“QUYỀN LỰC CỨNG” hay “SỨC MẠNH MỀM”?
Điềm mộng của Nebuchadnezzar và Bữa tiệc của Belshazzar
Sách Đaniel 3,31 – 6,1
Dẫn nhập
“Quyền lực cứng” hay “sức mạnh mềm” là hai khái niệm nhằm mô tả khả năng thu hút và cùng hợp tác hoặc sử dụng biện pháp ép buộc hay vũ lực và tiền bạc như là một phương tiện để thuyết phục nhằm đạt mục đích trong chính trường quốc tế.[1] Trong lãnh vực nghiên cứu Kinh Thánh, áp dụng những khái niệm này xem ra có vẻ lạ. Thật ra, ở mức độ nào đó, khái niệm “quyền lực cứng” hay “sức mạnh mềm” trong việc làm chủ và điều khiển thế giới của Thiên Chúa và của những nhà lãnh đạo trần gian cũng có thể hiểu được, ví dụ như trong câu chuyện của vua Nebuchadnezzar và vua Belshazzar trong sách Đaniel 3,31 – 6,1.
Dù sao đi nữa, ở đây “quyền lực cứng” được hiểu như là tất cả những gì thuộc về con người, nghĩa là về “quyền cai trị thế giới” của con người trong lịch sử. “Sức mạnh mềm” được hiểu như là “quyền cai trị” của Thiên Chúa ẩn chứa bên dưới những sự kiện xảy ra trong lịch sử, nghĩa là Thiên Chúa mới là Đấng cai quản đích thực thế giới này. Cách hiểu này dựa vào góc nhìn tam thông diễn (a triple hermeneutical perspective) trong việc chú giải sách Đaniel, nghĩa là những khía cạnh về các sự kiện lịch sử, về trào lưu tư tưởng khải huyền[2] và về dòng văn chương khôn ngoan.[3] Đặc biệt hai khía cạnh: khải huyền và nguồn gốc ơn khôn ngoan, cho chúng ta thấy sức mạnh của Thiên Chúa được biểu lộ ra trong suốt dọc dài lịch sử nhân loại này, ngang qua những người được Thiên Chúa tuyển chọn.
Thật vậy, quyền cai quản và sức mạnh đích thật của Thiên Chúa trên nhân loại là chủ đề xuyên suốt sách Đaniel.[4] Thiên Chúa Tối Cao là Đấng cai quản cả vương quốc trên trời và các vương quốc trần gian. Các chương từ 3,31 – 6,1 tập trung việc diễn tả Thiên Chúa Tối Cao thật sự mới là Đấng cai quản các vương quốc trần gian thuộc mọi thời và ở mọi nơi.
Soạn tác và cấu trúc Đaniel 3,31 – 6,1
Lịch sử hình thành sách ngôn sứ Đaniel khá phức tạp, trải qua nhiều thời kỳ soạn tác khác nhau, ít là qua bốn giai đoạn. Mãi khoảng đầu thời nhà Máccabê (164-63 BC [trước Công nguyên]), sách Đaniel mới được hình thành như bản Kinh Thánh Dothái hiện nay, tức là gồm 12 chương (Đn 1 – 12).[5] Khoảng giữa thế kỷ thứ 2 BC, sách Đaniel được hình thành bằng hai thứ tiếng: Dothái và Aram, gồm 8 chương, nghĩa là Đn 1 – 8, trong đó Đn 2,4b – 7 được viết bằng tiếng Aram. Khoảng đầu thế kỷ thứ 2 BC, sách Đaniel đã được soạn tác chủ yếu bằng tiếng Aram, gồm các chương từ 2 – 7. Trước đó, vào cuối thế kỷ thứ 3 BC, có lẽ sách Đaniel chỉ gồm các chương 4 – 6, trong đó những câu truyện về Đaniel vào cuối thời lưu đày ở Babylon được kể lại, nghĩa là việc Đaniel giải thích điềm mộng cho vua Nebuchadnezzar (Đn 4,1-24.31-32); Đaniel trong hầm sư tử (Đn 6,1-29): ngôn sứ đoán trước cuộc khánh tận của Đế quốc Babylon (Đn 4,25-30; 5,1-32).
Nhiều học giả đồng thuận rằng Đn 3,31 – 6,1 được gom thành một khối văn chương thống nhất, có thể là do cùng một tay soạn tác hay ít ra là cùng chung các chủ đề và nội dung.[6] Theo Collins, diễn từ của Đaniel ở Đn 5,17-22 trực tiếp đề cập đến vua Nebuchadnezzar, như được nhắc đến ở chương 4 và cũng nhắc đến sự phạm thánh của Belshazzar đối với các ly chén bằng vàng mà Nebuchadnezzar đã tậu về từ Đền thờ Giêrusalem, như được nói đến ở Đn 1,1-2.[7] Đơn vị văn chương Đn 3,31 – 4,34 [= Bản dịch tiếng Anh Đn 4,1-37] được đóng khung bằng hai vinh tụng ca của vua Nebuchadnezzar ở Đn 3,33 và Đn 4,31.[8]
Về cấu trúc và nội dung, chúng ta có thể thấy như sau. Đơn vị văn chương Đn 3,31 – 4,34: nhập đề thư (3,31-33); tường thuật hoàn cảnh [ở ngôi thứ nhất] (4,1-5); tường thuật giấc mơ (4,6-15); giải thích giấc mơ (4,16-24); tường thuật ứng nghiệm lời ngôn sứ [ở ngôi thứ ba] (4,25-30); kết thúc thư (4,31-34). Đơn vị văn chương Đn 5,1 – 6,1: dẫn nhập thuật truyện (5,1-6); triệu tập các pháp sư Babylon (5,7-9); diễn từ của nữ hoàng (5,10-12); diễn từ của nhà vua (5,13-16); diễn từ của Đaniel (5,17-28); kết luận (5,29 – 6,1).[9]
Giấc mơ về “một cây cao” và “sức mạnh” lời giải thích (Đn 3,1 – 4,34)
Sự nổi tiếng và uy quyền của vua Nebuchadnezzar trong thực tế lịch sử là không thể phủ nhận. Khi nhắc đến “the Hanging Gardens of Babylon”, một trong bảy Kỳ Quan Thế Giới Cổ Đại, người ta không thể không nghĩ về thời hoàng kim của vua Nebuchadnezzar. Trên một phiến đá được tạc bằng loại chữ hình nêm (cuneiform) [được gọi là ‘the East India House Inscription] ghi lại những dự án các công trình lộng lẫy mà Nebuchadnezzar muốn xây dựng để vinh danh thần Marduk, trong đó có viết: “Ta là Nebuchadnezzar, vua Babylon, hoàng tử cao quý, niềm vui thích của thần Marduk.”[10]
Điều này cho chúng ta hiểu thêm sự thật về lời tự thuật của nhà vua như được nói đến ở Đn 4,1: ’ănāh nəḇûḵaḏneṣṣar šəlēh hăwêṯ bəḇêṯî wəra‘nan bəhêḵəlî, ‘Ta là Nebuchadnezzar, đang lúc hưởng bình an dưới mái nhà, và thịnh vượng trong cung điện’. Tuy nhiên, trong chính lúc bình an và thịnh vượng này, thì trên giường nằm, một giấc chiêm bao xảy đến với nhà vua, và hình ảnh trong giấc mơ này khiến nhà vua quá khiếp sợ. Như vậy, trong chính lúc vua Nebuchadnezzar tưởng mình đang được hưởng bình an và sự thịnh vượng, vua tự hào với vẻ nguy nga tráng lệ của mình, thì lại là lúc vua gặp nguy hiểm.
Nebuchadnezzar nằm trên giường và mơ thấy một cây to lớn ở giữa mặt đất, ngọn cao tới trời, cành lá xum xuê, cung cấp thức ăn cho mọi loài và là chỗ nương ẩn của mọi loài. Bỗng nhiên có một vị Canh thức từ trời xuống ra lệnh đốn cây và chặt trụi cành, và chỉ để lại một gốc rễ dưới đất, và phải xiềng lại bằng đai sắt, đai đồng. Cây này phải ăn cỏ như thú vật, và bị thay quả tim người bằng tim thú vật trong suốt bảy thời (Đn 4,7-13). Không một thầy phù thủy, pháp sư, chiêm tinh và thầy bói nào ở Babylon có thể giải thích ý nghĩa của giấc mơ kỳ lạ này cho nhà vua. Điều này khiến nhà vua càng thêm khiếp sợ (Đn 4,2-4).
Đaniel cũng được triệu đến để giải nghĩa giấc mơ cho nhà vua. Thoạt đầu, Đaniel ngần ngại,[11] nhưng rồi ngôn sứ tuyên bố ý nghĩa giấc mơ cho nhà vua. Cây cao này là chính vua Nebuchadnezzar. Vị Canh thức là chính Đấng Tối Cao. Trong bảy năm ròng rã Nebuchadnezzar phải sống kiếp thú vật.[12] Gốc rễ cây ấy vẫn là của vua một khi vua biết làm việc nghĩa và công nhận quyền cai trị của Đấng Tối Cao (Đn 4,16-24).
Nhưng Nebuchadnezzar vẫn kiêu ngạo.[13] Vua tự nhận rằng tất cả sự thành công, vẻ tráng lệ của vương quốc của mình là do quyền lực và cho vinh quang của vua. Vì vậy, vua đã bị phạt phải sống chung như thú vật bảy năm[14] đúng như Đaniel đã giải thích và lời giải thích ấy đã ứng nghiệm (Đn 4,28-30, xem thêm các câu 12-14. 20.22). Tuy nhiên, Nebuchadnezzar đã được phục hồi bởi vì nhà vua đã biết ca ngợi và quy phục quyền Thiên Chúa (Đn 4,31-34).
Thật trớ trêu, nếu ở Đn 4,1 và 27, nhà vua đã tự phụ “’ănāh nəḇûḵaḏneṣṣar, ‘Ta là Nebuchadnezzar’…, ’ănāh ḇĕnayṯah, ‘ta đã xây dựng’…” và nghĩ rằng vua được bình an (šəlēh) và thịnh vượng (ra‘nan), do đó, mọi sức mạnh (ḥisnî) và quyền hành (haḏrî) đều thuộc về vua, thì ở Đn 4,34, vua phải thừa nhận: “kə‘an ’ănāh nəḇûḵaḏneṣṣar, ‘Giờ đây ta là’…’ truy nhận quyền năng (yāḵil ləhašpālāh) thuộc về Vua Trời (meleḵ šəmayyā’) và công nhận mọi việc Người làm đều là công minh (qəšōṭ, xem thêm Đn 2,47).
Về tượng ý (motif) “cây” trong giấc mơ của Nebuchadnezzar thực ra là lối tượng ý khá phổ biến trong những câu truyện thần thoại. Ngay cả trong Kinh Thánh lối tượng ý này cũng được nhắc đến khá nhiều. Chẳng hạn, Ezekiel 17 nhắc đến truyện vua Judah như thể là một cây được đem trồng, nhưng rồi lại bị bật gốc, rồi lại được trồng lại, sinh hoa trái và được bảo vệ. Isaiah 14,4-23 nói về vua Babylon bị lộn nhào bởi vì vua đã tỏ ra kiêu ngạo đối với các thần và sự áp bức của vua đối với dân chúng. Ở Sáng thế các chương 1 – 3 cũng nói về hình ảnh cây cối, đặc biệt là cây sự sống.[15]
Điểm nhấn của Đaniel chương 4 là mọi quyền hành trên mặt đất đều bắt nguồn từ Đấng Tối Cao. Hình ảnh cây ở đây ám chỉ đến cây sự sống (St 3,22),[16] biểu tượng của sự nối kết giữa trời và đất. Những nghiên cứu về hình tượng học Tân Babylon cho thấy hình ảnh vua thường ở vị thế đứng và cầm một cây trượng có hình thân cây. Đầu dưới cây trượng chạm mặt đất và phần ngọn cây trượng biểu tượng cho giới thần linh, được miêu tả bằng các ngôi sao, mặt trăng và mặt trời. Vậy trong giấc mơ Nebuchadnezzar thấy một cây to lớn, nghĩa là chính nhà vua xét như là đại diện của sự nối kết giữa trời và đất. Sự đại diện của vua là để đem lại sự đảm bảo nền thịnh vượng và hòa bình cho mọi người, thể hiện lòng từ bi của Trời đối với người, nhất là với những người nghèo khổ (câu 24). Thật trớ trêu, nhà vua quên mất vai trò đại diện này (các câu 26-27). Vì thế vua bị phạt (các câu 12-13, 22, 29) và bị đốn xuống (câu 11), bởi vì vua đã không thi hành đúng quyền cai trị thật của Đấng Tối Cao (câu 14).
Như một sự chuyển tiếp, Đaniel 4,12 nói đến việc “để lại gốc rễ nó dưới đất” và ở Đn 4,31-34 nói đến việc vua Nebuchadnezzar đã truy nhận hoàn toàn quyền thống trị của Thiên Chúa và chúc tụng Vua Trời. Điều này ngụ ý dẫn chúng ta qua tường thuật ở Đaniel 5,1 – 6,1: câu chuyện về sự khinh thường và sự phạm thánh của Belshazzar đối với các ly chén vàng vốn chỉ dành cho việc thờ phượng Đức Chúa ở Đền thờ Giêrusalem.
Thị kiến “những ngón tay viết chữ” và “sức mạnh” lời giải thích (Đn 5,1 – 6,1)
Bối cảnh kể về thị kiến thấy “những ngón tay viết trên tường” của Belshazzar khác hẳn với bối cảnh tường thuật giấc mơ về “một cây cao” của Nebuchadnezzar. Nếu ở Đn 4,1 nói rõ [ở ngôi thứ nhất] đến cá nhân vua Nebuchadnezzar và sự vinh hoa của nhà vua, nghĩa là có sự ý thức rõ ràng của nhà vua, thì ở Đn 5,1 lại không thế. Belshazzar được kể lại rằng vua mở một bữa tiệc lớn (‘ăḇaḏ ləḥem raḇ) thiết đãi một ngàn đại thần (ləraḇrəḇānōwhî ’ălap), và trước mặt họ vua uống rượu (ḥamrā šāṯēh). Hình ảnh cá nhân vua[17] bị chìm vào trong một bữa tiệc lớn, giữa một ngàn đại thần. Giữa sự ồn ào náo nhiệt ấy, vua uống rượu. Sau khi đã ngà ngà (biṭ‘ēm ḥamrā), vua truyền lệnh đem các chén bằng vàng và bạc do vua cha Nebuchadnezzar[18] tậu về từ Đền thờ Jerusalem để uống rượu mua vui cùng với các đại thần, cung phi và cung nữ (xem các câu 2-4).
Xây dựng hình ảnh Belshazzar như thế, tác giả Kinh Thánh cho thấy trước “số phận” của vua đã được “định đoạt” rồi. Hai bối cảnh khác nhau nhưng nói đến cùng một “sức mạnh” và “uy quyền” của nhà vua. Hai cách thể hiện “sức mạnh” và “uy quyền” khác nhau nhưng cùng chung một kết điểm: vua bị trừng phạt. Chỉ có điều khác là Nebuchadnezzar tuy ngạo nghễ nhưng rồi vua lại biết quy phục quyền cai trị của Thiên Chúa và thành tâm chúc tụng Đấng Tối Cao. Ngược lại, Belshazzar không rút ra được bài học[19] cho mình, vua quên mất vai trò của mình (các câu 17-22) và tỏ ra ngạo nghễ với Trời và tự mãn với đời (các câu 2.6.23). Sự ngạo nghễ này khiến nhà vua phải chết ngay trong đêm tiệc vui đầy vẻ xa hoa và náo nhiệt (các câu 24-28.30) do chính vua khoản đãi (câu 2-4).
Cũng như đã được nói đến ở Đn 4,4 (xem thêm Đn 2,1-13), không một nhà khôn ngoan nào của Babylon có thể đọc và giải thích[20] được những chữ viết trên tường cho nhà vua (các câu 7-8). Nhờ sự can thiệp của nữ hoàng,[21] Belshazzar đã cho gọi Đaniel đến để đọc và giải thích cho vua những chữ viết này và hứa sẽ hậu thưởng cho Đaniel (các câu 10-16). Điều trớ trêu ở đây là ngay trong vương quốc của mình, có đó “sức mạnh khôn ngoan”, nhưng Belshazzar lại không biết. Cách nói của vua ở câu 14 cho thấy rõ sự thờ ơ này của vua đối với “sức mạnh” và “sự hiện diện” của Đấng Tối Cao. Ngược lại, diễn từ của Đaniel ở đây khác hẳn với diễn từ ở Đn 4,16. Trước khi đọc và giải thích những chữ viết này (câu 17), Đaniel công bố cho vua Belshazzar những lời lẽ thật cứng rắn. Sự ngạo nghễ của Belshazzar là quá lớn (các câu 22-23), vì thế Thiên Chúa Tối Cao, ở Israel thay vì gửi các ngôn sứ đến cảnh báo cho vua (xem 1 V 22,17-28; Jr 22,18-19), thì ở Babylon này, Người cảnh báo Belshazzar qua một thị kiến bàn tay viết chữ (Đn 5,24).
Ở Đn 5,25, Đaniel đã đọc hàng chữ viết thế này: mənē’ mənē’ təqēl ûparsîn, và ngôn sứ giải thích ý nghĩa rõ ràng ở các câu 26-27. Bởi vì trong cách giải thích của Đaniel, theo như bản MT (Kinh Thánh Dothái), chỉ có ba chữ được chú giải, tức là mənē’ (câu 26), təqēl (câu 27) và parsîn (câu 28), nên có những tranh luận giữa các nhà chú giải gần đây.
Có ba cách hiểu về những hạn từ này.[22] Thứ nhất, các hạn từ này được hiểu như là danh từ ám chỉ đến sự cân đong (weights) theo tiếng Aram; thứ hai được hiểu như là động từ và giải thích như Đaniel; thứ ba, những hạn từ này ẩn chứa vẻ huyền bí ám chỉ đến các vua.
Những hạn từ này được hiểu như là các danh từ chỉ sự cân đo: mənē’ nghĩa là bằng một mina; təqēl bằng một shekel; ûparsîn và bằng hai phân nửa mina hoặc hai phân nửa shekel. Hạn từ mənē’ đầu tiên có thể phái sinh từ gốc động từ mənāh, ‘đếm’. Vậy những chữ này được giải thích là: ‘đã được đếm: một mina, một shekel và hai phân nửa shekel’. Tuy nhiên, cách hiểu hạn từ mənē’ đầu tiên xét như động từ bị chống đối. Chữ mənē’ đầu tiên này chẳng qua có thể là do lỗi của người sao chép kinh thánh, chứ thực ra bản gốc chỉ có ba chữ mà thôi, nghĩa là, mənē’ təqēl ûparsîn. Điều này tìm được sự hậu thuẫn từ hai bản cổ tiếng Hylạp, tuy thứ tự từ có khác nhau. Bản LXX đọc là mane phares thekel; bản Theodotion đọc là mane thekel phares.
Cách hiểu những hạn từ này như là những chữ ẩn chứa vẻ huyền bí ám chỉ đến việc cân đo dành cho các vua thời Tân Babylon. Các vua này có thể là Nebuchadnezzar, Evil-Merodah (xem 2 V 25,27-30; Jr 52,31[34]) và Belshazzar [cách hiểu này là của Ginsberg], hoặc là các vua Nebuchadnezzar, Nabonidus và Belshazzar [cách hiểu của Freedman], hoặc là các vua Nebuchadnezzar, Belshazzar, Darius và Cyrus [cách hiểu của Hoffman], hoặc là các vua Nabonidus, Belshazzar, các vua Median và Batư [cách hiểu của Hailer]. Theo cách hiểu này, thì số cân đo của Belshalzzar là quá nhẹ so với các vua khác. Một số nhà chú giải khác giữ lại cả bốn hạn từ và áp dụng cho bốn vua là Neriglissar, Evil-Merodah, Labashi-Marduk, Nabonidus/Belshazzar [cách áp dụng của Kraeling], hoặc là áp dụng chung cho các vua Babylon, Median, Ba tư, và Hylạp [áp dụng của Lacocque]. Tuy nhiên, những cách giải thích này xem ra quá xa so với bản văn Kinh Thánh và với cách giải thích của Đaniel.
Đaniel giải thích hai hạn từ mənē’ và təqēl là hiểu theo dạng phân từ thụ động (as passive participles) trong tiếng Aram, có nghĩa là ‘đã được đếm/được tính và được cân’ một cách tương xứng. Mặt khác, hai hạn từ này cũng là những chữ vay mượn từ ngôn ngữ Akkadian chỉ về cách tính tiền tệ ‘mina’ [một mina = 50 shekel] và ‘shekel’ [một shekel = 10g]. Kiểu chơi chữ này cũng là bằng chứng cho lối giải thích của Đaniel về hạn từ parsîn, tức là số đôi của hạn từ pərēs, có nghĩa là ‘một nửa của một đơn vị đo lường’, ở đây là ‘hai phân nửa một shekel’. Vậy bốn hạn từ ở câu 25 được hiểu thế này: “đã được đếm rồi: đếm một mina, cân một shekel, và hai phân nửa.” Đaniel lần lượt giải thích cách đọc này ở các câu 26-28. Liên quan đến hai hạn từ mənē’ mənē’ ở câu 24, nếu không phải là do lỗi lặp lại (dittography) của người sao chép, sự lặp lại hai lần ở đây trong bản văn Kinh Thánh được hiểu như là để nhấn mạnh ý nghĩa, có nghĩa là ‘quả thật đã được tính rồi’, hoặc hiểu như cách chơi chữ, ‘chính xác một mina’, một tiêu chuẩn trọng lượng lớn gấp 50 lần so với một shekel.[23] Như vậy, số phận của Belshazzar đã được định đoạt rồi, vua bị giết ngay đêm ấy, trong đêm tiệc hội náo nhiệt do chính vua tổ chức (Đn 5,1-2. 30). Sau đó Darius đã lên làm vua (Đn 6,1).
Sức mạnh và quyền thống trị thật thuộc về Thiên Chúa Tối Cao
Như đã nói ở trên, Đaniel 3,31 – 6,1 là một khối văn chương thống nhất, có chung những chủ đề về việc Đấng Tối Cao hạ bệ hai vua Nebuchadnezzar và Belshazzar và về sự truy nhận quyền thống trị tối cao của Thiên Chúa. Belshazzar vẫn ở lại trong sự kiêu ngạo của mình và đã bị giết chết (Đn 5,1-30). Nebuchadnezzar, một vị vua nổi tiếng, đã biết khiêm nhường ca tụng Thiên Chúa Tối Cao và đã truy nhận quyền thống trị của Vua Trời.
