Thao thức lớn nhất của thánh Anphongsô là ơn cứu độ cho anh chị em của mình. Làm sao để mọi người nhận biết, yêu mến Chúa và lãnh nhận ơn cứu độ tràn đầy mà Thiên Chúa là Cha đã ban cho nhân loại này nơi chính Con Một của Người, Đức Giêsu Kitô, qua biến cố thương khó, chết và phục sinh.
- Dòng Chúa Cứu Thế và Chọn Lựa Người Nghèo Bị Bỏ Rơi Nhất
Biến cố Scala không phải là một câu chuyện ngẫu nhiên xảy ra. Thiên Chúa đã có những bước chuẩn bị trước đó cho Anphongsô. Từ kinh nghiệm những người nghèo và nô lệ dưới đáy xã hội, đến những con người nằm chờ chết trong tuyệt vọng, đến những con người sống giữa phồn hoa phố thị nhưng vẫn ở bên lề cuộc sống, Anphongsô luôn thấy mình thuộc về họ. Từ tháng 8, năm 1715, Anphongsô, sau giờ làm việc ở tòa án, gia nhập Nhóm Các Bác Sĩ Thăm Viếng để chăm sóc hơn ba trăm bệnh nhân tại bệnh viện bất khả trị của Naples. Ngài còn có một ghế trong hội đồng quận Portanova. Từ năm 1710 đến 1723, tên ngài luôn xuất hiện trong các buổi họp của hội đồng để bàn về các vấn đề của người dân: đăng ký tài sản, thuế, tiền cấp dưỡng, kiểm soát giá mua bán, những quyền lợi chung của cộng đồng, những lợi tức của Giáo Hội… Anphongsô từ những năm tháng đó đã thấy mình là “trạng sư của người nghèo.”[1] Sau khi làm linh mục, 1726, Anphongsô không ngừng tham gia giảng đại phúc khắp nơi. Năm 1730, sau một chuyến đại phúc dài kiệt sức, ngài và khoảng năm người bạn linh mục khác được đề nghị đi nghỉ ngơi ở Scala. Chính trên ngọn núi cao 1.300 feet so với mặt nước biển này, Anphongsô đã kinh nghiệm:
“Một mạc khải khiến Ngài run lên vì tình trạng ngu dốt và bị bỏ rơi thiêng liêng của những linh hồn sống cách xa Naples chỉ vài ngày đường; không hề có một nhóm đại phúc nào đến đây để giảng dạy và hướng dẫn những người dân này, trong khi đó chỉ cách vài tiếng đồng hồ có năm mươi linh mục ở Scala và gấp đôi con số như thế ở Amalfi. Ký ức về những người dân này và nhu cầu thiêng liêng của họ đã ám ảnh ngài; chính nơi đây hạt giống đã được gieo để sau này mọc lên một nhóm những thừa sai miệt mài sứ vụ qua các cuộc đại phúc vì nhu cầu thiêng liêng của những linh hồn bị bỏ rơi cách đặc biệt ở miền quê trong khắp cả vương quốc.”[2]
Từ năm 1731, sau năm năm làm linh mục, Anphongsô vẫn ở trong tình trạng tìm kiếm tương lai của mình. Ngài mang một thao thức truyền giáo những vẫn không thể nào định vị được. Trung Quốc, Châu Phi, hay Ấn Độ, Anphongsô thật sự đứng giữa ngã ba đường và bị dằn vặt đau khổ vì tình trạng nghi ngờ và không thể quyết định này.[3] Tuy nhiên, nỗi ám ảnh Scala vẫn luôn ở trong tâm trí ngài, để cuối cùng, sau một thời gian dài cầu nguyện, bàn hỏi, và có thể nói là chịu nhiều giằng xé trong tâm hồn, Dòng Chúa Cứu Độ Chí Thánh ra đời vào ngày 9 tháng 11 năm 1732, và ngày 25 tháng 2 năm 1749, được phê chuẩn bởi Đức Thánh Cha Benedict XIV. Trong thư gởi Đức Hồng Y Spinelli, Tổng Giám Mục Naples, vào tháng 9 năm 1748, để xin Tòa Thánh phê chuẩn, Anphongsô nói rõ mục đích của Dòng:
“Các thành viên của Hội Dòng này được tự do khỏi những ràng buộc của những công việc bình thường của những ai (linh mục, tu sĩ) đang làm việc trong các thành phố, . . . họ hoàn toàn tận hiến chính mình họ, để trợ giúp những người nghèo thôn quê … như đã quy định (trong luật Dòng): các nhà của họ luôn luôn ở ngoài khu dân cư.
Hội Dòng thực hiện điều này vì lợi ích của người nghèo miền quê, điều mà hiện nay chưa được thực hiện bởi bất cứ hội dòng thừa sai nào. Hy vọng Tòa Thánh sẽ phê chuẩn và xác nhận việc thành lập Hội Dòng.
Các thành viên sẽ sống trong các địa phận ở những nơi cần mình nhất và ở bên ngoài những vùng dân cư, nhờ đó họ có thể tận hiến mình tốt hơn cho lợi ích của người nghèo bị bỏ rơi nơi thôn quê, và nhờ đó họ có thể sẵn sàng hơn để trợ giúp anh chị em mình với những kỳ đại phúc, những hướng dẫn, và việc cử hành các bí tích…”[4]
Cha Felix Catala có lý để nói, “Hội Dòng của chúng ta không được sinh ra từ kinh nghiệm thần bí của thánh Anphongsô. Chúng ta được sinh ra vì người nghèo. Hội Dòng chúng ta hiện diện để ứng đáp lại những nhu cầu của người nghèo, và là người nghèo bị bỏ rơi hơn cả.” Communicanda 2 khẳng định điều này: “Chúng ta được biết đến (hiện hữu) vì sống gần gũi với dân chúng, đặc biệt những người nghèo bị bỏ rơi nhất.”[5] Cha Joseph Tobin nhắc nhớ rằng, thánh Anphongsô không hề “nỗ lực mang người nghèo về với Giáo Hội. Nhưng thay vào đó, ngài mang Giáo Hội đến với những ai đang bị bỏ rơi.” Chính vì thế Anphongsô nhấn mạnh đến việc chọn lựa “thiết lập nhà ở giữa người nghèo.” Cha Tobin viết tiếp, “Tôi cho rằng chọn lựa này không hề đơn giản là giúp cho người nghèo có thể đến với những sự phục vụ của chúng ta. Thánh Anphongsô biết rằng ở với người nghèo là một thách đố cho các anh em của ngài, chỉ vì những người chăn chiên và chăn cừu đã thay đổi ngài mãi mãi.”[6]
Khi hay tin Tòa Thánh muốn Dòng Chúa Cứu Thế có nhà ở Roma, ngày 25 tháng 8 năm 1774, Anphongsô đã viết thư cho cha Andrea Villani trong tâm trạng đầy lo lắng:
“Chúng ta phải làm gì ở Roma (bây giờ)? Điều này sẽ hủy diệt Hội Dòng chúng ta, vì nếu một khi chúng ta sao lãng sứ vụ của mình, và Hội Dòng chuyển hướng đi đến hồi kết của nó, thì Hội Dòng sẽ không còn hiện hữu nữa…
Hàng ngàn người khác (linh mục tu sĩ) ở Roma đều có thể làm những gì chúng ta sẽ làm; và trong thời gian tạm thời ở Roma, công việc của chúng ta sẽ là gì?
Hội Dòng của chúng ta được thành lập cho những vùng miền núi và các làng mạc. Về Roma lập tức chúng ta được ở giữa những giám mục, quí tộc, mệnh phụ, quan chức, và thế là chúng ta rời bỏ sứ vụ của chúng ta, tạm biệt những vùng thôn quê! Chúng ta sẽ trở thành những quan chức. Tôi cầu nguyện xin Chúa Giêsu cứu chúng ta khỏi điều bất hạnh này“.[7]
Chọn lựa người nghèo, đặc biệt là người nghèo bị bỏ rơi hơn cả là chọn lựa căn bản của thánh Anphongsô khi thành lập Dòng. Gọi là “chọn lựa” nhưng nói mạnh hơn điều này nằm trong căn tính của chúng ta. Nếu một ngày nào đó, chúng ta không còn chọn lựa người nghèo bị bỏ rơi nhất vì lợi ích ơn cứu độ của họ thì chúng ta không còn là mình. Nhà Dòng được sinh ra vì ơn cứu độ chứa chan nơi Đức Kitô cho người nghèo khó, nhất là những ai bị bỏ rơi hơn cả. Thánh Anphongsô viết rất rõ:
“Hãy trợ giúp các linh hồn, đặc biệt là người nghèo, người thôn quê và người bị bỏ rơi nhất. Hãy nhớ rằng Chúa sai chúng ta đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo trong thời đại hôm nay của chúng ta. Hãy khắc điều này thật sâu vào tâm khảm anh em, và tìm kiếm Chúa giữa những người nghèo bị bỏ rơi hơn cả, nếu anh em muốn làm hài lòng Chúa Giêsu Kitô…
Trên tất cả, tôi muốn anh em hãy chăm sóc người nghèo ở thôn quê, nơi các nhà của chúng ta đã được thành lập, với những chương trình giáo lý, học thuyết Kitô giáo, giải tội, và những trợ giúp phù hợp với Hội Dòng của chúng ta, nhờ đó chúng ta không phản bội niềm hy vọng rằng qua những lao nhọc của chúng ta người nghèo được nên thánh“.[8]
Đến đây, chúng ta có thế nói về “cảm thức thừa sai” của thánh Anphongsô chính là cảm thức về người nghèo trong cái đói khát sâu thẳm ơn cứu độ của họ. Thánh Anphongsô không thể ngồi yên khi thấy “đàn chiên bơ vơ không người chăn dắt.” Trong Consideration XIII, Anphongsô đã giải thích:
“Người được gọi vào Hội Dòng của Chúa Cứu Thế Chí Thánh sẽ không bao giờ là người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô, cũng sẽ không bao giờ nên thánh, nếu anh ta không hướng về mục tiêu của ơn gọi mình, và không có tinh thần của Dòng, mà nó bao gồm việc cứu rỗi các linh hồn, những linh hồn bị thiếu thốn sự trợ giúp thiêng liêng nhất, như là người nghèo ở vùng quê.
Đây chính là lý do Đấng Cứu Thế đã đến, như Ngài nói về mình: Thần Khí của Đức Chúa … đã sức dầu tấn phong tôi để tôi mang Tin Mừng cho người nghèo khó. Khi Ngài muốn thử xem Phêrô có yêu mến Ngài không, Ngài không hỏi gì khác nhưng yêu cầu ông hiến dâng chính mình cho ơn cứu độ các linh hồn: Simon Joannis, diligis me? … Ngài không yêu cầu Phêrô, nói như thánh Gioan Kim Khẩu, là hãy làm việc đền tội, cầu nguyện hay bất cứ điều gì khác nhưng duy chỉ hãy chăm sóc đàn chiên của Ngài: Non dixit Christus, Abjice pecunias, jejunium exerce, macera te laboribus; sed dixit: pasce oves meas.”[9]
Vì thế, mỗi thành viên của Hội Dòng phải nuôi dưỡng lòng nhiệt thành và tinh thần cứu giúp các linh hồn bằng hết cả sức mình. Mỗi người nên hướng tất cả những bận tâm của mình về điều này; và khi các bề trên yêu cầu điều này thì anh ấy nên dấn thân trọn vẹn cho công việc này với toàn bộ trí lòng của mình. Một người không thể xem mình là thành viên đích thực của Hội Dòng nếu, khi sự vâng phục được yêu cầu, anh ấy không sẵn sàng công việc này, hay nói cách khác, là thích dâng mình cách riêng cho những lợi ích bản thân bằng cách sống một lối sống đơn độc và hưu trí trước tuổi. Còn vinh quang nào lớn cho con người hơn là được cộng tác với Thiên Chúa, như thánh Phaolô nói (1 Cr 3,9), trong công việc vĩ đại này là cứu độ các linh hồn? Người nào yêu Chúa của mình nhiều sẽ không bao giờ hài lòng với việc chỉ một người yêu mến Ngài; người ấy sẽ làm cho tất cả mọi người yêu mến Ngài.
Communicanda 2 (2006) số 15 tóm tắt sứ vụ của tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế:
“Sứ vụ của tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế là mang mọi người đến với điểm quan trọng chính yếu của đời sống Kitô hữu: tình yêu Thiên Chúa được mạc khải cách quyền năng nơi Chúa Giêsu Kitô. Ngay trong trung tâm của đời sống và sứ vụ của Hội Dòng chính là mầu nhiệm cứu độ. Chúng ta những tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế được sinh ra ngay trong trái tim của người môn đệ sốt mến của Chúa Giêsu, người được thiêu đốt bởi lửa nhiệt thành cho ơn cứu độ của tất cả mọi người, đặc biệt cho những người nghèo bị bỏ rơi.”[10]
Thánh Anphongsô hiểu rằng Đấng Cứu Thế chính là “mạc khải của lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Tình yêu thương xót này đã dẫn Chúa đến kenosis, Thiên Chúa hoàn toàn trút cạn chính mình cho sự sống của thế gian, đặc biệt là những người nghèo.”[11] Vì thế, chúng ta những tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, chúng ta cũng không đi con đường nào khác ngoài con đường thánh Anphongsô đã đi. Nghĩa là “giống như thánh Anphongsô, chúng ta được kêu gọi hoán cải. Chính sự hoán cải này cho phép chúng ta tham dự vào trong sự năng động của lòng thương xót và kenosis của Chúa. ‘Dâng hiến đời sống chúng ta cho ơn cứu độ chứa chan’ là tham dự một cách thiết thân và mãi mãi sứ vụ của Chúa Giêsu Kitô, là ‘công việc vĩ đại của ơn cứu độ’ hầu rao giảng Lời của ơn cứu độ cho người nghèo (HP 2).”[12]
Để mang lấy “ơn cứu độ trong cảm thức thừa sai của thánh Anphongsô,” điều đầu tiên chúng ta cần làm, nói như cha Tobin là “hoán cải.” Số 8 của sứ điệp Tổng Công Hội XXIV nhắc nhớ chúng ta một điều rất căn bản: “Càng hoán cải tận căn thì Vita Apostolica của chúng ta càng thật và thể hiện tính ngôn sứ.”[13] Gần đây, Hội Dòng chúng ta nói nhiều về tái cấu trúc. Chủ đề này đã được cha Tobin nói đến trong Communicanda 1, 2004. Ngài viết, “Tái cấu trúc là kết quả của một tiến trình hoán cải và diễn tả cụ thể sự hoán cải của cộng đoàn, nhưng nó cũng là một cuộc hành trình hướng đến hoán cải. Và tiến trình này không thể bị áp đặt từ bên ngoài. Nó phải được sinh ra từ kinh nghiệm đụng chạm linh thiêng mang tính sứ vụ, nghĩa là một cách thế mới làm chứng cho tình yêu của Đức Kitô.” [14]
Chính trong ý nghĩa này chúng ta hiểu được thế nào là “đổi mới vì sứ vụ.” Tuy nhiên, cha Michael Brehl, Bề Trên Tổng Quyền cũng nhắc nhớ chúng ta rằng, “Lời mời gọi đi đến một cuộc hoán cải tận căn và một cuộc canh tân mang tính ngôn sứ là công việc của Thánh Thần, mà qua Ngài, Đấng Cứu Thế “tiếp tục làm trọn thánh ý Cha bằng cách thực hiện ơn cứu chuộc ngang qua hội [các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế] (HP. 52).[15]
Tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế mang tính ngôn sứ trong căn tính của mình, vì họ là những người theo Chúa Kitô “trong chính việc loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, đặc biệt là những người bị bỏ rơi hơn cả, như chính Ngài đã tuyên bố về mình: “Người đã sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó” (HP. 1). Để tính ngôn sứ được thể hiện rõ nét trong Vita Apostolica của mình, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế luôn được mời gọi trở nên “những tông đồ của ơn hoán cải” (HP. 11) không chỉ trong lời rao giảng đưa người khác trở về với Chúa, mà còn phải sống ơn ấy từng giây từng phút trong đời tận hiến của mình. Chính nhờ “việc liên tục hoán cải, kết quả của việc hoàn toàn hiến mình cho Thiên Chúa,” tu sĩ Dòng Thánh này “gia tăng khả năng luôn sẵn sàng phục vụ tha nhân” (HP. 54).
Vẫn biết rằng còn đó những khó khăn, nhưng chúng ta xác tín: “Chúng ta biết từ kinh nghiệm rằng nếu chúng ta không để mắt mình rời khỏi Chúa Giêsu, thì cho dù bão tố ở quanh chúng ta, chúng ta sẽ không chìm.” “Đừng sợ!” và hãy nhớ rằng thế giới này đang đòi hỏi nơi chúng ta “một sự dấn thân và xác tín lớn hơn.” “Chính chất lượng của sự dấn thân tông đồ cho Chúa Cứu Thế sẽ hình thành cách thế chúng ta sống đặc sủng mà đã được tin tưởng trao cho chúng ta.”[16]
Lm. Phaolô Lưu Quang Bảo Vinh, C.Ss.R
Chú thích
[1] Cha Berruti kể lại: “Ngài [Anphongsô] đến đó một tuần vài lần, và ở đó ngài dọn gường, giúp thay quần áo, chuẩn bị thuốc, băng bó vết thương. Ngài làm tất cả mọi việc phục vụ cho bệnh nhân mà không cho phép mình ghê tởm bởi những mùi khó ngửi, buồn nôn, hay cự tuyệt của bệnh nhân. Ngài làm những việc này với niềm vui và tôn trọng rằng chính Chúa Giêsu Đấng ngài đang phục vụ và tôn kính đang hiện thân nơi những anh chị em đau khổ này.” Jean-Marie Séggien, 15 Days of Prayer with Saint Alphonsus Liguori (New York: New City Press, 2001), 9.
[2] Frederick M. Jones, Alphonsus de Liguori, 76.
[3] Ibid., 97.
[4] Tài liệu của Spirituality Course 2011.
[5] Communicanda 2 (2006), 10.
[6] Communicanda 2 (2006), 18. In nghiêng là nhấn mạnh của người viết.
[7] Tài liệu của Spirituality Course 2011.
[8] Tannoia, IV, 44.
[9] Christ did not say, cast it away money, fast and exercise, you do labors, but said, feed my sheep.
[10] Communicanda 2 (2006), 15.
[11] Communicanda 2 (2006), 31.
[12] Ibid.
[13] XXIV General Chapter, Message, 8.
[14] Communicanda 1 (2004), 40.
[15] Lời Dẫn Vào Sứ Điệp Tổng Công Hội Xxiv.
[16] Communicanda 2 (2006), 2.