Phong cách chính trị bất bạo lực: ưu việt hơn

 

Theo các chuyên gia tại một sự kiện do Cơ quan Ngoại giao Tòa thánh tổ chức, các phong trào hòa bình sẽ mang lại thành công hơn là những cuộc nổi loạn bạo lực.

20170307 auza

Đáp lại sứ điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô nhân Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 15 hôm 01/01, ngày 02/3, trong sự kiện “Bất bạo lực: Một Phong cách Chính trị vì Hòa bình”, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ hòa bình và xây dựng hòa bình đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm ra những phương thế thực tiễn để giải quyết các xung đột theo hướng bất bạo lực. Sự kiện này diễn ra tại trụ sở Liên hợp Quốc ở New York, với sự bảo trợ của Cơ quan Quan sát Thường trú của Tòa Thánh bên cạnh Liên hợp Quốc cùng với Văn phòng Markyknoll về các mối Quan tâm Toàn cầu (Maryknoll Office for Global Concerns), tổ chức Hòa bình Kitô Quốc tế (Pax Christi International) và tổ chức Sáng kiến Bất Bạo lực Công giáo (Catholic Nonviolence Initiative).

Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên Thường trú của Tòa thánh bên cạnh Liên hợp Quốc, nhấn mạnh những điểm chính mà Đức Thánh Cha đề cấp đến trong Sứ điệp, trong đó, ngài kêu gọi các nhà lãnh đạo và các công dân thực hiện một vai trò tích cực trong tiến trình xây dựng hòa bình.

Cùng với lời kêu gọi giải trừ quân bị, cấm và tiêu hủy vũ khí hạt nhân, Đức Thánh Cha “mạnh mẽ phản đối lại tư tưởng sai lầm cho rằng các xung đột quốc tế chỉ có thể được giải quyết bằng các lực lượng sát nhân và đối đầu”, theo lời Đức Tổng Giám mục Auza.

Đức Thánh Cha nói trong Sứ điệp của ngài rằng: “Kết quả tốt nhất của việc lấy bạo lực đối đầu với bạo lực chỉ có thể là những đau khổ lớn lao, và kết quả tệ hại nhất là cái chết về thể xác và tâm hồn của vô số người – thậm chí dẫn đến sự tự hủy diệt chính mình”.

Đức Tổng Giám mục Auza nói rằng việc xây dựng một nền hòa bình đích thực phải đối mặt với những khác biệt mang tính cấu trúc, phải giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của các xung đột, cũng như quan tâm và giúp đỡ tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi bạo lực và xung đột.

Thông qua dữ liệu thực nghiệm, ông Gerry Lee, Giám đốc Văn phòng Markyknoll về các mối Quan tâm Toàn cầu, đã vạch trần sự sai lầm của quan điểm cho rằng phương thế bất bạo lực không có tính thực tiễn trước sự đe dọa của chiến tranh và khủng bố mà thế giới hiện nay đang phải đối diện.

Ông Lee trích dẫn nghiên cứu của Erica Chenoweth và Maria J. Stephan và nói rằng: “Thực tế là có bằng chứng thực nghiệm ủng hộ mạnh mẽ cho tính ưu việt của phương thế bất bạo lực đích thực”. Nghiên cứu này thu thập bằng chứng từ tất cả các chiến dịch bạo lực và bất bạo lực trên toàn thế giới kể từ năm 1990.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng trong giai đoạn 1900-2016, các chiến dịch bất bạo lực, bao gồm tẩy chay, đình công, bất hợp tác và biểu tình đông người, có tỉ lệ thành công gấp hai lần các cuộc nổi loạn bạo lực. Nghiên cứu cũng cho thấy tỉ lệ thất bại của các cuộc nổi loạn bạo lực là 75% trong khi phần lớn các chiến dịch bất bạo lực khác đạt được thành công, xét trong giai đoạn được nghiên cứu.

Ông nói rằng một lí do dẫn đến tỉ lệ thành công cao hơn như vậy là do các phong trào bất bạo lực có thể huy động một lực lượng người tham gia đa dạng, đến từ nhiều tầng lớp cũng như khả năng khác nhau, bao gồm cả người già, người khuyết tật và trẻ em, chẳng hạn như phong trào Sức mạnh Nhân dân (People Power) tại Philippines từ năm 1983 đến 1986.

Ông Lee nói: “Trong khi vài ngàn người, chủ yếu là những thanh niên trẻ ở vùng nông thôn, đấu tranh với Marcos nhiều năm bằng con đường chiến tranh du kích nhưng không thành công, ông ta có thể đàn áp họ một cách dã man bằng việc cô lập họ ra khỏi cộng đồng dân cư Philippines. Trong khi đó, một cuộc tập hợp đông đảo của phe đối lập gồm công nhân, người nghèo đô thị, học sinh, các nhóm phụ nữ, cộng đồng doanh nghiệp và Giáo hội Công giáo đã huy động được trên 2 triệu người Philippines để xóa bỏ sự ủng hộ của quân đội và giới doanh nhân dành cho ông ta”.

Nghiên cứu cho thấy lí do khiến các chiến dịch bất bạo lực gặp thất bại không phải là vì không có vũ khí, mà là sự bất nhất trong nội bộ của chiến dịch cũng như sự thiếu khả năng thiết lập một mạng lưới thống nhất và mạnh mẽ.

Ông Lee nói: “Một chiến dịch không được thực hiện một cách thống nhất và có kế hoạch sẽ thất bại, dù nó là bạo lực hay bất bạo lực”.

Bà Marie Dennis, đồng chủ tịch tổ chức Hòa bình Kitô Quốc tế, nói rằng cần có nhiều sự đầu tư về tài chính và tri thức để phát triển các cách thức bất bạo lực có hiệu quả trong việc xây dựng hòa bình.

Bà nói rằng: “Từ năm 1945, Liên hợp Quốc liên tục phải đối phó với một thách thức to lớn, đó là những tình huống nguy hiểm và phức tạp dẫn tới việc đánh giá thấp và giảm bớt nỗ lực theo đuổi các chiến lược bất bạo lực. Trong thời gian khủng hoảng – tại Aleppo hay Mosel, Rwanda hay vùng Balkan, Philippines, Haiti hay Nam Susan – chúng ta đã có lúc sử dụng công cụ sức mạnh quân sự, nhưng lại sai lầm khi đánh giá thấp các công cụ bất bạo lực thực sự”.

Tiến sĩ Maryann Cusimano Love, Phó Giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Công giáo Mỹ châu, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái xây dựng các cộng đồng sau thời gian xung đột, đặc biệt là thông qua việc tham gia, tái lập các mối quan hệ, khôi phục trật tự và thực hiện hòa giải giữa nhóm đối đầu và thực thi các giải pháp có tính bền vững.

Ông Love nói rằng: “Điều đó có nghĩa là sửa chữa lại không chỉ nhà ở, cầu cống nhưng là sửa chữa lại hạ tầng kiến trúc con người, sửa chữa lại trái tim con người. Chúng ta phải nhớ rằng tất cả các cuộc chiến tranh đều sẽ kết thúc, theo những cách thức phụ thuộc vào lựa chọn của chúng ta cũng như khả năng xây dựng một nền hòa bình lâu dài”.

Tiến sĩ Rima Saleh, nguyên Tổng Giám đốc UNICEF, nói rằng việc gìn giữ hòa bình có hiệu quả nhất khi các cộng đồng liên quan được hỗ trợ để trở thành những nhân tố thay đổi trong việc ngăn chặn bạo lực và khôi phục hòa bình, cũng như có thể đạt được những thành công cụ thể nhờ con đường giáo dục.

“Tại Tây Phi, chúng ta loại bỏ việc sử dụng binh lính trẻ em và muốn tái hòa nhập các em vào xã hội, chúng ta có các chương trình và chiến dịch giúp các em quay lại trường học để giúp các em được chữa lành và hòa nhập vào xã hội”

Cha Francisco de Roux đã sáng lập Chương trình Hòa bình và Phát triển tại Vùng Magdalena thuộc Colombia. Cha là người đã giành Giải thưởng Hòa bình Quốc gia Colombia vào năm 2001. Cha chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân của mình về việc xây dựng hòa bình mà Cha trực tiếp thực hiện tại Colombia. Tại đây, nhóm của ngài thường xuyên tham gia vào cuộc đối thoại trong đó họ là người hòa giải giữa các nhóm bán quân sự, các du kích quân FARC và quân đội Colombia, thuyết phục mỗi bên tôn trọng giá trị của sự sống con người, đặc biệt là sự sống của các công dân. Ngài nói: “Các hoạt động bất bạo lực không mang tính “không tưởng utopia”. Tuy nhiên, ngài nói thêm rằng: “Chúng ta không bao giờ đạt được sự an toàn và an ninh nhờ các vũ khí”.

P.B. chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết