Các nhà lãnh đạo Công giáo Hàn Quốc sẽ là thành viên của phái đoàn gồm 40 thành viên sẽ gặp gỡ các Giám mục và đại diện chính phủ Hoa Kỳ vào đầu tháng 10 nhằm tìm cách xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Triều Tiên.
Hội nghị hòa bình từ ngày 5-6 tháng 10 tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ là hội nghị thứ sáu trong chuỗi hội nghị thường niên và là hội nghị đầu tiên trên đất Hoa Kỳ kể từ năm 2017.
Các nhà hoạch định hội nghị phát biểu với CNS rằng hy vọng của họ là vượt qua một số sự ngờ vực sâu sắc của miền Bắc với hy vọng thiết lập các đường dây liên lạc mới, mở ra các con đường cung cấp viện trợ nhân đạo rộng rãi hơn, thúc đẩy các cơ hội thường xuyên để đoàn tụ các gia đình, và cuối cùng là đảo ngược tình trạng vi phạm nhân quyền lan tràn.
“Ý tưởng là mở rộng các lựa chọn vì hòa bình”, Maryann Cusimano Love, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ, cho biết.
“Có rất ít chính sách được xem xét nghiêm túc ở Hoa Kỳ, chủ yếu là các lựa chọn quân sự và các biện pháp trừng phạt, và chúng đã không hoạt động. Ý tưởng rằng bạn tiếp tục làm điều tương tự và mong đợi kết quả khác nhau là điều mà phái đoàn này dự định sẽ đặt vấn đề”, bà Cusimano Love nói.
Các vấn đề mà hội nghị sẽ khám phá đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Trong đó rõ ràng nhất là sự chia cắt của các gia đình. Mặc dù đã có những khoảng thời gian ngắn khi các gia đình có thể vượt qua biên giới được quân sự hóa cao nhất trên thế giới, không có chính sách nhất quán nào cho phép các khoảng thời gian đoàn tụ gia đình kéo dài hơn.
Chính phủ mới của Hàn Quốc đã mở ra cánh cửa cho khả năng nối lại các cuộc đoàn tụ của các gia đình ly tán từ lâu vào ngày 8 tháng 9 bằng cách đề xuất một cuộc gặp với Triều Tiên. Những cuộc đoàn tụ như vậy được coi là một vấn đề nhân đạo, bởi vì nhiều người trong số những người đã bị chia cắt đã già đi và rất muốn đoàn tụ với người thân trước khi họ nhắm mắt xuôi tay.
Về mặt thực tế, cuộc chiến kéo dài ba năm dẫn đến sự chia cắt của Triều Tiên thành hai miền Nam Bắc chưa bao giờ kết thúc. Giao tranh quân sự chấm dứt với việc ký kết hiệp định đình chiến ngày 27 tháng 7 năm 1953, nhưng không có hiệp định hòa bình chính thức nào tồn tại giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Bên dưới các vấn đề mà hội nghị sẽ đề cập là chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Với lập trường của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rằng ông không có ý định đảo ngược việc phát triển các loại vũ khí như vậy, căng thẳng đang tiếp tục gia tăng trong khu vực.
“Triều Tiên coi vũ khí hạt nhân là tấm vé đảm bảo vấn đề an ninh cho họ”, Andrew Yeo, Giáo sư chính trị và Giám đốc nghiên cứu châu Á tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ, cho biết. “Hầu hết các nhà hoạch định chính sách sẽ không quan tâm đến Triều Tiên nếu họ không có vũ khí hạt nhân”.
Ông Yeo cho biết khế ước có ý nghĩa cuối cùng giữa hai quốc gia xảy ra vào năm 2019. Đại dịch COVID-19 bắt đầu vào năm 2020 dẫn đến việc tự áp đặt phong tỏa của Triều Tiên vốn đã hạn chế những nỗ lực thu hẹp sự chia rẽ đang tồn tại.
Ông Yeo đã tán thành và khne ngợi các nhà lãnh đạo Công giáo Hàn Quốc vì “luôn tìm kiếm những đường hướng gắn kết” và đồng thời cũng cho biết rõ rằng “việc cô lập Triều Tiên sẽ không đưa chúng ta đi đến đâu và điều đó rất có thể sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn”.
Hội nghị hòa bình nảy sinh tại Học Viện Công giáo Hòa bình Đông Bắc Á, do Đức Giám mục Peter Lee Ki-heon Địa phận Uijeongbu, Hàn Quốc, Chủ tịch Ủy ban Hòa giải Nhân dân Triều Tiên, thành lập.
Bà Love cho biết Học viện, được gọi là CINAP, đang nỗ lực “xây dựng thêm nhiều thành phần dấn thân cho hòa bình”.
Hội nghị năm nay sẽ bao gồm một số phiên họp xem xét các cách thức để thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Một phiên họp sẽ bao gồm việc đánh giá về chuyến viếng thăm vào năm 2015 của các Giám mục Hàn Quốc tới Triều Tiên và những nỗ lực tiếp theo nhằm thu hút sự tham gia của Triều Tiên.
Ngoài chương trình chính thức, việc chia sẻ thông điệp quan trọng nhất sẽ diễn ra khi các thành viên của phái đoàn Triều Tiên gặp gỡ các quan chức Hoa Kỳ tại Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh Quốc gia và trên Đồi Capitol.
Đức Tổng Giám mục Timothy P. Broglio của Tổng Giáo phận Quân đội Hoa Kỳ, cựu Chủ tịch Ủy ban Công lý Quốc tế và Hòa bình của các Giám mục Hoa Kỳ, sẽ tháp tùng các Giám mục Hàn Quốc trong các cuộc họp. Cùng tham gia với họ sẽ có Đức Giám mục David J. Malloy Địa phận Rockford, Illinois, Chủ tịch hiện tại, và Đức Giám mục Frank J. Dewane Địa phận Venice, Florida, thành viên ủy ban.
Các cuộc gặp trực tiếp sẽ cho phép các nhà lãnh đạo Giáo hội gây ấn tượng với các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ về quan điểm của họ về các lựa chọn thay thế ngoài các lựa chọn ưu tiên quân sự và các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên.
“Tôi hy vọng thông điệp được đưa ra rằng một số sáng kiến vì hòa bình là điều khả thi”, Đức Tổng Giám mục Broglio phát biểu với CNS.
Đức Tổng Giám mục Broglio, người sẽ tham gia một trong các cuộc thảo luận, cho biết đối thoại là điều quan trọng cần phải theo đuổi cùng với Triều Tiên và ngài hy vọng chính phủ Hoa Kỳ sẽ lắng nghe thông điệp đó từ các đại diện của Hàn Quốc.
“Rõ ràng rằng những ý tưởng mới là cần thiết. Nếu bằng cách này hay cách khác, chúng tôi (các Giám mục Hoa Kỳ) có thể là phương tiện mở ra những khả năng khác, thì tôi thiết nghĩ đó là một điều rất tích cực”, Đức Tổng Giám mục Broglio, người đã đến thăm Hàn Quốc nhiều lần cho biết.
Tuy nhiên, vị Giám chức bày tỏ rằng sự thận trọng là cần thiết khi đối phó với Kim Jong-un, đồng thời cũng cho biết rằng “mặc dù chúng tôi muốn thấy hòa bình xảy ra”, điều quan trọng là cả Bắc và Nam phải thống nhất về các bước cần phải thực hiện.
“Tôi không có nhiều thông tin về sự sẵn sàng của miền Bắc để làm điều đó”, Đức Tổng Giám mục Broglio nói.
Linh mục Dòng Tên Dennis McNamara, Giáo sư xã hội học và nghiên cứu Hàn Quốc tại Đại học Georgetown, cho biết các giải pháp cho các vấn đề mà Hàn Quốc và Triều Tiên đang đối đầu sẽ khó đạt được, nhưng không phải là không thể.
Cha McNamara sẽ tham gia hội nghị để đưa ra các đề xuất về cách thức khắc phục sự chia rẽ giữa hai quốc gia. Cha McNamara cũng gợi ý rằng đó có thể là “chính sách ngoại giao công dân” của các nhà lãnh đạo trong Giáo hội Công giáo, các trường đại học và các tổ chức phi chính phủ vốn hướng dẫn con đường hướng tới các mối quan hệ xuyên biên giới được cải thiện.
“Xây dựng hòa bình là điều chúng ta đang tìm kiếm”, Cha McNamara nói. “Hội nghị có thể trở thành một điều gì đó kiểu mẫu cho việc xây dựng hòa bình. Cụ thể, ý nghĩa thực sự là thúc giục Hoa Kỳ tham gia vào vấn đề Triều Tiên mà không cần quân đội điều hành quá trình này”.
“Đối với Bộ Ngoại giao, đây là một mối lợi”, Cha McNamara cho biết thêm. “Họ đang có được một cuộc đối thoại mà trong đó họ không cần phải điều hành cuộc đối thoại. Tôi thiết nghĩ điều đó rất quan trọng”.
Minh Tuệ (theo Crux)