
Một phụ nữ đẩy một bà cụ ngồi trên xe lăn đến tiêm vắc-xin Moderna chống COVID-19 tại Thính phòng Âm nhạc ở Rome ngày 14 tháng 4 năm 2021 (Ảnh: Yara Nardi / Reuters qua CNS)
Với việc Ý sẵn sàng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc hợp pháp hóa thực hành an tử, quan chức hàng đầu của Vatican về các vấn đề về sự sống và người đứng đầu ủy ban chăm sóc người cao tuổi của chính phủ Ý đã đưa ra một hiến chương mới nhấn mạnh sự cần thiết đối với việc chăm sóc giảm nhẹ tốt hơn.
Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia người Ý, Chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Sự sống, đã trình bày hiến chương, với tiêu đề, “Hiến chương về Quyền của Người cao tuổi và Nhiệm vụ của Xã hội”, với Thủ tướng Ý Mario Draghi trong một buổi tiếp kiến vào ngày 1 tháng 9 cũng có sự tham dự của Bộ trưởng Y tế của Ý, Roberto Speranza.
Được soạn thảo bởi Ủy ban chăm sóc người cao tuổi sau khi được thành lập bởi Bộ Y tế Ý vào năm ngoái, bản Hiến chương đã vạch ra các nguyên tắc và quyền cơ bản của người cao tuổi, đồng thời đưa ra các đề xuất cả về hoạt động và tổ chức cho các tổ chức và các thực thể khác có trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi.
Theo tờ Il Tempo của Ý, Thủ tướng Draghi đã ca ngợi Hiến chương và nói rằng, “công việc được triển khai bởi Đức Tổng Giám mục Paglia và Ủy ban là phi thường. Đây là một sáng kiến có tầm quan trọng to lớn về mặt xã hội và đạo đức”.
“Ý phải đảm bảo quyền của người cao tuổi và tôn trọng phẩm giá của con người, trong mọi điều kiện. Việc chăm sóc sức khỏe xã hội phải đầy đủ và có trách nhiệm. Do đó, chính phủ sẽ hỗ trợ đề xuất can thiệp được trình bày ngày hôm nay”, Thủ tướng Draghi nói.
Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News sau cuộc họp với Thủ tướng Draghi, Đức Tổng Giám mục Paglia cho biết Bộ Y tế đã chấp nhận đề xuất của Hiến chương về việc chăm sóc giảm nhẹ, bao gồm cả việc chăm sóc tại nhà “để sẽ có một mạng lưới trợ giúp khi chúng ta suy yếu và các vấn đề phát sinh”.
Đức Tổng Giám mục Paglia cho biết đây là “một phương pháp chữa trị chống lại cơn đau và hơn hết là việc chăm sóc người già trong những năm qua”.
Tin tức này được đưa ra khi chính phủ Ý phải đối mặt với áp lực hợp pháp hóa an tử sau một đề xuất trưng cầu dân ý được đưa ra vào ngày 18 tháng 8 bởi một loạt các tổ chức khác nhau, nhưng do Hiệp hội Luca Coscioni – được thành lập vào năm 2002 để bảo vệ “quyền tự do dân sự và nhân quyền”.
Ở Ý, yêu cầu “trợ tử về y tế” là điều hợp pháp hiện nay, nghĩa là sự trợ giúp gián tiếp từ bác sĩ để được chết theo những điều kiện cụ thể: khi các bệnh nhân yêu cầu biện pháp này hoàn toàn nhận thức và biết về những gì thủ tục liên quan, và họ sẵn lòng; khi họ mắc một bệnh lý không thể phục hồi gây ra đau khổ nghiêm trọng về tinh thần hoặc thể chất; và khi họ chỉ có thể sống sót với sự trợ giúp của các phương pháp điều trị duy trì sự sống.
Tuy nhiên, bản thân an tử – việc bác sĩ trực tiếp giết bệnh nhân – vẫn bị coi là một tội ác trong luật pháp Ý.
Chiến dịch trưng cầu dân ý bắt đầu vào tháng 7 với mục tiêu thu thập 500.000 chữ ký theo yêu cầu trước ngày 20 tháng 9.
Những chữ ký đó đã được thu thập và giờ đây sẽ được trình lên tòa án Ý để xem xét. Nếu các tòa án cho rằng khả năng cuộc trưng cầu dân ý là hợp pháp, cuộc bỏ phiếu sẽ được tổ chức vào năm 2022.
Trong cuộc phỏng vấn với Vatican News, Đức Tổng Giám mục Paglia không đề cập trực tiếp đến cuộc trưng cầu dân ý, nhưng khi được hỏi, ngài hco biết rằng “chắc chắn” Hiến chương là một phản ứng đối với cuộc trưng cầu dân ý này.
“Những câu hỏi về vấn đề an tử thường không phải là những câu hỏi về cái chết, mà là những câu hỏi về sự trợ giúp để không đau khổ, không cô đơn, không bị bỏ rơi. Chính ý thức này mà chúng ta phải trang bị một cách sáng tạo và khẩn trương để phản ứng với sự đồng hành”, Đức Tổng Giám mục Paglia nói.
Đức Tổng Giám mục Paglia cho biết yêu cầu được chết là điều không bình thường, và điều mà những người hướng tới điều này thực sự muốn và cần “đó là không bị bỏ rơi và không phải đau khổ”.
“Theo nghĩa này, kế hoạch này đối phó với những vấn đề này, cũng bởi vì không may là số người bị bỏ rơi và những người lẻ loi cô độc một mình và những người muốn sống tốt là một con số rất lớn. Nhưng không ai nói về chúng”.
“Kinh nghiệm của tôi nói rằng nơi nào có sự chăm sóc, nơi nào có liệu pháp giảm đau, mọi người đều mong muốn được tiếp tục sống”, Đức Tổng Giám mục Paglia nói.
Bản thân Hiến chương được chia thành ba phần, phần đầu tiên được dành riêng về “Việc tôn trọng phẩm giá của con người ngay cả khi về già”. Phần này liệt kê các quyền của người cao tuổi, mặc dù không được đề cập cụ thể trong Hiến pháp, nhưng ủy ban cho rằng đó là chìa khóa cho việc cải cách việc chăm sóc sức khỏe và xã hội của người cao tuổi.
Phần thứ hai, có tiêu đề “Về việc chăm sóc có trách nhiệm”, bao gồm cả quyền của người cao tuổi và các nghĩa vụ mà bác sĩ, chuyên gia y tế và các tổ chức y tế có liên quan đến việc chăm sóc người cao tuổi và các phương pháp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Trong phần thứ ba, có tiêu đề, “Vì một cuộc sống tích cực của các mối tương quan”, vấn đề của sự cô đơn đã được đề cập, nhấn mạnh quyền của người cao tuổi được sống chung và tiếp cận các dịch vụ văn hóa và giải trí, cũng như bày tỏ suy nghĩ của họ về các vấn đề, bất chấp những hạn chế về tâm lý-thể chất mà họ có thể có.
Nó cũng nhấn mạnh những nghĩa vụ mà các thể chế và xã hội phải thực hiện trong việc ngăn chặn người cao tuổi khỏi bị cô lập và giam giữ, đồng thời tìm cách giúp người cao tuổi hiểu rõ hơn về các quyền và bổn phận cơ bản của họ cũng như nghĩa vụ của những người chăm sóc họ hoặc tiếp xúc với họ dưới bất kỳ hình thức nào.
Lưu ý rằng có 25 triệu người ở Ý từ 65 tuổi trở lên, Đức Tổng Giám mục Paglia cho biết rằng theo hệ thống chăm sóc hiện tại, hầu hết những người này đều phải ở trong một viện và hoàn toàn đơn độc.
Theo Đức Tổng Giám mục Paglia, điều mà Hiến chương hướng tới là nâng cao nhận thức trong xã hội Ý về nghĩa vụ, đặc biệt là đối với chính phủ, chăm sóc người cao tuổi, bắt đầu bằng việc chăm sóc tại nhà riêng của họ và tiếp tục chất lượng chăm sóc tương tự khi năm tháng trôi qua.
Trong một chương, Đức Tổng Giám mục Paglia nói, có một điều khoản yêu cầu những người trên 80 tuổi phải được một nhóm y tế xã hội đến thăm hai lần một năm để có thể xác định và lập kế hoạch cho một quá trình chăm sóc cho họ.
Đức Tổng Giám mục Paglia cũng ủng hộ việc xây dựng nhà ở tập thể cho những người cao tuổi, để họ không phải sống cô đơn một mình, và ít nhất một nghìn trung tâm sẽ được mở trên khắp đất nước cho phép người cao tuổi bị khuyết tật hoặc các vấn đề cụ thể có thể ra ngoài, trong khi tiếp tục sống trong gia đình với sự giúp đỡ, hỗ trợ và chăm sóc mà họ cần.
Điều này sẽ dẫn đến khoảng 100.000 cơ hội việc làm mới cho các nhân viên xã hội mới, những người sẽ được giao nhiệm vụ thăm viếng những người lớn tuổi tại tư gia, và đưa họ đến các trung tâm này, Đức Tổng Giám mục Paglia nói.
Đức Tổng Giám mục Paglia cho biết cũng có một đề xuất đối với các cơ sở nằm viện dài hạn, mà theo ngài sẽ phải được “cân nhắc” trong bối cảnh hệ thống chăm sóc người cao tuổi hiện đang được xem xét kỹ lưỡng. Mỗi cơ sở này, Đức Tổng Giám mục Paglia nói, “đều phải có các trung tâm phục hồi chức năng, không gian chung, và các trung tâm trợ giúp tại nhà”.
Một điều khác mà Hiến chương dự đoán, và là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã ủng hộ từ lâu, là sự tương tác giữa những người lớn tuổi và các thế hệ trẻ, đặc biệt là tại các trung tâm này.
“Đối với tôi, một tầm nhìn quan trọng cần nhấn mạnh đó là việc tái tổ chức việc chăm sóc sức khỏe cho toàn xã hội, và do đó những người trẻ tuổi nhất, thấy rằng quá trình già hóa không phải là một bi kịch. Việc có 20 hoặc 30 năm cuộc đời được hiến tặng bởi khoa học, sự tiến bộ, phát triển, không có nghĩa là số phận phải chịu sự cô đơn và bị bỏ rơi”, Đức Tổng Giám mục Paglia nói.
“Vì vậy, đối với những người trẻ tuổi nhất, việc nhìn thấy tương lai của chính họ – thậm chí hàng thập kỷ dài – đáng sống, chắc chắn sẽ có ích về mặt tâm lý và hiện sinh”.
Minh Tuệ (theo Crux)