Sự kiện một số người tự ứng cử vào Quốc hội khóa XIV đã làm nóng các diễn đàn mạng và báo chí. Một số người đã đưa chương trình hành động khi ra tranh cử, một số người đã gặp những khó khăn từ nhiều phía. Điểm chung nổi bật là hầu hết họ đã tỏ rõ quyết tâm “biến quyền hão thành quyền thực” như Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã phát biểu.
Nhân việc tự ứng cử vào Đại biểu Quốc hội khóa 14, chúng tôi đã thực hiện một loạt phỏng vấn các ứng cử viên độc lập cũng như quan điểm và suy nghĩ của các nhân sĩ, trí thức về vấn đề này. Quan điểm, điều kiện, suy nghĩ của họ ra sao… được phản ánh qua video và các cuộc phỏng vấn sau đây.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Tôi muốn thức tỉnh người dân, thúc đẩy quá trình học tập dân chủ
– Thưa ông, vừa qua được tin là ông đã vào danh sách tự ứng cử vào Quốc hội VN khóa 14. Xin ông cho biết việc tự ứng cử này có ý nghĩa gì đối với ông?
– Sở dĩ tôi ứng cử vào ĐB Quốc hội, là tôi muốn thức tỉnh người dân, người dân có rất nhiều quyền, trong đó có quyền ứng cử để tham gia vào việc xây dựng đất nước. Mục đích là tiếp tục thúc đẩy quá trình học tập dân chủ mà chúng tôi đã khởi động từ lâu, chí ít là từ Kiến Nghị 72[1].
– Thưa ông, trong quá trình bắt đầu tự ứng cử cho đến bây giờ, ông có gặp khó khăn, thuận lợi gì?
– Trong quá trình nộp hồ sơ đăng ký ứng cử, nói chung khá thuận lợi. Tuy nhiên, có một vài thủ tục hành chính không được thuận lợi cho lắm. Nhưng, tất cả những cái đó đều vượt qua được.
– Thưa ông, nếu trúng cử, ông sẽ hành động như thế nào với tư cách của một Đại biểu Quốc hội?
– Nếu trúng cử vào Quốc hội, như tôi đã nêu trong cương lĩnh tranh cử của mình, tôi sẽ yêu cầu Quốc hội sửa hàng loạt Luật và loại bỏ tất cả những điều khoản của những Luật hiện hành vi phạm nhân quyền và vi hiến, cũng như thúc đẩy để Quốc hội ra những điều luật mới, để tạo điều kiện pháp lý cho người dân thực hiện các quyền của mình chứ không phải là các Luật để cản trở hay quản lý người dân.
– Thưa ông, tiền lệ từ trước đến nay là Đảng cử, dân bầu. Bây giờ dân tự ứng cử mà không được Đảng cử. Như vậy, ông có hy vọng trong cuộc bầu cử này được đối xử công bằng và trúng cử hay không?
– Tôi mong muốn được đối xử công bằng. Nhưng thực tiễn tôi nghĩ rằng người ta sẽ không đối xử công bằng, người ta sẽ tìm mọi cách để loại tôi ra khỏi danh sách ứng cử viên cuối cùng. Điều đó cũng sẽ giúp cho người dân và bản thân chính quyền thấy Luật Bầu cử hiện hành nó phi lý như thế nào và mọi người phải lên tiếng để sửa đổi trong tương lai.
Như tôi đã nói, mục tiêu của tôi là thúc đẩy quá trình học tập, và khả năng lọt vào vòng trong là không nhiều.
– Thưa ông, câu hỏi cuối có hai ý: Thứ nhất là vừa qua một số báo chí đã lên những bài viết, để “đánh” những người tự ứng cử và bôi nhọ họ về vấn đề cá nhân, bới móc đời tư cũng như những động tác mà người ta gọi là “đánh dưới thắt lưng”. Những động tác như vậy có ý nghĩa gì với những người tự ứng cử hay không? Thứ hai là theo ông đánh giá chung, Quốc hội VN từ trước đến nay qua các bầu cử. Ở phương Tây, VN thường hay gọi là “dân chủ giả hiệu”. Vậy ở Việt Nam, có phải là dân chủ thật sự hay không?
– Một trong những khẩu hiệu tôi nếu ra là hãy biến quyền hão thành quyền thực. Nói cách khác, những quyền trước đây là quyền hão, được ghi trong giấy tờ nhưng trong thực tế không được thực hiện. Cho nên, các quyền đó xưa nay chỉ là các quyền hão mà thôi.
Chuyện người ta bôi nhọ những người tự ứng cử, về phía tôi, tôi phấn đấu cho một xã hội dân chủ, tôi tôn trọng quyền tự do biểu đạt của tất cả mọi người. Nhưng, tôi kiên quyết phản đối những việc lạm dụng quyền đó để bôi nhọ người khác. Những người bôi nhọ đó đã vi phạm luật hình sự hiện hành của nước Việt Nam, những người tự ứng cử sẽ cân nhắc xem liệu có đưa những kẻ phạm tội phỉ báng đó ra trước pháp luật hay không.
– Xin cảm ơn ông, chúc ông thành công trong việc tự ứng cử để khẳng định quyền công dân của mình, cũng chúc ông mọi sự bình an và thành đạt trong sự nghiệp cũng như công việc của mình.
– Xin cảm ơn.
Nhà giáo Phạm Toàn: Dấy lên một ý thức rõ rệt, về quyền của mình
– Thưa nhà giáo Phạm Toàn[2], xin hỏi cụ một vài ý kiến về việc ông Nguyễn Quang A và một số người tự ứng cử Quốc hội khóa 14. Xin cụ một vài ý kiến.
– Tôi phải nói luôn là lần ứng cử, bầu cử năm 1946, ở Hà Nội rất vui, từng đoàn kéo nhau đi qua các phố để cổ động cho các ứng cử viên. Đoàn cổ động cho ông Tôn Thất Tùng là đoàn đẹp nhất. Ăn mặc blu trắng, một cái ông tiêm to đẩy trên cái xe bò, hô Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Tùng… rất vui.
Sau đó, nhiều nhiều giải pháp cho phong trào tự do dân chủ đúng Hiến pháp lụn bại đi. Đợt trước, có nhiều người tự ứng cử, nhưng mà không có một ý thức như lần này. Lần này, anh chị em ứng cử với ý thức là làm thay đổi thực sự. Mỗi người có một cương lĩnh, đặc biệt nó sẽ làm gương kê khai tài sản. Những ai mà kê khai như xưa nay mà ông tướng ở trong Sài Gòn nói, là kê khai xong bỏ tủ, thì bây giờ phải nghĩ lại, yêu cầu các anh kê khai đi. Dần dần nó phải như thế.
Triển vọng chưa biết thế nào, nhưng nó dấy lên một ý thức rõ rệt, về quyền của mình.
– Xin cảm ơn ông và chúc ông sức khỏe.
Dịch giả, nhà thơ Dương Tường: Những lần bầu cử trước tôi đều coi là những trò giả vờ
– Xin chào nhà thơ Dương Tường[3], xin hỏi cụ về việc một số ứng cử viên tự do, tự ứng cử vào Quốc hội khóa 14 lần này, ý kiến cụ cảm nhận điều đó như thế nào?
– Tôi thấy năm nay những người tự ứng cử có khác so với những năm trước. Tôi xin thú thực là những lần bầu cử trước tôi đều coi là những trò giả vờ. Những người dân đi bầu cử là gạch số nào, để số nào chứ không cần biết là tên nữa… Năm nay, tôi thấy trong số những người tự ứng cử, có những người như ông Nguyễn Quang A, là một cái mừng về ý thức là những cái tự ứng cử lần này nó có khác.
Tôi thấy trong dư luận, việc tự ứng cử lần này có một ý thức rõ rệt. Đó là một điều đáng mừng.
– Xin cảm ơn nhà thơ, chúc nhà thơ sức khỏe.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
[1] Bản Kiến nghị của 72 nhân sĩ, trí thức khởi đầu gửi Quốc hội để góp ý cho việc sửa đổi Hiến Pháp 1992 theo Nghị quyết của Quốc hội. Bản Kiến nghị đã đưa ra nhiều vấn đề cẩn thay đổi cơ bản bản văn Hiến pháp. Nhưng bản văn đã không được chấp nhận.
[2] Nhà giáo Phạm Toàn sinh năm Nhâm Thân (1932) quê quán Đông Anh, Hà Nội, là một nhà giáo, nhà văn và dịch giả. Ông được biết tới nhiều là nhờ những hoạt động chính trị, như vào năm 2009, cùng với giáo sư Nguyễn Huệ Chi và Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, thành lập ra trang mạng Bauxite Việt Nam, để phản đối khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Ngoài ra ông còn cùng với giáo sư Ngô Bảo Châu, và giáo sư toán học Vũ Hà Văn, mở một trang mạng giáo dục với tên là Học thế nào chính thức hoạt động vào ngày 1/5/2013 với kỳ vọng đóng góp vào việc tìm ra phương hướng giải quyết các vấn đề của giáo dục Việt Nam.
[3] Dương Tường là một dịch giả, nhà thơ, nhà phê bình nghệ thuật, phóng viên,… trong đó nổi bật nhất là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học có giá trị như Cuốn theo chiều gió, Con đường xứ Flandres và tác giả của những bài thơ như Tình khúc 24. Nhiều bài thơ của ông lấy cảm hứng từ chủ nghĩa siêu thực và phong trào tượng trưng.
Ông tự nhận bản thân “một đời ăn nằm với chữ”. Về dịch thuật, ông quan niệm “một bản dịch lý tưởng phải là một tác phẩm, trong đó người dịch là đồng tác giả”.