Thao thức lớn nhất của thánh Anphongsô là ơn cứu độ cho anh chị em của mình. Làm sao để mọi người nhận biết, yêu mến Chúa và lãnh nhận ơn cứu độ tràn đầy mà Thiên Chúa là Cha đã ban cho nhân loại này nơi chính Con Một của Người, Đức Giêsu Kitô, qua biến cố thương khó, chết và phục sinh.
Thánh Anphongsô nhận ra tình yêu của Thiên Chúa quá lớn và không ngừng trao ban mỗi ngày cho chúng ta, nhưng vẫn còn đó những khoảng cách và sự sợ hãi trong tâm thức đức tin của các tín hữu. Chính sự đụng chạm cụ thể đến người nghèo, và là người nghèo bị bỏ rơi nhất, đã thúc đẩy thánh Anphongsô tìm hiểu và khám phá khuôn mặt của Vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu thương con người.
Việc tìm hiểu đôi nét bối cảnh thần học của thời thánh Anphongsô, và những suy tư của ngài từ những tài liệu và các lá thư do chính tay ngài viết sẽ giúp chúng ta hiểu hơn thánh Anphongsô trong cảm thức thừa sai của ngài cùng với xác tín “ơn cứu chuộc chứa chan nơi Đức Kitô”.
1. Thánh Anselm và Học Thuyết Đền Bù
Thần học cứu độ của thời thánh Anphongsô bị ảnh hưởng rất sâu đậm bởi thánh Anselm thành Canterbury (1033 – 1109) với học thuyết Đền bù.
Thuyết này xuất hiện đầu tiên trong tác phẩm của thánh Anselm, Cur Deus Homo (Tại Sao Thiên Chúa Làm Người). Anselm bắt đầu suy tư với trật tự vũ trụ. Trật tự vũ trụ thông minh này đã bị xáo trộn bởi tội. Còn con người thì rơi vào tình trạng hư đi. Chính tội gây nên tình trạng hủy hoại và ngăn cản con người đến với hạnh phúc thật là Thiên Chúa. Vấn đề cần giải quyết ở đây là tội. Câu hỏi của Anselm là: tại sao Chúa không tha thứ cho chúng ta mà không cần phải có mầu nhiệm nhập thể và thập giá? Nếu Chúa tạo dựng tất cả mọi sự bằng cách truyền lệnh, chỉ cần phán một lời thì mọi sự từ không thành có, thì tại sao Ngài không phán một lời tha thứ tội con người? Câu trả lời của Anselm là vấn đề công bằng của Thiên Chúa, hay sự tôn kính đầy uy nghi của Ngài đã không cho phép Ngài tha thứ tội một cách tùy tiện. Tha thứ một cách tùy tiện sẽ gây nên hai vấn đề về công bằng. Thứ nhất, cách thế để đo lường mức độ của tội là sự trừng phạt. Nếu Thiên Chúa tha thứ tội nhân mà họ không nhận bất cứ sự đền bù nào thì Ngài mất đi khả năng do lường tội. Điều này cũng giống như nếu chính phủ quyết định tha thứ tất cả mọi tội phạm thì chính phủ sẽ mất đi khả năng thi hành luật. Thứ hai, nếu tha thứ như thế sẽ khiến tội nhân ngang hàng với người công chính. Vậy nguyên tắc phải là: Đền bù hay trừng phạt.[1]
Thiên Chúa đương nhiên phải đòi một sự đền bù thỏa đáng. Theo công bằng, sự xúc phạm được do lường bởi tính cao quý của đấng bị xúc phạm. Tội con người phạm là chống lại Thiên Chúa Vô Cùng, nên tội con người cũng là vô cùng. Con người được tạo dựng là để vâng lời, phục vụ và kính mến Chúa. Bởi tội, con người đã tìm cách trốn tránh những nhiệm vụ này. Con người tự bản thân đã là giới hạn, nay lại thêm tội, con người thật sự không còn khả năng cũng không xứng đáng để đền bù tội mình. Một sự đền bù vô hạn cho Thiên Chúa là điều cần thiết phải có, nhưng con người giới hạn lại không thể làm được. Vậy ai có thể làm thay cho con người? Câu trả lời của Anselm là: Thiên Chúa.[2]
Con người buộc phải đền trả cho Thiên Chúa, nhưng chỉ có Thiên Chúa mới có thể thực hiện việc này. Vậy làm sao có thể giải quyết đòi hỏi này? Chỉ có một con người có thể vừa đem đến sự đền bù thỏa đáng khiến trật tự vũ trụ được phục hồi, vừa có thể trả lại sự tôn kính cho Thiên Chúa, người đó phải là Thiên Chúa thật và là người thật, Thiên Chúa-Người. Đây chính là câu trả lời của Anselm cho câu hỏi: Cur Deus Homo?
Vẫn còn đó một câu hỏi khác: Tại sao Thiên Chúa phải đi quá xa đến cái chết trên thập giá để cứu chuộc con người? Anselm cho rằng cuộc sống vâng phục của Chúa Giêsu không đủ cho ơn cứu độ, vì con người là một thụ tạo thì đương nhiên buộc phải vâng phục. Sự đền bù thỏa đáng chỉ có thể thực hiện khi Giêsu là một con người thực hiện điều mà Ngài trong thân phận con người không buộc phải làm. Đó là cái chết. Tội là hậu quả của sự chết. Chúa Giêsu không hề phạm tội, nên cái chết không thể chạm đến Ngài. Nhưng Ngài đã tình nguyện chết. Cho nên cái chết của Ngài là một công trạng cho tất cả mọi người. Nói cách khác, qua cái chết tự nguyện của Ngài, Đức Giêsu, Thiên Chúa-Người, đã phục hồi được trật tự bị xáo trộn của vũ trụ, và đền bù thỏa đáng cho tất cả Thiên Chúa lẫn con người.[3]
Về sau, Thomas Aquinas tiếp tục phát triển thuyết đền bù này của Anselm, nhưng nhấn đến tính tự do của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể. Thánh Anselm nhìn Nhập Thể như là điều Thiên Chúa cần phải làm cho ơn cứu độ của nhân loại. Thánh Thomas cho rằng Nhập Thể là điều phù hợp Thiên Chúa làm vì ơn cứu độ nhân loại, chứ không phải là điều buộc phải làm. Tuy nhiên, Nhập Thể là cần phải làm chỉ với điều kiện Chúa đòi phải có một sự đền bù trọn vẹn thỏa đáng. Còn tại sao Thiên Chúa đòi phải có một sự đền bù thỏa đáng trong cái chết của Đức Kitô là điều nằm trong mầu nhiệm về sự tự do của Thiên Chúa.[4] Đối với Thomas, công lý nằm ngay trung tâm của Cứu độ học Kitô Giáo, vì công lý chính là cái khung diễn tả tương quan giữa Tạo Hóa và thụ tạo.[5] Vì quá nhấn mạnh đến thuyết Đền bù, những người theo trường phái Thomas (Thomist) đi đến kết luận: “Lời sẽ không trở thành xác phàm nếu Ađam không phạm tội. Động lực của mầu nhiệm Nhập Thể là chiến thắng tội; không có tội để chiến thắng thì mầu nhiệm Nhập Thể đã không xảy ra.”[6]
Thánh Anphongsô đã sống trong bầu khí suy tư cứu độ học này.
(còn tiếp)
Linh mục Phaolô Lưu Quang bảo Vinh, C.Ss.R.
Chú thích
[1] Walter Kasper, Jesus the Christ (New Jersey: Paulist Press, 1985), 219.
[2] Ibid.
[3] Ibid., 220. Học thuyết đền bù này của Anselm nên được đặt trong bối cảnh phong kiến của thời đầu Trung Cổ, khi các chư hầu buộc trung thành và tôn kính vua của mình. Chính sự tôn kính này duy trì trật tự, hòa bình, tự do và luật lệ. Sự tôn kính này không thuộc về cá nhân của vị vua, nhưng thuộc về quốc gia, vì vua chính là người duy trì hòa bình cho người dân. Ibid.
[4] John P. Calvin, “Jesus Christ,” Systematic Theology, Francis Schüssler Fiorenza and John P. Calvin, eds. (Minneapolis: Fortress Press, 2011),” 277. See Christoph Cardinal Schönborn, God Sent His Son – A Contemporary Christology, Henry Taylor, trans. (San Francisco: Ignatius Press, 2010), 261-263.
[5] Matthew Levering, Sacrifice and Community (Oxford: Blackwell, 2005), 69.
[6] John P. Calvin, “Jesus Christ,” 278.