ĐTC Phanxicô: "Không một Kitô hữu nào có thể xem thường việc phục vụ người nghèo"

Phát động Ngày Thế giới Người nghèo, ĐTC Phanxicô kêu gọi: “Hãy liên hệ với những người vô gia cư hoặc những người nghèo trong các khu phố của mình và mời họ cùng tham dự Thánh lễ hoặc cùng dùng bữa chung với nhau vào ngày 19 tháng 11 tới đây, bởi việc phục vụ những người nghèo chính là “sự đòi buộc mà không một Kitô hữu nào có thể xem thường”. 

CNS-POPE-POOR-MESSAGE

VATICAN CITY — ĐTC Phanxicô đang kêu gọi các Kitô hữu trên toàn thế giới phục vụ người nghèo bằng các hành động cụ thể nhằm giải quyết các nhu cầu hàng ngày của họ. ĐTC Phanxicô đã viết trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Người nghèo mới rằng việc phục vụ những người nghèo chính là “sự đòi buộc mà không một Kitô hữu nào có thể xem thường”.

Trong Sứ điệp nhân ngày đặc biệt này, sẽ được cử hành vào ngày 19 tháng 11 năm nay, ĐTC Phanxicô đã đưa ra một luận cứ ngắn gọn nhưng đầy thi vị và mạnh mẽ liên quan đến Kinh Thánh về lý do tại sao các Kitô hữu phải tiếp cận và chăm sóc những người nghèo khổ.

Trích dẫn các ví dụ trong sách Công vụ Tông đồ và một số thư trong Tân Ước, ĐTC Phanxicô cho biết việc phục vụ người nghèo là “một trong những dấu chỉ đầu tiên của việc bước vào cộng đồng Kitô hữu trên vũ đài thế giới”.

ĐTC Phanxicô cũng nhắc nhở, người Công giáo tin rằng Đức Kitô có thể được tìm thấy nơi mỗi con người.

“Nếu chúng ta thực sự muốn gặp gỡ Chúa Kitô, chúng ta phải đụng chạm vào thân thể của Ngài nơi những người nghèo đang mang những đau khổ, như một dấu chỉ đáp trả với tinh thần hiệp thông, như được trao ban nơi Bí tích Thánh Thể”, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh. “Thân thể Chúa Kitô, được bẻ ra trong khi cử hành Phụng vụ linh thánh, có thể được nhìn thấy, qua các công việc bác ái và tinh thần sẻ chia, nơi diện mạo cũng như những người dễ bị tổn thương nhất nơi các anh chị em của chúng ta”.

ĐTC Phanxicô cũng đưa ra ba phương thế mới mà người Kitô hữu có thể được xem như đã được chúc lành, theo phong cách của các mối phúc của Chúa Giêsu.

“Phúc thay… những đôi bàn tay mở rộng đón nhận người nghèo và giúp đỡ họ: đó là những đôi bàn tay mang lại niềm hy vọng”, ĐTC Phanxicô nói. “Phúc thay những đôi bàn tay vượt qua mọi rào cản về văn hoá, tôn giáo và quốc tịch, và đổ dầu thơm của sự ủi an lên những vết thương của nhân loại”.

“Phúc thay những đôi bàn tay rộng mở mà không đòi hỏi việc nhận lại bất cứ điều gì, không có ‘nếu như’ hay ‘nhưng mà’ hay ‘có lẽ’: họ chính là những đôi bàn tay chắp lại kêu cầu Thiên Chúa ban phúc lành xuống trên các anh chị em của mình”, ĐTC Phanxicô tiếp tục.

Ngày Thế giới Người Nghèo là một cử hành phụng vụ mới trong lịch Công giáo, được thiết lập bởi ĐTC Phanxicô vào cuối năm 2015 đầu 2016 nhân dịp bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót. Trong văn kiện bế mạc Năm Thánh – ‘Misericordia et Misera’ – ĐTC Phanxicô đã mời gọi mọi tín hữu Công giáo cử hành ngày đặc biệt này hàng năm vào Chúa Nhật XXXIII Mùa Thường Niên, thường rơi vào tháng Mười Một.

Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày Thế giới Người nghèo với chủ đề “Hãy yêu thương, không phải bằng lời nói nhưng bằng những hành động” và đã được Tòa Thánh công bố hôm thứ Ba vừa qua. Chủ đề của Sứ điệp được lấy cảm hứng từ Thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ, trong đó các Tông đồ nhắn nhủ với các cộng đồng Kitô hữu thời đó rằng: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi,
nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1 Ga 3, 18).

“Những lời này của Thánh Gioan Tông Đồ đã nói lên một sự đòi buộc mà không một Kitô hữu nào có thể xem thường”, ĐTC Phanxicô mở đầu Sứ điệp của mình. “Tính chất hệ trọng mà ‘các môn đệ yêu dấu’ đã truyền lại mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho thời đại chúng ta ngày hôm nay trở nên rõ ràng hơn bởi sự tương phản giữa những lời nói sáo rỗng thường xuyên nơi môi miệng của chúng ta và những hành động cụ thể mà chúng ta được mời gọi để tự nhận định lại bản thân mình”.

“Tình yêu không hề có lý do”, ĐTC Phanxicô tiếp tục. “Bất cứ khi nào chúng ta bắt đầu yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu, chúng ta phải lấy Thiên Chúa làm mẫu cho mỗi người chúng ta; đặc biệt khi nói đến việc yêu thương người nghèo”.

 ĐTC Phanxicô cũng đã trích dẫn diện mạo của cộng đồng Kitô hữu thời sơ khai được mô tả trong Sách Tông Đồ Công Vụ, nơi mà những người theo Chúa Kitô “đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu” (Cv 2, 45).

“Tác giả Tin Mừng Luca, người đã nói về Lòng thương xót nhiều hơn bất cứ các tác giả Tin Mừng khác, đã không thêu dệt quá sự thật khi Ngài mô tả về việc thực hành sẻ chia nơi cộng đồng tín hữu thời sơ khai”, ĐTC Phanxicô cho biết. “Ngược lại, những lời nói của Ngài được gửi đến mọi tín hữu thuộc mọi thế hệ, và do đó, với cả chúng ta nữa, để chúng ta có thể thể hiện những chứng từ của chính chúng ta và đồng thời khuyến khích chúng ta chăm sóc cho những ai đang cần được sự giúp đỡ nhất”.

ĐTC Phanxicô đã đề nghị trong Sứ điệp rằng các cộng đồng Kitô hữu bắt đầu cử hành Ngày Thế giới Người nghèo trong tuần lễ trước ngày đặc biệt này và khuyến khích mọi tín hữu có thể làm như vậy bằng cách liên hệ với những người vô gia cư hoặc những người nghèo trong các khu phố của mình và mời họ cùng tham dự Thánh lễ hoặc cùng dùng bữa chung với nhau vào ngày 19 tháng 11.

“Nếu có những người nghèo khổ ở nơi chúng ta đang sống tìm kiếm sự bảo vệ và giúp đỡ, chúng ta hãy trở nên gần gũi hơn với họ: đó chính dịp thuận tiện để chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa mà chúng ta đang kiếm tìm”, ĐTC Phanxicô chia sẻ. “Theo những lời dạy của Kinh Thánh, chúng ta hãy đón tiếp họ như những vị khách danh dự nơi bàn tiệc của chúng ta; họ có thể là những thầy dạy giúp chúng ta sống đức tin một cách nhất quán hơn”.

Trong một cuộc họp báo tại Vatican hôm 13 tháng 6 nhằm công bố Sứ điệp này, Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella cho biết ĐTC Phanxicô sẽ tổ chức bữa trưa cho khoảng 500 người nghèo vào ngày 19 tháng 11 sau khi cử hành Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Trong Ngày Thế giới Người Nghèo, Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị trong Sứ điệp rằng tất cả mọi tín hữu Công Giáo cũng như  tất cả những người có thành tâm thiện chí sẽ “hướng mọi ánh nhìn… đến tất cả những ai đang vươn tay ra và cầu xin sự giúp đỡ cũng như sự liên đới của mỗi người chúng ta”.

“Họ chính là anh chị em của chúng ta, được Cha Trên Trời tạo dựng và yêu thương”, ĐTC Phanxicô nói. “Ngày này có nghĩa là, trên hết, nhằm khuyến khích mọi tín hữu đáp trả lại với một nền văn hoá thải loại và lãng phí, và để đón lấy nền văn hoá của sự gặp gỡ”.

ĐTC Phanxicô kết thúc Sứ điệp của mình với lời đề nghị rằng cầu nguyện chính là trọng tâm của ngày đặc biệt mới này và suy tư về ý nghĩa cụ thể của lời Kinh Lạy Cha.

“Chúng ta đừng quên rằng lời Kinh Lạy Cha chính là lời cầu nguyện cho những người nghèo”, ĐTC Phanxicô nói. “Lời nguyện xin cho chúng ta được mọi ngày lương thực đủ dùng thể hiện sự tín thác của chúng ta vào Thiên Chúa đối với những nhu cầu cơ bản của chúng ta trong đời sống. Tất cả những điều mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta qua lời cầu nguyện này diễn tả và quy tụ mọi tiếng kêu gào của tất cả những người phải chịu đựng những bất ổn trong cuộc sống cũng như sự thiếu thốn về những điều mà họ đang cần”.

“Khi các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy họ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã trả lời họ bằng những lời mà người nghèo khổ thân thưa với một Cha trên trời, Đấng mà nơi ấy tất cả chúng ta đều thừa nhận mình là anh chị em với nhau”, ĐTC Phanxicô nói. “Kinh Lạy Cha, lời cầu nguyện được thưa lên với hình thức số nhiều: lời nguyện ‘xin Cha cho chúng con hôm nay được lương thực mọi ngày dùng đủ’ chính là lời nguyện xin ‘cho tất cả chúng ta’, và điều đó đòi hỏi sự chia sẻ, cùng tham gia và cùng chịu trách nhiệm”.

“Trong lời kinh nguyện này, tất cả chúng ta đều nhận ra nhu cầu của mỗi người chúng ta để vượt qua mọi hình thức của sự ích kỷ, để bước vào niềm vui của việc đón nhận lẫn nhau”, ĐTC Phanxicô tiếp tục.

ĐTC Phanxicô nói rằng Ngài hy vọng Ngày Thế giới Người nghèo mới này “trở nên lời kêu gọi mạnh mẽ đối với mọi lương tâm của chúng ta là những người Kitô hữu, cho phép chúng ta tăng lớn mạnh trong niềm tin rằng việc sẻ chia với người nghèo cho phép chúng ta nhận biết đượ chân lý sâu xa nhất của Tin Mừng”.

“Những người nghèo không phải là một vấn đề”, ĐTC Phanxicô  nhấn mạnh. “Họ chính là nguồn lực để chúng ta có thể kín múc từ đó khi chúng ta cố gắng đón nhận và thực hành bản chất của Tin Mừng trong cuộc sống của mình”.

Minh Tuệ (theo CNR)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết