Phải chăng chúng ta đang đi đến điểm kết thúc của chế độ quân chủ giáo hoàng ?

39038cf_5270088-01-06

Jean-Miguel Garrigues là một nhà thần học Dòng Đaminh gốc Pháp – Tây Ban Nha, 75 tuổi. Là tác giả của nhiều cuốn sách về thần học và tâm linh, ông phân tích những khó khăn mà Đức Giáo hoàng Phanxicô gặp phải như là một triệu chứng của “cuộc khủng hoảng hệ thống” trong nền quản trị Giáo hội Công giáo.

Bạn chứng kiến cơn bão xung quanh cuộc điều tra về việc mua một tòa nhà ở London vào năm 2012 như thế nào?

Chúng ta đang chứng kiến ​​một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống của Giáo hội Công giáo, không phải trong hiến chương thiêng liêng của nó, theo cách hiểu của người Công giáo, nhưng trong một phương thức lịch sử mà ở đó mọi người đều nhận ra rằng nó không thể hoạt động được nữa. Tiền là thước đo của thực tế này.

Trong trường hợp này, Đức Giáo hoàng Phanxicô bị vướng vào một tình huống khó xử kép. Đầu tiên, ngài muốn cải thiện tình hình tài chính của Vatican và để làm như vậy, ngài cần các tổ chức tài chính quốc tế, như Moneyval [ủy ban của Hội đồng Châu Âu chịu trách nhiệm đánh giá nỗ lực của các thành viên trong cuộc chiến chống lại nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố] hoặc nhóm Egmont [các giám đốc các đơn vị tình báo tài chính trên toàn thế giới]. Nhưng, đồng thời, ngài miễn cưỡng trong tương quan với chủ nghĩa tư bản tài chính, ngài sợ bị nuốt chửng bởi một hệ thống tài chính quốc tế mà dường như ngài không mấy tin tưởng. Do đó, ngài cảnh giác với các tổ chức này và muốn bảo vệ Vatican khỏi sự kìm kẹp của chúng.

Sau đó, từ quan điểm thể chế, ngài muốn công lý của Vatican có thể thực sự hành động độc lập, bao gồm cả thông qua các cuọc điều tra. Nhưng ngài bị cuốn vào một cấu trúc quyền lực hoàn toàn cổ xưa của Vatican, nơi không có sự phân chia quyền lực. Do đó, sự việc phải kết thúc trong những tình huống khó tin, khi chính ngài hướng dẫn công tố của mình hành động và ký lệnh thực hiện các cuộc điều tra chống lại motu proprio của chính ngài bằng cách tạo ra một tổ chức độc lập, AIF [Cơ quan thông tin tài chính], để kiểm soát tài chính của chính mình!

Có thể tiến lên phía trước với những cải cách mà không thay đổi chính cấu trúc quyền lực ở Vatican không?

Tôi tự hỏi: liệu rằng, qua những khó khăn hiện tại, Giáo hội Công giáo có đi đến chỗ kết thúc chế độ quân chủ giáo hoàng, vốn sau cùng đã là cách điều hành được chọn như là một trong những cách thức có thể – nhưng không phải là cách thức duy nhất (như lịch sử của thiên niên kỷ thứ nhất cho thấy) – để bảo đảm ưu vị của Phêrô [tức là của giáo hoàng so với các giám mục khác]. Hệ thống hiện tại đã được tôi luyện vào thế kỷ thứ 11, nhân danh Libertas ecclesiae, bởi các Đức Giáo hoàng phải đối phó với cuộc xâm lăng vào các lãnh vực tôn giáo của các hoàng đế Đức. Đúng là, kể từ Đức Gioan XXIII, chế độ quân chủ giáo hoàng đã dần dần bị tước bỏ vẻ ngoài hào nhoáng, kiểu triều đình, nhưng nó vẫn giữ được nhiều đặc điểm riêng biệt trong chức năng của nó.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đang cố gắng thúc đẩy một công nghị tính sâu sắc hơn, nhưng để đạt được điều này, ngài phải đối mặt với giáo triều La Mã. Do đó mà đôi khi phải có cách hành xử độc đoán. Sự thích nghi chế độ quân chủ giáo hoàng với thế giới đương đại dường như là điều không thể. Ngài phải đứng trước một hình vuông của hình tròn. Có lẽ những nghịch lý mà ngài đang phải đối mặt buộc chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng chế độ quân chủ giáo hoàng sắp kết thúc. Chúng ta đừng quên rằng mới gần đây thôi, trong những thập kỷ Nước Toà Thánh bị thôn tính, vào năm 1870, và Thoả ước Lateran, vào năm 1929, chức vụ Giáo hoàng không còn có quyền lực thế tạm. Và, như chúng ta biết, Giáo hội đã không chết.

Chưa hết, những câu hỏi xung quanh ngân hàng Vatican đến từ đâu?

Ban đầu, có một khoản tiền rất lớn được Mussolini dâng trả vào năm 1929, nhân Thoả ước Lateran, để bù đắp cho các cuộc chiếm đoạt năm 1870. Để quản lý nó, một ngân hàng đã được thành lập, trong đó, ban đầu việc quản lý diễn ra thật yên ả. Biến động bắt đầu xảy ra vào những năm 1960 khi cần phải tài trợ cho Công đồng Vatican II, và điều này đã gây ra một lỗ hổng lớn. Đồng thời, thêm vào đó, nước Cộng hòa Ý bắt đầu đánh thuế các tài sản của Giáo hội tại Ý. Sau đó, dưới thời Đức Gioan Phaolô II, La Mã phải tài trợ cho [liên minh Ba Lan] Solidarnosc.

Do đó, Ngân hàng Vatican buộc phải mạnh mẽ tìm kiếm các lợi nhuận quốc tế. Đây là cửa ngõ để sự mờ ám và nạn tham nhũng xâm nhập.

Ngày nay, nền tài chính của Vatican chắc chắn một lần nữa gặp khó khăn lớn với sự sụp đổ của các khoản đóng góp, đặc biệt là từ Hoa Kỳ và Đức vì các lý do phản đối, bảo thủ hoặc tự do. Một lần nữa, một vấn đề nan giải khó giải quyết đang được đặt ra cho Đức Giáo hoàng.

Cecile Chambrud
Joseph Vũ Văn Được DCCT chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết