Câu chuyện ông Dakêu (Lc 19,1-10) được giải thích theo nhiều hướng khác nhau. Các hướng giải thích này cũng có thể được coi như là những gợi ý suy niệm và chia sẻ cho chúng ta về bài Tin Mừng hôm nay.
Ở đây chúng ta chỉ nhắc đến hai hướng giải thích.
Thứ nhất, một số người cho rằng ban đầu câu chuyện có ý cho thấy sáng kiến của Chúa Giêsu chủ động đi tìm các con chiên lạc nhà Israel.
Trong cách hiểu này, lời tuyên bố của Đức Giêsu ở câu 9: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Abraham”, được hiểu là lời Chúa Giêsu nói với đám đông để minh xác cho cách hành xử của Ngài. Những người tội lỗi như Dakêu được kêu gọi đón nhận ơn cứu độ vì họ thuộc về dân được tuyển chọn của Thiên Chúa.
Qua sự kiện ông Dakêu, Đức Giêsu cho thấy Ngài lưu tâm cách đặc biệt đến việc mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho những con người bị gạt ra bên lề cộng đoàn.
Câu 10: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”, cho thấy sứ vụ cứu độ của Đức Giêsu được trình bày ở đây không chỉ giới hạn trong phạm vi Israel, mà là dành cho mọi kẻ tội lỗi.
Theo một cách giải thích khác, dựa vào câu 8: Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”, nhiều người hiểu điểm nhấn chính yếu của câu chuyện là tính cách cần thiết của việc hối cải xét như là một điều kiện để có thể đạt tới ơn cứu độ.
Theo cách hiểu này, sáng kiến của ông Dakêu được đề cao. Ông đã vượt qua chướng ngại của những bất tiện do chiều cao khiêm tốn của ông gây ra, ông đón tiếp Đức Giêsu vào nhà mình, và ông hứa phân phát tài sản của mình một cách đại độ.
Nói cách khác, vốn là một người giàu có, để đạt tới ơn cứu độ, ông nhà giàu này phải thực hiện những hành động cụ thể, mở lòng mình ra trước những nhu cầu của tha nhân, chia sẻ của cải mình có cho cộng đồng…
Những hành động cụ thể đó vừa là bằng chứng vừa là hiệu quả của sự kiện ông đã thực sự gặp gỡ được Đức Chúa và biết Ngài là ai.
Linh mục Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.