Sơ Jocelyn Edathil gốc Ấn độ nhưng sinh tại Hoa kỳ. Sơ thuộc dòng các nữ tu Gương Chúa Giêsu, thường được gọi là các sơ Betania, một dòng có trụ sở tại Ấn độ. Sơ Jocelyn là một nữ tu đặc biệt, vì sơ là nữ tu đầu tiên của Giáo hội Công giáo theo nghi lễ Siro-Malankara sinh tại Hoa kỳ. Thêm vào đó, sơ hiện là bác sĩ làm việc tại bệnh viện đại học Temple ở Philadelphia.
Sơ Jocelyn Edathil năm nay 37 tuổi, nhưng là cả một hành trình dài từ năm 1973, khi mẹ của sơ rời bỏ quê nhà ở bang Kerala, Ấn độ, và đến Hoa kỳ làm y tá trong bệnh viện; nay bà đã nghỉ hưu. Sau đó đến năm 1977, cha của sơ Jocelyn cũng đoàn tụ với gia đình và ông hiện là nhà môi giới bất động sản. Sơ Jocelyn là con thứ hai trong 4 người con, một người em của sơ là cha Michael, đã chịu chức linh mục năm 2013, và là linh mục đầu tiên của Giáo hội Syro-Malankara sinh tại Hoa kỳ. Hạt giống ơn gọi của sơ Jocelyn đã được gieo vãi gần 30 năm trước. Khi Jocelyn mới 9 tuổi, chú của sơ, cha George, một linh mục Ấn độ, đã khuyên cô bé đi tu. Cô bé Jocelyn đã thưa với chú rằng mình không tốt đủ để làm sơ. Dù người chú đã qua đời nhưng Jocelyn luôn nghĩ về cuộc đời gương mẫu và lời khuyên của chú.
Sau đó Jocelyn đã tốt nghiệp trung học với kết quả xuất sắc và nhận được học bổng của đại học Villanova. Chuyên ngành của Jocelyn là hóa học với điểm xuất sắc về tiếng Tây ban nha. Jocelyn luôn yêu thích khoa học và nghĩ rằng khoa học là cách Chúa thông truyền sứ điệp của Người cho con người. Cha mẹ của Jocelyn đã khuyến khích cô học y khoa nhưng ban đầu cô không muốn. Ý nghĩ đi tu mà người chú linh mục gieo vào lòng Jocelyn vẫn tiếp tục mời gọi cô và ý tưởng này được các linh mục khác củng cố hơn, nhưng Jocelyn không cảm thấy mình là người thích hợp trở thành nữ tu. Cô là loại người quá hướng ngoại do đó cô tự nhủ là mình không hợp với đời tu.
Tuy thế, Jocelyn tham gia tích cực vào các chương trình của trường và chương trình dành cho giới trẻ ở xứ thánh Giuđa ở Philadelphia. Các linh mục khác mà cô gặp thường lập lại lời khuyên của chú cô, đó là cô thật sự thích hợp để trở thành một nữ tu. Ngay cả khi Jocelyn tiếp tục học tiến sĩ và cuối cùng là hậu tiến sĩ vào năm 2010, cô đã thử xem xét việc vào dòng và đã tìm hiểu một số dòng. Jocelyn yêu thích đặc sủng của dòng Cát minh và các Nữ tu Thừa sai Bác ái nhưng cuối cùng cô chọn dòng các Nữ tu Betania bởi vì cô có thể giữ lai nguồn gốc phụng vụ Syro-Malankara của mình và cô muốn đền đáp cho cộng đoàn đã sinh ra cô. Nhà dòng đã khuyến khích Jocelyn không vào dòng ngay nhưng tiếp tục chương trình bác sĩ nội trú.
Jocelyn đã trở về Ấn độ vài lần để tham gia vào hoạt động chăm sóc lâm sàng, trong đó có bệnh viện phong cùi. Jocelyn chọn thực tập tại bệnh viện đại học Temple vì đây là một bệnh viện đại học và cô có thể học được những kỹ năng khác nhau. Sau thời gian thực tập, Jocelyn trở thành bác sĩ, nhưng trước hết cô dành thời gian để theo chương trình tìm hiểu dòng và thực hành năm tập tại Ấn độ. Sau năm tập, bề trên dòng yêu cầu Jocelyn trở về lại Hoa kỳ và tiếp tục làm việc tại bệnh viện. Ngày 8 tháng 6 năm 2016, sơ Jocelyn tuyên khấn tại nhà thờ chính tòa thánh Vinh sơn của Công giáo Syro-Malankara ở Elmont, New York, và trở thành nữ tu đầu tiên của Giáo hội này sinh tại Bắc Mỹ.
Sơ Jocelyn làm việc tại bệnh viện đại học Temple, một bệnh viện được một mục sư Tin lành Baptist thành lập nhưng ngày nay hoàn toàn là một bệnh viện đời. Sơ chia sẻ rằng mình đang làm chứng trong một môi trường thế tục. Tại bệnh viện, sơ làm việc liên tục 7 ngày rồi nghỉ 7 ngày. Trong tu phục truyền thống màu trắng của dòng, sơ yêu thương chăm sóc các sức khỏe thể lý của các bệnh nhân. Nhưng nếu các bệnh nhân yêu cầu, sơ sẽ cầu nguyện với họ và mang lại cho họ sự an ủi về tinh thần. Sơ Jocelyn nhìn nhận ơn goi kép của mình: là nữ tu và bác sĩ, là một chúc lành Chúa ban.
Khi được hỏi tại sao một nữ tu như sơ lại chọn làm việc trong bệnh viện, sơ Jocelyn chỉ đơn giản trả lời: “Đây là việc tông đồ của tôi và phục vụ là đặc sủng của tôi.” Cuối cùng sơ Jocelyn chia sẻ: “Tôi rất hạnh phúc trở thành một nữ tu sau khi chờ đợi suốt những năm này. Nhờ ơn Chúa tôi cảm thấy rất bình an, tràn đầy vui mừng vì Chúa đã nghe tiếng kêu của lòng tôi và cho phép tôi nhìn thấy. Mỗi ngày, khi tôi mặc chiếc áo dòng của tôi thì đó là một phúc lành lớn lao.” (Matters India 08/04/2018)
Hồng Thủy Radio Vatican