
Quan chức ngoại giao hàng đầu của Vatican cho biết rằng sự suy tàn của phương Tây không phải là không thể đảo ngược. Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, phát biểu tại phiên họp thứ 73 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, tại trụ sở Liên Hợp Quốc, thứ Hai, ngày 1 tháng 10 năm 2018 (Ảnh: Richard Drew / AP)
Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại Trưởng Tòa Thánh, cho biết rằng mặc dù việc nói về sự suy đồi và suy tàn của phương Tây là “chính đáng”, nhưng ngài lạc quan rằng sự suy tàn đó không phải là không thể đảo ngược.
“Tôi nhận ra rằng việc nói cả về sự suy đồi và suy tàn của Tây phương là điều chính đáng”, Đức TGM Gallagher phát biểu với tờ Le Sfide của Ý. “Nhưng thành thật mà nói, tôi không chia sẻ những ý kiến này bởi vì tôi có hy vọng và có đức tin, tôi giữ một sự lạc quan khiến tôi tin rằng với sự cam kết phù hợp, chúng ta có thể vươn lên trở lại”.
Đức TGM Gallagher cho biết một lý do khiến ngài “lạc quan một cách thận trọng” là vì lần đầu tiên trong một thế kỷ qua, châu Âu và Tây phương phải đối mặt với thách thức to lớn được đặt ra bởi đại dịch COVID-19 vốn đã thống nhất với phần còn lại của thế giới.
“Do đó, chúng ta cũng phải sống và đối mặt với những gì mà nhiều người dân, ở châu Phi và châu Á, đã phải trải qua và đối mặt nhiều lần trong những năm qua”, Đức TGM Gallagher nói. “Đại dịch thách thức chúng ta trước hết là lòng nhân đạo của chúng ta, trong tất cả những gì chúng ta tin tưởng. Nó thách thức các hệ thống của chúng ta, các chính phủ của chúng ta, các cấu trúc xã hội và kinh tế của chúng ta. Thật nghịch lý, đó là một trải nghiệm có thể giúp chúng ta xem xét lại một chút các ưu tiên của mình và suy ngẫm về hướng đi của xã hội chúng ta. Nếu có một sự suy tàn, do đó nó không phải là không thể đảo ngược. Chúng ta có thể đảo ngược xu hướng bằng cách đối mặt với thực tế”.
Vị Tổng Giám mục người Anh đã phục vụ với tư cách là Ngoại Trưởng Tòa Thánh kể từ năm 2014.
Phát biểu về cuộc đàn áp chống Kitô giáo trên khắp thế giới ngày nay, vị Giám chức cho biết rằng Giáo hội đôi khi tỏ ra rụt rè, nhưng “chúng ta đã phản ứng mạnh mẽ, mặc dù không phải theo cách công khai. Đó là một mệnh lệnh bởi mong muốn không tạo ra ấn tượng rằng Giáo hội đang thúc đẩy sự xung đột của các nền văn minh, một định lý mà một số người thậm chí đã nỗ lực truyền bá”.
Đức TGM Gallagher cho biết rằng nhiều quốc gia đã do dự trong việc thừa nhận sự thật rằng sự đàn áp là một thực tế của Kitô giáo.
“Thái độ này được đưa ra bởi các lý do khác nhau ở phương Tây chứ không phải trong thực tế của những người có nguy cơ cao nhất, nơi cũng có xu hướng giải quyết vấn đề rộng hơn, đề cập đến các nhóm tôn giáo thiểu số bị đàn áp thay vì chỉ các Kitô hữu, cũng để tránh bị trả thù”, Đức TGM Gallagher nói.
Tuy nhiên, Đức TGM Gallagher đã đề cập đến “sự bén nhạy ngày càng gia tăng” về vấn đề các Kitô hữu bị đàn áp, khi một số chính phủ, bao gồm cả Ý và Hungary, bắt đầu các sáng kiến hỗ trợ các nhóm Kitô hữu bị đàn áp.
Theo Đức TGM Gallagher, Tòa Thánh luôn cởi mở để đối thoại với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, việc duy trì sự trung thành với các giá trị của Giáo hội “là một thách thức”.
“Chúng ta là vậy và chúng ta muốn cởi mở với người khác, nhưng thường thì những người khác muốn chúng ta nhất quán hơn với chính mình”, Đức TGM Gallagher nói, kế đến, ngài dẫn lời Mahatma Ghandi, người từng nói: “Tôi không thù ghét các Kitô hữu, nhưng tôi không thể đánh giá cao việc họ không trung thành với Đức Kitô”.
Đó không chỉ là vấn đề về việc không trung thành, Đức TGM Gallagher nói, mà còn là việc không nhất quán: “Một người Hồi giáo không có vấn đề gì khi quỳ trên một tấm thảm ở sân bay Fiumicino để cầu nguyện, nhưng một người Kitô hữu, một người Công giáo, suy nghĩ đắn đo trước khi làm Dấu Thánh Giá ở bất cứ nơi nào. Nó không phải là về việc trở nên táo bạo hơn mà là trở nên chính mình hơn một chút. Chúng ta phải tự hỏi bản thân rằng chúng ta là ai, chúng ta muốn trở thành người như thế nào, và đâu là những điều thực sự quan trọng đối với chúng ta”.
Đức TGM Gallagher cũng lập luận rằng “phương Tây” phải cởi mở để học hỏi từ phương Đông, thậm chí ngay cả từ những hệ thống mà “chúng ta không có thiện cảm tức thì”. Ở đây, Đức TGM Gallagher đưa ra ví dụ về Trung Quốc.
“Nhưng một trong những mục tiêu của họ là xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực”, Đức TGM Gallagher nói. “Vào ngày 23 tháng 11 năm 2020, chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã xóa bỏ tình trạng nghèo đói tuyệt đối. Đây là một dự án đầy tham vọng. Người ta có thể phân tích và thảo luận một cách nghiêm túc về nhiều khía cạnh của lĩnh vực đó, nhưng chúng ta không thể không tính đến mục tiêu này”.
Trung Quốc, Đức TGM Gallagher nói, có quan niệm mạnh mẽ về tình trạng nghèo đói như một sự bê bối xã hội, và phương Tây, với tất cả các chương trình và chính sách của mình, thường quên mất khía cạnh này, và cho đến nay đã không thể giải quyết được vấn đề, dù chỉ là nhỏ nhất.
“Do đó, chúng ta đã tự chấp nhận”, Đức TGM Gallagher lập luận. “Có lẽ, sẽ luôn có nghèo đói. Nhưng ít nhất sẽ hữu ích nếu tự hỏi làm thế nào để xóa bỏ đói nghèo hoặc giảm bớt sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội mà trong những thập kỷ gần đây đã gia tăng đáng kể”.
Thừa nhận rằng không phải lúc nào cũng hiểu ý tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô về một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba sẽ được chiến đấu từng phần, vị Tổng Giám mục cho biết rằng nếu thế giới không xích lại gần nhau để “giải quyết một số xung đột, nếu chúng ta không nỗ lực làm việc để tăng cường sự hiểu biết, để trở nên khoan dung hơn với sự đa dạng của các hệ thống chính trị và quản lý đang tồn tại, tôi tin rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với một điều gì đó nghiêm trọng và thực sự khủng khiếp”.
Nói về một số thách thức đó, Đức TGM Gallagher đề cập đến sự cần thiết phải quan tâm đến công trình sáng tạo, cho rằng hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc tại Glasgow vào cuối năm nay sẽ mang tính quyết định trên mặt trận này.
“Chúng ta phải thay đổi”, Đức TGM Gallagher nói.
“Chúng ta sản xuất ra bao nhiêu chất thải nhựa mỗi ngày?”, Đức TGM Gallagher nói. “Tôi sống một mình và, dừng lại một chút, tôi nhận ra lượng chất thải mà tôi thải ra quả thực là vô kể! Nếu không có ý thức tập thể, hàng triệu tấn chất thải sẽ trôi vào các con sông, biển và đại dương. Do đó, chúng ta phải nỗ lực làm việc để mọi người hành động một cách hợp lý hơn, có tính đến thực tế rằng mọi hoạt động của con người đều có tác động đến tự nhiên và do đó tác động đến sự tồn tại của chúng ta”.
Minh Tuệ (theo Crux)