Quan điểm "Phát triển" ngoài đời và trong Giáo huấn xã hội Công giáo

Ngày 26/3/2017 là đúng 50 năm Thông điệp Phát triển các dân tộc (Populorum progressio) của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ra đời, không chỉ trong giáo hội, trong xã hội hiện đại cụm từ “phát triển” cũng là cụm từ được liên tục nhắc đến. Vậy “phát triển” được hiểu như thế nào, có gì khác nhau trong con mắt của các nhà lý thuyết đời và trong giáo huấn xã hội của giáo hội Công giáo? 

development

Để có câu trả lời cho câu hỏi trên, xin mời đọc một trích đoạn trong bài “Giáo huấn xã hội Công giáo về ‘phát triển'”, của linh mục Giuse Phan Tấn Thành sau đây.

***

Do một sự trùng hợp may mắn, vào dịp kỷ niệm 50 năm ban hành thông điệp Populorum progressio của Đức Thánh Cha Phaolô VI, tại giáo triều Roma, một cơ quan mới  được tái cấu trúc mang tên là “Bộ Phục vụ sự phát triển toàn diện con người” (Dicastero per il servizio dello sviluppo umano integrale), bắt đầu hoạt động kể từ ngày 1/1/2017, bao gồm lãnh vực hoạt động của bốn Hội đồng Công lý Hòa bình, Đồng tâm, Di dân, Y tế trước đây.

Thật là một cơ hội tốt để chúng ta nghiên cứu đề tài “phát triển” trong Giáo huấn xã hội của Giáo hội (GHXH). Có nhiều lý do để học hỏi:

1/ Đề tài “phát triển” có thể xem như chủ chốt của GHXH hiện đại. Trước đây, các thông điệp xã hội bàn đến nhiều đề tài khác nhau, chẳng hạn như: công bình, lao động, hòa bình. Dần dần, người ta cố gắng tìm ra một tư tưởng chủ chốt để liên kết các đề tài ấy. Xem ra các đề tài của GHXH xoay quanh chủ đề về con người (nhân sinh quan): con người không chỉ được nhìn qua các yếu tố siêu hình, nhưng còn trong những điều kiện sinh sống của lịch sử : con người đang được phát triển xét dưới phương diện cá nhân cũng như tập thể. Nhưng thế nào là phát triển? Phải hiểu phát triển như thế nào, bằng cách nào?

2/ «Phát triển» là một từ ngữ khá thông dụng trong phạm vi tâm lý giáo dục, lịch sử, và đặc biệt là trong lãnh vực kinh tế chính trị. Tại đây, ta thấy có nhiều quan điểm khác nhau về phát triển. Chính trong bối cảnh này mà Giáo hội đề xướng quan điểm của mình. Điều thú vị là ta có thể nhận thấy sự tiến triển trong GHXH về phát triển qua việc sử dụng những thuật ngữ khác nhau: « phát triển toàn thể con người và toàn thể loài người », « phát triển liên đới », « phát triển nhân bản », « phát triển bền vững », vv.

[…]

  • Những quan điểm về phát triển

Trước khi đi vào đề, thiết tưởng nên điểm qua vài quan niệm về phát triển được lưu hành trong kinh tế xã hội vào thời cận đại.

Có nhiều quan niệm về phát triển trong kinh tế học, cách riêng kể từ các thế kỷ XIX-XX. Sau thế chiến thứ hai, nhiều học thuyết về phát triển được đề ra làm chính sách cho các quốc gia và thế giới. Các nước châu Âu rơi vào cảnh tàn phá và cần được tái thiết. Các nước nghèo cũng muốn có chính sách để phát triển kinh tế, trong số đó chúng tôi muốn nhắc đến hai khuynh hướng tương phản, tượng trưng cho hai “ý thức hệ”: tự do và xã hội.

1/ W. Rostow: các giai đoạn phát triển

Trong số các lý thuyết nổi tiếng nhất vào thời ấy, phải kể đến Walt W. Rostow, The Stages of Economic Growth. A Non-Communist Manifesto (1960). Ông phân chia các giai đoạn phát triển kinh tế thành 5 giai đoạn:

a) Giai đoạn xã hội truyền thống: Sản xuất nông nghiệp là chủ yếu do trình độ còn sơ khai. Năng suất lao động còn thấp, cuộc sống vật chất thiếu thốn.

b) Giai đoạn tiền cất cánh: Khu vực kinh tế nông nghiệp và kinh tế tư bản chủ nghĩa tồn tại song song nhau. Thặng dư không còn của mỗi địa chủ, nó được chuyển dần sang nhà tư bản. Thị trường lúc này được mở rộng ra cả trong lẫn ngoài nước.

c) Giai đoạn cất cánh. Cơ sở hạ tầng dần được hoàn thiện. Kinh tế tư bản có tầm vai trò quan trọng thúc đẩy cả nền kinh tế phát triển.

d) Giai đoạn trưởng thành: Ngành công nghiệp bước sang giai đoạn phát triển cao. Tỷ lệ đầu tư-tiết kiệm trong tổng sản phẩm quốc dân GDP là từ 10-20%. Các nhà tư bản lúc này tham gia vào quản lý Kinh tế Nhà nước, dẫn dắt sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

e) Giai đoạn tiêu dùng cao. Con người bước vào giai đoạn phát triển cao nhất. Mọi nhu cầu về vật chất, văn hóa tinh thần đã được đáp ứng đầy đủ. Người ta làm việc hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện, lao động trở thành nhu cầu của con người.

Vào thời ấy, các nước sau đây được xếp vào giai đoạn 5: Anh, Pháp, Hoa kỳ, Đức, Thụy điển, Nhật, Úc. Các nước sau đây được xếp vào giai đoạn 3: Thổ nhĩ kỳ, Argentina, Mexico, Trung quốc. Theo ông Rostow, các chính sách kinh tế cần giúp cho nước tiến tới giai đoạn 5. Tiêu chuẩn để đánh giá sự phát triển là Tổng sản phẩm nội địa (Gross domestic product viết tắt là GDP), dựa trên sự tăng trưởng của sản phẩm xét theo tổng thể hoặc xét theo đầu người.

Học thuyết của Rostow trở thành chính sách kinh tế của phái tự do vào những thập niên 50-60 của thế kỷ XX. Đối với các nước “kém phát triển”, các nhà kinh tế tự do (liberal economics) chủ trương sự phân chia lao động trên thị trường thế giới: một số quốc gia có khả năng sản xuất chất liệu và nông sản thô; một số khác có khả năng sản xuất những sản phẩm chế biến. Vì thế cần phải du nhập các kỹ thuật và tư bản từ các nước tiền tiến ngõ hầu thúc đẩy sự phát triển ở các nước chậm tiến. Dù sao, điều quan trọng là phải loại bỏ những nguyên nhân ngăn trở sự phát triển, để giúp tất cả các nước có thể đạt đến giai đoạn tiêu thụ.

2/ Thuyết cơ cấu

Chống lại học thuyết của phái tự do kinh tế, học thuyết cơ cấu (structuralist), đại biểu bởi nhà kinh tế học Raul Prebisch (người Argentina) chủ trương rằng các nước kém phát triển không nằm ở giai đoạn đầu của tiến trình tăng trưởng, nhưng là kết quả của một bất công. Các nước công nghệ (Hoa kỳ, châu Âu) khai thác các nước nghèo (chẳng hạn châu Mỹ latinh), và giữ lại thặng dư cho mình. Công bình đòi hỏi phải tái phân phối tài sản ấy cho các nước bị khai thác.Dù sao, chính sách phát triển đòi hỏi phải thay đổi cấu trúc chính trị: nhà nước cần can thiệp nhiều hơn vào tiến trình phát triển, chẳng hạn như ngăn cản việc nhập khẩu hàng ngoại để bảo vệ sản phẩm nội hóa.

Như vậy, ta thấy có ít là hai quan niệm khác nhau về việc hoạch định trật tự kinh tế và thương mại thế giới: thuyết tự do chủ trương để cho định luật thị trường định đoạt; thuyết cơ cấu đòi hỏi sự can thiệp của chính quyền.

Bên cạnh những quan điểm khác nhau về phát triển kinh tế, ta không thể bỏ qua sự phân biệt chính trị thời ấy giữa hai khối Tư bản và khối Cộng sản. Thêm vào đó, thập niên 60 (thế kỷ XX) đã chứng kiến sự xuất hiện của những khối khác, chẳng hạn như Thị trường chung Âu châu, khối Thế giới thứ ba.

