Phần 1 của loạt bài ba phần, xem xét tình hình của Giáo hội tại Trung Quốc.
Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã trở thành tâm điểm chú ý và phản đối của quốc tế, trước tiên là về việc xử lý sự bùng phát của coronavirus và gần đây hơn là về việc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương và việc đàn áp dân chủ ở Hồng Kông.
Trong khi giới quan sát Công giáo Trung Quốc từ lâu đã tập trung vào cuộc khủng hoảng nhân quyền đang diễn ra ở nước này, thì giới truyền thông rộng lớn hơn đã chỉ tập chú vào vấn đề trong vòng vài tuần, trước khi thỏa thuận gây tranh cãi giữa Vatican và Trung Quốc được đặt lên bàn để làm mới, đặt mối quan hệ ngoại giao tinh tế nhất của Tòa Thánh dưới kính hiển vi .
Thỏa thuận năm 2018 giữa Tòa thánh và Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm chấm dứt một cuộc chia rẽ kéo dài hàng thập kỷ giữa những người Công giáo Trung Quốc, tức là giữa Giáo hội hầm trú trung thành với Roma và Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc do Cộng sản kiểm soát.
Mặc dù văn bản của thỏa thuận chưa bao giờ được công bố, nhưng một điều quan trọng trong các điều khoản của nó là sự thỏa hiệp về việc bổ nhiệm các giám mục, với việc chính quyền Cộng sản có cơ hội can thiệp vào danh sách các ứng cử viên tương lai khi Đức Giáo hoàng bổ nhiệm.
Quy định này đã được Văn phòng Báo chí Tòa thánh nhấn mạnh vào tháng 2, sau cuộc gặp giữa Đức Tổng Giám mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng của Vatican, và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
Mô tả cuộc họp giữa hai người là “thân mật”, Tòa Thánh nói rằng, một cách đặc biệt, hai vị đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định tạm thời về việc đề cử các giám mục, ký ngày 22 tháng 9 năm 2018, đổi mới việc sẵn sàng tiếp tục đối thoại song phương để thúc đẩy cuộc sống của Giáo hội Công giáo và lợi ích của người dân Trung Quốc.
Nhưng trước khả năng có thể đổi mới thỏa thuận, có những tiến bộ nào đã được thực hiện?
Vatican đã cho thấy một sự sẵn sàng uốn mình đáng kể để thích ứng với Trung Quốc.
Sau thỏa thuận được ký kết năm 2018, tám giám mục đã từng bị vạ tuyệt thông của Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc do Cộng sản kiểm soát đã được chấp nhận hiệp thông chính thức với Roma. Trong một số trường hợp, các giám mục hầm trú – bao gồm một số vị đã bị bắt và bị bỏ tù vì lòng trung thành của các ngài với Đức Giáo hoàng – đã được yêu cầu từ chức và phục vụ dưới quyền của các vị cộng tác với Cộng sản. Người đứng đầu và phó chủ tịch của cái gọi là Hội đồng giám mục Trung Quốc (của Cộng sản và từng bị vạ tuyệt thông) đã tham dự Thượng Hội đồng Giám mục 2019 về Giới trẻ tại Vatican.
Đổi lại, không rõ ràng những gì Trung Quốc đã cung cấp. Ít nhất 50 giáo phận đại lục vẫn không có giám mục và, từ khi thỏa thuận được ký kết năm 2018 với hy vọng mở ra một kỷ nguyên mới cho một Giáo hội Công giáo hợp nhất ở Trung Quốc, kết quả của thỏa thuận dường như chỉ là sự hoàn toàn bế tắc trong các cuộc bổ nhiệm giám mục và sự tiếp tục cuộc đàn áp đối với Giáo hội hầm trú.
Một viên chức cao cấp của Vatican tại Bộ Giám Mục nói với CNA rằng thỏa thuận Vatican-Trung Quốc là một điểm liên lạc ngoại giao, nhưng tác dụng thực tế thì rất hạn chế.
“Phủ Quốc vụ khanh sử dụng nó như là điểm đối thoại, đó là một chủ đề cho các cuộc đàm phán của họ,” ông nói, “nhưng trên thực tế nó là một trở ngại tuyệt đối cho các cuộc bổ nhiệm giám mục.”
Quan chức này nói rằng, mặc dù có sự công nhận của Vatican đối với tám giám mục do Cộng sản chỉ định vào năm 2018, vẫn có rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang nhanh chóng đáp lại.
“Quá trình này tiếp tục như nó luôn luôn có,” quan chức trên nói với CNA, “có đề cử, Đức Thánh Cha lựa chọn.”
“Nhưng bây giờ,” ông nói, “không có gì được công bố cho đến khi [ĐCSTQ] đồng ý, nhờ vậy sẽ có sự hài hòa. Nhưng không có sự hài hòa, và do đó không có thông báo nào.”
Mặc dù vậy, Trung Quốc đã có một số nhượng bộ đối với Vatican, khi công nhận hai Đức Giám mục hầm trú hồi tháng 6.
Đức Cha Phêrô Lý Huệ Nguyên được công nhận là Giám mục Phượng Tường vào tháng trước, sau hơn hai năm nắm giữ chức vụ kể từ khi Đức Cha Luca Lý Kính Phong qua đời. Cả hai Đức Giám mục đều là lãnh đạo của Giáo hội hầm trú.
Chính quyền cộng sản cũng công nhận Đức Cha Phêrô Lâm Giai Thiện làm Giám mục Phúc Châu hồi tháng trước, bất chấp sự phản đối của ngài đối với việc đăng ký với chính phủ hoặc việc ký tuyên bố thừa nhận tính ưu việt của Cộng sản trong các vấn đề của Giáo hội.
Đức Cha Phêrô, 86 tuổi, đã cam kết phục vụ Tin Mừng trong việc lãnh đạo Giáo phận, nhưng cũng sẵn sàng hỗ trợ chương trình của nhà nước nhằm “làm cho Giáo hội đậm đà bản sắc Trung Quốc ở nước ta”.
Kể từ khi ký thỏa thuận năm 2018, chính phủ Cộng sản đã đẩy mạnh một chương trình chưa từng có về việc Trung Hoa hóa tôn giáo và tín ngưỡng trong nước. Các báo cáo thường kỳ về các nhà thờ bị phá hủy, các linh mục và giám mục bị quấy rối và bắt giữ, và sự kiểm duyệt nghiêm ngặt được áp đặt đối với giáo lý, tiếp tục xuất hiện từ Trung Quốc.
Ở Tân Cương, có từ 900.000 đến 1,8 triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi được ước tính đang bị giam giữ trong hệ thống hơn 1.300 trại tạm giam do chính quyền Trung Quốc thành lập, có vẻ như là nhằm mục đích cải tạo họ. Những người sống sót đã kể rằng họ bị nhồi sọ, đánh đập, cưỡng bức, phá thai và triệt sản, và bị tra tấn trong các trại cải tạo đó.
Các báo cáo từ bên trong các trại cho biết sau các bài học nhồi sọ, cuối cùng, các tù nhân được hỏi là “có Chúa không?” với “không” là câu trả lời duy nhất được chấp nhận. Các tù nhân Hồi giáo cũng đã báo cáo là họ bị ép ăn thịt lợn và uống rượu.
Ở các vùng khác của đất nước, các Giám mục Công giáo đã bị bắt hoặc trục xuất khỏi tòa giám mục, sau khi các quan chức nhà nước cố gắng buộc các ngài ký các văn bản thừa nhận chủ quyền và quyền ưu tiên giáo lý của Đảng Cộng sản.
Trong khi các tổ chức nhân quyền lên án hành động của Trung Quốc như là một “tội ác diệt chủng từ từ” đối với các nhóm thiểu số tôn giáo và sắc tộc, Quốc vụ khanh Tòa Thánh Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin, lại đã bênh vực chính sách Trung Hoa hóa, nói rằng nó không phương hại các nguyên tắc riêng của Giáo Hội về hội nhập văn hóa.
“Hai thuật ngữ ‘hội nhập văn hoá’ và ‘Trung Hoa hóa’ có liên quan đến nhau nhưng không trộn lẫn và không đối lập,” ĐHY Parolin nói với truyền thông nhà nước Trung Quốc vào năm 2019.
“Trong tương lai, chắc chắn sẽ là rất quan trọng việc đào sâu chủ đề này, đặc biệt là mối quan hệ giữa ‘hội nhập văn hoá’ và ‘Trung Hoa hóa’, nhưng đừng quên rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã bày tỏ sự sẵn sàng của họ trong việc không làm mất bản chất và giáo lý của mỗi tôn giáo,” ĐHY Parolin nói.
Mặc dù Vatican công khai khẳng định rằng quan hệ với Trung Quốc vẫn thân mật và mang tính xây dựng, tờ South China Morning Post đã báo cáo rằng trong hậu trường, các nhà ngoại giao của Tòa Thánh thường xuyên đưa ra vấn đề về các giám mục Công giáo bị giam cầm hoặc bị mất tích.
Theo một nguồn tin quen thuộc với các cuộc đàm phán giữa Vatican và Trung Quốc, tờ South China Morning Post cho biết, khi [tên của các giám mục bị mất tích hoặc bị bắt giữ] được nêu lên thì lần nào cũng đều là trường hợp có những lý do đáng tiếc, chẳng hạn như vì chính quyền địa phương không hợp tác.
Cả Trung Quốc và Vatican đều phát tín hiệu sẵn sàng gia hạn thỏa thuận 2018 thêm hai năm nữa. Nhưng với sự quan tâm toàn cầu hiện nay đang tập trung vào tội ác nhân quyền của Trung Quốc, những cuộc đàm phán sẽ được đông đảo công chúng theo dõi sát sao.
“[Phủ Quốc vụ khanh] phải làm gì?” quan chức Vatican hỏi CNA. Có phải mọi thứ bây giờ tồi tệ hơn so với năm 2018? Có lẽ. Chắc chắn không tốt hơn cho Giáo hội. Nhưng bạn không thể bỏ đi.”
Tòa Thánh, đặc biệt là Đức Hồng Y Parolin, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham gia vào một tầm nhìn dài hạn trong việc xây dựng niềm tin và đảm bảo vị trí của Giáo Hội tại Trung Quốc.
Nhưng với hơn một triệu người trong các trại tập trung tại đại lục, và căng thẳng gia tăng xung quanh Hồng Kông và Đài Loan, có thể thấy rõ là ngày càng không có cơ sở để Giáo Hội đàm phán, và vẫn chưa nên đi đến thỏa thuận với những người vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất thế giới, bất kể lợi ích nào có thể đạt được.
Hoàng Tiến (theo CNA)