Papua New Guinea: Đức tin mạnh mẽ được làm cho trở nên thêm phong phú bởi công việc của các Tu sĩ Dòng Thừa sai Thánh Tâm

Một Linh mục truyền giáo rửa tội cho một em bé ở Papua New Guinea (Ảnh: O. Krzysztof Zacharuk - Archiwum prywatne)

Một Linh mục truyền giáo rửa tội cho một em bé ở Papua New Guinea (Ảnh: O. Krzysztof Zacharuk – Archiwum prywatne)

Trước khi Đức Giáo hoàng Phanxicô đến Papua New Guinea, Đức Tổng Giám mục Rochus Joseph Tatamai MSC, của Tổng Giáo phận Rabaul, cho biết đất nước này có thể “xa xôi và nằm ở vùng ngoại vi” nhưng có một Giáo hội sôi động với việc những người trẻ tuổi ngồi chật kín các băng ghế nhà thờ.

Dòng Thừa sai Thánh Tâm (MSC) đã duy trì sự hiện diện liên tục tại Papua New Guinea kể từ khi họ đặt chân đến đất nước này vào ngày 29 tháng 9 năm 1882, khiến họ trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử và sứ mệnh của Giáo hội Công giáo tại quốc gia này và là điểm tham chiếu cho đến ngày nay, bao gồm cả trong lĩnh vực giáo dục lẫn chăm sóc sức khỏe.

Đó là điều mà Đức Tổng Giám mục Rochus Joseph Tatamai MSC, Tổng Giám mục Rabaul, khẳng định trong một cuộc phỏng vấn trước chuyến Tông du của Đức Giáo hoàng Phanxicô tới Papua New Guinea, từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 9.

Vào thế kỷ 19, các nhà Thừa sai Thánh Tâm đã đến từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới và chia nhau công tác mục vụ, mỗi nhóm phụ trách một khu vực khác nhau của Papua New Guinea.

“Các nhà thừa sai người Pháp và người Thụy Sĩ đã chăm sóc tất cả các địa điểm từ Đảo Yule—ngày nay là Giáo phận Bereina—đến Kerema và trở lại Daru-Kiunga và Mendi”, Đức Đức Tổng Giám mục Tatamai giải thích. “Các tu sĩ Dòng Thừa sai Thánh Tâm Úc chăm sóc Port Moresby và Alotau-Sidea, trong khi các tu sĩ người Đức chăm sóc Rabaul và Kimbe”. Các nhà truyền giáo người Mỹ và Ireland đã đến đây sau đó.

Tuy nhiên, Dòng Thừa sai Thánh Tâm không chỉ là chất xúc tác duy nhất cho công cuộc truyền giáo trong những ngày đầu. Các tu sĩ Dòng Marist, PIME [Hội Giáo hoàng Truyền giáo Hải ngoại], và sau đó là các nhà Thừa sai Dòng Ngôi Lời, cũng đóng vai trò quan trọng.

Bức tranh khảm về các nhà truyền giáo đến từ nhiều quốc gia khác nhau hòa quyện với bức tranh phong phú của một đất nước đa văn hóa với hơn 800 ngôn ngữ khác nhau, nơi mà việc truyền bá thông điệp Phúc Âm thống nhất đến mọi người không phải là điều dễ dàng.

Đức Tổng Giám mục Tatamai giải thích rằng “thách thức chính ngay từ đầu là thách thức về sự lĩnh hội, bởi vì khi các nhà truyền giáo đến, không ai trong số họ nói được tiếng địa phương”.

Sự cô lập về mặt địa lý của nhiều bộ lạc càng làm trầm trọng thêm vấn đề này. “Những người sống tại các đường biên giới có lợi thế là nói được nhiều ngôn ngữ vì họ có mối liên hệ với các ranh giới và các nhóm sắc tộc khác nhau”, vị Giám chức giải thích, trong khi những người ở các vùng xa xôi hơn thì không.

Để vượt qua thách thức này, các nhà truyền giáo đã sống giữa người dân và học ngôn ngữ của họ. Bằng cách đó, Đức Tổng Giám mục Tatamai giải thích, các nhà truyền giáo có thể “hiểu được thế giới nội tâm, thế giới quan Melanesia” của người dân, do đó biến rào cản thành cơ hội truyền giáo.

“Đối với tôi”, vị Giám chức cho biết thêm, “thật sâu sắc khi các nhà truyền giáo đầu tiên, mặc dù Công đồng Vatican đã nói về sự hội nhập văn hóa vào cuối những năm 1960, các nhà truyền giáo tiên khởi của Dòng Thừa Sai Thánh Tâm đã đến bờ biển của chúng tôi, mặc dù họ phải vượt qua rào cản để cố gắng hiểu ngôn ngữ, họ ngay lập tức tận dụng ngôn ngữ và phong tục, các giá trị văn hóa, để có thể cố gắng nhìn thấy sự hội nhập và đặc biệt là nỗ lực loan báo Tin Mừng cho mọi người”.

Cuộc phỏng vấn sau đó chuyển sang đề cập đến Chân Phước Phêrô To Rot, người được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong Chân Phước vào ngày 17 tháng 1 năm 1995.

Trong Thế chiến II, người Giáo lý viên giáo dân, người mà cha mẹ là một trong những người đầu tiên ở Papua New Guinea được các nhà truyền giáo Dòng Thừa sai Thánh Tâm rửa tội, đã dạy đức tin Công giáo cho các cộng đồng địa phương, bất chấp chỉ thị của lực lượng Nhật Bản chiếm đóng. Do đó, Phêrô To Rot đã bị bắt và cuối cùng bị cảnh sát Nhật Bản xử tử.

“Chân Phước Phêrô To Rot”, theo Đức Tổng Giám mục Tatamai, người mà ông nội của ngài là anh trai của Phêrô To Rot, “đối với tôi, ngài đại diện cho sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà truyền giáo và các Giáo lý viên. Và Giáo lý viên là người trung gian hiểu được văn hóa và con người địa phương. Và nhà truyền giáo luôn đối thoại với Giáo lý viên. Và Giáo lý viên là người truyền đạt và đơn giản hóa những điều này cho người dân địa phương và nền văn hóa địa phương”.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã phê chuẩn việc tuyên phong hiển thánh cho Chân Phước Phêrô To Rot, mặc dù ngày giờ vẫn chưa được ấn định. “Mọi người hết sức vui mừng và rất tin tưởng rằng điều mà Chân Phước Phêrô To Rot đại diện cho chúng tôi thực sự là Giáo hội tại Papua New Guinea và Melanesia, và đặc biệt là Hội nghị Quần đảo Solomon của Papua New Guinea”, Đức Tổng Giám mục Tatamai cho biết. “Nó làm nổi bật giáo dân và sự đóng góp của họ vào công cuộc nhân bản hóa. Và bất cứ điều gì mà Giáo hội tại Papua New Guinea có thể cung cấp vào thời điểm này thực sự là sự nhấn mạnh đối với đời sống thiêng liêng của giáo dân và sự tham gia tích cực vào công cuộc truyền giáo”.

Đức Tổng Giám mục Tatamai cũng lưu ý rằng chính Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói với các nhà truyền giáo rằng “Chân Phước Phêrô To Rot đại diện cho hình mẫu của sự thánh thiện mà chúng ta cần ngày nay, đặc biệt là trước những thách thức đang cướp đi vẻ đẹp của Bí tích ôn nhân và nền tảng của mọi xã hội, đời sống gia đình”.

Đức Tổng Giám mục Tatamai kết luận bằng cách bày tỏ sự lạc quan của mình về chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng Phanxicô, điều mà ngài cho biết sẽ chứng kiến ​​”sự hồi sinh và thức tỉnh lớn hơn của đức tin trong số những người lớn tuổi, những người cao niên, những người già nhất, cũng như trong thế hệ trẻ của chúng tôi”.

Đức Tổng Giám mục Tatamai khẳng định rằng “mặc dù chúng tôi có thể nằm ở khu vực xa xôi và nằm ở vùng ngoại vi, chúng tôi có một Giáo hội sôi động, chúng tôi có một đức tin mạnh mẽ, và những người trẻ của chúng tôi vẫn ngồi chật kín trong các nhà thờ của chúng tôi”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết