Trong bài phát biểu tại “Hội nghị thượng đỉnh về Tương lai” của Liên Hợp Quốc ở New York, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican, đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy phẩm giá con người và đồng thời lên tiếng phản đối việc hội nghị này thúc đẩy phá thai và ý thức hệ về giới.
Đức Hồng y Parolin đã phát biểu trước các thành viên Liên Hợp Quốc tập trung tại hội nghị thượng đỉnh vào thứ Hai. Mặc dù ca ngợi những người tham dự hội nghị thượng đỉnh vì đã tham gia đối thoại, Đức Hồng y Parolin bình luận rằng có “cần phải suy nghĩ lại về các hành động trong một số lĩnh vực”.
Đức Hồng y Parolin đã bày tỏ mối quan ngại của Vatican với một văn kiện có tên “Hiệp ước cho Tương lai”, được các tham dự viên tham dự hội nghị thượng đỉnh thông qua hôm Chúa nhật. Ngài nói rằng “phù hợp với bản chất và sứ mệnh cụ thể của mình, Tòa Thánh muốn bày tỏ sự dè dặt” liên quan đến việc hội nghị này thúc đẩy phá thai và ý thức hệ về giới.
Tòa Thánh vẫn tiếp tục giữ tư cách là “quan sát viên thường trực” không có quyền bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc.
Đức Hồng y Parolin đã nói gì?
Đức Hồng y Parolin nhấn mạnh sự cần thiết cần phải thúc đẩy phẩm giá của con người trên toàn thế giới. Ngài ca ngợi hội nghị thượng đỉnh là “lý do để hy vọng” vào thời điểm khủng hoảng mà “sự tin tưởng giữa các quốc gia đang bị xói mòn, bằng chứng là sự phổ biến và cường độ xung đột ngày càng gia tăng”.
“Ngày nay, cảm giác thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất đang phai nhạt dần, và giấc mơ cùng nhau làm việc vì công lý và hòa bình dường như đã lỗi thời và xa vời. Điều này sẽ không xảy ra nếu có ý chí tham gia vào cuộc đối thoại chân thành”, Đức Hồng y Parolin nói. “Nếu phẩm giá là nền tảng và sự phát triển toàn diện của con người là mục tiêu tương lai của chúng ta thì đối thoại chính là phương tiện cần thiết”.
Mặc dù “Hiệp ước cho Tương lai” được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh không đề cập rõ đến vấn đề phá thai, nhưng nó nêu rõ mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh là “đảm bảo quyền tiếp cận phổ cập đối với sức khỏe tình dục và sinh sản cũng như quyền sinh sản”. “Sức khỏe sinh sản” và “quyền sinh sản” là những thuật ngữ được sử dụng để chỉ một loạt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chủ yếu dành cho phụ nữ, thường bao gồm cả việc phá thai.
“Về các thuật ngữ ‘sức khỏe tình dục và sinh sản’ và ‘quyền sinh sản’, Tòa Thánh coi những thuật ngữ này áp dụng cho một khái niệm toàn diện về sức khỏe, bao gồm, mỗi thuật ngữ theo cách riêng của chúng, con người trong toàn bộ tính cách, tâm trí và cơ thể của người đó, và thúc đẩy việc đạt được sự trưởng thành cá nhân trong vấn đề tính dục và trong tình yêu và khả năng đưa ra quyết định chung, đặc trưng cho mối quan hệ phu phụ giữa một người đàn ông và một người phụ nữ theo các chuẩn mực đạo đức”, Đức Hồng y Parolin nói.
“Tòa Thánh không coi phá thai hay việc tiếp cận phá thai hoặc thuốc phá thai là một chiều kích của các điều khoản này”, Đức Hồng y Parolin giải thích.
“Liên quan đến ‘giới tính’”, Đức Hồng y Parolin tiếp tục, “Tòa Thánh hiểu thuật ngữ này dựa trên bản dạng giới tính sinh học là nam hoặc nữ”.
Đức Hồng y Parolin còn nhấn mạnh những vấn đề nào khác?
Đức Hồng y Parolin tiếp tục nhấn mạnh niềm tin của Vatican rằng “xóa bỏ đói nghèo” thông qua phát triển toàn cầu phải là “mục tiêu bao trùm của mọi hành động trong tương lai”.
Quốc Vụ Khanh Vatican cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải theo đuổi hòa bình thông qua giải trừ quân bị toàn cầu và “loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân”, đồng thời cho biết rằng “phải gạt bỏ những cân nhắc địa chính trị hẹp hòi và phải chống lại các nhóm vận động hành lang kinh tế mạnh mẽ để bảo vệ phẩm giá con người và đảm bảo một tương lai mà tất cả mọi người có thể tận hưởng sự phát triển toàn diện, cả với tư cách cá nhân lẫn cộng đồng”.
Cuối cùng, Đức Hồng y Parolin cũng cho biết có một “nhu cầu cấp thiết” đối với các chính phủ trong việc quản lý Trí tuệ nhân tạo (AI) và đề xuất một khuôn khổ quản lý toàn diện nhằm giải quyết các vấn đề về đạo đức, bao gồm bảo vệ dữ liệu, trách nhiệm giải trình, sự thiên vị và tác động của AI đối với việc làm.
“Trước hết”, Đức Hồng y Parolin nói, “việc suy nghĩ về tương lai phải tính đến nhu cầu và lợi ích của các thế hệ tương lai. Điều bắt buộc là phải đảm bảo một tương lai có phẩm giá cho tất cả mọi người, đảm bảo cung cấp các điều kiện cần thiết — bao gồm môi trường gia đình nuôi dưỡng — nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển thịnh vượng đồng thời giải quyết vô số thách thức cản trở điều này, bao gồm cả những thách thức phát sinh từ đói nghèo, xung đột, bóc lột và nghiện ngập”.
Minh Tuệ (theo CNA)