Quan điểm của Tòa Thánh tại Hội nghị về Đại dương

Quản lý, Bảo vệ, Bảo tồn và Phục hồi Hệ sinh thái biển và Vùng duyên hải

20170607 Hội nghị Đại dương

Bài phát biểu của ĐHY Peter Turkson,

Tổng trưởng Thánh Bộ Cổ võ Phát triển con người Toàn diện,

Trưởng Phái đoàn Tòa Thánh tại

Hội nghị Liên Hiệp Quốc hỗ trợ thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững 14:

Bảo tồn và Sử dụng bền vững Đại dương, Biển và Tài nguyên biển để phát triển bền vững

Đối thoại đối tác 2:

Quản lý, bảo vệ, bảo tồn và khôi phục hệ sinh thái biển và ven biển

New York, ngày 6 tháng 6 năm 2017

 

Thưa ngài Chủ tịch,

Các hoạt động của con người trên các đại dương có thể sẽ gia tăng trong tương lai. Các tuyến hành lang hàng hải sẽ tiếp tục phải hứng chịu mật độ giao thông đông đúc hơn. Các tuyến vận chuyển mới sẽ mở ra do nhu cầu vận tải lớn hơn trong việc khai thác đánh bắt cá, khai thác mỏ, thăm dò và khoan dầu khí và khí đốt tự nhiên. Việc khai thác ngày càng dữ dội hơn đối với cả những lợi ích về khoa học và thương mại của các nguồn tài nguyên biển sẽ diễn ra. Công nghệ cũng sẽ được cải thiện, tạo cơ hội tiếp cận nhiều hơn và sử dụng lành mạnh hơn đối với các nguồn lực như vậy.

Mặc dù điều này tạo ra một thách đố lớn hơn đối với việc làm cho các đại dương, các vùng biển và các nguồn tài nguyên biển của chúng ta trở nên bền vững, thế nhưng nó cũng là cơ hội tốt để cải thiện kiến thức cũng như việc nghiên cứu về biển, để phát triển các chiến lược bảo vệ tốt hơn và các kỹ thuật giảm nhẹ nhằm giảm thiểu sự xuống cấp của môi trường chẳng hạn như vấn đề axit hóa đại dương, và để cải thiện cuộc sống của những người dân phụ thuộc vào nguồn tài nguyên biển đối với vấn đề an ninh lương thực, môi trường sống và sinh kế của người dân. Hãy để cho thách đố này được tận dụng để cải thiện các chính sách, luật pháp, quy định và hành vi của chúng ta nhằm làm cho sự thịnh vượng về mặt kinh tế và xã hội được phù hợp với tính bền vững của môi trường.

Cần phải khuyến khích việc sử dụng bền vững và hữu ích đối với các nguồn tài nguyên biển ở cấp độ toàn cầu và địa phương, trong khi các quy tắc quốc tế và quốc gia cần phải mạnh mẽ để giảm thiểu các hoạt động có hại. Chẳng hạn như, việc tạo ra các ưu đãi về thuế, tái xác định các khoản trợ cấp có hại hoặc không hiệu quả và đồng thời điều chỉnh các yêu cầu về vốn nhằm khuyến khích các tổ chức tài chính tăng cường cho vay kinh doanh đối với các khoản đầu tư thân thiện với môi trường biển có thể thúc đẩy những thay đổi có lợi trong việc quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phục hồi biển và các hệ sinh thái ven biển.

Chúng ta không thể nói về các hệ sinh thái biển và ven biển mà không quan tâm đến những người dân hiện đang sinh sống ở đó, bởi vì môi trường con người và môi trường tự nhiên sẽ cùng nhau sinh sôi nảy nở hoặc sẽ có thể cùng nhau trở nên xấu đi. Trong Thông Điệp Laudato Si của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nói về nhu cầu về “một hệ sinh thái toàn diện, mà trong đó cố nhiên tôn trọng các khía cạnh về mặt con người và xã hội” [1] của tự nhiên. “Chúng ta không thể chống lại sự thoái hoá môi trường một cách đầy đủ” – ĐTC Phanxicô nhấn mạnh – “trừ khi chúng ta phải quan tâm đến những nguyên nhân liên quan đến sự suy thoái về mặt xã hội và con người … Chẳng hạn như, việc suy giảm trữ lượng đánh cá đặc biệt làm tổn thương đến các cộng đồng ngư dân nhỏ mà không có các phương tiện để thay thế các nguồn lực đó; việc ô nhiễm nguồn nước đặc biệt ảnh hưởng đến những người nghèo không thể mua nước đóng chai; và việc mực nước biển tăng lên chủ yếu ảnh hưởng đến các quần thể những người dân vùng duyên hải nghèo khổ, những người không có nơi nào khác để đến”. [2]

Thưa ngài Chủ tịch,

Các cơ cấu quản trị hiện tại đối với các đại dương chủ yếu được thiết lập theo cách thức thuộc về mỗi khu vực dựa trên quyền lợi, và hiện vẫn còn tồn tại một khoảng trống đối với các cơ quan quản lý với nhiệm vụ bảo tồn toàn bộ hoặc một phần. Khi chúng ta xem xét những khoảng cách về mặt pháp lý, cần phải giải quyết những khác biệt giữa việc bảo tồn và sử dụng bền vững.

Về vấn đề này, phái đoàn của tôi thừa nhận rằng Liên Hiệp Quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái biển và ven biển. Do đó, một cách tiếp cận hiệu quả hơn và thống nhất hơn của LHQ là hết sức cần thiết. Ví dụ, việc mở rộng Điều khoản tham chiếu cho Liên Hiệp Quốc về OCEANS là cơ chế phối hợp liên ngành tại Liên Hiệp Quốc sẽ được hết sức hoan nghênh.

Xin cảm ơn ngài Chủ tịch,

 1. Đức Giáo hoàng Phanxicô, Thông Điệp Laudato Si’, số 137.

2. Đức Giáo hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’, số 48.

Minh Tuệ chuyển ngữ

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết