Pháp sẽ chứng kiến con số ​​kỷ lục với 17.800 dự tòng được rửa tội vào dịp Lễ Phục Sinh năm nay

Số lượng người lớn xin rửa tội đã tăng vọt, tăng 45% so với năm 2024.

Đức Thánh Cha Phanxicô rửa tội cho một người dự tòng tên là Veronica, đến từ Hoa Kỳ, trong Thánh lễ Vọng Phục Sinh vào ngày 8 tháng 4 năm 2023, tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican, như một phần của cử hành phụng vụ Tuần Thánh. (Ảnh: AFP)

Đức Thánh Cha Phanxicô rửa tội cho một người dự tòng tên là Veronica, đến từ Hoa Kỳ, trong Thánh lễ Vọng Phục Sinh vào ngày 8 tháng 4 năm 2023, tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican, như một phần của cử hành phụng vụ Tuần Thánh (Ảnh: AFP)

Theo một cuộc khảo sát thường niên của Dịch vụ Quốc gia về người Dự tòng thuộc Hội đồng Giám mục Pháp, có tới hơn 17.800 Dự tòng sẽ được rửa tội trong Lễ Vọng Phục Sinh vào ngày 19 tháng 4, trong đó có 10.384 người lớn và hơn 7.400 thanh thiếu niên từ 11 đến 17 tuổi.

Số lượng người lớn xin rửa tội đã tăng vọt, tăng 45% so với năm 2024.

Được công bố vào ngày 10 tháng 4, những con số này là cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát được thực hiện và ghi nhận hàng năm kể từ năm 2002.

Đây không phải là một xu hướng nhất thời mà là một “động lực” thực sự, Đức Tổng Giám mục Olivier de Germay Địa phận Lyon, người chịu trách nhiệm về chương trình Giáo lý dự tòng tại Pháp, cho biết

“Ngoài những con số vốn đã có ý nghĩa, vấn đề còn nằm ở việc giải thích dấu chỉ từ Thiên đường này”, Đức Tổng Giám mục de Germay đã viết về sự gia tăng này trong một bài bình luận được công bố cùng với cuộc khảo sát.

Trong thập kỷ qua, số người lớn được rửa tội vào dịp Lễ Phục Sinh đã tăng từ 3.900 vào năm 2015 lên 7.135 vào năm 2024, rồi lên 10.384 vào năm 2025. Đối với bà Cécile Eon, đại biểu quốc gia về chương trình Dự tòng dành cho người lớn, mức tăng này quả thực “ấn tượng”.

“Các yêu cầu đang đổ về, và các nhóm phải được tổ chức lại”, bà Cécile phát biểu tại một cuộc họp báo vào ngày 10 tháng 4 tại Paris. “Tỷ lệ người dự tòng trong độ tuổi từ 18 đến 25 đã tăng lên, đặc biệt là kể từ năm 2020. Hiện tại, họ là nhóm đông đảo nhất trong số những người trưởng thành”.

Hội đồng Giám mục Pháp cho biết nhóm tuổi từ 18 đến 25, bao gồm sinh viên và chuyên gia trẻ, hiện chiếm 42% số người dự tòng, và đã vượt qua nhóm tuổi từ 26 đến 40, cho đến nay vẫn là nhóm mục tiêu lịch sử là người dự tòng trưởng thành.

Catherine Lemoine là đại biểu quốc gia về chăm sóc mục vụ cho thanh thiếu niên từ 11 đến 17 tuổi.

“Các nhóm chuẩn bị rửa tội, thường có 5 đến 7 người trẻ, giờ đây đôi khi có 20, 50 hoặc thậm chí nhiều hơn nữa”, chị Lemoine làm chứng tại cuộc họp báo. “Những người trẻ này thường tự hỏi mình những câu hỏi mang tính hiện sinh. Một số đang trải qua những tình huống khó khăn, chẳng hạn như cha mẹ ly hôn, bệnh tật hoặc mất ông bà. Điều này khiến họ tự hỏi về sự tồn tại của Thiên Chúa, và họ tìm thấy một số câu trả lời trong Tin Mừng, điều này dẫn họ đến gõ cửa nhà thờ”.

Đối với Catherine Chevalier, người đứng đầu toàn quốc của văn phòng Tuyên bố Đức tin và Đồng hành với Đời sống Kitô hữu trực thuộc Hội đồng Giám mục, lý do cho sự gia tăng mạnh mẽ này rất khó xác định một cách chính xác.

“Bối cảnh xã hội có phần gây lo lắng, với đại dịch COVID-19 và các cuộc chiến tranh, chắc chắn có liên quan”, chị Chevalier chỉ ra. “Nhiều người đang tìm kiếm lý do để hy vọng trong tất cả sự bất ổn này. Nhưng ngoài những yếu tố này, tất cả những người dự tòng đều thể hiện một cách tiếp cận rất riêng tư và một cuộc hành trình tâm linh, đối với một số người — có từ thời thơ ấu của họ”

Theo chị Chevalier, những người có ảnh hưởng Công giáo và mạng xã hội chắc chắn đóng vai trò trong số những người từ 15 đến 25 tuổi, nhưng chị tin rằng điều đó không mang tính quyết định. “Những người trẻ tuổi đó rõ ràng không muốn ở lại thế giới ảo”, chị giải thích tại cuộc họp báo ở Paris.

“Họ bày tỏ sự khao khát Thiên Chúa và mong muốn hướng nội, nhưng đồng thời cũng mong muốn được thuộc về một cộng đoàn, tìm kiếm những nghi lễ phù hợp với những gì họ trải nghiệm nội tại, và ý thức về tình huynh đệ”.

Tại Nhà thờ Thánh Louis ở Versailles, rất gần cung điện do Vua Louis XIV xây dựng, anh Hubert Boüan chịu trách nhiệm hướng dẫn những người dự tòng, cả trẻ em lẫn người lớn.

“Năm ngoái có 4 người được rửa tội vào dịp Lễ Phục Sinh”, anh Boüan nói với OSV News. “Năm nay có 8 người được rửa tội, và năm sau sẽ có hơn chục người. Và các yêu cầu vẫn tiếp tục tăng! Mỗi tuần, một hoặc hai người trẻ mới, trong độ tuổi từ 20 đến 30, tìm đến Giáo xứ”, anh Boüan nói.

“Trong 80% các trường hợp, họ đến từ những gia đình tan vỡ, với cha mẹ đã từ bỏ đức tin”, anh Boüan chỉ ra. “Nhưng nhiều người nhắc đến bà của họ và nói rằng họ nhớ bà đã đi lễ”.

Theo số liệu từ cuộc khảo sát của các Giám mục Pháp, 52% người lớn được rửa tội trong năm nay đến từ các gia đình từng là Kitô hữu. “Họ muốn kết nối lại với đức tin từng được thực hành trong gia đình mình và tìm cách khám phá các vấn đề xung quanh đức tin đó”, anh Boüan xác nhận.

“Trong các cuộc họp chuẩn bị, họ mở lòng với chủ đề này. Thật cảm động”, anh Boüan nói.

Ngoài những người dự tòng, còn có những người được rửa tội ngay sau khi sinh nhưng không được giáo dục Công giáo sau đó. “Họ cũng đang tìm đến với Giáo hội với số lượng ngày càng tăng”, anh Boüan xác nhận. “Đôi khi, chúng tôi phải tìm hiểu để lục tìm sổ rửa tội của họ. Họ chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Thêm sức vào Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống”.

Tại Pháp, 9.000 người lớn được lãnh nhận Bí tích Thêm sức vào năm 2024, gấp đôi năm 2022.

“Tại Versailles, Đức Giám mục Giáo phận đã quyết định lên kế hoạch cử hành thêm một đợt ban Bí tích Thêm sức khác vào tháng 11, ngoài dịp ban Bí tích Thêm sức vào Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, vì có quá nhiều người tham dự nên không thể tổ chức chỉ một đợt”, anh Boüan cho biết.

Để giúp những người mới đến hòa nhập vào Giáo hội Công giáo, các Giám mục đang dựa vào các dự án mục vụ hiện có. Cứ hai năm một lần, các Giáo phận trong khu vực Paris mời những người trẻ tuổi từ 15 đến 18 tuổi đến tham dự cuộc hội ngộ FRAT tại Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức ngay trước Lễ Phục Sinh. FRAT là một sáng kiến mục vụ đã tồn tại hơn 100 năm qua và xuất phát từ tiếng Pháp tương đương với “tình huynh đệ” — “fraternité“.

Ngày càng phổ biến trong thời gian gần đây, FRAT diễn ra từ ngày 12 đến 17 tháng 4 năm 2025. Cho đến nay, đã có 13.500 người trẻ đăng ký, so với chỉ 9.000 người vào năm 2024. Những người dự tòng được đặc biệt mời đến và khám phá bầu không khí vừa mang tính lễ hội vừa mang tâm tình cầu nguyện.

“Những người Công giáo trẻ tuổi hiện nay rất thoải mái với đức tin Kitô giáo của họ và trò chuyện với bạn bè về đức tin này, thoải mái hơn nhiều so với thế hệ trước họ”, Lemoine, đại biểu quốc gia về công việc mục vụ chăm sóc giới trẻ, giải thích. Những người trẻ tuổi từ 18 đến 35 tuổi được đặc biệt mời đến tham dự Đại hội Giới trẻ tại Rôma từ ngày 28 tháng 7 đến ngày 2 tháng 8. Các Giám mục của Pháp đang cân nhắc đưa giới trẻ vào trung tâm của các cuộc hành hương mà họ tổ chức vào dịp này.

Đối với Chevalier, người đứng đầu văn phòng Tuyênbố đức tin, “thách thức lớn” trong những năm tới là đào tạo đủ số lượng giám sát viên để giám sát việc chuẩn bị cho tất cả những người đến xin rửa tội. Vào năm 2025, số điều phối viên tăng 31% so với năm trước. Phần lớn trong số họ là những anh chị em giáo dân dấn thân hăng say. Nhưng vẫn cần nhiều hơn thế nữa ở tất cả các Giáo phận của Pháp; chúng tôi đang kêu gọi thêm những người có thể đến và tăng cường các nhóm.

Đức Tổng Giám mục de Germay cho biết rằng “chúng tôi nhận thấy rằng ‘những Kitô hữu lâu năm đã chịu phép rửa tội’, khám phá ra những lĩnh vực chưa từng biết đến của đức tin, được thử thách và đổi mới bởi chứng từ của những người mới đến với Giáo hội, những người dần dần được giới thiệu về những chiều kích khác nhau của đời sống Kitô hữu. Mọi người đều trở nên phong phú hơn”.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết