Ơn gọi của nhà lãnh đạo doanh nghiệp

Hình: Internet

Kitô hữu, qua bí tích rửa tội, là những người đi theo Chúa Kitô. Họ đều có ơn gọi chung là nên thánh. Ơn gọi nên thánh này, Thánh Josemaria Escriva, người sáng lập phong trào Opus Dei, nói cần phải thực hiện bằng cách thánh hóa công ăn việc làm, thánh hóa bản thân trong công việc và thánh hóa người khác qua công việc của chúng ta. Người Việt Nam Công giáo chúng ta có thói quen dự lễ ngày mồng ba Tết âm lịch để thánh hóa công ăn việc làm.

Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, dưới sự chủ trì của Hồng y Turkson, đã phát hành quyển cẩm nang, một vade mecum, có nhan đề Ơn gọi của nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhằm cung cấp những hướng dẫn mang tính thực tiễn về giáo huấn xã hội Công giáo cho giới doanh nhân. Cẩm nang được “trình làng” trong cuộc hội thảo quy tụ 2.000 lãnh đạo doanh nghiệp Kitô giáo ngày 30/3 và 1/4 năm 2012 tại Lyon, Pháp. Tháng 11 năm 2014, cẩm nang phát hành lần thứ tư, có sửa chữa những sai sót và có những thay đổi nhỏ như gọi đức Gioan XXIII và đức Gioan Phaolô II là “Thánh” để phản ánh sự kiện hai vị cùng được tuyên thánh vào tháng 4 năm 2014 và đức Giáo hoàng Phanxicô xuất hiện lần đầu tiên với những trích dẫn từ Tông huấn Niềm vui Tin Mừng.     

Ơn gọi doanh nhân là một ơn gọi đích thực nhân văn và Kitô giáo. Đức Giáo hoàng Phanxicô gọi đó là “một ơn gọi cao quí, với điều kiện những người tham gia kinh doanh thấy mình được thách thức bởi một ý nghĩa lớn hơn trong cuộc sống; điều này sẽ giúp họ thực sự phục vụ công ích bằng cách cố gắng làm gia tăng của cải cho thế giới này và làm cho của cải đến với tất cả mọi người nhiều hơn” (EG, 203).

“Khi các doanh nghiệp và các thị trường nói chung đang hoạt động một cách đúng đắn, và được quản lý hiệu quả bởi các chính phủ, chúng đóng góp một phần không thể thay thế được về sự thịnh vượng vật chất và thậm chí cả về tinh thần cho nhân loại” (Ơn gọi của nhà lãnh đạo doanh nghiệp, 2).

Khi hoạt động tốt, các doanh nghiệp đóng góp vào công ích. Tuy nhiên, thất bại của các doanh nghiệp và thị trường ngược lại gây ra những tác hại khôn lường. 

Cẩm nang thăm dò những thách thức và lợi ích của bốn “dấu hiệu của thời đại” là (i) toàn cầu hóa, (ii) các công nghệ truyền thông, (iii) tài chính hóa và (iv) các thay đổi văn hóa; và những trở ngại đối với với công ích. Trở ngại lớn nhất đối với nhà lãnh đạo doanh nghiệp đó là sống một cuộc đời “chia rẽ” phân ly giữa đạo đời đề cập đến trong Hiến chế Vui mừng và Hi vọng số 4.

Cẩm nang được biên soạn theo phương pháp Xem – Xét – Làm, do linh mục và hồng y người Bỉ Joseph Leo Cardijn (1882-1967) phát kiến và áp dụng trong phong trào Thanh Lao Công do ngài sáng lập. Phương pháp này có nguồn gốc tri thức từ mô tả của Thánh Tôma Aquinô về đức khôn ngoan và được giảng dạy trong Học thuyết Xã hội của Giáo hội (x. Thông điệp Mẹ và Thày, 236 và Quyển Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội, 547). Nghĩa là rất “giáo huấn xã hội”, rất chân truyền.

Trung tâm của doanh nghiệp là nhân vị và phẩm giá con người. Phải quan tâm cổ vũ điều mà đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI gọi là việc “phát triển con người toàn diện”, nghĩa là phát triển mọi chiều kích của tất cả mọi người và mỗi người. Doanh nghiệp chỉ có thể thực hiện được điều này khi trở thành “một cộng đồng các nhân vị”. Cẩm nang nhắc lại lời của Thánh Gioan Phaolô II nói rằng “mục đích của doanh nghiệp không phải chỉ làm ra lợi nhuận, nhưng phải được tìm thấy trong chính sự hiện hữu của doanh nghiệp như một cộng đồng các nhân vị nữa, cộng đồng này bằng những phương thức khác nhau đang cố gắng đáp ứng các nhu cầu căn bản của mình và hình thành một nhóm phục vụ toàn thể xã hội” (Thông điệp Bách chu niên, 35).

Nói tóm lại, cẩm nang khích lệ và truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp “xem những thách thức và cơ hội trong công việc của mình; xét chúng theo nguyên tắc xã hội của Giáo hội, và làm (hành động) như những nhà lãnh đạo phục vụ Thiên Chúa” (Ơn gọi của nhà lãnh đạo doanh nghiệp, 87).

Đan Quang Tâm

Nguồn: Tập san GHXH số 19

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết