
Ấn Độ: Một Nữ tu, nạn nhân của vụ tấn công tình dục, đã hồi phục để ‘Mang lại cho người dân của mình niềm hy vọng’. © ACN
Vào tháng 8 năm 2008, quận Kandhamal, tiểu bang Odisha đã chứng kiến sự trỗi dậy tồi tệ nhất của cuộc đàn áp Kitô giáo trong lịch sử Ấn Độ hiện đại. Nó đã gây ra bởi vụ giết hại một nhà lãnh đạo Ấn Độ giáo địa phương. Những kẻ cực đoan Ấn giáo đã gán vụ giết hại này là “một sự thông đồng của Kitô giáo quốc tế” đồng thời đổ lỗi cho Đức Giáo hoàng, Châu Âu và Hoa Kỳ. Họ kêu gọi việc trả thù các Kitô hữu, dẫn đến cái chết của 100 người và việc phá hủy 300 nhà thờ và 6.000 ngôi nhà. Bảy Kitô hữu, bị cáo buộc sai trái về vụ giết Swami, đã phải ngồi tù 9 năm. Đầu tháng 12, năm Kitô hữu còn lại cuối cùng đã được tại ngoại.
Trong bối cảnh của làn sóng bạo lực quét qua quận Kandhamal, Nữ tu Meena Barwa đã bị hãm hiếp và bị ép buộc bán khỏa thân diễu hành trên đường phố. Sau nhiều năm bị chấn thương và các cuộc tố tụng pháp lý, hiện vẫn đang tiếp tục, Sơ Barwa đã quyết định đăng ký vào trường luật và hoạt động thay mặt cho những người bị gạt ra bên lề xã hội. Gần đây, Nữ tu Meena Barwa đã có cuộc trò chuyện với Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN):
Sự chấn thương gần như không thể chịu đựng nổi, và tôi đã phải nhiều lần chuyển đi nơi khác vì sự an toàn của chính mình, đôi khi đến những nơi mà tôi không thể nói được ngôn ngữ. Tôi thậm chí còn phải mặc đồ cải trang. Trong nhiều năm, tôi đã bị tách biệt khỏi gia đình. Và mỗi khi màn đêm buông xuống, mọi thứ đặc biệt trở nên tồi tệ. Tôi thường xuyên mơ thấy các vụ tấn công. Những điều các Kitô hữu Kandhamal đã phải chịu đựng chỉ làm tôi thêm đau đớn.
Thỉnh thoảng, tôi trở lại Odisha để tiến hành các thủ tục tố tụng tại tòa. Phiên tòa đầu tiên đã khiến tôi đau đớn trở lại. Tôi không thể chợp mắt nổi trong nhiều ngày sau đó; Tôi đã bị sỉ nhục, bị xúc phạm và bị giày vò giằng xéo về mặt tinh thần. Tôi dần dần trở nên ác cảm ghê gớm đối với hệ thống pháp luật Ấn Độ.
Nhưng điều này đã không làm tôi thất vọng. Tôi quyết định hành động thay mặt cho những người đau khổ với tôi, để theo đuổi công lý cho họ. Vào năm 2009, tôi đã đăng ký ẩn danh vào một trường đại học bên ngoài Odisha; Tôi chỉ là một trong số những cô gái sống trong nhà trọ của tu viện. Năm 2015, tôi bắt đầu chương trình luật kéo dài ba năm, trong khi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình với tư cách là một nữ tu.
Nhiều thứ đã thay đổi trong thập kỷ qua. Hiện nay tôi sống một cuộc sống bình thường, và tôi đã trở nên mạnh mẽ hơn nhiều. Những người mà tôi gặp gỡ đã giúp tôi quên đi nỗi đau của mình; Tôi coi họ như là một sự chức lành từ Thiên Chúa. Họ là những thiên thần được phái đến để hướng dẫn tôi để tôi không đắm mình trong đau khổ. Thay vào đó, tôi đã vươn lên từ những chấn thương của mình và đồng thời tìm cách mang lại niềm hy vọng cho tất cả mọi người. Tôi đã trở nên khiêm tốn hơn, kiên nhẫn hơn và nhân bản hơn.
“Hàng ngày tôi cầu nguyện với Thiên Chúa. Lời cầu nguyện chỉ có ý nghĩa khi tôi tha thứ. Làm sao tôi có thể cầu nguyện nếu tôi không tha thứ? Bằng cách tha thứ cho những kẻ tấn công tôi đã khiến tôi thoát khỏi sự tổn thương, sự sợ hãi, xấu hổ, nhục nhã và tức giận. Tôi cảm thấy mình đang sống một cuộc sống bình thường và hạnh phúc vì tôi đã tha thứ cho họ. Nếu không, tôi sẽ phát điên. Tôi không có cảm giác ác cảm đối với những kẻ đã tấn công tôi. Tôi chỉ ước rằng họ trở thành người lương thiện”.
“Tôi biết ơn cuộc đời, sức mạnh và ý thức về mục tiêu của tôi, tất cả những thứ đó đã được Thiên Chúa ban cho tôi. Nài chính là nguồn sức mạnh của tôi, thậm chí ngay cả khi thử thách của tôi cứ tiếp tục kéo dài. Và Ngài đã ủy quyền cho tôi để luôn phục vụ tha nhân”.
“Người dân Kandhamal đã phải chịu đựng đau khổ rất nhiều, nhưng họ đang đặt hết niềm tin phó thác vào Thiên Chúa. Sự đau khổ tự chính nó là một ân sủng. Tôi nhận thấy đó là một thách thức để trưởng thành. Thái độ của cộng đồng Kitô giáo đối với những sự việc đã xảy ra ở Kandhamal vào năm 2008 không phải là tiêu cực. Họ hy vọng và có một đức tin sâu sắc hơn. Bi kịch đã làm cho họ trở nênmạnh mẽ hơn. Những lời của Thánh Phaolô đã xuất hiện trong tâm trí tôi: ‘Ai có thể tách chúng ta ra khỏi Tình yêu của Chúa Kitô?’, người dân Kandhamal đang sống điều này”.
Minh Tuệ (theo Zenit)