Tôi mặc áo trắng ngành y đã ba mươi năm, những tưởng chỉ có chống chọi đau đớn. Ai ngờ, có một ngày kia của năm 2010, Bộ Tài nguyên Môi trường gửi cho các cơ sở y tế, trong đó có các phòng khám đa khoa, một thông tư khiến lương tâm Ki-tô hữu của chúng tôi phải suy tư và hành động đáp trả.
Thông tư quy định: “Nước thải y tế phải được xử lý và khử trùng trước khi xả ra môi trường”.
Chúng tôi nhận định:
1. Nước thải chứa nhiều chất độc hại… Chất thải y tế chứa nhiều hóa chất, mầm bệnh, máu và mô hoại tử…
2. Khí thải nhiễm xạ…
3. Nhiều cơ quan và hộ dân vi phạm môi trường sống.
4. Nguồn nước sinh hoạt như nước giếng, nước sông, nước máy sẽ bị ô nhiễm.
Chúng tôi ngồi lại, đăm chiêu, “chau mày”.
* Có nên xử lý chất thải từ phòng khám đa khoa không?
* Lắp đặt hệ thống xử lý nước thải sẽ “ngốn” cả tỷ đồng!!! Hết lời? Hay là… người ta làm sao mình làm vậy.
* “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”: Sau này còn tiền bảo trì, giám sát.
* Ớn quá, lại phải tiếp định kỳ phòng y tế, phòng tài nguyên, công an môi trường!!!
Chúng tôi tìm đến Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo:
“Nguyên tắc công ích, mà mọi khía cạnh của đời sống xã hội phải liên quan đến nếu muốn đạt được ý nghĩa trọn vẹn nhất của nó, xuất phát từ phẩm giá, sự thống nhất và bình đẳng của tất cả mọi người… Cũng như các hành động luân lý của một cá nhân được thực hiện trong khi làm điều tốt, các hành động của xã hội cũng đạt đến tầm vóc đầy đủ của chúng khi đem lại công ích” (Tóm lược HTXH, số 164).
Chúng tôi xin Chúa ban ơn để làm sao vẫn làm ra đủ tiền bù lại cả tỷ đồng cho các máy móc xử lý chất thải.
Chúng tôi xin Chúa ban ơn tình yêu người đồng loại là các người của ban bệ chính quyền sẽ đến kiểm tra chúng tôi.
Thách đố cho lương tâm Công Giáo ngành y ở nước Việt Nam đang đầy rẫy ô nhiễm môi trường con người và hệ sinh thái vạn vật.
Tiền của bắt đầu đổ ra. Máy móc được lắp đặt. Hóa chất, máu mủ, vi trùng từ phòng khám chúng tôi nay được “bỏ vào rọ” xử lý. Các chuyên gia được mời đến kiểm tra nước thải, hố chứa bùn, bể Nano, nguồn tiếp nhận…
Chúng tôi tưởng tượng nước từ máy xử lý giờ đã được “thanh luyện” để “thong dong” chảy vào hệ thống cống thoát nước thành phố, chảy “lai láng” vào kênh rạch sông ngòi, hòa vào nước Biển Đông, ngấm xuống các tầng sâu đất đai nước Việt.
Nước từ phòng khám nay đã được khử trùng, khử hóa chất… Nghĩ được như thế, lòng chúng tôi đâm ra “mát lạnh”, dâng lên “niềm vui khôn tả” khi biết rằng mình đã góp phần cho ích chung dân tộc.
Ngày qua ngày, “bao nhiêu nước đã chảy qua cầu”, nay đến lúc chính quyền tìm đến. Họ đo đạc kiểm nghiệm nước chảy ra cống. Chúng tôi hồi hộp nghe họ “tuyên án” hay “tuyên trắng án” tội vi phạm những quy định về bảo vệ môi trường?
“Đơn vị phòng khám này đã thực hiện tốt chủ trương xả thải đúng qui định”.
Họ ra về, chúng tôi nhìn theo những người ấy và nhìn lên Chúa, nhìn ra Biển Đông, nhìn những trẻ em đang bơi lội, những bà mẹ gánh nước hồ ao…
“Trong số những nguyên nhân góp phần lớn vào tình trạng chậm phát triển và nghèo đói, ngoài nguyên nhân không có khả năng tham gia vào thị trường thế giới, phải nói đến nạn mù chữ, thiếu an toàn thực phẩm, thiếu các cơ cấu và các dịch vụ, thiếu các biện pháp thích đáng để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe căn bản, thiếu nước uống sạch và thiếu vệ sinh, nạn tham nhũng, tình trạng không ổn định của các định chế và của cả đời sống chính trị” (Tóm lược HTXH, số 447).
Ôi chao, Giáo Huấn nói những điều giống “y chang” như tình trạng nước Việt chúng ta.
Nhờ ơn Chúa giúp, chúng con xin góp phần “thanh toán” nốt những nguyên nhân ấy?
Minh Hiền
Nguồn: Tập san GHXHCG số 18