Phúc thẩm vụ án Ba Sàm - phiên tòa của "bóng tối và ma quỷ" - Phần I

Người dân cho rằng, đó là những phiên tòa của “bóng tối và ma quỷ”.

Sở dĩ người dân gọi cái tên đó, cũng có lý của họ.

Bóng tối, là nơi mà ánh sáng không thể đến được.

Ở những phiên tòa đó, ánh sáng công lý là sự hiếm hoi, khi mà mọi tranh biện, mọi lý lẽ đưa ra bởi bất cứ luật sư nào, dù hợp lý đến đâu… đều chỉ là thứ giẻ rách không được chấp nhận.

Một con người có lương tri

Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh – một người xuất thân từ ngành Công an, con một lão thành có nhiều công lao với đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam. Bố anh, ông Nguyễn Hữu Khiếu (1915 – 2005) Ủy viên BCH Trung ương ĐCS (Khóa III, Khóa IV), Đại biểu Quốc hội Việt Nam (Khóa II, Khóa III, Khóa IV), đã từng giữ các chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, Bộ trưởng Bộ Lao động, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô, Bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, Bí thư Ban Cán sự Đảng ngoài nước.

AnhBasamvaJbNhV

Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và tác giả J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nếu theo lẽ thường của “chế độ ưu việt”, cứ cha bổ nhiệm con, chồng cơ cấu vợ như hiện nay, hẳn anh sẽ giữ một trọng trách không nhỏ trong hệ thống hiện tại. Bạn bè anh, thậm chí hiện là Bộ Trưởng, là tướng, tá… hàng loạt là những quan chức hàng đầu đất nước.

Thế nhưng, chính những năm tháng sống trong lòng Cộng sản, anh đã thấy được nhiều điều, hiểu được sâu sắc nhất về cái chính thể Cộng sản là gì, nó đem lại điều gì cho đất nước và người dân. Cũng vì vậy, mà lương tâm anh thôi thúc, trái tim anh thúc giục anh có những bước đi vượt qua lẽ đời thường.

Với ý chí độc lập và đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, với tình yêu quê hương, đất nước và đứng về phía những người dân bé mọn, anh đã bỏ ra ngoài để trở thành một người đấu tranh cho những quyền cơ bản của con người. Đặc biệt ở anh, tinh thần yêu nước chống ngoại xâm thể hiện rõ nét, nhất là tư tưởng thoát khỏi thảm họa Trung Cộng.

Như vậy, anh xuất phát từ trong lòng Cộng sản, từ nòi giống cộng sản, từ môi trường Cộng sản. Nhưng, anh vẫn còn có lương tri và tâm hồn Việt Nam, thậm chí, tinh thần của anh rất mãnh liệt.

Vì thế mà anh bị bắt, cuộc bắt bớ và xét xử đối với anh, chẳng theo bất cứ luật lệ nào, hàng loạt vi phạm trắng trợn luật Tố tụng hình sự và hàng luật vi phạm khác.

Nhà cầm quyền vẫn coi như không có vấn đề gì xảy ra.

Lại thêm một “phiên tòa công khai” – xử kín

Ngày 22/9 nhà cầm quyền Việt Nam tổ chức cái gọi là Phiên tòa công khai, Phúc thẩm xét xử anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh về cái tội gọi là “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Nếu phân tích từ ngữ của cụm từ được sáng tác ra bởi những “bộ óc siêu việt và trí tuệ” chẳng giống ai: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” thì sẽ rất khó khăn. Bởi đơn giản là muốn có thể lợi dụng, thì điều kiện cần và đủ là phải có cái để mà lợi dụng, ở đây là quyền tự do, dân chủ.

Thế nhưng, ở Việt Nam, cái “tự do, dân chủ” có lẽ chỉ mới là khái niệm trên giấy tờ và miệng lưỡi quan chức, người dân chưa rõ nó nằm ở đâu thì làm sao có thể “lợi dụng”?

Cũng nếu đem phân tích theo nghĩa tiếng Việt, thì “công khai” nghĩa là Cho mọi người biết, không giấu giếm”.

Dù Tiếng Việt ngàn đời là vậy, nhưng dưới chế độ độc tài chính trị, thì việc hiểu nghĩa của ngôn ngữ, giải thích ý nghĩa cũng là một độc quyền của nhà cầm quyền độc tài.

Ở đó, “công khai” có nghĩa là xử kín.

Ở đó, Tòa án, có nghĩa là chỗ chỉ để thực hiện sự chỉ đạo trả thù theo mệnh lệnh.

Ở đó, những tranh cãi, luật lệ, pháp lý, tranh tụng, biện hộ… là những từ vô nghĩa nhất, tất cả đều không vượt qua được mảnh giấy bỏ túi hoặc tờ biên bản họp Ban nội chính, hoặc nhiều khi chỉ là một lệnh miệng.

Tôi đã đi dự phiên tòa như vậy trong vụ án Cù Huy Hà Vũ.

Người dân cho rằng, đó là những phiên tòa của “bóng tối và ma quỷ”.

Sở dĩ người dân gọi cái tên đó, cũng có lý của họ.

Bóng tối, là nơi mà ánh sáng không thể đến được.

Ở những phiên tòa đó, ánh sáng công lý là sự hiếm hoi, khi mà mọi tranh biện, mọi lý lẽ đưa ra bởi bất cứ luật sư nào, dù hợp lý đến đâu… đều chỉ là thứ giẻ rách không được chấp nhận.

Ở đó, chủ tọa phiên tòa không phải là người căn cứ luật pháp, tranh tụng để tìm ra sự thật mà xét xử, ngược lại, chỉ là vào hùa với cơ quan điều tra, viện kiểm sát để truy tố, gán ghép tội cho nạn nhân bằng được.

Bởi cả ba cơ quan này, đều là công cụ và chịu sự lãnh đạo tuyệt đối, được nuôi sống bằng đồng tiền thuế nhân dân, nhưng người cầm quyền, cấp phát là Đảng cộng sản.

Thế nên, khi ý đảng đã quyết trả thù, thì tay chân cứ vậy mà hoạt động.

Khi đó, công lý thật sự chỉ là một sự hài hước.

Ma quỷ, là một khái niệm khá trừu tượng. Với một đảng CS vô thần, thì ma quỷ là chuyện không hề có. Nói đến ma quỷ, chẳng bao giờ đảng CS tin là nó tồn tại, thế nên nếu có nói nhà nước hay đảng là ma quỷ chắc họ chỉ cười trừ coi là chuyện tầm phào.

Nhưng, người dân thì coi đó là thế lực hắc ám và phù hợp với bóng tối.

Những phiên tòa mà ánh sáng công lý không rọi tới, người công chính không được bén mảng đến, được người dân gọi là “Phiên tòa của bóng tối và ma quỷ” là vậy.

Một cuộc bắt cóc

Sáng 22/9/2016, tôi dậy như thường lệ. hôm nay là ngày xét xử Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh.

image002

Đám “cú cáo” thường canh giữ trước ngõ

Tôi đi ra ngõ, gặp vài người dân xung quanh hỏi tôi:

– Hôm nay sao nghe nói xử ông cùng tên với anh mà anh lại ở nhà à? Mà sao lại không thấy bọn “cú cáo” xuất hiện ở đây?

“Cú cáo” là từ những người dân nơi tôi hay dùng để chỉ đám an ninh hay rình rập trước ngõ nhà tôi mỗi khi có sự kiện.

Về đám này, nhiều chuyện cười ra nước mắt. Cứ mỗi lần họ xuất hiện, thì điện thoại tôi reo liên tục với câu hỏi: “Hôm nay có biểu tình chống Tàu hay chúng nó lại chặt cây đấy?” Hoặc “Có sự kiện gì mà cú cáo về đây nhiều thế”. Thế là cả ngõ, cả làng biết ngay có những sự kiện đang sắp xảy ra.

Một lần, một bà vốn ăn nói bạo miệng gọi tôi lại kể chuyện: Tao thấy chúng nó cứ rình rập ở ngõ nhà tao, không hiểu chuyện gì cứ tưởng nó rình con tao, tao bảo: Này, con tao có đập đá, ma túy thì cũng có nơi có chỗ nhé, cứ rình rập ở đó tao đổ nước đái cháu lên đầu đừng có kêu. Thằng Công an Phường phải vào bảo với tao là không phải rình nhà chị, mà rình nhà ông Vinh. Tao không hiểu sao nó lại rình nhà ông, hỏi mấy đứa trẻ con, chúng nó mới bảo vì ông viết sự thật nên chúng nó sợ sự thật của nhà nước bị nói đến. Hôm sau tao bảo: Ông ấy ở nhà đấy, nếu buôn gian bán lận, trộm cướp gì thì vào mà bắt, rình rập ở đây làm đ. gì cho khốn nạn.

Hôm nay, thấy không có ai canh giữ, họ lấy làm ngạc nhiên. Tôi thì không quan tâm lắm việc họ có rình hay không, bởi rình hay không thì vẫn thế.

Tôi chỉ cười đáp:

– Không rõ, chắc họ ngượng vì những việc làm vô bổ đó nên thôi kẻo tốn tiền của dân chăng!

Họ cười với tôi:

– Đúng là chúng nó thừa cơm. Hôm sau, đến giờ lễ, ông ra đó mà nó chặn mới hay.

Tôi chỉ cười, đứa cháu tôi nhờ chở vừa đến, thế là hai chú cháu lên đường.

Vừa đúng tầm người đi làm, đường khá đông đúc, chúng tôi đến trước Viện Huyết học và truyền máu Trung ương đã khoảng 9 giờ. Hai chú cháu bảo nhau đi kiếm gì ăn.

Lượn một vòng tìm quán ăn mấy dãy phố ở đó không hề có một quán nào được mở, trái lại, công an các loại, cảnh sát cơ động, an ninh chìm nổi nhiều như trấu.

Đám CS cơ động bố trí khắp nơi, mọi ngã ba, ngã tư đều nhung nhúc các chú nhìn lăm lăm ra đường, đám an ninh các cấp nhan nhản đứng mọi góc, mọi chỗ. Những ngả đường rẽ được vào nơi xử án được chốt chặn cẩn thận nhiều lớp bởi dây căng, hàng rào và hàng loạt công an…

Đi mấy dãy phố không hề có một hàng quán nào mở, hai chú cháu dịnh đi xuống phía dưới xa xa.

JBbibattaiToaanBasam

Bị bắt cóc trên đường

Đang đi, bổng nhiên đằng trước nhốn nháo, hai cảnh sát cơ động xông ra chặn xe lại:

– Yêu cầu các anh xuống xe.

Một chút rút vội bộ đàm ra nói to báo cáo đi đâu đó: Bộ phận đã bắt được người ngồi trên xe biển số… rồi nhé.

Đứa cháu vừa kịp phanh xe, tôi chưa kịp xuống xe đã bị kéo xuống. Một thanh niên không sắc phục xông lại:

– Anh đưa giấy tờ kiểm tra hành chính.

Tôi hỏi:

– Kiểm tra hành chính à? Vậy cậu là ai mà tự nhiên đòi kiểm tra tôi?

Chừng như biết bị hố, một người khác đẩy một công an có sắc phục đi đến:

– Tôi yêu cầu anh đưa giấy tờ, chúng tôi kiểm tra hành chính.

– Anh là công an phường, tại sao tôi đang đi như mọi người, lại chặn tôi lại kiểm tra hành chính là sao? Lệnh đâu?

Anh ta nhắc đi nhắc lại chuyện đưa giấy tờ. Tôi đáp:

– Anh muốn kiểm tra gì cũng được, nhưng tôi cần biết anh là ai và lệnh kiểm tra hành chính ở đâu? Tại sao lại chặn đường kiểm ta mỗi mình tôi? Tôi làm gì vi phạm không?

– Không, nhưng là kiểm tra hành chính.

Tôi nhất định đòi lệnh, không đưa giấy tờ, cháu tôi đi xe bị bắt đưa lên vỉa hè và đòi đưa giấy tờ xe. Nó yêu cầu nói lý do đưa giấy tờ và hỏi vì sao không vi phạm lại chặn lại?

Hẳn nhiên là không ai trả lời được lý do.

Một người đàn ông khá đứng tuổi xông lại:

– Đưa tất cả về Phường Yên Hòa.

Thế là một đám thanh niên như côn đồ, không có bất cứ một sắc phục hoặc biển, băng nào đó xông lại đẩy chúng tôi lên một chiếc xe bảy chỗ.

Trên xe, đã có một thanh niên cũng bị bắt lên đó từ trước.

Chiếc xe vội vàng lăn bánh đưa chúng tôi về Công an Phường Yên Hòa.

(Còn nữa)

Hà Nội, ngày 24/9/2016

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết