Theo một quan chức Vatican, đại hội thế giới sắp tới được tổ chức bởi một tổ chức Công giáo mang tên ‘Tông Đồ biển’ (Apostleship of the Sea) sẽ tập trung vào hoàn cảnh của ngư dân, những người thường phải đối mặt với việc bị bóc lột trong việc thực hiện công việc của mình.
Ngài than phiền rằng không có giấy chứng nhận ‘Thương mại Công bằng’ tồn tại đối với các sản phẩm của họ.
“Chúng ta cần phải được đào tạo”, linh mục Bruno Ciceri phát biểu với CNA hôm 20/9 vừa qua. “Thực phẩm đông lạnh ở đây rất rẻ, nhưng đó là bởi vì người dân bị bóc lột, vì lao động cưỡng bức, bởi vì có nhiều người là nạn nhân của nạn buôn người làm việc trên các tàu đánh bắt cá này”.
Đề cập đến nhãn mác cho các sản phẩm từ các nước đang phát triển vốn phải tuân thủ các tiêu chuẩn về đạo đức kinh doanh, linh mục Bruno Ciceri nói, “Chúng ta nói rất nhiều về ‘Thương mại Công bằng’. Tôi không biết ngày nào chúng ta cũng sẽ có được ‘Thương mại Công bằng’ trong ngành đánh bắt cá. Điều đó sẽ tạo ra một sự khác biệt”.
Cha Ciceri là một thành viên của Thánh Bộ Cổ võ sự sự phát triển con người toàn diện. Ngài cũng là đại biểu của Tòa Thánh Vatican tại tổ chức Tông Đồ Biển, vốn cung cấp việc chăm sóc mục vụ cho các thuyền viên và gia đình của họ.
Cha Ciceri cũng đã làm việc cho tổ chức Tông Đồ Biển ở Đài Loan trong vòng 13 năm.
Đại hội Thế giới tiếp theo, vốn được tổ chức 5 năm một lần, sẽ diễn ra tại Kaohsiung, Đài Loan, từ ngày 1/10 đến 7/10 sắp tới. Các tham dự viên đáng chú ý bao gồm: Đức Hồng y Peter Turkson, Tổng trưởng Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người Toàn diện, Đức Hồng y Charles Bo Địa phận Yangon, và Đức Tổng Giám Mục Marcelo Sanchez Sorondo, Giám đốc Giáo Hoàng Học viện về Khoa học.
Đài Loan đã được lựa chọn để tổ chức Đại hội lần thứ 25 vì phần lớn các đoàn tàu đánh cá trên thế giới tập trung ở quốc đảo này; khoảng 36% đội tàu đánh bắt cá ngừ trên thế giới là người Đài Loan.
Khi nói đến ngành công nghiệp đánh cá, Đài Loan phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, linh mục Ciceri nói. Một phần bởi vì Đài Loan không phải là thành viên của Liên Hiệp Quốc, cho nên họ không bắt buộc phải làm theo các công ước của Liên Hiệp Quốc về nghành thương mại đánh bắt cá.
Nhìn chung, những thách thức tương tự cũng ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp, linh mục Ciceri cho biết, bao gồm các điều kiện lao động nghèo nàn và tiền lương ít ỏi cũng như việc bóc lột lao động, chẳng hạn như những gì xảy ra giữa ngư dân và những kẻ môi giới.
Chẳng hạn như, linh mục Ciceri cho biết rằng một tình huống phổ biến là khi một nhà môi giới sẽ ký hợp đồng ngư dân với sự hứa hẹn về một mức lương nhất định nào đó. Trong số này, có thể chỉ có 20% lương được trả trực tiếp cho ngư dân và 80% sẽ do người môi giới nắm giữ, và số tiền lương này sẽ chỉ được hoàn trả sau khi ngư dân hoàn thành hợp đồng 3 năm. Nếu những ngư dân này rời khỏi đây, họ sẽ mất hết tất cả mọi thứ.
Vì vậy, ngành đánh bắt cá cần phải “dẹp bỏ hành động này của họ”, linh mục Ciceri nói, nhưng về phía những người thu mua cũng vậy – những công ty lớn thực hiện việc thu mua cá để nhập khẩu.
Một điều mà tổ chức Tông Đồ Biển muốn thực hiện, linh mục Ciceri nói, đó là phải đảm bảo rằng các công ty lớn sẽ kiểm tra các nguồn cung cấp của họ và đồng thời đảm bảo rằng họ sẽ không lợi dụng từ việc lao động cưỡng bức hoặc các vi phạm khác.
“Thường thì các công ty này chỉ cần chắc chắn một điều rằng tất cả đều được đảm bảo vấn đề vệ sinh … nhưng họ không hề lưu tâm đến vấn đề của các ngư dân”, linh mục Ciceri nói. “Trong khi đối với chúng ta với tư cách là Giáo Hội, con người là vô cùng quan trọng. Cá thì quan trọng đấy, nhưng con người lại quan trọng hơn”.
Đôi khi chúng ta sẽ đọc được trên những hộp cá ngừ rằng chúng đã được đánh bắt mà không “làm tổn thương đến bất cứ con rùa nào hoặc không giết hại bất cứ chú cá heo nào”, linh mục Ciceri nói. “Cảm ơn rất nhiều, nhưng còn những ngư dân thì sao?”.
“Nhưng điều đó đã không được xem xét. Tôi thiết nghĩ cần phải có một sự cân bằng về những điều này.
Đúng là chúng ta phải lo lắng đối với các loài cá và những thứ khác, nhưng chúng ta cũng phải lo lắng cho chính con người”.
Đối với những người bình thường muốn làm điều gì đó, linh mục Ciceri tiếp tục, thậm chí ngay cả việc nhận thức về những thực tiễn này, và lý do tại sao các sản phẩm lại có thể rẻ đến như vậy, đó chính là bước đầu tiên.
“Đúng là chúng ta luôn muốn tiết kiệm tiền bạc”, nhưng có lẽ đôi khi chúng ta có thể cân nhắc mua một sản phẩm đắt tiền hơn mà chúng ta biết rằng chúng ta đã trả cho những người ngư dân một cách công bằng.
Đức Hồng Y Turkson đã gửi một thông điệp vào ngày 9 tháng 7 nhân dịp “Chúa Nhật Biển”, phản ánh về những vấn đề này và đồng thời cho biết rằng tại Đại hội vào tháng Mười “chúng ta sẽ củng cố mạng lưới của chúng ta với mục tiêu tăng cường sự hợp tác giữa các tổ chức Tông Đồ Biển của các quốc gia khác nhau; chúng ta sẽ chia sẻ các nguồn lực và các phương pháp hữu hiệu nhất để phát triển các kỹ năng cụ thể, đặc biệt là trong ngành đánh bắt cá”.
“Chúng ta hãy nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, Ngôi Sao Biển, củng cố và duy trì tinh thần phục vụ phục vụ và sự cống hiến của chúng ta cho tất cả các thuyền viên, các ngư dân cùng với các gia đình của họ và đông thời bảo vệ tất cả những người phải lênh đênh trên biển cho đến khi họ ‘cập bến an toàn’ nơi Thiên Quốc”.
Minh Tuệ chuyển ngữ