Vào ngày 1 tháng 7 năm 2003, khoảng 500.000 người đã tuần hành tại Hồng Kông để phản đối Luật chống phản động, Điều 23 trong Luật cơ bản. Cho đến tháng 6 vừa qua, khi hai triệu người Hồng Kông xuống đường, cuộc tuần hành này chính là cuộc biểu tình mang tính chính trị lớn nhất tại Hồng Kông.
Tôi đã có cuộc phỏng vấn với Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen), lúc đó mới được bổ nhiệm Giám mục Hồng Kông năm 2002, về vai trò chính xác của ngài trong cuộc biểu tình năm đó, ĐHY Zen đã được các học giả về tôn giáo ở Trung Quốc và Hồng Kông nhắc đến như là một người có tiếng nói mạnh mẽ nhất. ĐHY Zen đã thảo luận ngắn gọn về những lý do chính cho sự chống đối của mình (khả năng Bắc Kinh tuyên bố Giáo hội như là một tổ chức phản quốc) và chiến thuật của ngài (liên minh chiến lược với Pháp Luân Công trong việc phản đối); thế nhưng, ĐHY Zen đã không muốn ở trên đỉnh cao của sự ảnh hưởng chính trị và nổi tiếng của mìn tại Hồng Kông. Sau khi dẫn đầu hàng ngàn tín hữu cầu nguyện tại Công viên Victoria trước cuộc diễu hành rầm rộ, ĐHY Zen đã rời khỏi hiện trường và sau đó cả ngày chìm đắm trong cầu nguyện. ĐHY Zen quan tâm nhiều hơn đến các cuộc biểu tình xảy ra hiện nay, và với các trận chiến của ngài trong bộ máy quan liêu của Vatican.
Cuộc phỏng vấn của chúng tôi diễn ra vào buổi sáng sau Thánh lễ tại Học Viện Salêdiêng, trên đảo quốc Hồng Kông. Một Thầy Dòng Salêdiêng đã ân cần đón tiếp tôi tại của Học viện và mời tôi dùng bữa sáng tại nhà khách. Những khung ảnh đã phai màu về Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict và Đức Hồng y Zen được treo cạnh nhau, phía trên lối vào là hình ảnh của nhà lãnh đạo hiện tại của Giáo phận, Đức Hồng Y Gioan Thang Hán (John Hong Ton) và bức hình ĐTC Phanxicô được treo trên bức tường đối diện với lối vào. Đức Hồng Y Zen đã đến gặp tôi vài phút sau đó và khi tôi dùng bữa xong, ngài bắt đầu chia sẻ về tình hình hiện tại ở Hồng Kông.
ĐHY Zen đã nhận thấy sự khác biệt về thái độ trong phong trào phản kháng hiện nay giữa các sinh viên và các thế hệ cao niên, những người đã thúc giục sự tiết chế chứ không phải là các chiến thuật mạnh mẽ hơn của các sinh viên. (Cũng cần phải nói rằng cuộc phỏng vấn của chúng tôi đã diễn ra vào giữa tháng 9, trước sự leo thang bạo lực của các lực lượng cảnh sát, bao gồm cả việc sử dụng đạn dược trực tiếp và cuộc bao vây PolyU). ĐHY Zen đã thể hiện sự liên đới và ngưỡng mộ của mình đối với sự can đảm của họ bên cạnh những nhận thức về tầm quan trọng của việc gợi nhớ về những sai lầm tương tự của các phong trào xã hội trong quá khứ ở Hồng Kông.
ĐHY Zen chia sẻ với tôi rằng chính phủ Hồng Kông và chính quyền trung ương ở Bắc Kinh vô cùng xảo quyệt, cho nên các sinh viên cần phải sát cánh bên nhau. Ngài nhấn mạnh rằng: “Đã kết đến lúc thế hệ cao niên cần phải phối hợp với giới trẻ”. ĐHY Zen đã cùng tuần hành trong các cuộc biểu tình rầm rộ nhất trong tháng 6, nhưng kể từ đó Ngài tham gia trong vai trò đồng hành và hỗ trợ, với tư cách là một trong năm ủy viên chịu trách nhiệm đối với một quỹ hỗ trợ nhân đạo dành cho những người bị thương, những người bị cảnh sát bắt giữ, bị truy tố và cả các gia đình bị ảnh hưởng. Với tư cách là một Giáo sĩ Tuyên úy chính thức, ĐHY Zen thường xuyên đến thăm các nhà tù và tiếp tục viết trên trang blog cá nhân của mình.
Tại thời điểm này, tôi đã hỏi Đức Hồng Y Zen về những câu chuyện về sự tham gia của Ngài cùng với Vatican về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Vào tháng 9 năm 2018, một thỏa thuận bí mật đã đạt được giữa Vatican và Trung Quốc.
Tôi đã ghi chép đầy đủ, chỉnh sửa cho rõ ràng nội dung toàn bộ cuộc trò chuyện của chúng tôi dưới đây.
Nicholas Haggerty: Đức Hồng y sinh ra ở Thượng Hải. Cha mẹ của ngài có phải là người Công giáo?
Đức Hồng Y Joseph Zen: Vâng. Họ là những người Công giáo thế hệ đầu tiên; tôi là thế hệ thứ hai. Tôi rời Thượng Hải vào năm 1948, khi ấy tôi 16 tuổi.
Đức Hồng y đã đi đâu? Có phải ngài đã đến Hồng Kông khi ngài 16 tuổi?
Tôi đến đây để gia nhập Hội Dòng Salêdiêng. Ngôi nhà này.
Có phải Đức Hồng y tự nhận mình là người Trung Quốc?
Chắc chắn rồi. Vì vậy, khi họ thảo luận về sự độc lập của Hồng Kông, tôi đã nói: “Không. Ý bạn là gì?”. Họ nói: “Chúng tôi không muốn bị lẫn lộn với Trung Quốc”. Chúng tôi không quan tâm đến Trung Quốc, chúng tôi muốn Hồng Kông”. Tôi nói: “Không, tôi quan tâm đến Trung Quốc. Trung Quốc cũng thuộc về tôi. Tôi muốn nó thoát khỏi bàn tay của Cộng sản. Tôi sẽ không bao giờ hài lòng với việc mình chỉ là một công dân Hồng Kông. Không, không, tôi là người Trung Quốc”.
Trận chiến nào đang chiếm nhiều thời gian của Đức Hồng y vào lúc này? Đức Hồng y có quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển trong Giáo hội – ĐTC Phanxicô và thỏa thuận bí mật với Bắc Kinh – hay Đức Hồng y đang bận tâm nhiều hơn với vấn đề Hồng Kông vào lúc này?
Tôi bận tâm hơn với vấn đề Trung Quốc. Toàn thể Giáo hội tại Trung Quốc – quả thực vô cùng khủng khiếp. Mọi thứ quả thực hết sức kinh khủng.
Thật không may, kinh nghiệm về sự liên hệ của tôi với Vatican quả thực hết sức bất hạnh.
Tôi đã được Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm Giám mục. Nhưng thực sự đó không phải là quyết định của Ngài. Đó chính là quyết định của cộng sự viên của Ngài, ĐHY Tomko – người đứng đầu Bộ Truyền giáo lúc bấy giờ.

Hình ảnh Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen) năm 2014
Tại sao? Bởi vì vào thời điểm đó, 15 năm trước năm 2000, tại Trung Quốc đã có một chính sáchcởi mở mới. Đức Hồng Y Tomko muốn được tham gia, và ông đến từ Tiệp Khắc. Ông ấy biết rõ Cộng sản. Đức Hồng Y Tomko cũng có kinh nghiệm lâu năm tại Vatican, và đồng thời ngài cũng là một người bạn tâm giao của Đức Gioan Phaolô II. Đức Hồng Y Tomko đã nỗ lực làm việc rất tốt.
Không có ủy ban nào về Trung Quốc vào thời điểm đó, nhưng Đức Hồng Y Tomko đã bắt đầu bằng cách triệu tập các cuộc họp bí mật. Có nhiều phiên họp mỗi năm, hoặc đôi khi hai năm. ĐHY Tomko đã nói với tôi, “Hãy tham gia các cuộc họp. Hãy tham gia các cuộc họp với Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Bộ Truyền giáo, hai ủy ban chăm sóc Giáo hội tại Trung Quốc”. Các cuộc họp mở rộng cũng mời một số tham dự viên đến từ Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan. Hai hoặc ba chuyên gia, một số giám mục, và một vài người khác.
Các cuộc họp bí mật này rất hữu ích bởi vì ĐHY Tomko có thể thu thập nhiều thông tin. Trung Quốc đã mở cửa. Nhiều người đến thăm Trung Quốc, họ mang đến nhiều thông điệp khác nhau. Chúng tôi có thể đánh gia tình hình, đưa ra lời khuyên, thậm chí thực hiện một số liên hệ không chính thức với chính phủ.
ĐHY Tomko là một người có sự cân nhắc rất kỹ lưỡng. Ngài bắt đầu từ một đường lối cứng rắn để bảo vệ Giáo hội khỏi bị đàn áp. Nhưng khi chúng tôi đưa tin rằng ở Trung Quốc, thậm chí ngay cả trong cái gọi là Giáo hội chính thức, có rất nhiều người tốt trong Giáo hội đó.
Vì vậy, ĐHY Tomko bắt đầu một chính sách rất cởi mở. Ngài bắt đầu từ một đường lối cứng rắn nhưng lại hết sức cởi mở. Và đường lối này có vẻ như hết sức hiệu quả trong những năm đó.
Vâng, cởi mở càng nhiều càng tốt.
Cần phải có một số thỏa hiệp, nhưng về cơ bản, cần phải nói lên lập trường đúng đắn của Giáo hội.
Tòa Thánh đã hợp pháp hóa một số Giám mục bất hợp pháp. Tại sao? Bởi vì họ là những người tốt. Họ đã phải chịu sự áp lực rất lớn. Và chính phủ không dám chọn những người tồi tệ nhất. Vì vậy, đây chính là những người tốt – có thể là nhút nhát, vì vậy họ chấp nhận để được bổ nhiệm một cách bất hợp pháp. Nhưng sau đó họ xin ân xá, hứa sẽ làm tốt bổn phận của mình, cho nên Đức Giáo hoàng đã hợp pháp hóa họ.
Và rồi có những người trẻ, những linh mục, chính phủ chọn để bổ nhiệm họ làm giám mục. Một lần nữa, họ là những người tốt, có thể không nhất thiết phải là những người tốt nhất. Và họ cũng có đủ can đảm để xin sự chấp thuận của Đức Giáo hoàng. Họ nói, “Nếu không có sự chấp thuận của Đức Giáo hoàng, chúng tôi sẽ không chấp nhận để được phong chức”.
Vô cùng can đảm. Sau một số cuộc điều tra, họ đã được chấp thuận.
Điều gì đã thay đổi?
Thật không may, trong Giáo hội có một đạo luật liên quan đến giới hạn độ tuổi. Vì vậy, ở dộ tuổi 75, ĐHY Tomko phải nghỉ hưu. Sau đó, người kế nhiệm ĐHY Tomko có năng lực yếu kém. Và người kế nhiệm sau đó, thậm chí còn tệ hơn.
Ý tôi là có một nhóm trong Tòa Thánh. Những người này có quyền lực ở đó. Họ từng nắm quyền lực một cách hợp pháp bởi vì tất cả mọi người đều có được sự tin tưởng của Đức Giáo hoàng. Nhưng sau đó dưới thời của Đức Gioan Phaolô II, hướng đi đã khác. Nhưng vì Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Hồng y Tomko, những người khác không có quyền lực thực sự – trong một thời gian. Nhưng khi ĐHY Tomko nghỉ hưu, và ĐHY Crescenzio Sepe được bổ nhiệm – ĐHY Sepe đã thực sự không thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Đây là những người có quyền lực. Vì vậy, Bộ Truyền giáo hầu như không làm gì cả. Họ chỉ thực hiện chiến lược của ĐHY Tomko, nhưng không thực sự theo tinh thần đó.
Chỉ cần tưởng tượng: vào năm 2000, đã có kế hoạch bổ nhiệm 12 giám mục tại Bắc Kinh, cùng ngày khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong chức cho 12 giám mục tại Rome. Thực ra, đó là một sự thất bại. Chỉ có 5 người xuất hiện. Những người khác đã từ chối việc phong chức. Dù sao, đó chính là một hành động thách thức rõ ràng. Và vị Tổng Trưởng này đã hợp pháp hóa gần như tất cả năm vị này một cách rất nhanh chóng. Thật đáng kinh ngạc, không thể tin được.
Sau ĐHY Sepe là ĐHY Ivan Dias. Đức nguyên Giáo hoàng Benedict đã bổ nhiệm ĐHY Dias. Giờ đây, mọi người đều nghĩ rằng đó chính là một sự lựa chọn tuyệt vời, bởi vì ĐHY Dias là một người Ấn Độ đã làm việc lâu năm trong Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. ĐHY Dias là Sứ Thần Tòa Thánh ở hai hoặc ba quốc gia, và tại thời điểm đó, Ngài là Tổng Giám mục Bombay, Giáo phận lớn nhất. Vì vậy, việc triệu tập ĐHY Dias đến Vatican để trở thành vị Tổng Trưởng người châu Á đầu tiên của một Thánh Bộ lúc đó, vì vậy, đó là một điều rất tốt.
Nhưng thật không may, ĐHY Dias lại là học trò của ĐHY Agostino Casaroli [Lưu ý của Biên tập viên: Một quan chức của Vatican nổi tiếng về ngoại giao thời Chiến tranh Lạnh với Khối phương Đông]. Vì vậy, ngài tin tưởng vào chính sách “Ostpolitik”. Cả Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict và ĐHY Tarciscio Bertone đều được coi là người ngoài. Họ không thuộc nhóm này. Mặc dù ĐHY Bertone là người Ý.
Trong Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, những người có quyền lực thực sự không phải là các quan chức cao nhất, mà là những người ở dưới họ. Đặc biệt là trong lĩnh vực đối phó với vấn đề Trung Quốc.
ĐHY Pietro Parolin tại thời điểm đó là Thư ký. Điều đó có nghĩa là nhà đàm phán chính. Không có một ủy ban nào được thiết lập, mà chỉ có một thành viên thuộc Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, thực sự là Thư ký, người đã có một số sự liên hệ không chính thức với Trung Quốc, chịu trách nhiệm báo cáo và tóm tắt các cuộc họp bí mật về tất cả mọi vấn đề. Chúng tôi có thể đưa ra những lời khuyên.
Bây giờ dưới thời Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict, Ngài đã làm hai việc rất quan trọng. Một là viết một lá thư cho Giáo hội tại Trung Quốc đại lục cách đây 12 năm trước. Một lá thư tuyệt vời. Nhưng bạn có thể tưởng tượng rằng Bộ Truyền giáo dưới thời của ĐHY Dias; họ đã thao túng bản dịch tiếng Trung?!
Và rồi Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict cũng thiết lập một ủy ban. Lúc này, giữa ĐHY Dias và ĐHY Parolin, họ đã làm cho ủy ban đó không hoạt động gì cả. Đầu tiên, họ thao túng hoạt động của ủy ban. Sau đó, ủy ban không đưa ra bất kỳ sự cân nhắc nào. Và vì vậy, Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict chỉ có thể lắng nghe họ bởi vì tiếng nói của chúng tôi không thể đến được với Ngài. Làm thế nào bạn có thể buộc Đức Giáo hoàng đọc tất cả những biên bản báo cáo dày cộm. Ba ngày nói chuyện.
Thế là một ngày tôi đã phàn nàn với Đức Giáo hoàng. Tôi nói: “Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm con làm Hồng y. Ngài đề nghị con cùng cộng tác để giúp Ngài với các vấn đề của Giáo hội ở Trung Quốc. Nhưng con có thể làm gì đây? Không gì cả. Họ có sức mạnh. Và Ngài lại chẳng nói gì cả. Đức Thánh Cha đã không giúp con, vậy con làm sao có thể giúp gì cho Ngài?”.
Tôi cảm thấy đã rất thô lỗ với Đức Thánh Cha, nhưng Ngài quá thánh thiện và ân cần tử tế. Và vì vậy, cả bức thư và đặc biệt là ủy ban – ủy ban không chỉ bảo vệ bản dịch sai mà còn bảo vệ cách giải thích sai. Cách giải thích sai đã được truyền đi khắp toàn bộ Trung Quốc. Quả thực hết sức kinh khủng.
Nhưng điều gì đang xảy ra vào lúc này? Đức Phanxicô đã xuất hiện. Giờ đây, tôi xin lỗi khi phải nói rằng tôi nghĩ bạn có thể đồng ý rằng ĐTC Phanxicô có sự tôn trọng thấp đối với các vị tiền nhiệm của mình. Ngài khép lại tất cả mọi thứ đã được thực hiện bởi Đức Gioan Phaolô II và Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict.
Và rõ ràng là họ luôn đưa ra những lời nói suông ngoài cửa miệng, họ luôn nói rằng “Trong sự tiếp nối với…”, nhưng đó chính là, [đập bàn], một sự xúc phạm. Rõ ràng là một sự xúc phạm. Đó không phải là một sự tiếp nối.
Vào năm 2010, hai Hồng y Parolin và Dias, họ đã đồng ý với phía Trung Quốc về một dự thảo. Và thế là mọi người bắt đầu nói, “Ồ! Giờ đây một thỏa thuận sẽ sớm xuất hiện”. Tất cả đều bất ngờ, không còn tiếng nói nào nữa.
Tôi không có bằng chứng, nhưng tôi tin rằng chính Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict đã nói không. Ngài không thể ký thỏa thuận đó. Và tôi nghĩ rằng thỏa thuận được ký kết lúc này chính là thỏa thuận mà Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict đã từ chối ký.
Có phải Đức Hồng y đã không được nhìn thấy thỏa thuận này, họ đã không đưa cho Ngài xem thỏa thuận này?
Không! Tôi hỏi anh, liệu điều đó có công bằng không?
Tôi là một trong hai Hồng y Trung Quốc hiện đang còn sống và tôi không thể đưa ra quan điểm về thỏa thuận đó, và tôi đã ba lần đến Rome.
Mối quan hệ của Đức Hồng y với ĐTC Phanxicô khi bắt đầu Triều đại Giáo hoàng của Ngài như thế nào? Phải chăng mối quan hệ này luôn luôn căng thẳng?
Với ĐTC Phanxicô, mối quan hệ cá nhân của tôi quả thực rất tốt đẹp. Thậm chí ngay cả lúc này đây. Vào đầu tháng 7 năm nay, tôi đã dùng bữa tối với ĐTC Phanxicô. Nhưng Ngài đã không trả lời thư của tôi. Và tất cả mọi thứ xảy ra đều đi ngược lại những điều tôi đã đề nghị.
Có ba điều cần lưu ý. Một thỏa thuận bí mật, bí mật đến mức bạn không thể nói bất cứ điều gì. Chúng ta không biết có những điều khoản gì trong đó. Kế đến, việc hợp pháp hóa 7 bị Giám mục vạ tuyệt thông. Điều đó thật khó tin, đơn giản đến khó tin. Nhưng điều đáng kinh ngạc hơn nữa là hành động cuối cùng: tiêu diệt Giáo hội hầm trú.
Giờ đây họ đã hoàn thành công việc của họ. Vào ngày 28 tháng 6, một tài liệu được đưa ra từ Tòa Thánh – Tòa Thánh chứ không phải cơ quan nào khác. Chưa bao giờ có một tài liệu nào được đưa ra từ Tòa Thánh, luôn luôn phải được đưa ra từ một bộ phận cụ thể, với hai chữ ký. Tài liệu này không có bộ phận nào được chỉ định và không có chữ ký nào – mà là từ Tòa Thánh. Quả thực hết sức đáng kinh ngạc. Đáng kinh ngạc biết bao nhiêu! Ai đó không dám chịu trách nhiệm.
Một lần nữa tôi lại đến Rome. Đây là lần thứ ba. Tôi đã đến Rome vào tháng 1 và tháng 10 năm ngoái, và sau đó là tháng 6 năm nay. Tôi đã gửi một lá thư đến Phủ Giáo hoàng với nội dung: “Kính thưa Đức Thánh Cha, con hiện đang có mặt tại Rome. Con muốn biết ai đã soạn thảo tài liệu gọi là Định hướng Mục vụ. Và con muốn thảo luận với Đức Thánh Cha về tài liệu đó trước sự hiện diện của Ngài. Con sẽ lưu lại Rome trong bốn ngày, Đức Thánh Cha có thể gọi cho con bất cứ lúc nào, bất kể ngày đêm”.
Sau một ngày, chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Vì vậy, tôi đã gửi một lá thư khác, nhưng lần này với tất cả sự phản đối của tôi đối với tài liệu này. Tôi nói, “Con vẫn ở đây chờ đợi Đức Thánh Cha”. Sau đó, một ngày nọ, có người đến nói với tôi, “Đức Thánh Cha nói, bất cứ điều gì ngài muốn nói hay phải nói, cứ nói với Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Parolin”. Tôi quả thực hết sức giận dữ.
Lúc đó tôi mới nói: “Không! Tôi sẽ không bao giờ lãng phí thời gian với ông ấy!”. Một sự lãng phí thời gian thực sự, bởi vì tôi sẽ không bao giờ thuyết phục được ông ấy, ông ấy cũng sẽ không bao giờ thuyết phục được tôi. Tôi muốn Đức Thánh Cha hiện diện. Nhưng bởi vì điều đó dường như là không thể, được thôi, tôi sẽ về nhà tay không.
Ngày cuối cùng tôi đi khắp nơi để cầu nguyện tại một số Vương Cung Thánh Đường và đến thăm một số người bạn, cũng như Đức Hồng y Tomko, lúc này đã 95 tuổi.
Ngài vẫn còn khỏe mạnh chứ?
[Gật gù] Nhưng dường như không còn năng động nữa. Tôi trở về phòng lúc 5 giờ chiều. Họ nói rằng, “Đức Thánh Cha mời ngài dùng bữa tối cùng với ĐHY Parolin”.
Tôi đã đến đó để dùng bữa tối. Rất đơn giản, chỉ có ba chúng tôi. Tôi nghĩ bữa tối không phải là lúc để bàn cãi, vì vậy tôi đã phải hết sức nhã nhặn trong bữa ăn tối. Vì vậy, tôi đã nói tất cả về Hồng Kông và ĐHY Parolin đã không nói một lời nào. Vì vậy, cuối cùng, tôi đã nói, “Thưa Đức Thánh Cha, Ngài nghĩ gì về những sự phản đối của con đối với tài liệu đó?”. ĐTC Phanxicô nói: “Tôi sẽ xem xét vấn đề này”. ĐTC Phanxicô đã tiễn tôi ra tận cửa.
Và sau đó, tôi đã không trở về tay không. Tôi có một ấn tượng rõ ràng rằng ĐHY Parolin đang thao túng Đức Thánh Cha.
Vậy ĐHY Parolin mong muốn điều gì?
Ồ, không ai có thể chắc chắn điều đó, bởi vì đó chính là một bí ẩn thực sự, làm thế nào mà một quan chức của Giáo hội, với tất cả kiến thức của mình về Trung Quốc, về những người Cộng sản, lại có thể làm một việc như ĐHY Parolin làm lúc đó? Giải thích duy nhất không phải là đức tin. Đó là một sự thành công về mặt ngoại giao. Một sự hư vinh.
Giờ đây, hành động cuối cùng này chỉ đơn giản là không thể tin được. Tài liệu nói rằng, “Để làm công việc Mục vụ cách công khai, các giáo sĩ cần phải đăng ký với chính phủ”. Và sau đó bạn phải ký một văn bản nào đó mà trong đó nói rằng bạn phải ủng hộ một Giáo hội độc lập. Điều đó thực sự không tốt, chúng ta vẫn đang thảo luận về vấn đề đó. Và vì vậy chính phủ không tốt bởi vì họ đề cập điều gì hoặc sử dụng cái gì trước lúc nó thực sự có. Nhưng dù sao đi nữa, “Bạn vẫn ký”.
Tài liệu có nội dung chống lại những điều chính thống của chúng ta và họ được khuyến khích ký vào tài liệu này. Bạn không thể lừa dối chính mình. Bạn không thể lừa dối Cộng sản. Bạn đang lừa dối cả thế giới. Bạn đang lừa dối các tín hữu. Việc ký tài liệu không phải đồng nghĩa với việc ký một tuyên bố. Khi bạn ký, bạn chấp nhận trở thành thành viên của Giáo hội chính thức dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Thật khủng khiếp, không thể nào khủng khiếp hơn!
Gần đây tôi được biết rằng Đức Thánh Cha, trên một chuyến bay trở về Rome (tôi không nhớ ở đâu) đã nói rằng, “Chắc chắn, tôi không muốn chứng kiến một sự ly giáo. Nhưng tôi không sợ một cuộc ly giáo”. Và tôi sẽ nói với Ngài rằng: “Chính Đức Thánh Cha đang khuyến khích một cuộc ly giáo. Chính Đức Thánh Cha đang hợp pháp hóa một Giáo hội ly giáo ở Trung Quốc”. Thật không thể tưởng tượng nổi!
Đức Hồng y nghĩ gì về lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, lý do của họ muốn kiểm soát Giáo hội Công giáo và điều hành Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (CPCA)?
Chắc chắn rồi, đó chính là hệ thống của họ. Họ cần kiểm soát tất cả mọi thứ. Bởi vì họ biết rằng họ không thể phá hủy, họ muốn kiểm soát. Chắc chắn là vậy. Tất cả các nhà thờ. Họ muốn tiêu diệt từ bên trong.
Đức Hồng y có nghĩ rằng có một sự mâu thuẫn cơ bản giữa việc có được một đức tin Công giáo cởi mở tại Trung Quốc và việc có được một Trung Quốc do Đảng Cộng sản kiểm soát. Liệu có thể có một Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc với Đảng Cộng sản?
Họ rất sợ những sự việc đã xảy ra ở Ba Lan. Họ đã bày tỏ lo ngại này một cách cởi mở. Khi tôi được Đức Giáo hoàng bổ nhiệm Hồng y, ông Liu Bainian [Ghi chú của Biên tập viên: Phó chủ tịch CPCA] đã nói rằng: “Nếu như tất cả các giám mục ở Trung Quốc giống như Đức Hồng y Zen, thì chúng ta sẽ trở thành giống như Ba Lan”. Họ sợ điều đó.
Họ không thể chịu đựng được điều đó. Bạn biết đấy, vấn đề với các Phật tử ở Tây Tạng và những người Hồi giáo ở Tân Cương thậm chí còn phức tạp hơn bởi vì nó có liên quan đến vấn đề sắc tộc. Và vấn đề của chúng ta đó chính là chúng ta là một Giáo hội hoàn vũ. Vì vậy, chẳng hề có dấu hiệu hy vọng nào cả, không có bất cứ hy vọng nào. Tất cả chỉ là vô vọng.
Minh Tuệ (theo New Bloom)