Dòng người di cư và trẻ vị thành niên không có thân nhân đi cùng tại biên giới Hoa Kỳ-Mexico đang làm gia tăng căng thẳng năng lực của chính phủ HoaKỳ trong việc xử lý và tiếp nhận những người xin tị nạn cũng như thử thách chính sách nhập cư của chính quyền Biden. Trong phần Câu chuyện phía sau của tờ America, biên tập viên cấp cao JD Long-García đã có cuộc trò chuyện với Dylan Corbett, Giám đốc điều hành của Học viện Biên giới Hy vọng – một tổ chức cơ sở được hướng dẫn bởi các nguyên lý của Giáo huấn Xã hội Công giáo – để tìm hiểu về thực tế của tình hình tại biên giới phía nam, việc chính trị hóa vấn đề nhập cư và vai trò của Giáo hội Công giáo trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.
Bản ghi sau đã được chỉnh sửa về văn phong và độ dài.
Phải chăng có một cuộc khủng hoảng tại biên giới Hoa Kỳ-Mexico?
Thông thường, khi mọi người nói về một cuộc khủng hoảng ở biên giới, họ nghĩ về những con số không thể kiểm soát được. Nếu bạn chỉ nhìn vào lượng người đến biên giới Hoa Kỳ-Mexico trong quý đầu tiên của năm 2021, thì không có một cuộc khủng hoảng nào xảy ra. Số lượng người kéo đến khu vực biên giới ngày càng gia tăng, và chúng ta chắc chắn đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số lượng trẻ em. Nhưng đây không phải là những con số chưa từng có. Đây chắc chắn không phải là những con số không thể quản lý được. Có những đợt cao điểm và những đợt giảm sâu về lượng người đến khu vực biên giới.
Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về lượng người đến biên giới vào năm 2014, sau đó một lần nữa vào năm 2016, một lần nữa vào năm 2019. Và giờ đây là vào năm 2021, chúng tôi đang chứng kiến một sự gia tăng. Và những năm khác nhau đó thuộc các chính quyền khác nhau, cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Vì vậy, khó có thể nói về một cuộc khủng hoảng xét về mặt con số.
Nếu bạn đang tìm kiếm nơi ẩn náu và tị nạn — sự bảo vệ khỏi sự ngược đãi hoặc bạo lực cực đoan ở quê nhà — và bạn đến biên giới Hoa Kỳ-Mexico ngay bây giờ, thì có nhiều khả năng bạn sẽ bị trục xuất; bạn sẽ không được cung cấp thậm chí ngay cả cơ hội để thực hiện yêu cầu tị nạn. Đó là một cuộc khủng hoảng đối với cá nhân đó. Đó là một khủng hoảng đối với gia đình đó. Đó là một vấn đề về quan điểm. Chúng ta thích nghi với quan điểm của người nào khi đặt những câu hỏi như vậy?
Bạn đang sinh sống tại El Paso, Texas, vì vậy bạn có kinh nghiệm trực tiếp về những sự việc đang diễn ra. Bạn đã chứng kiến những gì? Bạn có thể chia sẻ với chúng tôi điều gì về những người sẽ đến và những câu chuyện họ đang chia sẻ với bạn?
Người dân vượt biên mỗi ngày. Học sinh vượt biên mỗi ngày. Các gia đình vượt biên mỗi ngày. Công nhân vượt biên mỗi ngày. Đó là một quần thể rất năng động và linh hoạt. Những gì chúng tôi đang chứng kiến đó là sự gia tăng các gia đình xin tị nạn đến từ Trung Mỹ. Đó là một hằng số thực, đặc biệt là trong thập kỷ qua.
Tuy nhiên, ngay lúc này, có một số đặc thù đối với việc nhập cư ở biên giới. Chắc chắn, đây cũng là hành lang cho việc di cư của thanh thiếu niên và trẻ vị thành niên không có người thân đi cùng. Chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng đó, và nó quả thực hết sức phức tạp. Chúng tôi cũng đã thấy nhiều người được đưa vào diện chính sách “Remain in Mexico” (Ở lại Mexico). Tổng cộng đã có khoảng 65.000 người đã quay trở lại Mexico theo chính sách đó. Những người đó đang được tạo cơ hội để đưa ra yêu cầu xin tị nạn của họ từ sự an toàn của Hoa Kỳ, đây là quy trình bình thường đối với một người xin tị nạn. Cũng có một sự gia tăng thực sự trong số những người trưởng thành độc thân vượt biên, và chúng tôi đã không thấy điều đó trong một khoảng thời gian.
Giờ đây, tại phần biên giới này, hầu như tất cả những ai đến đây — ngoại trừ những người được đưa vào diện ‘Ở lại Mexico’ — đều bị đưa trở về Mexico. Những người đang cố gắng vượt biên, ngay cả khi họ là những người xin tị nạn, đang bị cưỡng chế trả về quốc gia xuấ xứ theo một chỉ thị liên quan đến đại dịch có tên là Mục 42, mà không cần nghe tuyên bố của họ, mà không đảm bảo thủ tục pháp lý.
Tôi hiểu sự phức tạp mà bạn đang mô tả, xét về các yếu tố khác nhau đang thúc đẩy người di cư đưa ra những lựa chọn đôi khi rất tuyệt vọng. Tôi nghĩ đối với người bình thường, có một sự liên quan, có thể không phải là quan hệ nhân quả, với chính quyền của Tổng thống Biden. Tôi đã nhìn thấy những bức ảnh chụp những người ở biên giới mặc những chiếc áo có hình Tổng thống Biden. Bạn có nghe thấy điều đó từ những người di cư không? Họ có hy vọng nhiều hơn về cơ hội của họ với chính quyền mới không?
Đúng. Trước hết, ứng cử viên Biden đã vận hành trên một nền tảng mà ông thực sự cam kết khôi phục quyền tị nạn ở biên giới. Chính quyền của Tổng thống Trump đã thực hiện mọi nỗ lực, hợp pháp và bất hợp pháp trong nhiều trường hợp, để hạn chế tị nạn ở biên giới, hạn chế nhập cư trên diện rộng vào Hoa Kỳ.
Đã có một số việc mà Chính quyền Biden đã thực hiện, từ việc thay đổi câu chuyện, thay đổi giọng điệu về cách chúng ta nói về vấn đề vnhập cư và sau đó thực hiện một số bước chính sách thực tế. Vì vậy, người ta kỳ vọng rằng Tổng thống Biden sẽ có những chính sách nhân đạo hơn ở biên giới. Tuy nhiên, trong thực tế, điều đó đã không xảy ra.
Thật thú vị khi lắng nghe điều đó, sự khác biệt giữa nhận thức và hành động có thể cho đến nay. Tôi muốn hỏi bạn về những trẻ vị thành niên không có thân nhân đi cùng và tình hình mà chúng đang gặp phải lúc này. Các phương tiện truyền thông đã không được phép vào rất nhiều các trung tâm giam giữ này. Chắc chắn, với tư cách là một người trong giới truyền thông, tôi muốn tôn trọng phẩm giá của những đứa trẻ đó. Nhưng đồng thời, đó cũng là thước đo trách nhiệm giải trình. Tất cả các bạn đã có thể vào các trung tâm đó chưa? Và nếu đã vào, bạn đã nhìn thấy điều gì?
Vì đại dịch, và vì chính quyền Trump để cơ sở hạ tầng bị bỏ rơi ở biên giới – họ đã trục xuất rất nhiều người theo Mục 42 và sau đó bắt đầu trả lại trẻ vị thành niên – thiếu nhân sự thích hợp và thiếu cơ sở hạ tầng đầy đủ. Vì vậy, chính quyền Biden đang cố gắng khôi phục điều đó. Thông thường, trẻ em được cho là chỉ bị giam cầm bởi lực lượng thực thi biên giới 72 tiếng và sau đó được chuyển đi. Hiện tại, toàn bộ hệ thống đó đã được hỗ trợ bởi việc thiếu cơ sở hạ tầng và bởi đại dịch. Có những công việc tồn đọng. Trẻ em bị các cơ quan thực thi biên giới giam giữ trong khoảng thời gian lâu hơn. Không phải 72 tiếng mà là hết ngày này sang ngày nọ.
Đó là một dấu hiệu cảnh báo bởi vì các cơ quan thực thi biên giới không có thành tích tốt khi che chở người dân trong một khoảng thời gian đáng kể. Các cơ sở quả là hết sức khủng khiếp. Đội ngũ nhân viên chỉ đơn giản là không được đào tạo. Không có đội ngũ nhân viên đủ trình độ để đảm bảo việc bảo vệ trẻ em, y tế, sự an toàn, v.v. Dưới thời chính quyền Trump, chúng ta đã chứng kiến nhiều trẻ em thiệt mạng hơn số trẻ em đã chết trong thập kỷ qua hoặc hơn. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều người lớn thiệt mạng hơn. Chính quyền Biden đang thực hiện các bước hữu hiệu để mở thêm các cơ sở ở Texas, California và các khu vực khác trong nước, vì vậy chúng tôi có thể giải quyết những bế tắc. Nhưng họ hơi thẳng thắn. Sự gia tăng trẻ em đã diễn ra trong nhiều tháng; họ có thể đã dự đoán điều này.
Họ đang thực hiện các bước đúng đắn ngay lúc này và đó là điều quan trọng. Nhưng các cơ sở này vẫn còn nhiều vấn đề. Tất cả các cơ quan thực thi biên giới thực sự được đào tạo và tài trợ chỉ đơn giản là để giam giữ và trục xuất, giam giữ và trục xuất, giam giữ và trục xuất. Khi bạn trình bày thách thức của các gia đình và trẻ em đang xin tị nạn, có một sự xung khắc.
Tôi muốn nêu ra một câu hỏi hoặc một khả năng: tiền bạc. Tôi biết rằng thật không may nạn buôn người và buôn lậu người rất sinh lợi. Việc buôn lậu người và buôn người có vai trò gì, đặc biệt là ngày nay với những trẻ vị thành niên không có thân nhân đi cùng đang di chuyển đến phía bắc?
Tiền bạc có ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến toàn bộ thực tế di cư của con người. Phía nam biên giới, chúng ta đang nói về nạn buôn người, và buôn lậu. Phía bắc biên giới, cũng có thực tế là tiền bạc ảnh hưởng đến cách chúng ta đối phó với những người nhập cư. Chúng tôi đã chứng kiến những vụ vi phạm nhân quyền trong việc chăm sóc trẻ vị thành niên không có thân nhân đi cùng ở biên giới. Và đôi khi, những người đó đến từ các tổ chức hoạt động dựa trên lợi nhuận.
Khi có động cơ lợi nhuận, bạn mở đầu một động lực thực sự khủng khiếp. Đã có những tổ chức cắt giảm dịch vụ, cắt giảm tiêu chuẩn và chất lượng chăm sóc. Các tổ chức này đã có những mô hình và cách làm của các tổ chức này là giam giữ trẻ em lâu hơn khoảng thời gian chúng cần phải bị giam giữ, và chúng tôi biết rằng có những hậu quả tâm lý xã hội khi trẻ bị giam giữ trong các cơ sở giống như những nhà tù.
Có một động cơ lợi nhuận mạnh mẽ trong việc giam giữ người nhập cư. Nhiều trung tâm giam giữ được quản lý và điều hành bởi các tập đoàn vì lợi nhuận, vốn sẽ có được nhiều lợi ích trong việc giam giữ càng nhiều người di cư càng tốt. Vì vậy, có những tác động xấu, chúng tôi sẽ nói trong truyền thống luân lý Công giáo, khi bạn đưa động cơ lợi nhuận vào việc giam giữ người dân ở phía bắc biên giới.
Ở phía Nam biên giới, tiền bạc cũng có thể gây những hậu quả xấu, xét về mặt buôn lậu. Nhưng bất cứ khi nào chúng ta cố gắng hạn chế việc di cư ở biên giới, bằng cách hình sự hóa hành vi di cư hoặc đóng cửa biên giới của chúng ta, người ta đều tìm ra cách thức giải quyết vấn đề đó. Đối với những người dẫn đường hoặc những kẻ buôn lậu, có một động cơ lợi nhuận để cố gắng tìm ra cách thức giải quyết xung quanh hệ thống đó. Cách duy nhất để chúng ta giải quyết nạn buôn lậu người đó là đảm bảo rằng có những con đường hợp pháp để mọi người vào Hoa Kỳ.
Chúng ta càng cố gắng siết chặt biên giới, những kẻ buôn lậu lại càng hoạt động tích cực hơn. ‘Remain in Mexico’ là một ví dụ hoàn hảo. Vấn nạn bắt cóc, tống tiền, giết người di cư ở biên giới xảy ra ngày càng nhiều. Vì vậy, bất cứ khi nào chúng ta cố gắng siết chặt biên giới mà lại không cho phép mọi người đi vào con đường hợp pháp, chúng ta khuyến khích những động lực sai trái như buôn lậu.
Về câu chuyện gần đây nhất mà tôi viết về vấn đề nhập cư, bạn đã nói về tình hình hiện tại như một cơ hội cho Giáo hội. Bạn có thể chia sẻ thêm về tầm nhìn đó sẽ là gì để Giáo hội tham gia nhiều hơn trong việc ứng phó với tình huống này?
Những người ở tuyến đầu của cuộc di cư của người dân — với những người đang di cư tại khu vực biên giới — từ lâu là những người có đức tin, các cộng đồng đức tin và Giáo hội Công giáo. Giáo hội Công giáo nắm giữ một vai trò quan trọng trong việc cung cấp sự hiếu khách cho mọi người thông qua mạng lưới các cơ sở tạm trú dành cho những người di cư trong khu vực, ở Trung Mỹ và Mexico, và ở đây là tại khu vực biên giới. Giáo hội Công giáo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận người tị nạn và tái định cư những người tị nạn trên khắp thế giới và ở châu Mỹ.
Giáo hội có nhiều kinh nghiệm thực tế trong việc chào đón những người xa lạ — trong việc chào đón Đức Kitô, Đấng đến với chúng ta trong đoàn người di cư. Và Giáo hội có rất nhiều tài nguyên xã hội (social capital). Có một cơ hội đáng kể để Giáo hội trình bày một câu chuyện khác, để làm nổi bật thực tế rằng những người đang di chuyển không phải là một mối đe dọa hay điều gì đó để sợ hãi mà là một thách thức đối với tinh thần liên đới của con người. Chúng nhắc nhở chúng ta về tính liên kết của chúng ta.
Tôi nghĩ rằng đó là những gì chúng ta đã chứng kiến trong đại dịch: tất cả chúng ta đều có liên quan đến nhau. Nếu chúng ta không tập trung vào những người ít có đặc quyền nhất, vào những người dễ bị tổn thương nhất, chúng ta sẽ không thể cùng nhau vượt qua những cuộc khủng hoảng như đại dịch. Chúng ta sẽ không thể giải quyết những vấn đề chẳng hạn như vấn đề di cư ở châu Mỹ trừ khi chúng ta cùng nhau giải quyết nó. Giáo hội đóng một vai trò quan trọng trong việc thay đổi câu chuyện.
Kế đến, vì Giáo hội có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nên có cơ hội hợp tác với chính quyền Biden để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ. Giáo hội cũng hết sức quen thuộc với các yếu tố thúc đẩy ở Trung Mỹ và Mexico. Chúng ta có thể cộng tác với chính quyền Biden để ưu tiên những người dễ bị tổn thương nhất.
Đây là một cơ hội quan trọng để Giáo hội rao giảng Tin Mừng cũng như đóng góp tích cực vào việc tiếp nhận những người đang phải sống cảnh nay đây mai đó tại khu vực biên giới.
Minh Tuệ (theo America)