3/ Giáo hội Công giáo

Trước khi phát biểu thành học thuyết, Giáo hội công giáo đã góp phần vào việc phát triển các nước nghèo, đặc biệt là tại những vùng truyền giáo: các công tác giáo dục, y tế, cải tiến xã hội, cải thiện nông nghiệp, vv. Ngoài ra, từ thập niên 60 (của thế kỷ XX), đã có những chuyên gia kinh tế bắt đầu suy tư về vấn đề phát triển, thảo ra những kế hoạch phát triển cho các chính phủ, trong đó nổi bật nhất là cha Louis-Joseph Lebret OP (1897-1967), sáng lập viên của IRFED (Institut de Recherche et de Formation à l’Économie du Développement) năm 1958, nghiên cứu một thứ “đạo đức phát triển”. Cha được mời làm tư vấn cho nhiều chính phủ ở Mỹ châu latinh, Phi châu, Việt nam, và được mời làm chuyên viên công đồng Vaticano II trong việc soạn thảo hiến chế Gaudium et spes.

  • Những văn kiện đầu tiên của GHXH bàn về  phát triển

Đề tài phát triển được đưa vào các văn kiện của Giáo hội kể từ hai thông điệp Mater et magistra (MM 1961) và Pacem in terris (PT 1963) của ĐGH Gioan XXIII và được công đồng Vaticano II tiếp tục trong hiến chế Gaudium et spes (GS 1965).

Ý thức rằng vấn đề xã hội mang một tầm mức hoàn cầu, được biểu lộ qua những sự chênh lệnh giữa các quốc gia đã phát triển về kinh tế và các quốc gia đang trên đường phát triển (Mater et magistra 157), ba văn kiện vừa kể đã đề nghị vài nguyên tắc then chốt.

  Sự phát triển bao gồm toàn thể các hoạt động của con người, chứ không chỉ giới hạn vào khía cạnh kinh tế. Sự tiến triển kinh tế cần đi đôi với sự cải thiện xã hội (MM 168), và mục tiêu nhắm đến phải là sự « triển nở toàn diện nhân bản » của tất cả mọi công dân, bao gồm cả chiều kích tâm linh  (MM 168; GS 86).

  Sự phát triển các dân tộc là một quyền lợi của tất cả mọi dân tộc (PT 86). Vì thế các nước « đã phát triển » có nghĩa vụ góp phần vào đó, chứ không phải chỉ là một sự chọn lựa dựa trên những ích lợi tùy theo thời cơ (MM 159 ;160 ; GS 86). Những người giàu có bổn phận giúp đỡ người túng thiếu.

  Tuy nhiên, chính các cá nhân và các dân tộc phải là những chủ thể chính của sự phát triển. Vì thế cần phải tránh nguy cơ sử dụng những hình thức viện trợ như là dụng cụ trá hình cho sự thống trị chính trị, kinh tế và xã hội ; làm như vậy là xúc phạm đến phẩm giá các cá nhân và các dân tộc (MM 171 ; PT 121 ; GS 85).

  Sau cùng, sự phát triển gắn liền với hòa bình thế giới. Một cách tiêu cực, hòa bình luôn bị đe dọa bao lâu còn có những bất công kinh tế và xã hội (MM 157). Một cách tích cực hơn, PT 109 nói rằng hòa bình chỉ có thể thành tựu khi cổ võ trật tự công bình, trong đó các quyền lợi của cá nhân và của các dân tộc được tôn trọng.

Những ý tưởng vừa kể sẽ được khai triển trong thông điệp Populorum progressio, hiến chương của Giáo hội về sự phát triển. Phát triển không phải là một đề tài bên lề nhưng là đề tài chủ chốt của GHXH: “Sự phát triển của toàn thể con người và của tất cả các dân tộc”. Sự phát triển là một tiến trình từ những điều kiện kém nhân bản đến những điều kiện nhân bản toàn vẹn, và sự sung mãn của con người chỉ có được nơi Thiên Chúa. Tư tưởng của Đức Phaolô VI sẽ được các vị kế nhiệm bổ túc thêm nhân dịp kỷ niệm 20 năm và 40 năm ban hành.

Giuse Phan Tấn Thành, OP

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết