Quan chức mới tại văn phòng về Mỹ Latinh của Vatican cảnh báo về chủ nghĩa giáo sĩ

Rodrigo Guerra López, trong một bức ảnh không ghi ngày tháng. Giáo dân Mexico này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Thư ký Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh (Ảnh: Gustavo Guerra López)

Giáo sư Rodrigo Guerra López, trong một bức ảnh không ghi ngày tháng. Người giáo dân Mexico này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Thư ký Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh (Ảnh: Gustavo Guerra López)

Nếu như bất cứ thời điểm nào vào đầu tháng 10, bạn đi tản bộ quanh các văn phòng của Vatican và nghe thấy Pink Floyd, Genesis và một số ban nhạc rock nói tiếng Tây Ban Nha, thì rất có thể, bạn đã tìm thấy văn phòng của Giáo sư Gustavo Guerra López, gần đây được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào một vai trò quan trọng tại Vatican.

Giáo sư Guerra López sẽ sớm đảm nhận vai trò Thư ký của Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, và có khả năng giúp định hình Giáo hội lục địa trong nhiều năm tới.

Crux đã có cuộc trò chuyện rất lâu với ông Guerra López, thảo luận về những điều Châu Mỹ Latinh có thể cung cấp cho Giáo hội toàn cầu, vai trò của giáo dân, tính đồng nghị được trải nghiệm trong mầu nhiệm Đức Mẹ Guadalupe, và sự lo ngại của ông về việc bị “giáo sĩ hóa” bởi bộ máy chính quyền trung ương của Giáo hội Công giáo.

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn của Giáo sư Guerra López với Crux:

Crux: Đâu là sự đóng góp mà Giáo hội Châu Mỹ Latinh, từ Vatican, có thể mang lại cho Giáo hội hoàn vũ?

Guerra López: Thách thức đầu tiên, hay sứ mạng cá nhân, đó là giúp đỡ để Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh không bao giờ là một trở ngại hay một vấn đề hóc búa đối với CELAM và các Giám mục Châu Mỹ Latinh như nhiều năm trước đây… Tôi đã phải đi đến ủy ban và trải nghiệm trực tiếp cuộc điều tra, chất vấn rất mạnh mẽ, trước khi diễn ra Đại hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh và Caribe lần thứ V ở Aparecida. Tôi đã được thẩm vấn với tư cách là một thành viên của CELAM, và họ khiến tôi cảm thấy như thể CELAM đang ở bờ vực của dị giáo. Điều này phải dừng lại, bởi vì cách mà các Giám mục Mỹ Latinh nên liên hệ với Đức Thánh Cha phải là tâm tình của người con thảo.

Điều thứ hai đó là cho thấy rằng Giáo hội Châu Mỹ Latinh, thông qua Đức Thánh Cha Phanxicô, và huấn quyền của Châu Mỹ Latinh, đã đóng góp một phần vào Giáo hội Hoàn vũ. Chúng tôi không còn là hình ảnh phản chiếu của Giáo hội châu Âu, mà chúng tôi là nguồn có thể giúp châu Âu và Hoa Kỳ tái sinh.

Tôi nói điều này bởi vì ở châu Âu có thể có những trí thức vĩ đại và những cuốn sách dày về thần học giáo điều. Nhưng ở nhiều nơi và nhiều môi trường, đã có sự sụp đổ về mục vụ. Ở Mỹ Latinh có lẽ có tình trạng nghèo đói, có lẽ không có cách tổ chức mục vụ phức tạp, nhưng chúng tôi có lòng mộ đạo bình dân, chúng tôi vẫn có các gia đình và các cộng đồng đức tin, chúng tôi có 12 triệu người đến kính viếng Đức Trinh Nữ Guadalupe vào ngày 12 tháng 12 hàng năm tại Thành phố Mexico, và tương tự, các cuộc rước ở mọi Đền thờ dâng kính Đức Mẹ. Ở toàn Châu Mỹ Latinh, chúng ta nhận thấy rằng vẫn còn một nguồn dự trữ năng lượng văn hóa và tâm linh vốn có thể nuôi dưỡng một nỗ lực truyền giáo mới ở các quốc gia đã đánh mất đi sự tham chiếu mạnh mẽ, chẳng hạn đối với lòng mộ đạo bình dân và đời sống đức tin. Nó có lẽ ít được khai sáng hơn, nhưng sâu sắc hơn theo quan điểm của cuộc gặp gỡ cá nhân với con người sống động của Chúa Giêsu.

Hy vọng rằng, Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh có thể cộng tác để Châu Mỹ Latinh được nhấn mạnh tại Rôma, để Giáo hội Châu Mỹ Latinh đa dạng được thể hiện dưới mọi màu sắc và mọi biểu hiện của nó, làm phong phú thêm cho những ai muốn sống một kinh nghiệm hiện đại về đức tin, truyền giáo, và hành trình đồng nghị, giống như hành trình mà [Đức Tổng Giám mục Miguel Cabrejos Địa Trujillo, Peru] đang dẫn đầu trong vai trò Chủ tịch của CELAM.

Dành cho những độc giả ít biết về Giáo hội ở Châu Mỹ Latinh. Ông có thể giới thiệu điều gì để họ đọc hầu có được một ý tưởng thực sự về Giáo hội học về Mỹ Latinh?

Tôi nghĩ, không do dự, về hai văn bản, thực sự rất nhỏ bé, nhưng nếu một người suy ngẫm và cầu nguyện với chúng, thì cái nhìn về Châu Mỹ Latinh và sự hiểu biết về những sự việc đang xảy ra sẽ mở rộng.

Trước hết, đoạn 11 và 12 của tài liệu Aparecida. Ở đó, vào năm 2007, các Giám mục Mỹ Latinh đã nói với chúng ta đủ về chủ nghĩa luân lý, cần phải bắt đầu lại từ Chúa Kitô. Tất cả chúng ta phải bắt đầu lại, không chỉ giáo dân, không chỉ dân Chúa, mà cả các Mục tử, các thần học gia, các Thừa tác viên mục vụ, các chuyên gia. Tất cả chúng ta phải học cách bắt đầu lại với sự bình dị đơn sơ từ con người sống động của Chúa Giêsu Kitô, trên mọi ý tưởng của chúng ta. Ý tưởng của chúng ta thường mang lại cho chúng ta sự an toàn vào những thời điểm nhất định của cuộc sống, nhưng sớm hay muộn thì chúng cũng cần phải được xem xét và đào sâu một cách nghiêm túc. Đó là lý do tại sao chúng ta phải bắt đầu lại từ Đức Kitô, để cuộc sống có thể trở nên mới mẻ chứ không chỉ đơn thuần là được điểm trang nhờ mỹ phẩm.

Văn bản thứ hai đó là cuốn ‘Nican Mopohua’, được viết bởi tác giả Antonio Valeriano, kể lại cuộc gặp gỡ của Đức Trinh Nữ Guadalupe với Thánh Juan Diego người Ấn Độ. Đây là một tập lài liệu nhỏ nhưng có sức mạnh rất lớn, nó cho chúng ta thấy việc Đức Trinh Nữ Maria gặp gỡ với một người thổ dân da đỏ, việc Đức Mẹ sử dụng ngôn ngữ bản xứ của người này, những nét riêng biệt và não trạng của ông để loan báo cho ông biết Thiên Chúa đích thực mà Mẹ đang sống. Và sau đó chúng ta thấy việc khi người thổ dân Juan Diego cố gắng vạch ra kế hoạch riêng của mình – không làm theo những điều Đức Trinh Nữ Guadalupe đã nói với mình – Đức Mẹ tìm Juan Diego, gặp lại ông, và không trách móc ông về điều sai lỗi của ông nhưng đối xử với ông với sự dịu dàng tuyệt vời, Đức Mẹ nói với Juan Diego: “Chẳng phải Ta đang ở đây, Ta không phải là Mẹ của con sao?”.

Đức Trinh Nữ Guadalupe cố gắng đảm bảo rằng sẽ không phải sợ hãi khi làm theo Thánh ý của Chúa Giêsu con của Mẹ. Thông điệp này cũng giúp chúng ta hiểu rằng người giáo dân chúng ta phải xác minh trực giác và đức tin của mình với vị Mục tử của chúng ta: Đức Trinh Nữ Guadalupe sai Thánh Juan Diego đến với vị Giám mục. Vị Giám mục, khi nghe Thánh Juan Diego và xem bằng chứng mà chính vị Giám mục đã yêu cầu để tin vào các cuộc hiện ra của Đức Trinh Nữ Guadalupe, đã quỳ xuống trước hình ảnh kỳ diệu xuất hiện trên chiếc áo tơi mà Thánh Juan Diego đang mang trên mình.

Và ở đó bắt đầu một con đường đồng nghị, nghĩa là, một con đường trong đó giáo dân loan báo Tin Mừng cho vị Giám mục, và vị Giám mục được truyền bá Phúc Âm hóa bởi những cư dân khiêm hạ nhất và thấp kém nhất của Tân Thế giới: một người thổ dân da đỏ vô danh bất ngờ được gặp gỡ Đức Trinh Nữ Guadalupe.

Tôi tin rằng ‘Nican Mopohua’ cho phép chúng ta hiểu không chỉ câu chuyện về Guadalupe, mà còn cả lý do tại sao mestizaje [sự pha trộn giữa các chủng tộc và nền văn hóa] lại diễn ra. Có một hiện tượng xã hội học không thể giải thích được và chính là ở đây không có sự tiêu diệt người bản địa, mặc dù đã có rất nhiều người chết. Từ năm 1531, 10 năm sau khi Tây Ban Nha chinh phục khu vực, đã có một mestizaje.

Và đây là bằng chứng thực nghiệm cho thấy có thể có một tinh thần huynh đệ mới, một phương pháp mới để chữa lành những vết thương. Đã có những vết sẹo, một số rất đau đớn, nhưng một dân tộc mới xuất hiện, một dân tộc baroque, một dân tộc không chính xác là người châu Âu cũng như người bản địa. Nó là sự tổng hợp của Mỹ Latinh rất đặc biệt, nó được thể hiện trong âm nhạc, trong văn hóa, trong cách sử dụng và phong tục của chúng tôi. Nó cho phép tôi với tư cách là một người Mexico gặp gỡ một người đến từ Argentina, ngay lập tức xác định người ấy là em gái tôi, mặc dù thực tế là Madrid gần Mexico hơn Buenos Aires.

Từ quan điểm này, thông điệp của Guadalupe chứa đựng một phần ơn gọi mà Châu Mỹ Latinh nắm giữ trong bối cảnh của các quốc gia trên thế giới.

Người tiền nhiệm của ông thường được chính thức giới thiệu là “người giáo dân cấp cao nhất ở Vatican”, mặc dù về mặt kỹ thuật, vị trí đó hiện thuộc về ông Paolo Ruffini, Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền thông. Mô tả vẫn khá chính xác, đặc biệt là với một vị Giáo hoàng người Argentina. Ông sẽ mô tả thế nào về vai trò của một người giáo dân tại Tòa Thánh, có lẽ suy nghĩ đặc biệt trong bối cảnh của tính đồng nghị?

Thách thức chính đối với một giáo dân đó là vẫn phải tiếp tục là một người giáo dân, không để mình bị giáo sĩ hóa! Phải duy trì một hồ sơ thế tục và giáo dân, thậm chí ngay cả khi ở giữa những bộ Tu phục và những thái độ liên quan đến Giáo triều Rôma. Cần phải thừa nhận rằng, những điều này đôi khi phù hợp với một cấu trúc Giáo hội rất quan trọng như Vatican, nhưng cũng đúng là đôi khi chúng thái quá và cần phải tái cấu trúc.

Tôi tin rằng việc cải cách Giáo triều, hơn cả việc cải cách các cấu trúc, đòi hỏi một sự cải cách về não trạng. Vì vậy, tôi hy vọng có thể tiếp tục nghe nhạc rock, để có thể tiếp tục làm việc mang tính chất học thuật, tiếp tục đóng góp với sự tự do to lớn của giáo dân trong Giáo triều La Mã và chứng tỏ rằng giáo dân không phải là những Kitô hữu hạng hai, nhưng chúng tôi có thể làm việc cùng với các huynh đệ Giám mục của chúng ta với phẩm giá ngang nhau, mỗi người có một sứ mạng riêng biệt.

Tôi luôn sống trong một thế giới rất thế tục, tôi biết những bộ Tu phục, nhưng tôi cố gắng không ở dưới cái bóng của những bộ Tu phục đó. Và tôi hy vọng có thể có được mối tương quan huynh đệ với các Giám mục và các Hồng y, để tồn tại trong Giáo triều Rôma và đóng góp nhiều hơn nữa. Nếu một giáo dân trở nên giáo sĩ hóa, điều đó thực sự trở thành một vấn đề đối với tất cả mọi người.

Điều quan trọng là giáo dân vẫn được tự do, và có lẽ sự thiếu hiểu biết của tôi về các giao thức liên quan đến Giáo triều sẽ cho phép tôi thỉnh thoảng nói những điều có thể không chính xác về mặt chính trị. Và tôi cũng hy vọng không làm anh chị em giáo dân Mỹ Latinh thất vọng khi trở thành một giáo dân bị hấp thụ bởi một môi trường nặng nề như Giáo triều Rôma.

Cuối cùng, tôi hy vọng rằng Thần học gia Emilce Cuda [được chỉ định là người đứng đầu văn phòng của Ủy ban], người sẽ đồng hành cùng với tôi trong công việc này và là một người phụ nữ tuyệt vời và tận tâm như vậy, sẽ là một cú sốc tích cực đối với Giáo triều La Mã và giữa hai chúng tôi, chúng ta có thể gửi đi một thông điệp rằng thời kỳ của chủ nghĩa giáo quyền đã qua và điều cần thiết là giáo dân, Linh mục, Giám mục và Hồng y coi nhau như một món quà đối với Giáo hội với phẩm giá bình đẳng.

Ông đã đề cập đến nhạc rock…ca sĩ yêu thích của ông là ai hoặc ban nhạc yêu thích của ông là gì?

Peter Gabriel, một trong những cựu ca sĩ của Genesis, Pink Floyd. Vâng… nhạc rock cấp tiến. Và giống như tất cả những người dân Mexico tốt bụng, tôi thích Soda Estereo [một ban nhạc người Argentina được coi là ban nhạc nói tiếng Tây Ban Nha quan trọng và có ảnh hưởng nhất từ trước đến nay và là một huyền thoại trong âm nhạc Latin].

Ông sẽ chuyển đến Rome vào một thời điểm nào đó vào cuối tháng 9. Ông sẽ đến đó một mình hay cùng với gia đình?

Tôi sẽ đi cùng với mẹ tôi, nay đã 92 tuổi. Tôi cũng hy vọng cậu con trai út của tôi, mặc dù nó đã lớn, và tất nhiên, vợ tôi.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết