Hợp pháp hóa “quyền được chết”, đồng nghĩa với tạo ra thêm “cơ sở lý luận” cho kẻ vô cảm “biện chứng” trước cái chết của đồng loại. Xã hội sẽ ra sao trước “sự vô cảm đúng luật” như “quyền được chết”? Luật hóa “quyền được chết” khác nào nhân danh cái gọi là “nhân đạo” và mọi sự “tốt đẹp” khác, để có thể bọc đường cả tội ác?
Người ta đã không còn quá xa lạ với các nghĩa trang dành việc chôn cất thai nhi bị “bức tử” ngay khi còn trong bụng mẹ. Các khu mộ đầu tiên được chính các tín hữu Kitô lập ra bởi tinh thần bảo vệ sự sống đến cùng của họ. Và theo “nhu cầu xã hội”, nghĩa trang hài nhi đã xuất hiện nhiều nơi cũng nhờ các Kitô hữu. Trong một chuyến công tác ở Tây nguyên, tôi đã được đến thăm một nghĩa trang như thế.
“Sao mẹ lại từ chối con”?
Đứng trước 16 ngàn ngôi mộ bé nhỏ, trên từng tấm bia chỉ là những “Trần Vô Danh”, “Lê Vô Danh”… một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng dù trời đại ngàn nắng gắt. 16 ngàn ngôi mộ cũng có nghĩa ít nhất hơn một vạn ông bố bà mẹ đã từng giết chính con của mình. Liệu rằng dòng chữ “Chúng con tha thứ cho cha mẹ” được viết trên bàn thờ giữa nghĩa trang của các hài nhi bé nhỏ đó có làm lương tâm của người cha, người mẹ bớt đi phần nào day dứt?
Một lần khác, trong lúc tư vấn tâm lý cho một phụ nữ thành đạt trong xã hội, cái cảm giác lạnh sống lưng lại xuất hiện khi tôi được nghe câu chuyện do chính người phụ nữ đó kể lại.
Thời sinh viên nông nổi, chị đã từng một lần giết đi đứa con trong bụng của mình vì sợ tai tiếng “hư hỏng”. Cứ tưởng rằng sau khi phá thai, mọi chuyện sẽ yên ổn với chị. Nhưng không, cả một chuỗi những ngày dài sau đó, cho đến tận lúc chị gặp tôi, dù đã có chồng, có con và khá thành đạt, nhưng cảm giác đã từng là kẻ sát nhân ám ảnh chị hằng đêm. Chị kể, hằng đêm vẫn mơ thấy đứa con bị từ chối đó. Con đứng nhìn chị với một cặp mắt rất buồn, ánh mắt như muốn hỏi rằng “Tại sao mẹ lại từ chối con”? Đêm xuống đối với chị, là những giây phút kinh khủng nhất, không ai có thể chia sẻ được.
Việc từ chối quyền được sống của một sinh linh bé nhỏ đã để lại rất nhiều những hệ lụy tâm lý trong lòng những người đã làm điều đó. Cho dù bên ngoài, họ có vẻ rất thản nhiên, thậm chí có thể tìm ra nghìn lẻ một lý do để biện minh cho việc làm của mình. Nhưng khi phải đối diện với chính lương tâm của họ, sự ray rứt, sự ân hận vẫn là những dày vò ngày qua ngày trong chính trái tim mỗi người.
Tội ác có “cơ sở lý luận”, vẫn là tội ác
Ngồi uống cà phê với một người bạn làm trong lĩnh vực liên quan đến sự sống con người, tôi nghe bạn nhắc đến ý kiến của một tiến sĩ công tác tại Bộ Y tế: “Với những người sống thực vật, ung thư giai đoạn cuối, chịu đau đớn tột cùng về thể xác, tinh thần và muốn ra đi nhẹ nhàng thì nên cho họ có quyền được chết”.
Và bạn tôi còn tỏ ra tiếc nuối vì một đề xuất mang tính “nhân đạo” như thế lại bị từ chối không được chấp nhận?! Thật tình, lúc đó phải hết sức kềm chế, tôi mới có đủ bình tĩnh để có thể tiếp tục nghe người bạn đó lý luận rằng: chúng ta có quyền khai sinh, khai tử… thì nên có quyền được chết (?).
Tôi thật sự giật mình về suy nghĩ của một trí thức như bạn. Bởi cái quyền khai sinh, khai tử chỉ là quyền chúng ta được thực thi khi sự việc đã xảy ra, chứ không phải là quyền được thực hiện khi chúng ta tạo ra sự việc đó.
Dù khoa học đã có rất nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn 2 điều cơ bản mà con người hằng thao thức, mong muốn có thể kiểm soát và vẫn đành phải bó tay không làm chủ được đó là tạo ra một mầm sống và ngăn cản cái chết theo ý muốn chủ quan. Người ta có thể thụ tinh trong ống nghiệm, nhân bản vô tính… nhưng mọi việc đó đều phải xuất phát từ những “nguyên liệu ban đầu” lấy từ một cá thể sống có sẵn, chứ khoa học không thể tổng hợp ra một mầm sống. Tương tự, giấc mơ trường sinh bất tử vẫn là một thách thức mà khoa học chưa thể vượt qua được.
Mỗi sinh vật luôn tồn tại trong chính bản thân một khát vọng được sống, dù cuộc sống có khó khăn, có đau khổ thì khát vọng sống đó vẫn luôn tồn tại mãnh liệt. Tất nhiên, sẽ có những phút giây nào đó quá thất vọng với cuộc sống hiện tại, người ta nảy sinh ý nghĩ kết thúc mạng sống để giải thoát những đau khổ đó hoặc để không trở thành gánh nặng cho người khác. Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ trong lúc tuyệt vọng, trong lúc không còn gì để bám víu. Vào lúc đó, nếu chúng ta chấp nhận cho họ “quyền được chết”, thì xin hỏi đó có là hành động nhân đạo hay không? Liệu rằng như thế chúng ta có giống với câu nói của Karl Marx: “Chỉ có thú vật mới quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại, mà chỉ lo chăm sóc cho bộ lông của mình”.
Nếu hợp pháp hóa “quyền được chết”, sẽ đồng nghĩa với việc tạo ra thêm một “cơ sở lý luận” nữa cho những người vô cảm “biện chứng” trước cái chết của đồng loại. Họ sẽ nói rằng: “Nên tôn trọng quyền được chết của người khác”. Xã hội sẽ ra sao trước “sự vô cảm đúng luật” như “quyền được chết”? Luật hóa “quyền được chết” khác nào nhân danh cái gọi là “nhân đạo” và mọi sự “tốt đẹp” khác, để có thể bọc đường cả tội ác?
Một vấn đề nữa, khi “cái chết êm ái” được chấp nhận, ai sẽ là người giúp thực hiện quyền được chết? Bác sỹ, điều dưỡng hay ai đó? Nếu là nhân viên y tế, thì lời thề Hippocrates có được tôn trọng, đạo đức ngành y sẽ phải “biện minh” thế nào khi thực thi quyền được chết của bệnh nhân?
Và như đã nói, khoa học vẫn bó tay với việc tạo ra mầm sống, kéo dài sự sống, hoặc có thể hồi sinh người chết… Một cách công bằng, khi chúng ta chưa thể làm chủ được sự sống và cái chết đúng nghĩa, hãy khoan bàn đến quyền được chết.
Điều cần hơn, hãy bàn đến những dự luật bảo đảm cho mọi người có được một cuộc sống xứng đáng với phẩm giá, một cuộc sống mà trong đó không ai cảm thấy bị thua thiệt trong thụ hưởng những phúc lợi xã hội, một cuộc sống không còn những cái chết kiểu “mẹ chết để lấy tiền phúng điếu cho con đi học”, “cha chết để không trở thành gánh nặng cho con cái”…
Vậy trước hết, tại đây và vào lúc này, luật pháp phải bảo đảm tốt “quyền được sống” chứ không phải “xin tồn tại” của mỗi người dân, càng không phải bận tâm về “quyền được chết”.
Minh Thu