Phỏng vấn Đức Hồng y Tagle: Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Châu Á và Châu Đại Dương là 'hành động vâng phục sứ vụ'

Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, Quyền Tổng Trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng (Ảnh: Vatican News)

Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, Quyền Tổng Trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng (Ảnh: Vatican News)

Trước chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tới 4 quốc gia ở Châu Á và Châu Đại Dương, Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, Quyền Tổng Trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng, đã khám phá ý nghĩa chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đối với Giáo hội hoàn vũ.

4 quốc gia ở 2 châu lục, tổng cộng gần 40 nghìn km. Chuyến bay Giáo hoàng sẽ cất cánh từ sân bay Fiumicino vào ngày 2 tháng 9 và Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bắt đầu chuyến Tông du dài nhất và đòi hỏi nhiều thử thách nhất của mình đến Châu Á và Châu Đại Dương.

Tuy nhiên, theo Đức Hồng y Luis Antonio Gokim Tagle, vị Giám mục Rôma rời Giáo phận của mình không phải để phá vỡ kỷ lục mà là “một hành động khiêm nhường trước mặt Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta” và trong sự “vâng phục sứ vụ”.

Khi chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore đang đến gần, Quyền Tổng Trưởng Bộ Loan Báo Tin Mừng (Phân bộ thứ II phụ trách việc Loan báo Tin Mừng đầu tiên và các Giáo Hội địa phương mới) đã phát biểu với Hãng thông tấn Fides của Vatican.

Đức Hồng y Tagle đã khám phá những lý do tại sao cuộc hành trình của Đấng kế vị Thánh Phêrô giữa các Giáo hội gồm “những đàn chiên nhỏ bé hơn” lại quan trọng đối với Giáo hội hoàn vũ, và đồng thời cho biết nó có thể ảnh hưởng đến tất cả những ai quan tâm đến vấn đề hòa bình trên thế giới.

Ở tuổi gần 88, Đức Thánh Cha Phanxicô sắp thực hiện chuyến Tông du kéo dài nhất và mệt mỏi nhất trong Triều đại Giáo hoàng của mình. Điều gì thúc đẩy ngài thực hiện “thành tựu” này?

Tôi nhớ rằng chuyến viếng thăm Châu Á và Châu Đại Dương này thực ra đã được lên kế hoạch từ năm 2020. Tôi vừa mới đến Rôma, tại Thánh Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc, và tôi nhớ rằng dự án này đã tồn tại. Sau đó, đại dịch Covid-19 đã ngăn chặn tất cả mọi thứ. Và tôi rất ngạc nhiên khi Đức Thánh Cha một lần nữa lại tiếp tục dự án. Đó là dấu chỉ cho thấy sự gần gũi của người cha đối với những gì ngài gọi là ‘các vùng ngoại vi hiện sinh’.

Thật vậy, tôi trẻ hơn Đức Thánh Cha, và những chuyến đi kéo dài này thậm chí còn nặng nề đối với tôi. Đối với ngài, việc chấp nhận nỗ lực này cũng là một hành động khiêm nhường. Đây không phải là một màn trình diễn để miêu tả những gì người ta vẫn có khả năng làm. Với tư cách là một nhân chứng, tôi gọi đó là một hành động khiêm nhường trước mặt Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta: một hành động khiêm nhường và vâng phục sứ vụ.

Một số người cho rằng chuyến Tông du này là một sự xác nhận nữa cho thấy Đức Thánh Cha Phanxicô thích phương Đông và hờ hững với phương Tây.

Ý tưởng coi các chuyến Tông du là dấu chỉ cho thấy Đức Thánh Cha Phanxicô “ưa thích” một châu lục hoặc một phần nào đó của thế giới, hoặc hờ hững với các khu vực khác là một cách diễn giải sai lầm về các chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha. Sau chuyến viếng thăm này, vào cuối tháng 9, Đức Thánh Cha có kế hoạch viếng thăm Luxembourg và Bỉ. Ngài cũng đã viếng thăm nhiều quốc gia ở nhiều vùng của châu Âu.

Với tôi, dường như với những chuyến viếng thăm này, Đức Thánh Cha muốn khích lệ các tín hữu Công giáo trong mọi bối cảnh mà họ đang sống. Chúng ta cũng nên nhớ rằng hầu hết nhân loại sống ở những khu vực này trên thế giới. Châu Á là nơi sinh sống của hai phần ba dân số thế giới. Phần lớn những người này đều nghèo khổ. Có nhiều người được rửa tội trong số những người nghèo.

Đức Thánh Cha Phanxicô biết rằng có nhiều người nghèo ở những khu vực đó, và trong số những người nghèo, có một sự cuốn hút đối với hình ảnh Chúa Giêsu và Tin Mừng, thậm chí ngay cả trong bối cảnh chiến tranh, đàn áp và xung đột.

Những người khác chỉ ra rằng số lượng các Kitô hữu ở nhiều quốc gia mà Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm chỉ chiếm số lượng nhỏ so với dân số.

Trước khi thực hiện các chuyến viếng thăm, Đức Thánh Cha đã nhận được lời mời không chỉ từ các Giáo hội địa phương mà còn từ các nhà chức trách dân sự và các nhà lãnh đạo chính trị, những người đã chính thức yêu cầu sự hiện diện của vị Giám mục Rôma tại quốc gia của họ.

Họ muốn sự hiện diện của  Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ vì lý do đức tin, mà còn vì lý do liên quan đến chính quyền dân sự. Đối với họ, Đức Giáo Hoàng vẫn là biểu tượng mạnh mẽ của sự chung sống của con người trong tinh thần huynh đệ và vì sự chăm sóc công trình sáng tạo.

Với tư cách là một Mục tử đến từ Giáo hội Philippines và là Hồng y thuộc Thánh bộ truyền giáo Bộ Loan Báo Tin Mừng, ngài đã có những trải nghiệm và cuộc gặp gỡ nào với các quốc gia và Giáo hội mà Đức Thánh Cha sẽ đến thăm trong vài ngày tới?

Tại Papua New Guinea, tôi đã thực hiện chuyến viếng thăm đến các Chủng viện theo yêu cầu của Đức Hồng y Ivan Dias, lúc đó là Tổng Trưởng Bộ Truyền giáo.

Trong hai tháng, tôi đã thực hiện hai chuyến đi, đến thăm các Chủng viện tại Papua New Guinea và Quần đảo Solomon. Tôi cũng đã đến thăm Indonesia và Singapore, nhưng tôi chưa bao giờ đến Timor-Leste, mặc dù tôi đã gặp gỡ nhiều Giám mục, Linh mục và giáo dân từ quốc gia đó.

Đối với tôi, Châu Á là “một thế giới bao gồm nhiều thế giới khác nhau”, và với tư cách là một người Châu Á, tôi nhận thấy những chuyến đi đến Châu Á mở mang tâm trí và trái tim tôi đến với những chân trời rộng lớn của nhân loại và của trải nghiệm con người. Kitô giáo cũng thấm nhuần vào Châu Á theo những cách khiến tôi ngạc nhiên. Tôi học được rất nhiều từ sự khôn ngoan và sáng tạo của Chúa Thánh Thần. Tôi luôn ngạc nhiên về những cách thức mà qua đó Tin Mừng được diễn đạt và hiện thân trong các bối cảnh khác nhau của con người.

Hy vọng của tôi là Đức Thánh Cha, và tất cả chúng tôi trong đoàn tùy tùng của ngài, cũng như các nhà báo, có thể có được trải nghiệm mới này, trải nghiệm về sự sáng tạo của Chúa Thánh Thần.

Những món quà và niềm an ủi nào mà các cộng đồng được Đức Thánh Cha Phanxicô ghé thăm trong chuyến Tông du sắp tới có thể mang lại cho toàn thể Giáo hội?

Ở những quốc gia đó, cộng đồng Kitô giáo hầu như chỉ là một nhóm thiểu số, một “đàn chiên nhỏ bé”. Ở những nơi như Châu Âu, Giáo hội vẫn được hưởng một “địa vị” tôn trọng nhất định về mặt văn hóa, xã hội và thậm chí là dân sự.

Tuy nhiên, ở nhiều nước phương Tây, chúng ta đang quay trở lại với kinh nghiệm này của Giáo hội như một đàn chiên nhỏ bé. Có thể sẽ hữu ích khi nhìn vào các Giáo hội ở nhiều quóc gia phương Đông để xem người ta nên cư xử như thế nào khi ở trong một hoàn cảnh, một trạng thái khiêm nhường.

Kinh nghiệm của các Tông đồ tiên khởi, của những người môn đệ của Chúa Giêsu, được lặp đi lặp lại ở những quốc gia này. Một Cha xứ ở Nepal đã nói với tôi rằng lãnh thổ Giáo xứ của ngài rộng bằng một phần ba nước Ý; ngài chỉ có 5 giáo dân rải rác trên một lãnh thổ rộng lớn như vậy. Hiện tại là năm 2024, nhưng bối cảnh và kinh nghiệm có vẻ giống với thời Công vụ Tông đồ. Và các Giáo hội nhỏ bé sống ở phương Đông có thể dạy chúng ta.

Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến đi của Đức Thánh Cha Phanxicô là Indonesia, quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới.

Indonesia là một quốc đảo, và có sự đa dạng đáng kể về tình hình văn hóa, ngôn ngữ, kinh tế và xã hội. Đây cũng là quốc gia có số lượng cư dân theo Hồi giáo lớn nhất thế giới.

Món quà lớn lao của Chúa Thánh Thần dành cho cộng đồng Công giáo Indonesia là sự chung sống không phủ nhận sự đa dạng. Hy vọng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ mang lại luồng sinh khí mới cho tình huynh đệ giữa những tín đồ của các tôn giáo khác nhau.

Đức Hồng y có thể trải nghiệm những dấu chỉ cụ thể của sự chung sống huynh đệ này trong các chuyến viếng thăm của mình không?

Họ nói với tôi rằng mảnh đất nơi trường Đại học Công giáo tọa lạc là do vị Tổng thống tiên khởi tặng. Đây là một thông điệp quan trọng, cho thấy rằng trong số những người dân Indonesia, tất cả mọi người đều được đón nhận như anh chị em với nhau.

Tôi cũng nhớ khi tôi tham gia Đại hội Giới trẻ ở Châu Á. Với số lượng các Kitô hữu ít ỏi, nhiều bạn trẻ Hồi giáo cũng nằm trong số những người tình nguyện tham gia công việc tổ chức. Hội đồng Giám mục đã trao cho tôi hai trợ lý, cả hai đều là người Hồi giáo, những người mà tôi nhận thấy họ thực hiện nhiệm vụ của họ với sự tôn trọng sâu sắc đối với Giáo hội.

Còn chặng thứ hai ở Papua New Guinea thì sao?

Giáo hội tại Papua New Guinea là một Giáo hội non trẻ hơn, nhưng đã mang đến cho Giáo hội hoàn vũ một vị tử đạo, đó là Chân Phước Phêrô To Rot, người cũng là một giáo lý viên.

Papua New Guinea cũng là một quốc gia đa văn hóa, với nhiều bộ lạc thỉnh thoảng xung đột với nhau. Nhưng đây là một quốc gia mà sự đa dạng có thể là một nguồn tài nguyên. Nếu chúng ta gác lại những định kiến ​​của mình, ngay cả trong các nền văn hóa bộ lạc, chúng ta có thể tìm thấy các giá trị nhân văn gần với các lý tưởng của Kitô giáo.

Ở Papua New Guinea, có những nơi thiên nhiên còn nguyên sơ. Cách đây 2 năm trước, tôi đã đến đó để tham dự lễ khánh thành một nhà thờ mới. Tôi đã xin vị Giám mục nước uống, và ngài nói với tôi: “Chúng ta có thể uống nước sông, nước đó có thể uống được”.

Nhờ vào trí tuệ bộ lạc của mình, họ đã có thể duy trì sự hòa hợp với thiên nhiên và có thể uống trực tiếp từ dòng sông. Điều mà chúng ta, ở cái gọi là các nước phát triển, không còn nữa.

Và chặng thứ ba ở Timor-Leste?

Điều quan trọng là Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Indonesia và sau đó là Timor-Leste. Hai quốc gia này có lịch sử đấu tranh và hiện đang hòa bình. Đây là một nền hòa bình mong manh, nhưng nhờ cả hai quốc gia, nó có vẻ bền vững.

Mối quan hệ giữa Giáo hội địa phương và chính quyền ở đó rất tốt đẹp. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ các dịch vụ giáo dục liên quan đến Giáo hội. Đối với tôi, có vẻ như chính Giáo hội là một trong những ngọn hải đăng cho người dân trong cuộc chiến giành độc lập. Người dân Timor-Leste tuyên bố rằng đức tin của họ vào Chúa Kitô đã nâng đỡ họ trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập.

Cuối cùng là quốc gia thứ tư, Singapore?

Đây là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, và thật tuyệt vời khi thấy một dân tộc đã đạt đến trình độ chuyên nghiệp và tiên phong về công nghệ như vậy chỉ trong vài năm, với nguồn lực hạn chế, cũng nhờ vào tinh thần kỷ luật.

Chính phủ Singapore đảm bảo quyền tự do cho tất cả các cộng đồng tín hữu và bảo vệ họ khỏi các cuộc tấn công và những hành vi thiếu tôn trọng. Những hành vi vi phạm tôn giáo sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.

Người dân được sống trong sự an toàn, và khách du lịch cũng vậy. Nhưng cần phải có sự cân bằng. Lịch sử dạy chúng ta phải cẩn thận để việc thực thi pháp luật không đi ngược lại với chính những giá trị mà luật pháp được cho là bảo vệ.

Ngay cả ở những quốc gia đó, đặc biệt là Papua New Guinea, công tác Tông đồ được tô điểm bằng những câu chuyện về các vị Thừa sai tử đạo. Nhưng đôi khi chúng ta vẫn tiếp tục trình bày công việc của các nhà truyền giáo chỉ như một biểu hiện của chủ nghĩa thực dân văn hóa và niềm tin chính trị.

Hiện nay có một xu hướng và cám dỗ là diễn giải lịch sử, đặc biệt là lịch sử truyền giáo, bằng quan điểm văn hóa ngày nay và áp đặt tầm nhìn của chúng ta lên các nhà truyền giáo sống cách đây nhiều thế kỷ.

Thay vào đó, chúng ta phải giải thích lịch sử một cách cẩn thận. Các vị Thừa sai là một món quà cho Giáo hội. Họ vâng theo Chúa Kitô, Đấng đã truyền dạy dân của Ngài đi đến tận cùng trái đất để rao giảng Tin Mừng, hứa rằng Ngài sẽ luôn hiện diện cùng với họ.

Thỉnh thoảng, các nhà lãnh đạo quốc gia của các quốc gia đã đưa các vị Thừa sai đến những nơi khác nhau trong quá trình thực dân hóa. Tuy nhiên, các vị Thừa sai đó đã đi truyền giáo, không phải để bị những kẻ thực dân thao túng và lợi dụng. Nhiều Linh mục, nhiều nhà truyền giáo và những người không có chức thánh đã hành động trái ngược với các chiến lược của chính phủ của họ và đã chịu phúc tử đạo.

Mối dây liên kết huyền nhiệm nào luôn gắn kết sự tử đạo với sứ mạng truyền giáo?

Cách đây 2 năm trước, một nghiên cứu về tự do tôn giáo đã được công bố. Một thực tế hiển nhiên là: ở những quốc gia có sự đe dọa và đàn áp, số lượng những người được rửa tội lại gia tăng.

Nơi nào có thể có sự tử đạo thực sự, nơi đó đức tin sẽ lan tỏa. Thậm chí ngay cả những người không phải là người có đức tin cũng tự hỏi: ‘Sức mạnh này – điều khiến họ hiến dâng cả mạng sống của mình – đến từ đâu?’. Chính Tin Mừng đang hành động.

Và mục đích của chúng tôi, cũng như của Bộ Loan báo Tin Mừng, là giúp đỡ các Giáo hội địa phương, chứ không phải áp đặt một tư duy hay một nền văn hóa khác với họ.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết