Bà Gabriella Gambino, Phó thư ký Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, đã chia sẻ về cuộc họp vào tháng Hai sắp tới tại Vatican về việc bảo vệ trẻ em.

Bà Gabriella Gambino, Phó thư ký Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống
“Không thể nghĩ đến việc biến tất cả các hoạt động của chúng ta thành một Giáo Hội không kể đến sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên trong Dân Chúa”. ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh điều này trong bức thư gửi cho Dân Thiên Chúa được công bố vào ngày 20 tháng 8 liên quan đến vụ bê bối lạm dụng tình dục. Đây chính là tinh thần mà trong đó bà Gabriella Gambino và bà Linda Ghisoni, đồng thư ký Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, tự nhận thấy mình tham gia vào Ủy ban tổ chức chuẩn bị cho hội nghị vào tháng Hai sắp tới về việc bảo vệ trẻ em tại Vatican. Vatican News đã nói chuyện với bà Gabriella Gambino, Phó Thư ký Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, về nhiệm vụ này và về việc giáo dân có thể đóng góp thế nào trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục.
Thưa bà Gambino, bà đã đón đón nhiệm vụ này với tinh thần nào xung quanh một sự kiện quan trọng và được chờ đợi như vậy?
Với một tinh thần phục vụ sâu sắc đối với Giáo Hội, nhưng cũng vì tình yêu đối với chân lý, công lý và tinh thần bác ái. Đây chính là việc tái lập các giá trị và nguyên tắc trong trường hợp lạm dụng, cả ở cấp độ cá nhân (liên quan đến từng trường hợp) và ở cấp độ thể chế, ở mọi quốc gia trên thế giới, thậm chí ngay cả ở những nơi xảy ra vấn đề này và sự cần thiết cần phải ngăn chặn nó vẫn bị đánh giá thấp. Tôi cũng không che giấu thực tế rằng tôi đã đón nhận nhiệm vụ này với một chút sợ hãi nữa, do sự tế nhị cũng như tính nghiêm trọng của vấn đề. Với tư cách là một người phụ nữ, một giáo dân và một người mẹ, tôi không thể không nhận thức về tính đồng trách nhiệm mà tất cả chúng ta đều được mời gọi cũng như sự kinh hoàng về những sự việc đã xảy ra liên quan đến những người mà có thể là con cái của chúng ta. Tất cả chúng ta cần hợp tác nhằm tạo điều kiện cả bên trong cũng như bên ngoài Giáo Hội để thay đổi một cách triệt để não trạng, những phong tục và văn hóa vốn cho phép tất cả những điều này xảy ra.
Trong lá thư gửi cho Dân Chúa về những vụ bê bối lạm dụng, ĐTC Phanxicô đã đề nghị giáo dân giúp đỡ các giám mục và Giáo Hội. Vậy những đóng góp cụ thể của giáo dân là gì trong cuộc hành trình này vốn sẽ được củng cố với cuộc họp vào tháng Hai?
Việc giúp các giám mục hiểu rằng não trạng ủng hộ những hành vi lạm dụng này không mang tính chất lý thuyết hay trừu tượng, nhưng được thể hiện qua tất cả những hành vi và thái độ cụ thể tới mức họ có khả năng gây tổn hại và lạm dụng những người nhỏ bé nhất và yếu đuối nhất. Chúng ta có thể giúp các giám mục hiểu rằng đã đến lúc giáo dân phải cùng đồng hành với họ, tạo ra các cấu trúc giám sát và những nơi để có thể lắng nghe mà trong đó chúng ta có thể đóng vai trò quan trọng. Tôi thiết nghĩ rằng cũng có khả năng về việc nghiên cứu các mô hình can thiệp tích cực vốn kêu gọi sự tham gia của giáo dân nhằm nhận ra các tình huống nguy hiểm cần được can thiệp ngay lập tức và đầy đủ. Theo quốc gia, cũng cần phải hiểu về việc lạm dụng đối với phụ nữ, trẻ em và những người lớn dễ bị tổn thương có thể tự thể hiện qua nhiều cách thức khác nhau. Những người giáo dân có năng lực và được đào tạo là những người cần thiết có thể mang lại sự đóng góp của họ dựa trên kinh nghiệm, như những bậc cha mẹ và những nhà giáo dục, những người mà hàng ngày phải luôn đối phó với sự yếu đuối của con người.
Làm thế nào để một cam kết như vậy có thể biến thành những hành động cụ thể?
Để biến mong muốn đối với tinh thần đồng trách nhiệm và sự minh bạch trở thành hành động, nhất thiết cần phải có sự tham gia của tất cả mọi người, kể cả tu sĩ và giáo dân. Chỉ bằng cách này, Giáo Hội mới có thể tận dụng hiệu quả tất cả mọi nguồn lực theo sự sắp đặt của mình, trước hết là trong việc ngăn chặn những hình thức bạo lực nghiêm trọng này một lần và mãi mãi. Là người giáo dân, chúng ta phải thành lập liên minh giữa tất cả các lĩnh vực giáo dục khác nhau nơi mà con cái của chúng ta lớn lên: trường học, Giáo xứ và gia đình. Một liên minh như vậy hiện nay, theo nhiều cách thức khác nhau, không hề tồn tại, đó chỉ là một điều hư cấu, và chúng ta với tư cách là cha mẹ thường cảm thấy bất lực. Chúng ta cần phải tái thiết lập liên minh này, cộng tác với mục đích ngăn chặn trong các giáo xứ, trong các trường học, trong các phong trào giáo dân và các hội đoàn. Không giống như Cain, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta trong lá thư gửi cho Dân Thiên Chúa, chúng ta phải tự biến mình trở thành những “người giám sát” người khác để bảo vệ con cái chúng ta, mà không sợ hãi, và với tinh thần trách nhiệm.
Vụ bê bối lạm dụng, đang thử thách uy tín của Giáo hội. Xin bà cho biết ý kiến của mình về việc cần phải bắt đầu từ đâu để có thể hồi phục sự tin tưởng của nhiều người cảm thấy bị phản bội?
Như tôi đã nói, tôi nghĩ rằng Giáo Hội cần trang bị cho mình những công cụ cụ thể để ngăn chặn và trừng phạt những hành vi lạm dụng, cũng như để ngăn chặn những tội ác này. Việc phòng ngừa đòi hỏi khía cạnh pháp lý, một mặt, cần phải được xác định rõ ràng, và các quyết định khác cần phải được thực hiện để tạo ra các điều kiện thực tế cho việc thay đổi hệ thống, văn hóa và phong tục. Một trong những điều kiện tiên quyết đó chính là ban hành một cuộc cải cách về việc đào tạo các tu sĩ và chủng sinh. Chẳng hạn, tôi nghĩ rằng trong việc đào tạo những người này để trở nên khiết tịnh và sống đời sống độc thân, cần chú ý nhiều hơn đến mối quan hệ cân bằng giữa bản năng tính dục bản chất yếu đuối của họ. Vấn đề thực sự là, trên thực tế, làm thế nào để chúng ta cảm nhận và hiểu được bản năng tính dục của chúng ta.
Phải chăng những ví dụ về những công việc tốt đẹp mà Giáo Hội đang làm cũng hết sức quan trọng?
Vâng. Sự tin tưởng của giáo dân sẽ được hồi phục bằng cách ghi nhớ và chứng kiến những điều tốt đẹp trong Giáo Hội. Sự thiện vẫn luôn tồn tại và tinh thần yêu thương của Thiên Chúa gắn chặt Chúa Kitô bên cạnh Hiền Thê của Ngài, thậm chí ngay cả khi tội lỗi ban đầu tự thể hiện qua những tội ác tồi tệ nhất. Tuy nhiên, điều đó cũng chính xác, với bầu khí nghi ngờ chung đang lan rộng, những tiếng nói làm chứng cho tình yêu đích thực của Chúa Kitô quả là hết sức cần thiết trong Giáo Hội. Chúa Kitô chính là trung tâm điểm, là Ánh sáng, là sự hiện diện cụ thể mà các vị mục tử cần phải tuyên bố bằng chính cuộc sống cũng như ơn gọi linh mục của họ. Ngày nay, hơn bao giờ hết, với tư cách là những người giáo dân, chúng ta cần những nhân chứng này để một lần nữa bắt đầu giao phó con cái của chúng ta cho Giáo xứ, cho các trung tâm cầu nguyện, các trường học Công giáo, nơi mà chúng có thể được đào tạo theo các giá trị Kitô giáo. Giáo Hội cần những vị mục tử can trường trong chân lý và trong Tình Yêu của Chúa Kitô. Đây chính là kiểu mẫu của con người, của một người cha, và của các nhà giáo dục mà chúng ta đang tìm kiếm cho con cái của chúng ta.
Với tư cách là một người mẹ, thậm chí ngay cả trước khi có trách nhiệm tại một Thánh Bộ của Vatican, bà hy vọng gì đối với hội nghị sẽ được tổ chức vào tháng Hai sắp tới?
Tôi hy vọng sẽ nhận thấy một hiểu biết và mang tính quyết định để có thể nhận thức được vấn đề, một sự hoán cải nội tâm, một sự cởi mở ra với chân lý và sự thiện. Không cần phải sợ sự thật. Tôi hy vọng rằng cuộc họp sắp tới có thể trở thành một cách thức để làm cho các công cụ có thể tiếp cận tức thì từ quan điểm pháp lý được biết đến rộng rãi hơn nhằm ngăn chặn và chấm dứt những hành vi lạm dụng như vậy. Đã đến lúc cần phải hành động theo cách thức như vậy để Giáo Hội của tình yêu thương cũng trở thành nơi mà công lý và chân lý có thể hội ngộ. Giáo Hội “như một người mẹ yêu thương”, có nhiệm vụ thiêng liêng để chăm sóc cho tất cả những đứa con của mình. Việc tạo ra các điều kiện và cấu trúc vốn thực hiện các biện pháp can thiệp để bảo vệ nạn nhân dễ tiếp cận và khả thi không chỉ là một hành động của công lý, mà còn là một hành động của tinh thần bác ái, thậm chí ngay cả đối với những kẻ thủ phạm. Chỉ với cách thức này, Giáo Hội mới có thể một lần nữa trở nên đáng tin cậy trong lĩnh vực này.
Minh Tuệ chuyển ngữ