàn cầu.
“Chúng tôi ngày càng nghe thấy nhiều tin tức từ các tổ chức Công giáo chị em của chúng tôi ở các khu vực khác trên thế giới rằng họ đang tìm kiếm thông tin và tài nguyên về những cách thức tốt nhất để ứng phó với COVID-19,” bà nói. Bà đã gửi các bản sao bức thư của mình tới Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.
Bà nói thêm, “Vào thời điểm thế giới đối mặt với đại dịch toàn cầu và tỷ lệ lây nhiễm gia tăng mạnh mẽ ở các nước đang phát triển, một phản ứng toàn cầu bao gồm Hoa Kỳ là điều cần thiết để xây dựng tình liên đới giữa mọi người trong đất nước chúng ta và trên thế giới.”
Haddad đã trích dẫn lời Đức Giáo hoàng Phanxicô trong thông điệp “Urbi et Orbi” dịp Lễ Phục sinh khi ngài nói, “Chớ gì những người dễ bị tổn thương nhất trong số các anh chị em của chúng ta đang sống ở các thành phố và ngoại vi của mọi nơi trên thế giới, không bị bỏ rơi.”
Hoa Kỳ là quốc gia đóng góp lớn nhất cho WHO, trao hơn 400 triệu đô la hàng năm cho cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Geneva với vai trò chính là điều hành y tế quốc tế trong hệ thống Liên Hợp Quốc và dẫn dắt các đối tác trong các phản ứng về sức khỏe toàn cầu.
Vào tháng Tư, Trump đã đình chỉ các khoản đóng góp của Hoa Kỳ cho WHO vì cái mà ông nói là tổ chức này đã thất bại trong việc đối phó với đại dịch và báo động về sự thiếu độc lập của họ đối với Trung Quốc. Các chuyên gia tin rằng coronavirus mới trước tiên đã bắt đầu lây nhiễm cho con người vào cuối năm 2019 ở Vũ Hán, một thành phố ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, theo Trung tâm tài nguyên Coronavirus Johns Hopkins.
Trong một lá thư ngày 18 tháng 5 gửi cho tổng giám đốc của WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng thống đã phác thảo theo kiểu gạch đầu dòng những điều mà ông nói là “những sai lầm lặp đi lặp lại của quý vị và tổ chức của quý vị trong việc đối phó với đại dịch, (điều đó) đã gây ra rất nhiều tốn kém lớn lao cho thế giới,” bắt đầu từ tháng 12 năm 2019, khi mà, theo tổng thống, cơ quan này liên tục bỏ qua các báo cáo đáng tin cậy về sự lây lan của virus ở Vũ Hán.
Trump đã cho WHO 30 ngày để cam kết cải tiến đáng kể, nếu không, ông sẽ tạm thời đóng băng các đóng góp của Hoa Kỳ, và nay, ông quyết định Hoa Kỳ sẽ rút khỏi cơ quan này.
Hoàng Tiến (theo Crux)