Nebuchadnezzar đã công bố cho toàn thiên hạ biết về những điềm thiêng dấu lạ mà Thiên Chúa Tối Cao đã làm cho vua (Đn 3,31 – 4,34), trong đó hai lần vinh tụng ca của nhà vua làm nổi bật quyền thống trị của Đấng Tối Cao trên mọi dân nước (Đn 3,32-33; 4,31-32.34). Cũng vậy, sau này vua Darius không những truy nhận quyền thống trị của Thiên Chúa Tối Cao, nhưng một cách trang trọng, như một sự tuyên xưng đức tin, nhà vua còn ban lệnh truyền cho khắp cõi đất phải kính sợ trước vị Thần của Đaniel: Thiên Chúa Tối Cao là “vị Thần hằng sống và tồn tại muôn đời; vương quốc của Người sẽ chẳng suy vong, quyền thống trị của Người vô cùng vô tận” (Đn 6,17; xem thêm 6,26-28). Thật vậy, Thiên Chúa có toàn quyền ban quyền thống trị trên mặt đất cho những ai Người muốn và hạ bệ những ai ngạo nghễ khinh thường Người (Đn 4,14, 22, 29; 5,21; xem thêm Đn 2,21; Gióp 12,12-24; 36,5-14; Is 40,17; Thánh vịnh 145,13).
Ngoài ra, trong khối văn chương Đn 3,31 – 6,1 này, chúng ta có thể tìm thấy những cặp từ khóa (key pair of terms)[24] diễn tả về sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa Tối Cao.
Trước hết, chúng ta có thể thấy cặp hạn từ rəḇāh, ‘sự to lớn, sự vĩ đại’ và təqēp, ‘sự vững mạnh, sự rạng rỡ’ như được nhắc đến ở Đn 4,8.17.19.27.33; nhưng Đn 5,20 (liḇḇêh wərūḥêh tiqpaṯ lahăzāḏāh, ‘khi tâm trí vua trở nên cứng cỏi [vững mạnh] bởi sự kiêu ngạo’). Những hạn từ này được áp dụng cho vua Nebuchadnezzar nhưng thực ra sự vĩ đại và rạng rỡ của nhà vua là do Đấng Tối Cao ban tặng. Một khi nhà vua không còn truy nhận quyền thống trị của Thiên Chúa, thì vua cũng mất ngay vẻ rạng rỡ vinh quang.
Thứ đến, những hạn từ như šallîṭ, ‘cai trị, cai quản, rule [kinhship]’ và malḵû, ‘vương quốc, kingdom’ được nói đến ở Đn 4,14.15.22.23.26.27.29.31.33; 5,7.11.16.18.20.21.26.28.29; 6,1. Những hạn từ này cũng làm nổi bật quyền cai trị và sức mạnh thuộc về Thiên Chúa.
Điểm đáng chú ý thứ ba trong khối văn chương Đn 3,31 – 6,1 là cặp “phản đề” (antithesis) giữa ’ar‘ā, ‘đất’ và šəmayyā’, ‘trời’. Mặt đất là địa hạt trong đó Nebuchadnezzar đặt nền cai trị như được nói đến ở Đn 3,31; 4,7.8.17.19. Tuy nhiên, chính trên mặt đất này lại cũng là nơi Nebuchadnezzar chịu sự nhục nhã sống chung cùng thú vật khi nhà vua tỏ ra kiêu ngạo trước Vua Trời như được nói đến ở Đn 4,12 (2 lần).20.29.30. Trong khi đó, “trước nhan Thiên Chúa Hằng Sống, dân cư trên mặt đất đều bị kể như không” và quyền “điều khiển” dân cư trên mặt đất thuộc về Người (Đn 4,32). Còn chốn trời cao, xét như thực thể bầu trời và cũng là nơi Thiên Chúa ngự, là thuộc quyền cai trị hoàn toàn của Đấng Tối Cao (Đn 4,8.9.10.12.17.18.19.20.20.22.23.28.30.31.32.34; 5,21.23). Tuy nhiên, không phải là Thiên Chúa không dính dự gì đến mặt đất này (xem Đn 4,7.8.17.19.20.29.30.32.34; 5,21.23).
Cuối cùng, danh hiệu ’ĕlāhā’ ‘illāyā’, Thiên Chúa Tối Cao, hay ‘illāyā’, Đấng Tối Cao,[25] chỉ xuất hiện trong sách Đaniel 10 lần,[26] trong đó ở Đn 3,31 – 6,1 xuất hiện 8 lần. Danh hiệu ‘illāyā’, Đấng Tối Cao, trong tiếng Aram tương đương với tiếng Dothái ‘elyôn, hoặc ’ĕlāhā’ ‘illāyā’, Thiên Chúa Tối Cao, tiếng Dothái là ’ēl ‘elyôn. Điều đáng nói ở đây là danh xưng Thiên Chúa là Đấng Tối Cao trong bản văn tiếng Dothái cũng thường xuất hiện trên môi miệng những người bên ngoài cộng đoàn Dothái (xem St 14; Ds 24,16; Is 14,14).
Ở Đn 3,31 – 6,1 này, danh hiệu Thiên Chúa Tối Cao hay Đấng Tối Cao được nhắc lại nhiều lần là để nhấn mạnh rằng sức mạnh và quyền cai quản đích thật thuộc về Thiên Chúa và quyền hạn của vua chúa trần gian thực ra là đến từ Thiên Chúa. Hơn nữa, một khi các vua trần thế đã phải quy phục quyền Thiên Chúa Tối Cao thì cũng có nghĩa rằng các thần của họ cũng phải quy phục quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa (Đn 2,19.27-28.47; 4,4-9). Thiên Chúa Tối Cao thực sự mới là Thần các thần, Vua các vua (Đn 2,47). Chỉ có Đấng Tối Cao của Israel mới là Đấng mọi dân nước phải kính sợ và chỉ mình Người mới là Đấng cứu độ mà thôi (Đn 6,27-28).
Như vậy, sức mạnh và quyền cai trị của Thiên Chúa Tối Cao không những chỉ thể hiện trong cộng đoàn con cái Israel hay chỉ trong lãnh thổ Israel, nhưng sức mạnh và quyền cai trị của Đấng Tối Cao bây giờ là ở tầm mức vũ trụ, nghĩa là cả trên trời và dưới đất. Sức mạnh và quyền cai trị này của Thiên Chúa rồi ra sẽ được tỏ lộ nơi một vương quốc của những thánh nhân (Đn 7,27) là “các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ” và “những người thông thái sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao” (Đn 12,3).
Kết luận
Đn 3,31 – 6,1 trình bày hai hình ảnh của hai vua Nebuchadnezzar và Belshalzzar [có thể cả Darius sẽ được nói đến ở Đn 6,2-28] quy phục quyền cai trị của Thiên Chúa Hằng Sống, và sự nhận biết sức mạnh của Đấng Tối Cao qua việc trừng phạt các vua, đặc biệt qua việc giải thích giấc mơ và thị kiến (Đn 4,17-23; 5,24-28).
Xét về biến cố lịch sử, có thể chúng ta sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong việc giải thích ba triều đại liền liên tiếp này. Tuy nhiên, xét về sứ điệp cho cộng đoàn sống đức tin và cho niềm hy vọng của những người tin trong thời bị bách hại thì rất rõ ràng. Trước Đấng Tối Cao, không một ai có thể tự hào mình có đầy quyền uy và sức mạnh được. Nổi tiếng như Nebuchadnezzar, nhưng khi huênh hoang tự đắc trước Vua Trời, thì ngay lập tức vua bị giáng xuống sống kiếp thú vật (Đn 4,28tt). Hào nhoáng và náo nhiệt như Belshalzzar, nhưng không truy nhận sức mạnh và quyền năng Thiên Chúa Tối Cao, lại còn ngạo nghễ và phạm thánh, thì ngay lập tức vua bị giết chết (Đn 5,1-5.30). Có vẻ nghịch lý, chính lúc Nebuchadnezzar bị đuổi khỏi kiếp sống con người (Đn 4,30), hay lúc Belshalzzar bị giết chết (Đn 5,25.30), thì sức mạnh và quyền thống trị thật của Thiên Chúa Tối Cao lại được tỏ lộ. Tuy nhiên, đây là thể loại văn chương mạc khải diễn tả chân lý đức tin.
Ngày nay chúng ta thường hay nói đến hai khái niệm “quyền lực cứng” và “sức mạnh mềm”. “Quyền lực cứng” nghĩa là sử dụng sức mạnh hay tiền bạc để đạt mục tiêu. “Sức mạnh mềm” là sử dụng sự thu hút và cùng nhau chọn lựa, nói cách khác, là khả năng tạo ra những sở thích của người khác thông qua sức hấp dẫn và thu hút như là phương tiện thuyết phục để đạt mục đích mình muốn. Nếu có thể áp dụng, thì tất cả những gì liên quan đến hai vua ở đây có thể được hiểu như là “quyền lực cứng”, nghĩa là sự huênh hoang tự đắc và phạm thánh (Đn 4,1.27; 5,1-5), không làm việc nghĩa và thực thi công lý (Đn 4,24), dựa vào sức mạnh tiền bạc (Đn 5,16). “Sức mạnh mềm” hiểu như là sự hoạt động của Thiên Chúa Tối Cao bên dưới mọi biến cố lịch sử ngang qua việc Người gửi đến các nhà khôn ngoan (Đn 4,5-6. 15-24; 5,11-28), những giấc mơ (Đn 4,7-14) hay những thị kiến (Đn 5,5) như là cách thức thuyết phục con người. Cách hiểu này cũng cho ta thấy sự xung đột giữa cách thể hiện sức mạnh và quyền thống trị giữa các vua trần thế và Vua Trời. Dĩ nhiên, Thiên Chúa Hằng Sống, Đấng Tối Cao mới thực sự là Thần các thần và Chúa các chúa (Đn 2,47).
Trong đời sống thực hành đức tin hiện tại của chúng ta, xét ở phạm vi cả Giáo hội hay ở cấp độ một cộng đoàn nhỏ, cộng đoàn dòng tu chẳng hạn, việc sử dụng “quyền lực cứng” hay “sức mạnh mềm” cũng là điều đáng quan tâm và cần phải lưu ý. Chắc chắn lời Đức Giêsu vẫn có đó như kim chỉ nam cho sự lựa chọn của chúng ta trong cách thức sống và thi hành quyền lực. “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người!” (Mc 10,42-45 & //).
Vincent Maria Phạm Cao Quý, C.Ss.R.
SÁCH THAM KHẢO
AMY, C. M. W., Dissonance and Drama of Divine Sovereign in the Book of Daniel (LHB/OTS 520; T & T Clark 2010).
COLLINS, J. J., Daniel with An Introduction to Apocalyptic Literature (FOTL 20; Grand Rapids 1984).
COLLINS, J. J. – FLINT, P. W., (eds.), The Book of Daniel. Composition & Reception I-II (SVT 83.1-2; Leiden – Boston – Köln 2001).
DI LELLA, A. A., The Book of Daniel. Introduction and Commentary on Chapters 10 – 12 (AB; Yale University Press 2008).
DITOMMASO, L., The Book of Daniel and the Apocryphal Daniel Literature (SVTP 20; Leiden – Boston 2005).
FLYNN, W. S., When on High Yahweh Reigned. Translating Yahweh’s Kingship in Ancient Israel (A Thesis for the Doctor of Philosophy, NMEC, University of Toronto 2012).
GIANTO, A., ‘Class Notes/Daniel/PIB 2015’.
GOLDINGAY, J., Daniel (WBC 30; Dallas 1989).
GORDON, W., Faithful to the End. The Message of Daniel for Life in the Real World (Genesis Books, Singapore 2006; 20072).
HARTMANN, L. F., The Book of Daniel. A New Translation with Notes and Commentary on Chapters 1 – 9 (AB; Yale University Press 2008).
ILGEN, T. L., Hard Power, Soft Power and the Future of Transatlantic Relations (Ashgate Publishing 2006).
JEPHET IBN ALI the Karaite, A Commentary on the Book of Daniel (MARGOLIOUTH, D. S., ed. & trs.) (Anecdota Oxoniensia; Clarendon Press 1889).
NELSON, W. B., Daniel (UBC; Baker Books, MI 2012).
NISKANEN, P. V., The Human and the Divine in History. Herodotus and the Book of Daniel (JSOTS 396; London – New York 2004).
NYE, J., Soft Power. The Means to Success in World Politics (Public Affairs 2004).
PLAGEMANN, J., Cosmopolitanism in a Multipolar World. Soft Sovereignty in Democratic Regional Powers (International Political Theory; Palgrave Macmillan 2015).
VANGEMEREN, W. A., Daniel (G. M. BURGE – A. E. HILL (eds.), The Baker Illustrated Bible Commentary [a complete revision of the Evangelical Commentary on the Bible (Grand Rapids 1989)].
Chú thích
[1] Xem, chẳng hạn, J. NYE, Soft Power. The Means to Success in World Politics (Public Affairs 2004); T. L. ILGEN, Hard Power, Soft Power and the Future of Transatlantic Relations (Ashgate Publishing 2006); J. PLAGEMANN, Cosmopolitanism in a Multipolar World. Soft Sovereignty in Democratic Regional Powers (International Political Theory; Palgrave Macmillan 2015).
[2] Hạn từ “apocalypse” bởi danh từ tiếng Hylạp “apokalypsis”, có nghĩa là “sự mạc khải,” “việc mở ra,” “việc vén màn ra,” hay “sự tỏ lộ.” Những dự định ẩn dấu của Thiên Chúa được thông diễn cho con người biết, thường là thông qua các thị kiến (xem Đn 7 – 12) hoặc ngang qua các giấc mơ (xem Đn 2). Sách Đaniel trong Cựu Ước hay sách Khải huyền trong Tân Ước trước tiên không nói về những sự kiện cuối cùng của thế giới, tức là Ngày tận thế, như nhiều người lầm tưởng. Hai Sách này nói đến việc tỏ lộ của Thiên Chúa cho con người trong lịch sử, qua từng biến cố cụ thể, dưới cách diễn tả văn chương đặc biệt ta quen gọi là khải huyền. Nhiều người dựa vào sách Đaniel hay sách Khải huyền để đoán mò Ngày tận thế là lầm to!
[3] A. GIANTO, ‘Class Notes/Daniel/PIB 2015’, trang 11-12.
[4] Xem W. B. NELSON, Daniel (UBC; Baker Books, MI 2012) [CD-ROM], Introduction: ‘Theology. The Kingship of God’.
[5] Các bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng Hylạp, LXX và Theodotion, gồm 14 chương, dài hơn bản Kinh Thánh bằng tiếng Dothái (MT) 2 chương cuối, tức là các chương 13 và 14.
[6] Xem L. F. HARTMANN [cha Louis F. Hartman, C.Ss.R. (1901-1970), thuộc Tỉnh Baltimore], The Book of Daniel. A New Translation with Notes and Commentary on Chapters 1 – 9 (AB; Yale University Press 2008) [CD-ROM], Belshazzar’s Feast 5:1 – 6:1, ‘Comment: General’; xem thêm J. GOLDINGAY, Daniel (WBC 30; Dallas 1987) [CD-ROM], ‘Belshazzar Fails to Learn from His Father’s Experience and Is Put Down (5:1-6:1 [5:1-31]), ‘Structure’.
Cách đặc biệt, Nelson cho thấy: “two chapters are also linked together because Daniel actually gives a summary of chapter 4 in Daniel 5:18-21. Chapter 5 is tied to chapters 2 and 4, because these all have revelations that need to be interpreted (dreams in chs. 2 and 4, and an inscription in ch. 5). Moreover, in all three cases, the wise men fail but Daniel succeeds. Daniel 5 is also joined to chapter 1: in chapter 5 the temple vessels figure prominently, while chapter 1 has set the stage for this story by mentioning that King Nebuchadnezzar brought the temple vessels to Babylon (1:2).” NELSON (2012), in ‘§5 The Writing on the Wall (Dan. 5:1-31).’
[7] Xem J. J. COLLINS, Daniel with an Introduction to Apocalyptic Literature (FOTL 20; Grand Rapids 1984), trang 60-61. 66-67.
[8] Về cấu trúc đóng khung và ý nghĩa của hai vinh tụng ca, GIANTO (PIB 2015), p. 23, đã phác họa khá rõ. Bài viết này không nhắc lại ở đây (vì chi tiết và có lẽ cũng không cần thiết).
[9] Để biết thêm cách bàn giải chi tiết về khối cấu trúc văn chương Đn 3,31 – 6,1, xin xem COLLINS (1984), trang 59-70; xem thêm cả NELSON (2012) [CD-ROM], Introduction: ‘Language Problem and Literary Development’.
[10] Xem W. A. VANGEMEREN, Daniel (G. M. BURGE – A. E. HILL (eds.), The Baker Illustrated Bible Commentary [a complete revision of the Evangelical Commentary on the Bible (Grand Rapids 1989)] [CD-ROM], ‘Nebuchadnezzar’s confession (4:1–3)’, ở đó tác giả cũng đăng hình chụp bản chữ hình nêm.
[11] Hartmann giải thích rằng thật ra Đaniel đã hiểu ngay tức khắc ý nghĩa của giấc mơ, nhưng ngôn sứ ngập ngừng là bởi vì để tỏ ra “lòng kính trọng” và “sự khiêm nhường” của mình đối với nhà vua.
[12] Hartmann cho rằng Nebuchadnezzar có lẽ chịu một hình thức “chứng chấp cuồng” gọi là “zoanthropy”, hội chứng mà người ta tin rằng mình đã bị thay đổi thành một con vật và hành động như thú vật.
[13] Xét về mặt lịch sử, theo ghi nhận của cha Hartmann, sự kiêu ngạo của nhà vua là có chứng cứ lịch sử, nghĩa là cách rõ ràng rằng nhờ vua Nebuchadnezzar mà Babylon có được sự tráng lệ bề thế như thế. Một số bản khắc chữ hình nêm đã ghi lại sự tự hào và niềm kiêu hãnh của nhà vua về việc xây dựng những lâu đài nguy nga hoành tráng.
[14] Thật ra về sự kiện này, như Hartmann chỉ ra, chắc chắn là không phải vua Nebuchadnezzar II (605-562 BC). Đúng hơn, căn bệnh này đã xảy ra cho vị vua thứ tư của Babylon, tức là Nabonidus (556-539 BC). VanGemeren cho ta hiểu rõ hơn trong một tài liệu tìm thấy ở Ur, được biết đến như là “Nabonidus Cylinder”, ở đó có nhắc đến lời cầu nguyện dành cho Nabonidus và cho con trai là Belshazzar (555-539 BC) liên quan đến sự kiện này. Xem VANGEMEREN (BIBC), trong phần ‘The dream and its interpretation (4:4-27).’
[15] Để tìm hiểu thêm về tượng ý “cây” trong Kinh Thánh, xin xem GOLDINGAY (1987) [CD-ROM], Form/Structure/Setting, phần Form, ‘The central motif, the tree…’ và phần Comment, các câu 7b-9 [10b-10].
[16] Xem GIANTO (PIB 2015), trang 24.
[17] GIANTO (PIB 2015), trang 24: vua Belshazzar chỉ được nhắc đến ở Đn 5 và Br 1,11.
[18] Xét về mặt lịch sử, VanGemeren làm sáng tỏ: “Nebuchadnezzar’s death in 562, the ruling power changed hands in quick succession due to assassinations and court intrigues. While Nabonidus (556–539 BC) witnessed some growth of Persia on the east, he was unsuccessful in restraining Cyrus. Having been defeated in the field, he retreated, leaving the defense of Babylon to his son, Belshazzar (“May Bel protect the king”). In verse 22 Belshazzar is also known as the son of Nebuchadnezzar, which probably means in Semitic custom “any descendant” or even a “successor to the throne.” VANGEMEREN (BIBC), ‘The Writing on the Wall (5:1–31).’
[19] Để biết thêm về những bài học được rút ra từ hai vị vua này, xin xem W. GORDON, Faithful to the End. The Message of Daniel for Life in the Real World (Genesis Books, Singapore 2006; 20072), trang 53-77.
[20] Martmann lưu ý rằng khi những người khôn ngoan do nhà vua triệu đến đã “không đọc được những chữ viết trên tường và không giải thích cho vua được ý nghĩa của nó”, thì có lẽ không phải là vì những chữ viết này vô hình, không đọc được, cho bằng những chữ này xem ra vô nghĩa, như thể không tạo nên ý nghĩa gì.
[21] Một số nhà chú giải đề nghị rằng chữ malkəṯā, ‘nữ hoàng’, ở đây nên được hiểu như là ‘mẫu hậu’, bởi lẽ là ‘người phụ nữ này có thể gợi nhắc lại những chuyện về Đaniel ở thời vua Nebuchadnezzar, những chuyện mà Belshazzar dường như không hề biết. Cho nên bà có lẽ không phải là phu nhân của Belshazzar, nhưng là của Nabonidus, và thậm chí có thể là phu nhân của Nebuchadnezzar.’ Tuy nhiên, ở đây chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản: ‘nữ hoàng’, với ý tưởng là hình ảnh “nữ hoàng” trong Kinh Thánh cũng được xem như biểu tượng của sự khôn ngoan và sự nhạy bén. Để biết thêm về những thảo luận này, xin xem GOLDINGAY (1987) [CD-ROM], phần Comment, các câu ‘10-16’, the “Queen”.
[22] Xem HARTMANN (2008) [CD-ROM], phần Comment: Detailed on 5:13-29; NELSON (2012) [CD-ROM], mục ‘§5 The Writing on the Wall (Dan. 5:1-31)’, 5:17-29 và ‘Additional Notes §5’, 5:25; GOLDINGAY (1987) [CD-ROM], phần Comment, các câu 25-28.
[23] GIANTO (PIB 2015), trang 25.
[24] Xem GOLDINGAY (1987) [CD-ROM], Form/Structure/Setting, trong phần Structure.
[25] Xem NELSON (2012) [CD-ROM], trong phần ‘Additional Notes §3’, 3:26.
[26] Xem Đn 3,26 và 32[Thiên Chúa Tối Cao]; 4,14.21.22.29.31; 5,18 và 21[Thiên Chúa Tối Cao]; 7:25.