“Người Việt không có thói quen đọc sách”. “Người Việt không có văn hóa đọc”… Những lời nói đó từng khiến nhiều người nhức nhối và gây ra nhiều cuộc tranh luận.
Thực ra, những phát ngôn như vậy không phải không có cơ sở. Giữa năm 2015, Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và truyền thông công bố số liệu: “Bình quân mỗi người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách và đọc 7,07 tờ báo trong một năm.”
Riêng đối với vùng nông thôn, ông Nguyễn Quang Thạch – người khởi xướng chương trình Sách hóa Nông thôn, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Vietnamnet, cho biết: “Năm 2011 tôi khảo sát 530 phiếu phỏng vấn, trong đó 253 phiếu dành cho nông dân thì câu trả lời về số lượng sách đọc là 0. Với trẻ em, số liệu chênh lệch đọc với thị trấn đến mức tệ hại. Ở các trường vùng thuần nông, các em đọc 0,2-0,8 cuốn/năm (ngoài SGK), ở thị trấn, con số này là 5 cuốn/năm“.
Nhìn vào số liệu thống kê như trên, những ai quan tâm tới tiền đồ của đất nước, của Giáo hội Công giáo, không khỏi giật mình. Và người ta dễ dàng kết luận một cách nhanh chóng rằng người dân Việt nói chung và người Công giáo nói riêng, nhất là vùng nông thôn, thường không có thói quen đọc sách.
Trong thực tế, sau khi Câu lạc bộ Nguyễn Văn Thuận thực hiện chương trình “Tủ Sách Hy vọng” tại các giáo xứ, kể từ đầu năm 2017 đến nay, với số lượng và chủng loại sách phong phú, thì đã tới lúc cần phải thay đổi cách nhìn nhận vấn đề đọc sách tại các giáo xứ.
Tại các giáo xứ nơi câu lạc bộ đã thành lập Tủ sách Hy vọng, lượng độc giả không chỉ là các em thiếu nhi, mà ngay cả giới trẻ và các cụ già, liên tục gia tăng. Sự gia tăng liên tục số độc giả cho thấy rằng không phải là người giáo dân không thích đọc sách mà là xưa nay các xứ đạo chưa cổ võ phong trào đọc sách.
Một sự thật khác khá quan trọng khiến cho phong trào đọc sách không phát triển, là người dân không có sách để đọc. Hiện nay, hầu như không có xã hay phường nào có thư viện, hoặc nếu có thì số lượng sách không nhiều và không có những đầu sách chất lượng hoặc phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người đọc.
Một nơi có thể dễ dàng tạo lập tủ sách và quản lý tủ sách là các xứ đạo. Hầu hết tại các xứ đạo hiện nay, nhà giáo lý xây dựng rất lớn và kiên cố, nhưng giáo xứ lại không dành không gian cho việc đọc sách của các giáo dân trong xứ đạo. Tại một số giáo xứ, sách đọc chỉ là sách tu đức hoặc chuyện các thánh.
Điều đáng nói là người ta có thể bỏ ra hàng chục triệu, có khi hàng trăm triệu, cho việc tổ chức những bữa tiệc tất niên hay mừng bổn mạng, nhưng lại không mặn mà với việc bỏ ra ngần ấy tiền để xây dựng một phòng đọc đúng nghĩa cho trẻ em, thanh niên và người già trong xứ đạo.
Đây là một thực tế thật đáng buồn. Giáo hội luôn mong giáo dục các trẻ em và thanh thiếu niên về đức tin và phong hóa. Tuy nhiên, có vẻ như đại đa số mới chỉ chú tâm tới việc dạy giáo lý cho thiếu nhi theo phương pháp sư phạm cổ xưa, ít có xứ đạo quan tâm tới lãnh vực giúp các trẻ em đào sâu về văn hóa, các kiến thức lịch sử, xã hội, nhất là cung cấp cho các em những món ăn tinh thần ngang qua các phòng đọc sách.
Khi nhân sự phục vụ cho việc dạy giáo lý, đào tạo các kỹ năng sống còn hạn chế, khi nền giáo dục trong xã hội không chỉ lạc hậu mà còn lạc hướng, thì việc tạo lập các Tủ sách Hy vọng – các phòng đọc sách chất lượng, sẽ góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức của người dân, nhất là tạo lập nên một thế hệ các giáo dân trẻ có tri thức và hiểu biết sẽ giúp ích cho xã hội và Giáo hội trong tương lai.
Vấn đề là làm thế nào để có một tủ sách chất lượng?
Kinh nghiệm của Câu lạc bộ Fx. Nguyễn Văn Thuận thời gian qua cho thấy, cần phải có sự động viên toàn thể giáo dân trong giáo xứ tham gia tích cực vào chương trình; lý tưởng nhất là thành lập câu lạc bộ đọc sách tại giáo xứ để các thành viên tham gia đọc sách, quản lý sách và nhất là tiếp tục vận động tài trợ để tủ sách ngày càng phong phú.
Nếu mỗi giáo xứ một năm bổ sung vài trăm cuốn sách, thì chỉ trong thời gian mười năm, mỗi giáo xứ sẽ có một thư viện nhỏ cho toàn thể giáo dân tới đọc sách, góp phần đáng kể vào việc giáo dục nhân bản, giáo dục đức tin và phong hóa cho những thế hệ trẻ của các xứ đạo.
Vào đầu thế kỷ trước, Phan Chu Trinh đã vạch ra đường lối canh tân đất nước bằng “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Vào thời điểm hiện nay, việc khai dân trí vẫn là một trong những sứ mạng cần thiết, và chắc chắn đọc sách sẽ là một trong những phương thế hiệu quả để khai dân trí nhằm canh tân đời sống đức tin và xã hội.
Nhưng nếu không bắt đầu, thì mãi mãi chúng ta cũng sẽ chẳng có gì.
Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R.