Phỏng vấn Đức Hồng Y Bo: Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến với người dân Châu Á đang truyền bá đức tin tại những quê hương mới

Đức Hồng y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục Địa phận Yangon, Myanmar, và là Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (Ảnh: Vatican News)

Đức Hồng y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục Địa phận Yangon, Myanmar, và là Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (Ảnh: Vatican News)

Trong một cuộc phỏng vấn đề cập đến nhiều vấn đề trước thềm chuyến Tông du sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Châu Á, Đức Hồng y Charles Maung Bo, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, đã cung cấp cho Truyền thông Vatican cái nhìn sâu sắc về ý nghĩa của chuyến viếng thăm sắp tới.

“Chỉ cần thấy rằng nhiều nhà thờ của chúng tôi chật kín giáo dân trong các Thánh lễ Chúa nhật thôi là đủ. Quý vị sẽ thấy rằng nhiều người dân châu Á di cư đến các quốc gia khác vẫn giữ được đức tin của mình”.

Trong một cuộc phỏng vấn đề cập đến nhiều vấn đề với Truyền thông Vatican, Đức Hồng y Charles Maung Bo, Tổng Giám mục Địa phận Yangon, Myanmar, và là Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC), đã mô tả Châu Á và Châu Đại Dương mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ghé thăm trong chuyến Tông du của ngài tới Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore, từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9, đánh dấu chuyến Tông du nước ngoài lần thứ 45 của ngài và là một trong nhiều chuyến viếng thăm Châu Á.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng y Bo đã trình bày chi tiết về Giáo hội sôi động và đa dạng, bất chấp những thách thức về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa, và thực tế là “không phải lúc nào cũng dễ dàng để sống đức tin Kitô giáo ở một số nơi tại Châu Á”, “không chỉ tiếp tục tồn tại mà còn năng động theo nhiều cách khác nhau”.

Kính thưa Đức Hồng y, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến Tông du thứ 45 tới Châu Á và Châu Đại Dương sau chuyến viếng thăm nước ngoài gần đây nhất vào tháng 9 năm 2023. Ngài đánh giá thế nào về tầm quan trọng của chuyến viếng thăm này?

Đối với nhiều người dân Châu Á, họ chỉ nghe về Đức Giáo hoàng và ngày nay, họ được nhìn thấy ngài nhiều hơn trước đây nhờ phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Tuy nhiên, đối với dân chúng nói chung, Đức Giáo hoàng có phần “xa cách”.

Sự xuất hiện của Đức Giáo hoàng tại Châu Á không chỉ tạo nên sự phấn khởi mà còn khơi dậy lòng nhiệt thành mới đối với đức tin và mang đến cho người dân Châu Á một cảm thức đức tin mới, vì điều này chứng tỏ rằng người dân Châu Á không nằm ngoài sự bận tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Điều đáng khích lệ hơn nữa là Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn đến thăm các quốc gia nhỏ hơn, ít được thế giới biết đến hơn, như Papua New Guinea và Timor Leste, trong chuyến viếng thăm Châu Á này, qua đó tạo cơ hội cho thế giới tìm hiểu về các Giáo hội tại các quốc gia này. Người dân phấn khởi không chỉ vì họ được tận mắt nhìn thấy Đức Giáo hoàng, mà tôi tin chắc rằng sẽ có sự đổi mới trong đời sống và đức tin của các Giáo hội địa phương.

Logo của các chuyến Tông du sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Timor Leste, Singapore, Indonesia và Papua New Guinea (Ảnh: Vatican News)

Logo của các chuyến Tông du sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Timor Leste, Singapore, Indonesia và Papua New Guinea (Ảnh: Vatican News)

Với tư cách là Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, sự đa dạng của các quốc gia Châu Á khiến chuyến viếng thăm này trở nên đặc biệt quan trọng như thế nào? Ví dụ, người ta nghĩ đến sự giàu có của Singapore, sự nghèo đói của Papua New Guinea, Indonesia với đa số người Hồi giáo và phần lớn người Công giáo của cựu thuộc địa Bồ Đào Nha là Timor-Leste. Điều gì đáng lưu ý ở đây?

Điểm độc đáo của Châu Á là sự đa dạng về văn hóa, tôn giáo và truyền thống. Trong khi Kitô hữu là nhóm thiểu số ở hầu hết các quốc gia Châu Á, ngoại trừ Philippines và Timor-Leste, chúng ta thấy đức tin đang phát triển.

Các Giáo hội tại Châu Á tuy nhỏ nhưng rất sôi động và sống động. Đức Thánh Cha sẽ có cái nhìn trực tiếp về sự đa dạng năng động của các Giáo hội tại Châu Á cũng như đức tin của người dân nơi đây. Dù giàu hay nghèo, đa số hay thiểu số, đức tin của người dân vẫn kiên định bất chấp sự đa dạng của những thách thức phải đối mặt ở các quốc gia khác nhau.

Giáo hội hoàn vũ có thể học được gì từ Giáo hội ở Châu Á?

Ba từ hiện lên trong tâm trí tôi: hòa bình và hòa hợp, và điều làm cho hòa bình và sự hòa hợp trở thành hiện thực, tức là đối thoại. Bất chấp vô số thách thức mà các Giáo hội ở Châu Á phải đối mặt, mục tiêu của chúng tôi là tìm kiếm hòa bình và sự hòa hợp. Mọi người đều tìm kiếm hòa bình và sự hòa hợp, và đó là lý do tại sao, khi phải đối mặt với áp bức chính trị, nghèo đói, tàn phá khí hậu và nhiều thứ khác nữa, Giáo hội phải hợp tác với những người khác để khôi phục hòa bình và sự hòa hợp trong cuộc sống của những người bị ảnh hưởng trực tiếp.

Ở Châu Á, chúng tôi học cách hợp tác, đối thoại và tôn trọng lẫn nhau. Nhưng trên hết, chúng tôi đã học cách cùng tồn tại như anh chị em bất chấp những khó khăn. Tôi tin rằng con đường hòa bình và sự hòa hợp thông qua đối thoại là những gì Châu Á có thể mang lại cho Giáo hội Hoàn vũ.

Xin Đức Hồng y chia sẻ về chứng tá của Giáo hội tại Châu Á?

Các Giáo hội ở Châu Á năng động và tràn đầy sức sống. Chỉ cần thấy rằng nhiều nhà thờ của chúng tôi chật kín người trong các Thánh lễ Chúa nhật thôi là đủ. Quý vị sẽ thấy rằng nhiều người dân Châu Á di cư đến các quốc gia khác vẫn giữ được đức tin của họ. Họ là những nhà truyền giáo của chúng ta tại các Giáo hội lâu đời này. Họ mang đến một hy vọng và lòng nhiệt thành mới cho những “ngôi nhà mới” của họ.

Chúng ta cũng chứng kiến ​​nhiều Giáo hội bị bách hại tại khắp Châu Á. Không phải lúc nào cũng dễ dàng để sống đức tin Kitô giáo ở một số nơi tại Châu Á. Bất chấp những thách thức này, về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, đức tin của họ không chỉ tiếp tục sống động mà còn năng động theo nhiều cách thức khác nhau.

Giáo hội ở Châu Á, hay ở mỗi một trong bốn Giáo hội riêng lẻ này, cần gì từ Giáo hội? Hay từ các xã hội của họ?

Thật khó để tôi nêu ra những gì các Giáo hội riêng lẻ cần từ Giáo hội, nhưng tôi cầu nguyện rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ mang đến một lòng nhiệt thành mới cho đức tin và sự cởi mở hơn với nhau để sống trong hòa bình và quan tâm đến nhau như anh chị em, mỗi người đều hướng đến người kia bất chấp mọi khác biệt mà chúng ta có thể có.

Đức Thánh Cha Phanxicô cùng với Đức Hồng Y Charles Maung Bo khi đến Myanmar trong chuyến Tông du vào năm 2017  (Ảnh: Vatican News)

Đức Thánh Cha Phanxicô cùng với Đức Hồng Y Charles Maung Bo khi đến thăm Myanmar trong chuyến Tông du vào năm 2017 (Ảnh: Vatican News)

Đức Thánh Cha đã đến thăm ngài ở Myanmar trước khi đến Bangladesh, và tương tự như vậy, chúng ta có thể nhớ lại cảm xúc của ngài khi quay trở lại Châu Á trước đại dịch để thực hiện chuyến viếng thăm Nhật Bản và Thái Lan. Chuyến Tông du Châu Á này sẽ tạo ra những kỷ niệm mới như thế nào?

Mỗi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đều độc đáo và mới mẻ. Tôi chắc chắn Đức Thánh Cha có một thông điệp cho Châu Á trong chuyến viếng thăm này, giống như những chuyến viếng thăm trước đó và tôi chắc chắn những ký ức sẽ đến một cách tự nhiên và đúng lúc để trải nghiệm những tác động của chúng.

Tuy nhiên, hy vọng của cá nhân tôi là chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ mang lại sự đổi mới trong đời sống và đức tin của các Giáo hội tại Châu Á để trở thành những chứng nhân sống động cho thế giới về Giáo hội đang phát triển của chúng tôi.

Lở đất chết người ở Papua New Guinea cướp đi sinh mạng của vô số người  (Ảnh: Vatican News)

Lở đất chết người ở Papua New Guinea cướp đi sinh mạng của vô số người (Ảnh: Vatican News)

Theo Đức Hồng y, chủ đề về khí hậu và việc bảo vệ môi trường sẽ có vai trò như thế nào khi khu vực này ngày càng phải hứng chịu nhiều thảm họa thiên nhiên do cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra?

Những tác động của vấn đề biến đổi khí hậu đang tàn phá Châu Á. Vì Đức Thánh Cha hết sức bận tâm đến chủ đề về việc chăm sóc khí hậu, tôi chắc chắn rằng ngài sẽ đề cập đến vấn đề này.

Chúng ta không thể tiếp tục là người ngoài cuộc mà phải tích cực tham gia vào việc thúc đẩy việc chăm sóc khí hậu vì thiện ích chung của tất cả mọi người. Giáo hội tại Châu Á cũng phải là nhân vật chính trong việc mang lại sự thay đổi này trong khu vực và trên thế giới.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết