Phải hiểu thế nào về sự công chính của Thánh Giuse ?

«Bà Maria, mẹ Đức Giêsu, đã đính hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà [Maria], là người công chính và không muốn tiết lộ điều xảy ra với bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,18-19).

Không có bất cứ lý do gì để nghi ngờ rằng Thánh Giuse đã không biết việc Đức Maria mang thai là do sự can thiệp của Chúa Thánh Thần. Trái lại, nếu đọc bản văn một cách thanh thản, không thiên kiến, người ta thấy hình như tác giả gợi ý rằng Thánh Giuse biết điều đó. Đàng khác, tình yêu lành thánh giữa Đức Maria và Thánh Giuse càng cho phép chúng ta tin rằng chắc chắn Đức Maria chẳng hề giấu giếm Thánh Giuse một điều quan trọng như thế. Và khi đã biết sự thực, Thánh Giuse liền định tâm kín đáo lìa bỏ Đức Maria!

Tác giả Mt kể ra hai lý do khiến Thánh Giuse đi đến quyết định như vậy.

Lý do thứ nhất: vì Thánh Giuse “là người công chính”.

Phải hiểu thế nào? Chắc chắn đây không phải là sự công chính theo nghĩa pháp lý, tức là theo nghĩa vâng phục lề luật. Bởi lẽ lề luật chẳng buộc người ta phải rẫy bỏ vị hôn thê phạm tội ngoại tình, nhất là lại rẫy bỏ “một cách kín đáo” (vì hành động kín đáo như thế này là không có giá trị pháp lý). Đàng khác, nếu Thánh Giuse nghĩ rằng Đức Maria vô tội, thì ông còn có nghĩa vụ phải bảo vệ vị hôn thê vô tội của mình.

Vì thế, cách hiểu hợp lý nhất là phải coi đây là sự công chính tôn giáo. Là người công chính theo nghĩa tôn giáo, Thánh Giuse kính trọng công việc Thiên Chúa đang thực hiện nơi Đức Maria và không dám nhận về mình những công trạng do hành động của Thiên Chúa mà có.

Nói cách khác, là người công chính, Thánh Giuse không dám đưa về làm vợ mình một người đã được Thiên Chúa dành riêng cho Ngài, vì như thế là thánh nhân tự chiếm lấy một vai trò không do Thiên Chúa trao phó.

Lý do thứ hai: vì Thánh Giuse không muốn tiết lộ điều đã xảy ra với Đức Maria, tức là thánh nhân kính trọng mầu nhiệm thần linh nơi Đức Maria.

Nhiều người cho rằng Thánh Giuse không muốn tố giác Đức Maria. Thực ra, nghĩ như thế không chính xác. Tác giả Mt sử dụng động từ deigmatisai (nghĩa là tiết lộ, vén mở). Nếu muốn nói là “trừng phạt để làm gương” hay “làm cho mất danh giá”, có lẽ ông đã dùng động từ paradeigmatisai. Đàng khác, trong tiếng Việt, động từ “tố giác” có nghĩa là “báo cho nhà cầm quyền biết người hoặc hành động phạm pháp nào đó”, và như thế, tiền giả định là người tố giác cho rằng rằng người bị tố giác (hay hành động bị tố giác) là phạm pháp. Khi dùng động từ “tố giác” này, người ta đã đồng ý với tiền giả định theo đó, Thánh Giuse đã cho rằng Đức Maria phạm tội ngoại tình. Nhưng bản văn lại chẳng cho phép chúng ta hiểu như thế.

Do đó, hiểu rằng Thánh Giuse không muốn tố giác Đức Maria là không chính xác, nếu không muốn nói đó là một sự hiểu sai rất tai hại. Thực chất, lý do thứ hai khiến Thánh Giuse định tâm lìa bỏ Đức Maria một cách kín đáo là vì ngài không muốn tiết lộ mầu nhiệm đang bao trùm Đức Maria. Đó là mầu nhiệm của Thiên Chúa, một người công chính không thể tự tiện nói ra cho mọi người biết được.

Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì quả thực người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,20-21).

“Sứ thần Chúa” là một kiểu nói diễn tả sự can thiệp của chính Thiên Chúa, chứ không có nghĩa là một trong các thiên thần.

Vậy đã xảy đến cho Thánh Giuse một sự can thiệp huyền nhiệm của Thiên Chúa, khẳng định với ngài là em bé sắp được sinh ra thật có nguồn gốc thần linh, nhưng ngài có nhiệm vụ phải đón Đức Maria và em bé sắp sinh ấy về và phải đặt tên cho em bé.

Thánh Giuse được Thiên Chúa can thiệp cho biết rằng ông phải duy trì mối tương quan với Đức Maria và nhìn nhận về pháp lý rằng con trẻ do Đức Maria sinh ra chính là con của ông. Nói cách khác, Thánh Giuse được mời gọi đảm nhận vai trò làm cha của hài nhi sắp sinh về phương diện luật pháp. Nhờ đó, Đức Giêsu được tháp nhập một cách hợp pháp vào dòng dõi của ông Giuse “con cháu Đavít”.

Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1,24).

Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết