Báo Guardian viết về Đức Phanxicô: Chiến sĩ bảo vệ nhân loại

Những lời lẽ hùng hồn của Đức Giáo hoàng chống lại sự tham lam, bất công và phá hủy môi trường bắt rễ từ quan điểm của một người bảo thủ thông thái.

dtc-phanxicoĐức Giáo hoàng Phanxicô nắm tay mọi người sau một thánh lễ chiều tại thánh đường Thánh Phêrô tại Vatican, 31/12/2016. Ảnh: Andrew Medichini/AP

Đức Giáo hoàng Phanxicô đang đứng đầu một tổ chức đã đấu tranh chống lại dân chủ, tự do, bình đẳng và nữ quyền trong suốt một thời gian gần 200 năm kể từ cuộc cách mạng Pháp 1789. Thật kỳ lạ là bây giờ Ngài đang được một số người coi là chiến sĩ bảo vệ những giá trị kể trên, những giá trị dường như đang bị tấn công ở mọi nơi. Chìa khóa để hiểu rõ sự mâu thuẫn này là thực tế  bản thân Đức Giáo hoàng không phải là một người theo chủ nghĩa tự do. Ngài là một người có quan điểm bảo thủ, không tin vào mọi trường phái theo đuổi việc cải thiện nhân loại, dù là những người theo chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tự do, và Ngài cũng như 1.2 tỷ tín đồ tin vào sự tồn tại của tội lỗi và ác quỷ.

Nếu quan điểm bảo thủ đại diện cho mọi thứ ngoài tham vọng tàn nhẫn ỷ mạnh hiếp yếu, quan điểm đó hoàn toàn nghi ngờ về khả năng hướng thiện của con người, một niềm tin mà như Milton đã chỉ ra rằng nhờ nó chúng ta sẽ không ngừng “tìm kiếm cho mình những hạt giống từ trái tim chai đá cũng như những điều tốt đẹp từ trong cảnh khốn cùng”. Nhận định đó không hoàn toàn là chân lý tuy nhiên trong một trật tự thế giới được hình thành bởi những tính toán lợi ích cá nhân, một thế giới đang bị tóm chặt bởi sự ích kỷ và sự giận dữ – bao gồm cả “tai họa khủng bố” mà Đức Phanxicô thúc giục chúng ta phải chiến đấu chống lại khi nó lại tấn công Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa- một chút tư tưởng hoài nghi cay đắng của Milton cũng có lợi, thậm chí còn mang lại niềm hy vọng.

Đối với Đức Giáo hoàng, một trật tự thế giới dựa trên sự thỏa mãn vô độ những ước muốn cá nhân là một trật tự thế giới không thể tồn tại, và nếu vẫn nỗ lực đạt tới điều đó thì chỉ mang lại sự phá hủy đối với thế giới xung quanh chúng ta cũng như sự bình an nội tâm của chúng ta. Ngài đã viết trong một thông điệp mạnh mẽ về môi trường cách đây 18 tháng rằng: “Khi con người trở nên ích kỷ và khép kín, sự tham lam của họ tăng lên. Trái tim của một người càng ngày càng trở nên trống rỗng khi họ ngày càng có thêm những nhu cầu mua, sở hữu và tiêu thụ thứ gì đó. Họ trở nên hầu như không thể chấp nhận được những giới hạn khách quan”.  Lời lẽ có tính tấn công này không chỉ giới hạn trong một thông điệp, nhưng đã trở thành một trong những chủ đề quan trọng nhất trong toàn bộ lời giảng dạy của Ngài, chẳng hạn gần đây nhất là trong bài giảng ngày đầu Năm Mới: “Thiếu đi những mối liên hệ thể lý (đây không phải liên hệ về đạo đức) làm cho trái tim của chúng ta trở nên chai đá và khiến chúng ta mất đi khả năng nhạy cảm và hứng thú, khả năng thương xót và đồng cảm”. Nhưng Ngài nói tiếp rằng: “Chúng ta không phải những phương tiện trao đổi thương mại hay những bộ xử lý thông tin. Chúng ta là những đứa trẻ, chúng ta là người cùng nhà, chúng ta là dân Chúa”.

Đây là sự phát triển tiếp nối mạch quan điểm chí trích của Giáo hội Công giáo đối với thế giới theo góc nhìn của các nhà kinh tế học, ít nhất là bắt đầu từ thông điệp Tân Sự năm 1891 của Đức Giáo hoàng Leo XIII, và có thể nói là bắt rễ sâu xa từ nền móng của nền văn minh phương Tây, từ quan điểm của Aristole và Aquinas. Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo đưa ra một góc nhìn thống nhất về cách các cá nhân tham gia vào xã hội. Giáo huấn xử lý trực tiếp hai vấn đề lớn của thời đại chúng ta: nền kinh tế nên được vận hành thế nào để mọi người đều được hưởng lợi, và xã hội chúng ta nên đối xử thế nào với môi trường tự nhiên. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã khiến mọi người kinh ngạc khi trở thành một nhà bảo vệ mạnh mẽ cho nhân quyền, môi trường và hòa bình đồng thời chống lại sự tàn phá của chủ nghĩa tư bản. Ngài không chỉ nói suông, đấm vào bị bông. Trên thực tế, nhiều lần, có cảm giác Ngài như một nhà cách mạng thực sự.

Ngài viết trong thông điệp của mình hồi năm 2015 rằng: “Chúng ta nên cảm thấy phẫn nộ trước sự bất công quá lớn tồn tại giữa chúng ta”, “Chúng ta không nhận ra rằng một số người đang chìm đắm trong cảnh tuyệt vọng và nghèo đói hèn hạ, không có lối thoát, trong khi có những người khác không thể nào  tiêu dùng hết tài sản của mình, khoe khoang tự phụ về đẳng cấp siêu việt mà họ tự gán cho mình và hoang phí đến độ mà nếu ở đâu cũng xuất hiện sự hoang phí như thế thì hành tinh này sẽ bị hủy diệt. … Chúng ta tiếp tục nhượng bộ trước thực tế rằng một số người coi mình thượng đẳng hơn những người khác”.

ba%cc%89ngVới một cảm xúc có lẽ chỉ có ở vùng Nam Mỹ, Ngài bày tỏ sự gớm ghét đối với mô hình tư bản tăng tốc của Mỹ bắt đầu từ thời Ronald Regan: Ngài hoàn toàn phản đối ý tưởng rằng sự tham lam, mà chỉ có thể bị kiềm chế bởi lợi ích cá nhân, được thực hiện thông qua một thị trường, sẽ làm cho thế giới trở nên tốt đẹp. Quan điểm Công giáo của Ngài hầu như đối lập hoàn toàn với khuynh hướng chiếm ưu thế của cộng đồng Kitô giáo phái Phúc âm gồm những người Mỹ da trắng.

Ngài thẳng thắn phản đối việc tra tấn và sự ngược đãi đối với người tị nạn, thậm chí là án tử hình, đây cũng là những vấn đề mà những người sùng đạo trong Đảng Cộng hòa quan tâm. Ngày càng có nhiều người Mỹ ủng hộ tra tấn như một công cụ của chính sách chính phủ hơn là những người ở Iraq, Sudan hay Afghanistan ủng hộ điều này. Với một loạt những cử chỉ gây xúc động – thăm viếng các trại tị nạn, đón các di dân về Vatican, công khai rửa chân cho một phụ nữ Hồi giáo – Đức Giáo hoàng bày tỏ rằng Ngài muốn giáo hội đứng bên cạnh người tị nạn và người di dân. Khi còn là Tổng Giám mục Buenos Aires, Ngài đã viếng thăm các khu ổ chuột bằng xe bus.

Đây là những cử chỉ có tác động mạnh mẽ bắt nguồn từ một ngụ ý sâu xa hơn. Nó đặt Ngài ở vị trí chống đối lại phần lớn thế giới hiện đại cũng như những quyền lực mạnh mẽ tại cả Moscow và Washington. Tuy nhiên, ngay trong giáo hội, nó cũng gây ra những sự chống đối đáng buồn và những chống đối này có nhiều nguồn tài trợ. Về sâu xa, Vatican có lẽ cũng cần thiết là một tổ chức cản lại đà tiến bộ, nhưng một người bảo thủ thông thái như Đức Giáo hoàng Phanxicô biết khi nào thời đại thay đổi và khi nào phải thích ứng. Những kẻ phản động lầm lẫn giữa hiện tại với cái luôn tồn tại, và do đó không thể chấp nhận bất kì sự thay đổi nào.

Những kẻ thù quanh Ngài

Các tổ chức phản động chắc chắn sẽ thất bại về lâu dài. Thế giới thay đổi, và không thể mãi chối từ sự thay đổi. Tuy nhiên, Giáo hội Công giáo có thể và thường tìm cách giữ vững lập trường của mình trong hàng thế kỷ. Đó là một thế lưỡng nan mà Đức Giáo hoàng phải đối mặt khi Ngài cố gắng giúp Giáo hội làm quen với chủ nghĩa nữ quyền. Giáo hội Công giáo, là một tổ chức mang tính gia trưởng sâu sắc, chưa từng có ai gọi Đức Giáo hoàng là Đức Thánh Mẹ, trong khi giáo hội vẫn phải nhờ đến những công việc cũng như lòng đạo đức của người phụ nữ để duy trì toàn bộ tầm vóc vĩ đại của mình. Những nhượng bộ đối với chủ nghĩa nữ quyền mà Ngài đề xuất cũng không đi xa như người ta nghĩ. Ngài vẫn không chấp nhận truyền chức linh mục cho nữ giới, và hoàn toàn chống đối phá thai – mặc dù bây giờ tất cả các linh mục đều có thể tha thứ cho những người đã phá thai. Nhưng Ngài đã có những bước đi quyết định khi cho phép các giáo xứ công nhận một số cuộc tái hôn là hôn nhân hợp pháp.

Trong Giáo hội, có những người phản động đã lên án Ngài về điều đó, coi Ngài như là một kẻ dị giáo, một kẻ cấp tiến phá hoại, và một người có những chính sách chắc chắn dẫn đến một cuộc ly giáo trong lịch sử và rời bỏ khỏi truyền thống. Trong khi đó, Ngài cũng làm những người cấp tiến thất vọng. Họ đã hi vọng nơi Ngài một số sự thay đổi căn bản liên quan đến việc chấp nhận người đồng tính và vai trò của phụ nữ trong hệ thống chức thánh của giáo hội.

Chiến sĩ bảo vệ nhân loại

Một lần nữa, sự mâu thuẫn nói trên sẽ được giải thích nếu đặt dưới ánh sáng của thực tế rằng đây là một người bảo thủ tin rằng tội lỗi có thể làm tác động đến bất kể điều gì, thậm chí là cả đến giáo hội mà Ngài đang dẫn dắt. Các lề luật và quy định của giáo hội có thể trở thành những hệ thống không tưởng cho các hiệp hội có tổ chức, và cũng có thể trở nên nhân tố phá hoại khi áp dụng một cách giáo điều như những lời Ayn Rand đã nói. Các đối thủ phản động của Ngài, những người đã bắt đầu cầu nguyện và tìm cách xếp đặt một vị kế nhiệm Ngài, muốn một vị giáo hoàng tuyên bố “những quy định đạo đức có tính tuyệt đối để ngăn cấm những hành động tội lỗi về bản chất và được thực hiện mà không có sự loại trừ” – điều này nghe có vẻ hợp lý cho đến khi bạn nhận ra rằng những lời này không phải là trích dẫn từ một lời kết án chiến tranh hay tình trạng nô lệ, nhưng là trích dẫn lời kết án của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đối với việc tránh thai.

Tuy nhiên, trong một thế giới với toàn sự thay đổi gây bối rối, những nhà cấp tiến cũng như bảo thủ cần nhớ rằng những quy tắc đạo đức tuyệt đối luôn tồn tại và có hành động luôn luôn bị kết án là tội ác. Nhưng hình thức của chúng thay đổi. Một phần tư thế kỷ trước, Liên bang Xô viết đã sụp đổ. Những quan điểm khi đó thịnh hành trong giáo hội sẽ không có tác dụng đối với chúng ta ngày hôm nay. Sự nghèo đói, tham lam trên toàn cầu, sự phá hủy môi trường là những gì đang đe dọa chúng ta ngày hôm nay, tuy nhiên, chúng ta có Đức Giáo hoàng Phanxicô là một chiến sĩ bảo vệ nhân loại khỏi những tội ác đó.

P.B. chuyển ngữ 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết