Philippines cần có thêm nhiều vị Mục tử biết bảo vệ đàn chiên của mình

  • Tin tức
  • Chúa Nhật, 15-07-2018 | 05:48:17

Liệu chúng ta có nên chờ đợi cho đến khi có thêm nhiều vụ đổ máu xảy ra trên các bàn thờ trước khi chúng ta cùng nhau diễu hành từ các giáo xứ của chúng ta đến các trụ sở tư pháp?

fullsizeoutput_69

Chăn cừu là một trong những nghề lâu đời nhất trên thế giới, bắt đầu từ khoảng 5.000 năm trước ở Tây Á. Một người chăn cừu sẽ liều mạng sống của mình trước những nguy hiểm để bảo vệ đàn chiên của mình.

Nếu một con chiên bị tách ra khỏi nhóm, người chăn cừu sẽ tìm kiếm nó và sẽ không trở lại nếu không tìm được con chiên bị lạc. Một khi được tìm thấy, vị mục tử sẽ sử dụng cây gậy của mình, móc cây gậy vào bụng con chiên, nhẹ nhàng nâng nó lên khỏi hố hay nơi bị mắc kẹt, và đem nó lại vào bầy. Nếu như bất kỳ loài động vật ăn thịt nào đe dọa đàn cừu, người chăn cừu sẽ sử dụng cây gậy của mình như là một loại vũ khí để bảo vệ dần cứu và chống lại bất kỳ đe dọa nào mà hề không do dự.

Cây gậy đã được sử dụng như một biểu tượng tôn giáo về sự chăm sóc của Giáo hội Công giáo. Nó đã trở thành cây gậy mục tử của các giám mục Công giáo.

Gậy giám mục tượng trưng cho việc Ngài trở thành vị mục tử của đàn chiên của Thiên Chúa. Nó biểu thị quyền lực và trách nhiệm của Ngài đối với cộng đồng Công giáo theo thẩm quyền Giáo hội của Ngài.

Ở Philippines, các giám mục Công giáo đang sử dụng chiếc gậy mục tử của mình để đưa về những người xa lạc đời sống đức tin và đồng thời hướng dẫn đàn chiên của mình về nẻo chính đường ngay.

Chỉ có một vài nhà lãnh đạo Giáo hội của chúng ta đang sử dụng gậy mục tử của mình để đánh bại những kẻ thù của đức tin, những kẻ thúc đẩy việc giết người và dung túng những kẻ phạm tội, và những kẻ giết hại những chiến sĩ quả cảm của Giáo hội.

Nhiều giám mục của chúng ta chỉ khua nhẹ chiếc gậy mục tử của mình với một số phát biểu báo chí và những suy tư thần học không quá dài nhưng lại chẳng hành động gì cả, đặc biệt nếu như các Giáo phận của họ không bị ảnh hưởng bởi một vấn đề cấp bách.

Một linh mục Công giáo khác đã bị bắn chết gần đây trong khi đang chuẩn bị cử hành Thánh lễ ở tỉnh Nueva Ecija thuộc miền bắc Philippines. Linh mục Richmond Villaflor Nilo đã bị sát hại vào ngày 10 tháng 6 trong một nhà thờ ở thị trấn Zaragoza thuộc Giáo phận Cabanatuan. Ngài là một linh mục Công giáo thứ ba bị giết hại ở nước này trong sáu tháng qua.

Các vụ giết hại các linh mục đã bị các nhà lãnh đạo tôn giáo trên toàn quốc lên án. Các giám mục của giáo phận nơi xảy ra các vụ giết người đã ban hành những tuyên bố hết sức mạnh mẽ. Nhưng trong số 86 Giáo phận ở Philippines, chỉ có một vài giám mục khác đã thực sự đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ chống lại những vụ giết người và đồng thời chống lại những cá nhân ủng hộ những hành vi giết người này.

Việc nói rằng các giám mục Philippines không hề lên tiếng chống lại các vụ giết người quả là một sự phóng đại quá mức. Họ tuyên bố chống lại văn hóa của sự chết và được cho là để bảo vệ sự thánh thiêng của sự sống con người. Nhưng thay vì mạnh mẽ lên tiếng, chúng ta chỉ nghe thấy những tiếng thì thầm đâu đó. Thay vì là một sự phẫn nộ trên các ngả đường phố, chúng ta chỉ có thể chứng kiến những cuộc biểu tình bên trong các nhà thờ.

Những hành động cụ thể từ các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo nhằm thúc bách các nhà chức trách phải giải quyết và ngăn chặn các vụ giết người quả là đang thiếu. Những tuyên bố vẫn còn hết sức nhu nhược, những bài viết vẫn còn đầy sự e dè và thận trọng, hoặc thậm chí là không đáng kể hay chẳng ra gì.

Nền văn hóa của sự im lặng này, hay tôi nên chăng phải nói về văn hóa của sự nhu nhược và đầy thận trọng, giữa các nhà lãnh đạo Giáo hội, chẳng có gì là mới mẻ. Nhiều người đã im lặng thậm chí ngay cả khi cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người.

Các giám mục đã lên án sự gia tăng mạnh mẽ của các vụ giết người liên quan đến ma túy, nhưng chỉ một số ít đã huy động đàn chiên của mình đẩy mạnh các cuộc biểu tình.

Chúng ta đã thử những phương thức mềm dẻo và hòa nhã để thúc giục chính phủ hành động đối với những vụ giết người và đồng thời đưa ra lời kêu gọi về mặt ngoại giao với tổng thống nhằm chấm dứt việc ủng hộ những hành vi như vậy. Những tuyên bố báo chí nhu nhược và thận trọng dường như không có hiệu quả. Các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo phải nỗ lực nhiều hơn bằng cách tổ chức và huy động đàn chiên của mình để cùng chung tay bảo vệ đức tin.

Liệu chúng ta có nên chờ đợi cho đến khi có thêm nhiều linh mục bị giết hại trước khi chúng ta quyết định bước ra khỏi vùng thoải mái của mình để chống lại hành động chuyên chế? Liệu chúng ta có nên chờ đợi cho đến khi các linh mục của chúng ta bị bắn chết trước khi chúng ta mạnh mẽ lên án?

Liệu chúng ta có nên chờ đợi cho đến khi có thêm nhiều vụ đổ máu trên các bàn thờ của chúng ta trước khi chúng ta đứng lên, cùng nhau quy tụ và diễu hành từ các giáo xứ của chúng ta đến các trụ sở tư pháp?

Là những người Công giáo, nghĩa vụ của chúng ta đó chính là cầu nguyện cho việc thực thi công lý, hòa bình và toàn vẹn của công trình sáng tạo. Là những người môn đệ Chúa Kitô, sứ mạng của chúng ta đó chính là phải bảo vệ sự sống thậm chí ngay cả bằng chính mạng sống của mình.

Người Công giáo Philippines cần có một vị mục tử dám dùng cây gậy của mình để đánh bại những con cáo đang trực chờ ăn thịt đàn chiên của mình.

Minh Tuệ (theo La Croix)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết