Phân tích: Vatican và Trung Quốc - Phần II, Hồng Kông

Quốc kỳ Hồng Kông và Vatican (Ảnh: Shutterstock)

Quốc kỳ Hồng Kông và Vatican (Ảnh: Shutterstock)

Phần 2 của loạt bài ba phần xem xét tình hình của Giáo hội tại Trung Quốc.

Khi Vatican và Trung Quốc đàm phán gia hạn thỏa thuận năm 2018, thỏa thuận chấp nhận biện pháp để cho Đảng Cộng sản kiểm soát một phần các cuộc bổ nhiệm giám mục, Giáo phận Hồng Kông tiếp tục là trung tâm của một cuộc khai thác ngoại giao liên quan đến đời sống Giáo hội.

Giáo phận Hồng Kông đã không có giám mục kể từ tháng 1 năm 2019. Các ứng cử viên liên tiếp được chọn bởi Vatican và được Đức Giáo hoàng Phanxicô chấp thuận, đã phải rút lui vì những lo ngại chính trị.

Vào tháng Năm, cơ quan lập pháp nhà nước Trung Quốc ở đại lục đã bỏ phiếu áp đặt luật an ninh quốc gia sâu rộng đối với Hồng Kông, vùng đất nằm bên ngoài lãnh thổ Trung Cộng và có cơ quan lập pháp được bầu cử dân chủ. Luật an ninh hình sự hóa bất cứ điều gì Bắc Kinh coi là sự can thiệp của nước ngoài, và sẽ cho phép lực lượng an ninh Trung Quốc hoạt động trong thành phố Hồng Kông.

Điều này đã làm gia tăng nỗi sợ hãi về sự mất quyền tự do tôn giáo. So với đại lục, nơi Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc bị Cộng sản trừng phạt vẫn là sự hiện diện Công giáo duy nhất được phép, Giáo phận Hồng Kông vẫn được hoạt động với sự tự do tương đối. Người Công giáo Hồng Kông hiện đang lo lắng rằng điều này sẽ thay đổi, và các tín hữu Công giáo trung thành với Roma có thể bị chính phủ coi là cộng tác viên của nước ngoài.

Bất chấp những lo ngại này, Đức Hồng Y Gioan Thang Hán, người đang tạm thời lãnh đạo Giáo Phận Hồng Kông sau khi nghỉ hưu trước năm 2017, đã công khai phát biểu về sự ủng hộ của ngài đối với luật an ninh mới và sự tin tưởng của ngài rằng các điều khoản của luật ấy không gây khó khăn đối với Giáo hội. “Cá nhân tôi tin rằng Luật An ninh Quốc gia sẽ không có gây phương hại đối với tự do tôn giáo,” Đức Hồng Y Gioan Thang Hán nói vào tháng 6, trước khi văn bản cuối cùng được công bố.

Lưu ý rằng Luật cơ bản của Hồng Kông bảo đảm quyền công khai thuyết giáo và tổ chức các nghi lễ tôn giáo, cũng như quyền tham gia vào các hoạt động tôn giáo, Đức Hồng Y Gioan Thang Hán bác bỏ những lo ngại rằng những liên hệ trực tiếp với Vatican của Giáo phận có thể bị coi là thông đồng với nước ngoài.

“Giáo phận luôn luôn có mối quan hệ trực tiếp với Vatican; mối quan hệ giữa Giáo phận Hồng Kông và Vatican nên được coi là một vấn đề nội bộ,” Đức Hồng Y Gioan Thang Hán nói.

Vị tiền nhiệm của Đức Hồng Y Gioan Thang Hán là Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, một nhà phê bình không thương tiếc bản thỏa thuận Vatican-Trung Quốc và luật an ninh Hồng Kông. Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân thừa nhận rằng Đức Hồng Y Gioan Thang Hán đang ở trong một “tình huống khó khăn” khi là người đứng đầu tạm thời của Giáo phận.

“Một mặt, sẽ có rất nhiều rắc rối nếu chúng tôi không ủng hộ chính phủ. Chúng tôi không bao giờ biết họ sẽ làm gì với Giáo hội của chúng tôi,” Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân nói. “Mặt khác, [Đức Hồng Y Gioan Thang Hán] đang gây nhiều thất vọng trong Giáo hội với việc ủng hộ của ngài [đối với luật an ninh].”

CNA đã nói chuyện với một quan chức cao cấp trong Giáo phận Hồng Kông, người yêu cầu giấu tên, với lý do lo ngại về luật an ninh mới. Quan chức này nói rằng Giáo hội địa phương đã bị chia rẽ, giữa những người có quan điểm ủng hộ dân chủ và những người khác có cảm tình với đại lục.

“Bạn không thể nói rằng Giáo hội tại Hồng Kông – các tín hữu – chỉ là một khối. Không phải. Có một số người muốn người Anh không bao giờ rời đi, và những người khác thì tự coi mình là người Trung Quốc.

“Ở giữa hai khối đó có rất nhiều người, có lẽ hầu hết mọi người, là những người chỉ quan tâm đến các luật mới. Họ muốn được nói rằng mọi thứ sẽ ổn, nhưng họ cũng biết rằng có lẽ sẽ không ổn. Những lời trấn an sai lầm [từ Giáo phận] làm cho họ lo lắng nhiều hơn, chứ không bớt lo lắng.”

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân cũng liên tục chỉ trích Vatican vì đã không tố cáo, hoặc thậm chí còn không thừa nhận, tình hình ở Hồng Kông và cuộc khủng hoảng nhân quyền rộng lớn hơn ở đại lục.

Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Vatican thân cận Phủ Quốc Vụ Khanh nói với CNA trong tuần này rằng tình hình vẫn liên tục được theo dõi, đặc biệt là khi các cuộc thảo luận đang được tiếp tục về việc gia hạn thỏa thuận tạm thời 2018.

“Bất chấp những gì [Đức Hồng Y] Trần Nhật Quân có thể nói, Roma không điếc hoặc mù”, quan chức này nói, “và Giáo hội không bao giờ im lặng, nhưng Giáo hội không phải luôn luôn nói trên micro.”

Quan chức này cũng thừa nhận rằng sự hỗ trợ công khai của Đức Hồng Y Gioan Thang Hán đối với các luật mới đã khiến cho triển vọng bổ nhiệm một giám mục chánh tòa gặp nhiều khó khăn hơn.

“Tất nhiên, có những lo ngại về tình hình ở Hồng Kông – mà việc những người Cộng sản đưa Giáo hội Yêu nước đến đó là nỗi sợ hãi tột cùng,” ông nói.

“Đức Hồng Y Gioan Thang Hán không có nguy cơ là thù địch công khai với chính phủ, và ngài không nên làm thế. Nhưng dường như sự ủng hộ một đạo luật nguy hiểm – ngay cả khi người dân đang phải chịu đựng nó – chỉ khiến cho sự chia rẽ trở nên sâu sắc hơn.”

Quan chức nói với CNA về các sự kiện của tháng Sáu và tháng Bảy, tức là một thông báo về một giám mục mới cho Hồng Kông đã bị trì hoãn mãi mãi.

“Phải có sự đồng ý, hoặc ít nhất là có thể chấp nhận được cho cả [Vatican và Trung Quốc],” ông nói, nhưng “người đó cũng phải được người dân chấp nhận.”

“Năm ngoái, chúng tôi đã có một vị, được Đức Giáo hoàng chấp thuận và sẵn sàng bổ nhiệm, nhưng sau đó ngài trở thành gương mặt của đoàn người biểu tình và phải rút lui.”

CNA trước đó đã báo cáo rằng, vào năm 2019, Vatican đã quyết định bổ nhiệm Giám mục phụ tá Hồng Kông Giuse Hạ Chí Thành lãnh đạo Giáo phận. Tuy nhiên, trong khi cuộc bổ nhiệm đang được tiến hành, Đức Cha Hạ Chí Thành đã được nhìn thấy hiện diện công khai trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ chống lại luật dẫn độ gây tranh cãi, và rồi việc đề cử ngài đã bị đảo ngược trước khi có thể đưa ra thông báo công khai.

Tuần này, quan chức cấp cao nói với CNA rằng luật an ninh mới và cuộc đàn áp tiếp theo đối với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đã dẫn đến việc loại bỏ lựa chọn thứ hai vị lãnh đạo Giáo phận.

CNA đã báo cáo vào tháng 1 rằng lựa chọn tiếp theo vị lãnh đạo Giáo phận là Cha Phêrô Thái Huệ Dân, một trong bốn vị Tổng Đại diện trong Giáo phận Hồng Kông và Giám đốc Chủng viện. Ngài được coi là thân thiết với Hồng Y Gioan Thang Hán và có mối quan hệ làm việc tốt với các nhân vật của chính phủ, cả ở Hồng Kông lẫn ở đại lục, nên một số người trong Giáo phận bày tỏ quan ngại mạnh mẽ về sự gần gũi của ngài với chính quyền, và một quan chức cấp cao của Giáo phận mô tả ngài là “một người nhiệt tình ủng hộ Bắc Kinh”.

Tuần này, CNA được các nguồn tin cấp cao của Giáo hội tại Roma và Trung Quốc nói rằng tên gọi Thái Huệ Dân cũng đã bị rút khỏi danh sách.

“Không thể [công bố Thái Huệ Dân],” một quan chức cấp cao gần với quy trình tuyển chọn ở Roma nói với CNA trong tuần này. “Sau những lời bình luận của [Hồng y] Thang Hán và các cuộc biểu tình, các tín hữu sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó – điều đó sẽ bị hiểu như một hành động ủng hộ của Đức Thánh Cha đối với luật an ninh.”

Một nguồn tin cao cấp gần với Giáo hội tại đại lục nói với CNA rằng Cha Thái Huệ Dân “sẽ khiến cho Bắc Kinh thoải mái, nhưng không thể trấn an người Công giáo ở Hồng Kông.”

Quan chức ở Roma nói với CNA rằng một ứng cử viên thứ ba hiện đang được xem xét ở Roma, nhưng có rất ít hy vọng cho một thông báo sớm.

“Không ai biết [khi nào sẽ có một giám mục]. Có một cái tên mới, tôi hy vọng, nhưng cho đến khi tôi đọc nó trong bollitino thì tôi thấy không có gì chắc chắn cả.”

Quan chức này đã lưu ý rằng việc bổ nhiệm Giám mục ở Hồng Kông, cùng với hơn 50 giáo phận trống trên đại lục, có thể sẽ góp phần vào các cuộc đàm phán về việc gia hạn thỏa thuận Vatican-Trung Quốc 2018.

“Về cơ bản, đó là thỏa thuận về việc bổ nhiệm giám mục – nhưng hầu như không có giám mục nào đã được bổ nhiệm,” quan chức này nói. “Một phần của sự tiến triển là phải được nhìn thấy có những thứ thực sự tiến triển; tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thấy một số cái tên được đưa ra như là một phần của việc gia hạn thỏa thuận.”

Quan chức này cũng lưu ý rằng, sau những chỉ trích việc Trung Quốc xử lý đại dịch coronavirus và sự quan tâm của giới truyền thông đột ngột gia tăng hơn đối với sự giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ, một thỏa thuận mới với Vatican có thể là ưu tiên ngoại giao của Trung Quốc.

“Giáo Hội muốn thấy sự tiến bộ về việc bổ nhiệm giám mục và một câu trả lời về những vị bị mất tích trong tù,” ông nói, “nếu Trung Quốc muốn tiếp tục với thỏa thuận, họ sẽ cần phải chứng minh về những điều đó.”

Nhiều nhà bình luận đã nghi ngờ sự giao hảo của Vatican với Trung Quốc, nói rằng bất kỳ sự lợi lộc nào mà Giáo hội có được trong mối giao hảo này đều làm tổn hại đến uy quyền đạo đức của chính Giáo hội, và lưu ý rằng trong hai năm kể từ khi thỏa thuận tạm thời được ký kết, tình hình của các Kitô hữu trên đại lục đã xấu đi rất nhiều.

Tuy nhiên, Vatican vẫn ủng hộ việc theo đuổi đối thoại bất cứ khi nào có thể.

“Nói gì thì nói, chúng tôi vẫn đang ở trong các cuộc đàm phán và chúng tôi mong muốn tình hình của Giáo hội được tốt hơn chứ không phải xấu đi”, quan chức này nói. “Nếu Trung Quốc muốn thấy cuộc điều đình được tiếp tục, họ sẽ cần phải có sự tiến bộ – nhưng nếu Tòa Thánh chỉ đơn giản là bỏ đi, thì ai sẽ giúp đỡ Giáo hội ở Trung Quốc?

Hoàng Tiến (theo CNA)

 

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết