
Đức Giám mục Luis Marín de San Martín người Tây Ban Nha thuộc Dòng Augustinô, và Đức Hồng Y Robert Prevost, nay là Đức Thánh Cha Lêô XIV (Ảnh của Đức Giám mục Luis Marín)
Đức Cha Luis Marín de San Martín, tu sĩ người Tây Ban Nha thuộc Dòng Augustinô và hiện là Phó Tổng Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, là một trong những người cộng tác thân cận nhất với Đức Thánh Cha Lêô XIV.
Năm 2008, Đức Cha Marín được mời đến Rôma để phụ trách văn khố Dòng Augustinô, theo yêu cầu của Bề trên Tổng quyền lúc bấy giờ. Mối liên hệ kéo dài suốt 17 năm qua đã giúp ngài có đủ nền tảng để đưa ra một nhận định rõ ràng về đặc điểm triều đại Giáo hoàng của Đức Lêô XIV.
“Ngài không phải là người lãnh đạo từ sau cánh cửa văn phòng, nhưng là người đi ra ngoài để gặp gỡ mọi người”, Đức Cha Marín chia sẻ với ACI Prensa, đối tác tiếng Tây Ban Nha của CNA. Ngài cũng nhận định rằng Đức Thánh Cha Lêô XIV là “người con của Công đồng Vaticanô II”: “Ngài đón nhận sự phát triển thần học của Công đồng, đặc biệt là nền thần học về Giáo hội trong Hiến chế Lumen Gentium, vốn là một điểm quy chiếu cho tính Hiệp hành, dù thuật ngữ này không được nhắc đến trực tiếp trong văn kiện”.
Đức Hồng y Robert Prevost – nay là Đức Thánh Cha Lêô Leo XIV – đã tích cực tham gia tất cả các giai đoạn của Thượng Hội đồng về Hiệp hành, một dự án trọng tâm do Đức cố Giáo hoàng Phanxicô khởi xướng cách đây 3 năm trước, nhằm xây dựng một Hội Thánh cởi mở hơn, có sự tham gia sâu rộng hơn và bớt mang tính giáo sĩ trị. Đây là cách tiếp cận mà Đức Lêô XIV “hết sức trân trọng”, bởi “linh đạo Augustinô vốn mang đậm tính Hiệp hành”, và “cả phong cách lẫn cơ cấu của chúng tôi cũng như vậy”, Đức Cha Marín nhấn mạnh.
“Đặc sủng Augustinô cổ võ sự hiệp thông và đời sống huynh đệ – đó là đặc điểm nổi bật nhất của chúng tôi. Dòng Augustinô cũng là một dòng hành khất, không có cơ cấu hình chóp như các Dòng Đan tu, mà theo mô hình theo chiều ngang hơn nhiều. Chúng tôi được điều hành bởi vị Bề trên, người giữ vai trò primus inter pares – ‘người đứng đầu trong những người ngang hàng’. Và Tổng hội của chúng tôi có tính tham gia rất cao: các quyết định được thực hiện chung giữa tất cả anh em tu sĩ”, ngài giải thích.
Đức Cha Marín khẳng định: chìa khóa của tính Hiệp hành không mang tính ý thức hệ hay chính trị, nhưng là điều mang chiều kích thần học và Giáo hội học: “Đức Lêô XIV là một vị Giáo hoàng Hiệp hành bởi vì Hội Thánh mang tinh thần Hiệp hành. Chỉ cần tìm hiểu Thánh Kinh, Giáo phụ học, lịch sử Giáo hội, Giáo luật… là sẽ thấy rõ điều này. Đó là đời sống của Hội Thánh, được thể hiện qua kinh nghiệm và chứng tá”.
Năm 1985, lúc còn là Linh mục, Cha Prevost được sai đến Peru để phục vụ tại giáo điểm truyền giáo Chulucanas. Sau một thời gian ngắn trở về Chicago vào năm 1987, Cha Prevost quay lại Peru vào năm 1988, cụ thể là tại Trujillo, nơi ngài đảm nhận vai trò giảng huấn và đào tạo. Trong thời gian đó, Cha Prevost được bầu làm Giám tỉnh Dòng Augustinô tại Chicago vào năm 1998, và năm 2001, Cha được chọn làm Bề trên Tổng quyền Dòng Augustinô – chức vụ mà Cha giữ đến năm 2013.
“Hội Thánh đã mời gọi Cha thực hiện nhiều thay đổi lớn trong đời sống, nhưng Cha luôn tín thác vào điều Thiên Chúa mời gọi ở từng thời điểm, với lòng quảng đại sẵn sàng và một tình yêu lớn dành cho Hội Thánh”, Đức Cha Marín chia sẻ.
Tháng 10 năm 2013, Cha Prevost trở về Chicago để đảm nhiệm vai trò Giám đốc đào tạo và Phó Giám tỉnh, một chức vụ cha giữ cho đến ngày 3 tháng 11 năm 2014, khi Đức cố Giáo hoàng Phanxicô bổ nhiệm ngài làm Giám quản Tông Toà Giáo phận Chiclayo (Peru), bổ nhiệm ngài làm Giám mục và giao cho ngài Giáo phận Hiệu tòa Sufar, cho đến khi được bổ nhiệm làm Giám mục của Giáo phận Chiclayo vào năm sau đó.
Một Giáo hoàng thích lái xe
Đức Cha Marín từng đến Chiclayo thăm ngài, và cả hai cùng lái xe đi dạo quanh thành phố ven biển: “Cha Prevost rất thích lái xe, và tôi đã thấy được tình cảm mà người dân dành cho ‘Padre Roberto’, Đức Giám mục của tôi, như họ thường gọi”.
Đức Cha Marín mô tả Đức Thánh Cha Lêô XIV trước hết là “một con người đơn sơ, chân thành và đáng tin cậy, có phần kín đáo, nhưng rất đề cao tình huynh đệ”. Ngài cũng nhấn mạnh đến “sự nhạy bén đặc biệt đối với sự công bằng xã hội, với người nghèo khổ, những ai thiếu thốn và bị áp bức”.
“Ngài có một sự quân bình nội tâm lớn lao. Ngài là một con người sâu sắc, điềm tĩnh, cẩn trọng, suy tư và cầu nguyện. Ngài không hành động tùy hứng”, Đức Cha Marín nhận định, đồng thời đánh giá cao khả năng làm việc nhóm của ngài.
“Ngài sẽ đảm nhận một vai trò lãnh đạo mang tầm vóc toàn cầu, và tiếng nói của ngài sẽ được xem trọng”, Đức Cha Marín nhận định thêm.
12 năm phục vụ trong vai trò Bề trên Tổng quyền Dòng Augustinô từ năm 2001 đến 2013 – một Dòng tu hiện diện tại 47 quốc gia – đã giúp Đức Lêô XIV có được một tầm nhìn rộng về Hội Thánh hoàn vũ, đồng thời bộc lộ rõ năng lực điều hành của ngài.
“Trong thời gian ấy, ngài đã đến thăm tất cả các cộng đoàn trong dòng, một số nơi thậm chí nhiều lần, và ôm lấy sự đa dạng văn hoá. Ngài có một cái nhìn bao quát về Hội Thánh toàn cầu – ngài hiểu rõ Hội Thánh”, vị Giám chức chia sẻ.
Sự tiếp nối với Đức cố Giáo hoàng Phanxicô
Tháng 1 năm 2023, Đức cố Giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Tổng Trưởng Thánh Bộ Giám mục, một trong những cơ quan quan trọng nhất của Giáo triều Rôma – nơi hình thành nên hàng lãnh đạo tương lai của Giáo hội.
“Ngài có được sự tín nhiệm trọn vẹn của Đức Phanxicô. Họ đã quen biết nhau từ thời Cha Prevost còn là Bề trên Tổng quyền và Đức Jorge Bergoglio là Tổng Giám mục Buenos Aires”, Đức Cha Marín kể lại một tình tiết quan trọng trong mối liên hệ giữa hai vị.
“Khi Đức Phanxicô vừa được bầu làm Giáo hoàng, Cha Prevost – khi đó sắp mãn nhiệm Bề trên Tổng quyền – đã đánh bạo ngỏ lời mời ngài chủ sự Thánh lễ khai mạc Tổng hội Dòng Augustinô tại Vương cung Thánh đường Thánh Augustinô ở Rôma. Ngài đã nhận lời. Đó là một biến cố lịch sử. Trước đó chưa từng có vị Giáo hoàng nào chủ sự Thánh lễ khai mạc Tổng hội của Dòng Thánh Augustinô”, Đức Cha Marín cho biết.
Tuy nhiên, Đức Cha Marín cũng nhấn mạnh rằng Đức Lêô XIV sẽ không phải là “bản sao” của Đức Phanxicô, dù “sẽ có sự tiếp nối trên nhiều khía cạnh”.
Đức tân Giáo hoàng Lêô, trước hết, là một người sống đời nội tâm sâu sắc. Ngài sở hữu một nền linh đạo vững chắc, được tôi luyện qua đời sống cầu nguyện, điều này cũng phản ánh rõ trong hoạt động mục vụ và sự hiểu biết của ngài về vai trò lãnh đạo trong Hội Thánh.
“Hiệp thông với Chúa Kitô”, vị Giám chức nói, “dẫn đưa không chỉ các Linh mục mà tất cả mọi Kitô hữu đến cảm thức trách nhiệm đối với Hội Thánh. Mỗi người theo một ơn gọi khác nhau, nhưng tất cả đều có trách nhiệm chung, được nối kết với nhau trong sứ mạng loan báo và làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh giữa thế giới hôm nay”.
Theo Đức Cha Marín, việc một tu sĩ Augustinô được bầu chọn vào ngai tòa Phêrô mang một ý nghĩa hết sức lớn lao: “Đó là một hồng ân của Thiên Chúa – một món quà phi thường không chỉ cho Hội Dòng mà còn cho toàn thể Hội Thánh hoàn vũ. Khi quen biết Đức Lêô XIV, anh chị em sẽ nhận ra ngài là món quà mà Thiên Chúa ban, và sẽ nhận ra nơi ngài biết bao phẩm chất. Ngài là người được Thiên Chúa chọn vào đúng thời điểm”.
Thượng Hội đồng Giám mục cũng cho biết linh đạo của Dòng Augustinô – nơi vị Giáo hoàng đương nhiệm xuất thân – được xây dựng trên bốn cột trụ: đời sống cộng đoàn, đời sống nội tâm, hội nhập vào thế giới và sự sẵn sàng phục vụ những nhu cầu của Hội Thánh.
“Hội Thánh như một gia đình – gia đình của Thiên Chúa – nơi mà trong tình yêu, sự hiệp nhất và đa dạng được hòa quyện. Tôi nghĩ rằng điều cốt yếu là phải củng cố sự hiệp thông”, Đức Cha Marín nói, đồng thời cảnh báo về nguy cơ hoạt động kiểu máy móc, thiếu chiều sâu thiêng liêng.
“Hơn nữa, nếu chúng ta không nuôi dưỡng đời sống nội tâm, thì chúng ta không có gì để trao ban. Chúng ta phải làm chứng cho Đức Kitô, phải loan báo Ngài cho thế giới. Mà chúng ta chỉ có thể làm chứng cho Đức Kitô khi đã gặp gỡ Ngài cách cá vị. Bởi Đức Kitô Phục Sinh là Đấng đang sống”.
Kết thúc cuộc phỏng vấn, Đức Cha Marín nhắc lại những lời đầu tiên mà Đức Thánh Cha Lêô XIV đã dùng để chào dân Chúa sau khi được bầu chọn: “Bình an cho anh chị em”.
Minh Tuệ (theo CNA)