Chưa bao giờ lòng yêu mến đối với Đức Trinh Nữ Maria của người dân Philippines lại được thể hiện mạnh mẽ như vào thời điểm Năm Thánh kỉ niệm 150 năm sùng kính Bức Linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Linh mục Joseph Echano CSsR – Bề trên Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp phát biểu với CNA: “Có một lý do rất rõ ràng đối với việc hàng trăm ngàn tín hữu nô nức kéo về về Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Baclaran, đó chính là: lòng sùng kính đặc biệt của người dân Philippines đối với Đức Mẹ”. Cha cho biết thêm: “Những gì chúng ta chứng kiến hôm nay tại Baclaran cho thấy lòng sùng kính sâu sắc của người dân Philippines đối với Đức Mẹ”.Thật vậy, nếu người Philippines được trao cho sứ mạng rao truyền Tin Mừng trên khắp thế giới thì hành trang mà chúng tôi mang theo chính là lòng mến đối với Đức Trinh Nữ Maria… Lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria đã bám rễ sâu trong văn hóa Philippines”. Có một thành ngữ Tây Ban Nha nói về dân Philippines: Họ là “Pueblo amante de Maria” – một dân tộc yêu mến Đức Trinh Nữ Maria.
Đối với Cha Echano, Baclaran chính là “một sự biểu hiện rõ ràng về điều này”. Cha ước tính có đến 100.000 tín hữu tuôn đến viếng Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp vào mỗi thứ Tư hàng tuần và có khoảng 80.000 tín hữu đến vào ngày mỗi Chúa nhật hàng tuần. Bức Linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp có niên đại hàng thế kỉ được tôn kính tại Đền thánh Baclaran Parañaque – nằm trong thủ đô Manila.
“Bức Linh ảnh Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp không phải nhằm biểu lộ một vẻ đẹp bề ngoài của một con người, nhưng chuyển tải một thông điệp thiêng liêng – sự cứu giúp liên lỉ và tình yêu của Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Mẹ Hằng Cứu Giúp”, Cha Echano nhấn mạnh.
Năm 1866, Chân Phước Giáo hoàng Piô IX đã trao phó bức Linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp cho Dòng Chúa Cứu Thế với sứ vụ “Hãy làm cho cả thế giới biết Mẹ”. Các tu sĩ thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế đã đến Philippines năm 1906, mang theo bức Linh ảnh. Ngay từ đầu các vị thừa sai đã quy tụ được một nhóm khoảng 70 người để làm tuần cửu nhật đầu tiên trong một nhà nguyện bằng gỗ nhỏ bé đơn sơ giữa một làng chài. Chính ngôi nhà nguyện nhỏ bé ấy ngày nay đã trở thành một trong những đền thánh dâng kính Đức Mẹ lớn nhất thế giới.
Cuộc xâm lược của Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ II đã phá hủy ngôi đền này cũng như các tòa nhà lân cận. Ngôi đền cũng như tất cả các tòa nhà đều bị lính Nhật lục soát và nhiều người thiệt mạng, nhưng Bức Linh ảnh vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Năm 1958, ngôi đền đã được tái thiết theo lối kiến trúc tân Romanesque. Kể từ đó, ngôi thánh đường này không bao giờ bị đóng cửa, ngay cả khi lệnh giới nghiêm được công bố trong thời gian thiết quân luật dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos. Luôn luôn có ba đội bảo vệ luân phiên nhau túc trực để bảo đảm trật tự và chưa hề xảy ra một trường hợp phá hoại nào.
Cha Echano cho biết rất khó giải thích điều gì khiến cho mọi người càng ngày càng nô nức đổ về kính viếng Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp này. “Rõ ràng, những tín hữu sùng mộ đã thực sự được trải nghiệm tình yêu của Thiên Chúa và lời cầu bầu của Mẹ Hằng Cứu Giúp giữa những khổ đau và những tranh đấu trong cuộc đời” – Cha cho biết thêm.
Các tín hữu và khách hành hương từ khắp nơi đổ về với những khóm hoa và những ngọn nến được thắp sáng. Họ cùng nhau thực hiện tuần cửu nhật, cùng nhau lần chuỗi Mân Côi, và hợp lòng qua lời kinh tiếng hát trong những cuộc cung nghinh Đức Trinh Nữ Maria vào mỗi buổi tối để tôn vinh Mẹ. Năm 1981, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã đến kính viếng đền thánh này nhân chuyến tông du của ngài tới Philippines.
Đền thánh cử hành lễ Bổn Mạng hàng năm nhân dịp Lễ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, và ngày 27/6 vừa qua cũng là dịp kỷ niệm 150 năm Bức Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được trao cho DCCT.
Cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế ở Baclaran đã triển khai một loạt các dự án về môi trường trong đó có một dự án mang tên “Xanh hóa đền thánh”. Các tu sĩ chọn sử dụng năng lượng mặt trời như một giải pháp an toàn và sạch sẽ hơn so với nguồn năng lượng truyền thống. Chi phí lắp đặt ước tính khoảng 192.000 $, nó sẽ tạo ra năng lượng lên đến gần 86 KW. Dòng Chúa Cứu Thế cũng sẽ có thể bán số năng lượng dư thừa được tạo ra.
Cha Joseph cho biết dự án năng lượng mặt trời sẽ phải tốn một khoản chi phí ban đầu khá cao. Nhưng về lâu về dài, ngài cho biết, khoản đầu tư này sẽ được phục hồi vì đền thánh và nhà xứ sẽ phải trả chi phí ít hơn cho tiền điện hàng tháng. Dự án sẽ giúp ngôi đền giảm đi lượng khí thải carbon. Ngài cho biết đền thánh phải thể hiện những điều mà người Công giáo đã rao giảng, bao gồm “mối tương quan với mẹ thiên nhiên, với công trình sáng tạo của Thiên Chúa”.
Đền thánh cũng đã bắt đầu chương trình tái chế các vỏ chai nhựa và các vật liệu tái chế khác từ những đoàn du khách. Cha Joseph cũng cho biết các chai nhựa hiện được tái sử dụng lại cho dự án khu vườn treo trong đền thánh. Ngài cho biết khu vườn này làm tăng vẻ đẹp cho đền thánh và cho thấy việc trồng rau hoàn toàn có thể thực hiện được ngay trong thành phố.
“Bên cạnh việc góp phần làm tăng vẻ đẹp cho đền thánh, khu vườn treo này nhằm mục đích cho mọi người thấy rằng việc trồng rau trong thành phố là một điều khả thi”. “Điều này hy vọng sẽ khuyến khích các tín hữu có thể tự trồng rau trong sân vườn nhà mình để họ không phải đi mua những thứ này bên ngoài”.
Trang web chính thức của đền thánh giúp cho các tín hữu có thể tiếp cận với việc cầu nguyện tại đền thánh thông qua internet. Tuần cửu nhật kính cũng như các Thánh lễ cũng sẽ được phát sóng trực tuyến. “Đây là điều hết sức cần thiết khi chúng ta muốn tiếp cận với hàng ngàn người sùng kính Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, đặc biệt là người dân Philippines”, Cha Joseph cho biết.
Minh Tuệ (Theo CNA/EWTN News)