Cha Spadaro đã trả lời một cuộc phỏng vấn với RNS cuối tháng 11 vừa qua tại văn phòng của ngài ở Villa Malto, trụ sở chính của Civiltà Cattolica. Cuộc đối thoại đề cập đến nhiều vấn đề, ngài nói đến sự chống đối Đức Giáo hoàng, những điều mà Đức Giáo hoàng và Giáo hội sẽ phải đối diện trong năm 2017, cách thức Đức Phanxicô, nay đã 80 tuổi, xử lý khối lượng công việc quá tải của ngài, và tại sao mà Cha Spadaro cảm thấy chán nản khi thấy vị Giáo hoàng của công chúng được miêu tả như một vị giáo hoàng “dễ mến”.
Linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro không có tước hiệu hay chức vụ, sắc phục thường được trao cho các giáo sĩ có ảnh hưởng tại Vatican. Tuy nhiên, vị tu sĩ Dòng Tên người Ý này đã phỏng vấn Đức Giáo hoàng Phanxicô nhiều lần và là một trong những cố vấn tin cậy của Đức Giáo hoàng.
Công việc chính của Cha Spadaro là biên tập viên Tạp chí La Civiltà Cattolica, xuất bản định kỳ và có uy tín, với sự kiểm tra của Vatican trước khi xuất bản. Tuy nhiên, sự gắn bó chặt chẽ của ngài với Đức Phanxicô cũng như các nỗ lực cải cách Giáo hội của Đức Giáo hoàng mới là điều làm cho Cha Spadaro, 50 tuổi, phải hứng chịu búa rìu từ những người chỉ trích Đức Giáo hoàng, đặc biệt là những người bảo thủ.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã khởi sự nhiều công việc khác nhau và cải cách một loạt vấn đề, trong đó có nhiều điều tranh cãi. Điều gì đang chờ đợi Đức Giáo hoàng và Giáo hội Công giáo trong năm 2017?
Đức Phanxicô làm việc không theo kiểu đưa ra kế hoạch và dự thảo, với những điều lớn nhỏ phải làm ở đây và ở kia. Không, ngài thực sự làm việc theo cách biện phân. Ngài hiểu phải làm những gì khi đang làm việc. Cho nên, mọi thứ đều rất khó dự đoán, ngay cả đối với chính ngài. Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên giữa chúng tôi vào năm 2013 và nhiều lần khác, ngài nói với tôi rằng, luôn luôn có sự bất ngờ. Không thể dự đoán trước ngài sắp làm gì.
Nhưng tôi có thể nói rằng tôi cảm thấy (từ ngài) một chút gấp rút, không phải luôn luôn gấp rút, trong việc tận dụng thời gian. Có thể nói đó là cố gắng nắm bắt khoảnh khắc.
Có phải vì ngài đã bước sang tuổi 80 vào tháng 12 này?
Tuy nhiên đó không phải là áp lực. Nói chung ngài không vội vàng bởi vì biết rằng Giáo hội ở trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, chứ không phải bàn tay của ngài. Cho nên ngài đang dẫn dắt những tiến trình mở. Ít nhất ngài có thể thấy được kết quả của một vài công việc mà ngài đã khởi sự. Ngài không hề cảm thấy chút gì áp lực hay vội vã. Nhưng ngài muốn nắm bắt khoảnh khắc, để tận dụng thời gian dành cho mình. Đó là tinh thần trách nhiệm, không phải sự vội vã.
Và tôi thấy điều đó bởi vì ngài luôn luôn điềm tĩnh và thinh lặng. Đó là điều làm tôi kinh ngạc – giống như một phép lạ.
Trong một bài phỏng vấn gần đây, ngài nói ngài “kéo gỗ” 6 giờ mỗi tối. Ngài cũng nói ngài cầu nguyện rất nhiều và khả năng chịu đựng của ngài là “một hồng ân của Chúa”. Đâu là bí mật của ngài?
Vâng, ngài không bao giờ stress. Ngài luôn luôn làm việc nhưng không bao giờ stress. Điều đó giống một phép lạ. Tuy nhiên, như ngài nói, ngài là con người cầu nguyện.
Tất cả điều đó là kết quả của cầu nguyện …?
Mọi việc bắt đầu từ nhà nguyện của ngài. Ngài không có văn phòng. Ngài có một phòng tại Santa Marta. Văn phòng của ngài là nhà nguyện.
Vâng, nhưng ngài có dự đoán gì về những điều sắp tới không?
Thực sự tôi không quan tâm lắm đến việc dự đoán.
Thượng Hội đồng sắp tới, dự kiến diễn ra vào tháng 10 năm 2018 với chủ đề về người trẻ, chắc chắn sẽ là một vấn đề trọng tâm, phải không ạ?
Chủ đề lớn mà tôi nhìn thấy nhiều lần trong những tháng gần đây là “sự biện phân”. Điều đó cũng là trọng tâm của tông huấn Amoris Laetitia¸ đặc biệt là sự biện phân dành cho các linh mục và các chủng sinh. (Chú thích của BBT: Amoris Laetitia là một tông huấn dài mà Đức Phanxicô công bố mùa xuân vừa qua, tóm tắt kết quả làm việc của hai Thượng Hội đồng của Giáo hội về gia đình trong thời hiện đại. Tông huấn này đã gây ra nhiều tranh luận liên quan đến việc cho phép các mục tử có thể tùy nghi áp dụng các quy định đối với việc rước lễ).
Ngài nhận ra rằng vấn đề trọng tâm của tông huấn không phải là vấn đề giáo lý. Tông huấn đó cũng không phải là giáo lý.
Vấn đề nằm ở chỗ Giáo hội cần phải học cách áp dụng việc biện phân một cách tốt hơn và sâu sắc hơn chứ không phải chỉ áp dụng luật lệ đối với tất cả mọi người theo cùng một cách thức. Giáo hội cần phải quan tâm đến đời sống của tín hữu, đến hành trình đức tin của họ cũng như cách mà Thiên Chúa làm việc nơi mỗi người. Do đó một người mục tử chân chính sẽ không thể áp dụng những quy tắc chung chung đối với những cá nhân riêng biệt theo cùng một cách thức. Giáo hội phải phát triển khả năng biên phân. Đó sẽ là một trong những chủ đề quan trọng nhất của Thượng Hội đồng sắp tới.
Trong khi đó, những người chỉ trích việc biện phân này – trong đó có bốn vị hồng y nổi tiếng – nói rằng họ cần những câu trả lời “có hay không” rõ ràng.
Tôi không biết liệu họ có phải là những người chỉ trích việc biện phân hay không. Tôi chỉ biết rằng Đức Giáo hoàng đã nói rằng cuộc sống không chỉ có trắng và đen. Có rất nhiều sắc thái khác và chúng ta phải biện phân những sắc thái đó.
Đó là ý nghĩa của cuộc nhập thể – Thiên Chúa mặc xác phàm, có nghĩa là chúng ra được dựng nên với nhân tính thực sự, không có gì cố định hoặc quá rõ ràng. Cho nên các mục tử phải thực sự đi vào sự sống động của đời sống con người. Đó là thông điệp của lòng thương xót. Sự biện phân và lòng thương xót là hai trụ cột chính của triều đại Giáo hoàng hiện nay.
Có phải sự chống đối cách làm của Đức Phanxicô ngày càng tăng lên và mạnh mẽ hơn không?
Không, không! Vấn đề là một số người chống đối tạo ra nhiều sự ầm ĩ, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông xã hội. Họ tạo ra những căn phòng ầm ĩ. Tuy nhiên bạn chỉ nghe thấy sự ầm ĩ đó nơi các phòng thay đồ. Nếu bạn đi ra khỏi phòng thay đồ đó, bạn chẳng nghe thấy gì cả. Cho nên chỉ những người ở trong những phòng thay đồ đó mới có thể nghe thấy sự ầm ĩ.
Vấn đề không phải là về bốn vị hồng y kia hay là bất kì ai. Đức Phanxicô đã nói nhiều lần rằng ngài thích sự chống đối. Đó không phải là vấn đề đối với ngài. Ngài luôn luôn gặp sự chống đối trong đời. Ngài quen với sự chống đối và ngài biết rằng cuộc sống phải có sự căng thẳng. Và vì cuộc sống phải có sự căng thẳng cho nên nếu không có căng thẳng thì không phải là cuộc sống. Một dấu hiệu tích cực cho thấy hiệu quả của tiến trình cải cách chính là sự chống đối nổi lên.
Nhưng Đức Giáo hoàng Phanxicô phân biệt hai loại chống đối: một loại đến từ những người quan tâm đến Giáo hội. Họ yêu mến Giáo hội. Họ thật sự muốn, từ sâu trong tâm hồn họ, điều tốt cho Giáo hội. Một loại khác chỉ muốn áp đặt quan điểm của một bên, đó là sự chống đối về ý thức hệ. Đối với loại thứ nhất, Đức Giáo hoàng lắng nghe và mở lòng ra để học hỏi. Đối với loại thứ hai, nói chung ngài không quan tâm lắm.
Có phải sự chống đối “tốt” đang tăng lên? Và điều đó có ý nghĩa gì đối với cách tiếp cận của Đức Giáo hoàng?
Sự chống đối tốt đó được trình bày rất tế nhị. Họ nói với Đức Giáo hoàng và nói rất thẳng thắn. Ngài thích những người này vì họ không gây ra sự ầm ĩ theo kiểu của ngành công nghiệp điện ảnh.
Năm 2013, ngài nói với tôi vào lúc bắt đầu cuộc phỏng vấn đầu tiên rằng, nếu tôi nghĩ rằng ngài nói gì không đúng, hãy cho ngài biết. Tôi rất bất ngờ vì điều đó. Một điều nhỏ như vậy cũng cho tôi thấy ngài rất cởi mở với sự chỉ trích.
Nhưng cần phải nhớ rằng, có những hành động hoặc văn kiện, như Amoris Laetitia, là kết quả của cả một quá trình dài. Đó không phải là điều Đức Giáo hoàng tự nói, đó là của hai Thượng Hội đồng, cởi mở và thẳng thắn. Ngài rất thích cách làm việc như thế.
Cuối cùng, ngài viết tông huấn này vì đó là công việc của ngài trong tư cách là Giáo hoàng – không chỉ vì ngài là một giáo hoàng “dễ mến”.
Ý ngài là gì? Rất nhiều người nghĩ rằng Đức Giáo hoàng thực sự dễ mến và đó là lý do họ yêu mến ngài.
Tôi thực sự chán nản khi nghe thấy điều đó, nói rằng Đức Giáo hoàng “dễ mến và tốt bụng”. Tất nhiên, ngài dễ mến và tốt bụng. Tuy nhiên ngài biết việc làm Giáo hoàng có nghĩa là gì. Ngài hoàn toàn nhận thức được trách nhiệm của mình. Ngài biết phải làm gì và ngài đang nắm trong tay quyền lực gì – quyền lực của sự phục vụ.
Ngài là Đức Giáo hoàng và ngài biết ngài là Đức Giáo hoàng. Ngài ý thức đầy đủ về chức vụ kế vị thánh Phêrô của mình. Cho nên ngài thực thi quyền lực của người nắm giữ chìa khóa của Thánh Phêrô khi cần thiết. Tuy nhiên ngài lắng nghe rất nhiều, ngài thu thập thông tin và ngài cởi mở. Ngài cầu nguyện rất nhiều trước khi làm điều gì đó. Tuy nhiên khi ngài quyết định, quyết định đó được đưa ra sau một tiến trình dài. Điều này rất quan trọng. Lắng nghe, cầu nguyện, và biện phân.
Nên khi ngài hành động trong tư cách Giáo hoàng, đó không phải là ý tưởng cá nhân chợt nảy ra?
Ngài rất cứng rắn. Ngài đưa ra quyết định. Nhưng đó là sau cả một quá trình dài. Ngài không chỉ dễ mến, ngài còn cứng rắn. Ngài có giàu lòng thương. Ngài thinh lặng và điềm tĩnh. Tôi không thích hình ảnh một Đức Giáo hoàng chỉ có sự dễ mến mà thôi. Đức Giêsu đã làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa. Ngài không chỉ dễ mến. Cách hành động và tuyên bố của Đức Giáo hoàng xuất phát từ Tin Mừng. Nó được hình thành bởi Tin Mừng. Nó không được hình thành bởi mong muốn trở nên dễ mến.
Nhìn về phía trước, mọi người cũng đang nói về thời kì “hậu Phanxicô”. Ngài đã 80 tuổi. Tương lai của ngôi vị giáo hoàng sẽ ra sao? Chúng ta đã được chứng kiến phản ứng tại Mỹ khi Obama chuẩn bị rời Nhà Trắng và Donald Trump đắc cử Tổng thống. Liệu sẽ có một diễn biến tương tự với trường hợp Đức Phanxicô không?
Tôi không thích câu hỏi này. Tất nhiên, nó chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng tôi không thích nó bởi vì tôi thực sự tin vào sự bất ngờ của Thiên Chúa và tôi nghĩ sẽ có một Đức Giáo hoàng vào đúng thời điểm, như đã thấy trong những thập kỷ đã qua.
Tôi chỉ nghĩ rằng những gì Đức Phanxicô đã khởi sự sẽ không thể bị đảo ngược. Tuy nhiên nó không có nghĩa là người kế vị ngài phải giống như ngài. Vị đó có thể hoàn toàn khác biệt. Chúng ta sẽ chờ xem, nhưng bây giờ chúng ta chưa biết gì cả.
Đức Phanxicô dường như tôn trọng truyền thống theo những cách quá đáng. Ngài đã không vượt quá số lượng 120 hồng y, chẳng hạn như Đức Gioan Phaolô II thường làm.
Tất nhiên, ngài không phải người theo chủ nghĩa tự do. Ngài không phải người bảo thủ nhưng cũng không phải tự do. Ngài là điều gì đó khác biệt. Và ngài cũng không thích bị vây quanh bởi những người tự nhận mình “theo chủ nghĩa Bergoglio” – những người giống như ngài. Đó là một cách hiểu hoàn toàn khác.
Cuộc cải cách Giáo triều Rôma (cơ quan dân sự của Đức Giáo hoàng) đang diễn tiến thế nào? Có bao nhiêu sự thay đổi về tổ chức?
Các cấu trúc có thể thay đổi, nhưng như Đức Phanxicô đã nói, bạn phải thay đổi tâm hồn trước khi thay đổi cấu trúc. Và tâm hồn đang thay đổi. Các cơ quan đều có chung một tầm nhìn toàn diện, không phải mỗi cơ quan phụ trách một phần riêng biệt trong đời sống hay lời giảng dạy của Giáo hội.
Đối với tôi, thách thức lớn nhất là không được chia rẽ dân Chúa theo những quy định và những khu vực riêng biệt, theo kiểu các linh mục ở đây, các giáo dân ở kia. Có một tầm nhìn khác, mang tính mục vụ hơn, toàn cầu hơn, bắt rễ sâu hơn từ Công đồng Vatican II.
Các cuộc cải cách đang diễn ra nhưng chỉ có Thần Khí là đúng đắn và Thần Khí sẽ tạo nên mọi điều, một cách từ từ. Điều đó tốn thời gian, nhưng chúng ta không vội. Đó là kết quả của sự tham vấn. Nó sẽ tiến lên. Mọi thứ đang vào guồng. Chúng phát triển khá tốt.
Điều quan trọng nhất đối với tôi là: đâu là ý định của Đức Giáo hoàng? Khi tôi hỏi ngài rằng: nhưng ngài có muốn cải cách Giáo hội hay không? Câu trả lời là: Không. Tôi rất nhớ điều đó. Lúc đó chúng tôi đang ở phòng của ngài ở Santa Marta. Ngài nói: “Tôi chỉ muốn đặt Đức Kitô vào trung tâm của Giáo hội. Ý tôi là, nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Nếu Đức Kitô ở trung tâm của Giáo hội, Người sẽ làm công việc cải cách. Điều đó không phụ thuộc vào tôi. Nó phụ thuộc vào Người”.
Nếu bạn đặt Đức Kitô vào trung tâm, bạn sẽ có thể thay đổi mọi thứ. Điều này rất quan trọng đối với tôi bởi vì nó khiến tôi nhận ra rằng ngài không thích làm ra quá nhiều sự thay đổi nhưng ngài cũng không lo lắng về những thay đổi. Ngài chỉ lo lắng về động lực nội tại của Giáo hội. Đối với ngài, động lực đó phải là Đức Kitô.
Ví dụ, lòng thương xót – thương xót có nghĩa là đặt trọng tâm của Tin Mừng vào trái tim của Giáo hội. Không phải luật lệ, các vấn đề hay các nguyên tắc. Trọng tâm của Giáo hội là lòng thương xót của Thiên Chúa. Nếu bạn đặt lòng thương xót của Thiên Chúa vào trung tâm, bạn có thể hiểu mọi thứ theo một góc nhìn khác. Khi đó bạn có thể thực hiện mọi cuộc cải cách bạn muốn.
Điều này cũng giúp bạn hiểu ra vai trò của Đức Phanxicô trong Giáo hội. Ngài không coi mình là trung tâm của Giáo hội, như thể mọi sự đều tùy thuộc ở ngài. Đó là lý do ngài không cảm thấy áp lực, stress. Mọi sự không tùy thuộc ở ngài mà là ở Thiên Chúa. Ngài là một công cụ và ngài làm việc cho Thiên chúa. Sau khi kết thúc một ngày làm việc, ngài ăn ngon ngủ sâu. Đó là quan điểm của ngài về vai trò của mình trong Giáo hội.
Sức khỏe của ngài tốt chứ?
Vâng, rất tốt. Vào buổi tối ngài thấy mệt. Nhưng ngài hồi phục rất nhanh. Đôi lúc trong các chuyến du hành chẳng hạn, tôi thấy ngài rất mệt vào cuối buổi sáng. Rồi ngài đi ngủ khoảng hai ba tiếng, sau đó, pow, ngài lại khỏe mạnh!
Ngài biết cách chăm sóc bản thân mình. Cách đây vài năm tôi có nói với ngài rằng: “Hãy chăm sóc sức khỏe của mình, giữ gìn năng lượng”. Ngài nói: “Đừng lo! Khi tôi mệt mỏi tôi sẽ dừng lại”. Cho nên ngài có thể hủy các cuộc tiếp kiến, hoặc đôi khi ngài mệt, ngài ăn một quả táo và chợp mắt một lúc. Ngài biết cách chăm sóc sức khỏe của mình.
David Gibson
P.B. chuyển dịch