Phản ứng của ông Phêrô trong bài Tin Mừng hôm nay là phản ứng của trí khôn nhân loại trước mầu nhiệm thập giá.
Ông đề nghị một giải pháp thích nghi, thỏa hiệp và xuôi theo áp lực của quyền lực và sự ích kỷ. Đối diện với sự chống đối của cơ cấu quyền lực tôn giáo, tiền bạc và trí thức đối nghịch với chương trình của Thiên Chúa, ông muốn tìm một sự thỏa hiệp.
Rất nhiều lúc, hình như chúng ta (cá nhân / cộng đồng) vẫn đang đi cũng một con đường đó.
Đức Giêsu đã tỏ cho các môn đệ thấy một số phận bi đát đang chờ đợi Người, khác hẳn lý tưởng Mêsia hào nhoáng và đắc thắng mà các ông đang ôm ấp trong lòng (x. Mt 16,21). Các môn đệ không dễ dàng chấp nhận điều đó. Và phản ứng của ông Phêrô là điển hình cho lập trường của trí khôn phàm nhân kháng cự lại sứ điệp cứu độ của mầu nhiệm thập giá đau thương.
“Ông Phêrô kéo riêng Đức Giêsu ra và bắt đầu cảnh cáo Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16,22).
Thực ra, ông Phêrô đang cảm thấy có một sự đối nghịch bất khả dung hợp giữa những gì mà ông vừa tuyên xưng và đã được Đức Giêsu long trọng xác nhận (16,13-20) với những gì Đức Giêsu vừa loan báo (16,21). Ông vừa tuyên xưng Người là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Những gì Đức Giêsu đã thực hiện trước đây cho ông biết rằng Người có đủ quyền năng giải quyết mọi nhu cầu của con người. Và bởi vì Người là Con Thiên Chúa hằng sống, nên ông Phêrô trông chờ Người sẽ ban cho các môn đệ của Người sự sống viên mãn và đích thực. Các ông đi theo Người không phải chỉ để tìm kiếm một vài ý tưởng tôn giáo hay để học lấy một vài bài học về cách thức cầu nguyện mới…, mà là để được đón nhận từ nơi Người sự sống viên mãn. Thế mà Người lại nói với họ rằng Người sẽ phải chịu nhiều chống đối, sẽ đau khổ, sẽ bị giết chết. Ông Phêrô không thể chấp nhận điều đó.
Phản ứng của ông là phản ứng của trí khôn nhân loại trước mầu nhiệm thập giá (“Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”). Ông đề nghị một giải pháp thích nghi, thỏa hiệp và xuôi theo áp lực của quyền lực và sự ích kỷ. Đối diện với sự chống đối của cơ cấu quyền lực tôn giáo, tiền bạc và trí thức đối nghịch với chương trình Mêsia, ông Phêrô muốn tìm một sự thỏa hiệp. Quả thực, ông Phêrô đã từng tuyên xưng một lòng tin rất đúng đắn, nhưng ông lại không chấp nhận đòi hỏi thực tế xuất phát từ đức tin đó.
Không chỉ không chấp nhận, ông Phêrô còn làm một hành động rất nghiêm trọng. Ông cảnh cáo Đức Giêsu. Động từ “cảnh cáo” (êpitimaô) ở đây là một động từ rất mạnh: tác giả Mt đã sử dụng động từ này để nói về việc Đức Giêsu quát mắng tên quỷ trong 17,18 và ngăm đe các yếu tố của quyền lực sự dữ trong 8,26. Đại để, việc sử dụng động từ này cho thấy rằng người bị cảnh cáo đang bị coi là đối nghịch với chương trình của Thiên Chúa. Như thế, khi cảnh cáo (êpitimaô) Đức Giêsu, ông Phêrô đang cho rằng chương trình mà Đức Giêsu vừa tỏ cho các ông biết là điều đối nghịch với kế hoạch của Thiên Chúa.
“Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (16,23). Câu trả lời cho thấy Đức Giêsu rất phẫn nộ. Người gọi ông là Satan, là tên cám dỗ, mặc dù chỉ vừa mới đây thôi, Người bảo ông là kẻ có phúc (16,17: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc”) và Người sẵn sàng trao chìa khóa Nước Trời cho ông. Người nói với ông rằng: “Anh đang trở thành tảng đá làm cho Thầy vấp ngã”. Đáng chú ý là ông vừa mới được Đức Giêsu long trọng tuyên bố là tảng đá trên đó Người sẽ xây Hội Thánh của Người!
Đức Giêsu giải thích tại sao ông Phêrô lại thành tảng đá làm vấp ngã: “Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. Thực ra, ông Phêrô có một sự hiểu biết rất tốt về Đức Giêsu như ông đã từng bày tỏ trong lời tuyên xưng đức tin rất tuyệt vời ở 16,16; và chính Đức Giêsu đã long trọng xác nhận lời tuyên xưng đức tin đó. Nhưng ông không chấp nhận những hệ luận của lòng tin đã được tuyên xưng đó. Lòng tin mà ông tuyên xưng vẫn mới chỉ dừng lại ở bình diện của sự hiểu biết, chưa phải là thực tại được thực hành và thể hiện trong thực tế. Ông còn tệ hơn cả những người xây nhà trên cát (7,21: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi”; 7,26: “Ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát”).
Một chi tiết đáng chú ý: tác giả Mt đặt song song hai hành động: “Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết” (c.21) và “ông Phêrô bắt đầu cảnh cáo Đức Giêsu” (c.22). Xem ra sự chống đối và kháng cự của Phêrô ở đây không phải là chuyện mau chóng kết thúc, mà sẽ còn tiếp tục. Và có lẽ đỉnh điểm của sự chống đối này sẽ chính là sự kiện ông ba lần chối Thầy trong 26,69-75.
Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.