Tiếp tục kế hoạch gây tranh cãi, các giám mục Trung Quốc liên minh với chính phủ đã đề nghị các Giáo phận chuẩn bị các phiên bản địa phương về chương trình “Hán hóa” để đưa Giáo hội Công giáo trở nên phù hợp hơn với sự hiểu biết của chính phủ về văn hóa, xã hội và chính trị Trung Quốc.
“Đó chính là để hoàn thành con đường xã hội chủ nghĩa theo phong cách Trung Quốc trong vòng năm năm”, một nguồn tin tại tỉnh Hibei phát biểu với UCA News. “Thậm chí ngay cả khi họ không nhận được sự chấp thuận từ Tòa Thánh, họ vẫn sẽ nhận được sự tin tưởng từ chính phủ”.
Chương trình Hán hóa có thể là một nhân tố trong mối quan hệ Trung Quốc-Vatican đang diễn ra, nguồn tin cho biết: “Trung Quốc và Vatican có thể thiết lập quan hệ ngoại giao bất chấp các điều kiện, và lục địa vẫn có thể thắt chặt sự kìm kẹp đối với Giáo hội với những kế hoạch của nó”.
Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc đã bị chia rẽ giữa Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc được Chính phủ phê chuẩn và Giáo hội hầm trú, vốn bị đàn áp và các cuộc bổ nhiệm giám mục thường không được thừa nhận bởi chính quyền Trung Quốc.
Các nhà thờ thuộc cộng đồng hầm trú bị giám sát bởi các quan chức địa phương nhưng thường được dung thứ. Tuy nhiên, nhiều linh mục giám mục và giáo dân thuộc cộng đồng này đã phải đối mặt với sự đàn áp và sách nhiễu.
Vào tháng Sáu, các cơ quan chính quyền ở tỉnh Hà Nam đã phá hủy Chặng Đàng Giá tại Đức Mẹ Núi Cát Minh, một điểm đến nổi tiếng của Kitô Giáo kể từ năm 1903.
Tòa Thánh đã theo đuổi một thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc, một điều mà cuối cùng có thể dẫn đến việc Vatican công nhận bảy giám mục được bổ nhiệm bất hợp pháp phù hợp với Bắc Kinh và một cuộc sống bình thường hơn cho những người Công giáo thuộc cộng đồng hầm trú. Tuy nhiên, đã có những báo cáo rằng một số giám mục từ lâu trung thành với Tòa Thánh đã được yêu cầu phải từ chức khỏi vị trí của họ hoặc về hưu sớm để nhường chỗ cho những vị thay thế do chính phủ chỉ định như là một phần của kế hoạch này.
Vào tháng 6, Hội đồng Giám mục của Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc được Chính phủ phê chuẩn và Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc do chính phủ điều hành đã ban hành kế hoạch 5 năm dài 15 trang gửi đến tất cả các giáo phận nhằm thúc đẩy sự tham gia của Giáo hội Công giáo Trung Quốc đối với việc Hán hóa. Họ đã yêu cầu các Giáo phận lập kế hoạch 5 năm của từng Giáo phận và báo cáo lại trước cuối tháng Tám.
Các chương trình đào tạo về quá trình này đã được thực hiện tại tất cả các giáo phận của tỉnh Hà Bắc, nằm ở phía bắc Trung Quốc gần Bắc Kinh, và tại Giáo phận Yibin ở tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam Trung Quốc.
Nỗ lực Hán hóa tuân theo các quy định mới về các hoạt động tôn giáo ở Trung Quốc, vốn có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng Hai. Việc thờ phượng chỉ được phép trong các nhà thờ được chỉ định và theo lịch trình được các quan chức chính phủ phê duyệt. Việc thờ phượng là bất hợp pháp ở tất cả những nơi khác, kể cả nhà riêng.
Việc cầu nguyện nhóm tại nhà riêng bị ngăn cấm, và có thể dẫn đến việc bị bắt giữ. Các quy định cũng yêu cầu tất cả các nhà thờ phải treo thông báo tại lối ra vào nhà thờ với nội dung: “cấm trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi” và trẻ em và thanh thiếu niên không được phép tham gia các nghi thức tôn giáo.
Chương trình Hán hóa đã gặp phải sự chống đối đáng kể từ các nhà phê bình, kể cả ở Trung Quốc và nước ngoài.
Vào tháng Hai, Daniel Mark, Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, đã viết trong ‘Những điều đầu tiên trong quá trình Hán hóa tôn giáo’ là “một quá trình thao túng và đè nén đức tin để làm cho nó tương thích với mục tiêu chuyên chế và toàn trị của nhà nước”.
Cha Benoit Vermander, một linh mục Dòng Tên ở Trung Quốc, đã nỗ lực vạch ra một con đường cho việc “Hán hóa” đối với tôn giáo trong số ra ngày 3 tháng 3 của tạp chí Dòng Tên La Civiltà Cattolica, có ấn phẩm được giám sát bởi Quốc Vụ Khanh của Vatican.
Trong khi có “những nguy hiểm hiển nhiên” trong việc tuân theo chính sách từ trên xuống vốn có thể đem đến “một sự mất mát đáng kể về bản sắc”, linh mục Vermander lập luận, người Công giáo không nên tránh việc “Hán hóa” đơn giản chỉ vì nó được chính phủ hậu thuẫn. Thay vào đó, bất chấp những vấn đề do chính sách tạo ra, việc đối thoại giữa người Công giáo và chính quyền cộng sản là cần thiết.
Linh mục Vermander lập luận rằng các nhà thờ Kitô giáo nên lắng nghe lời kêu gọi của chính phủ về việc Hán hóa và đồng thời “xem xét về việc những hình thức thay đổi nào có thể khiến họ tưởng tượng và thực hiện”, trong khi “nhận thức được sự nguy hiểm”.
Giáo sư Ying Fuk-tsang, giám đốc trường thần học tại Đại học Trung Quốc của Hồng Kông, phát biểu với UCA News rằng việc Hán hóa là không thể tránh khỏi đối với tất cả các tôn giáo ở Trung Quốc sau đề xuất của Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm 2015.
Chính phủ Trung Quốc đã đề xuất việc Hán hóa trong ba lĩnh vực: tính đồng nhất về mặt chính trị, bản sắc xã hội và bản sắc văn hóa. Kế hoạch 5 năm của Công giáo bao gồm cả ba khía cạnh này.
Việc giải thích sự tiến bộ từ cơ sở thần học và giáo lý Công giáo sẽ chính là trọng tâm chính, giáo sư Ying nói, “bởi vì mối bận tâm chính của chính quyền trung ương đối với việc Hán hóa tôn giáo không phải là văn hóa, mà là chính trị và xã hội”.
Theo giáo sư Ying, việc Hán hóa chính là nỗ lực của Đảng Cộng sản nhằm tăng cường việc kiểm soát đối với các tôn giáo bằng các phương tiện ý thức hệ. Tôn giáo phải phù hợp với các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi của Đảng Cộng sản và phải phù hợp với xã hội Trung Quốc trong khi trở nên tương thích với văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Giáo sư Ying cho biết kế hoạch Hán hóa sẽ được đưa vào việc địa phương hóa đối với Giáo hội hoàn vũ trong bối cảnh của Công đồng Vatican II.
Kế hoạch chỉ ra rằng lịch sử của Giáo hội Công giáo Trung Quốc có thể học hỏi những bài học từ các hoạt động của Giáo hội Công giáo dưới triều đại nhà Minh và triều đình nhà Thanh, khi mà đức tin đôi khi bị cấm đoán và các tín hữu bị bách hại.
“Nếu chúng ta có một mối quan hệ xấu với một quyền lực và truyền thống vua chúa, chúng ta sẽ phải gánh những hậu quả của việc ngăn cấm”, giáo sư Ying nói. Ông cho rằng Tu sĩ Dòng Tên Matteo Ricci nên là cơ sở cho việc Hán hóa tôn giáo này trong thế kỷ 21 vì những nỗ lực của nhà truyền giáo Dòng Tên này để thích ứng Kitô giáo với văn hóa Trung Hoa.
Linh mục Vermander cho biết rằng việc truyền giáo của Giáo hội Công giáo và Tin Lành vào thế kỷ 19 “thường thiếu sự nhạy cảm về mặt văn hóa” và kết hợp Tin Mừng với các yếu tố nước ngoài, có nghĩa là nền văn minh phương Tây đã xuất khẩu không chỉ đức tin của nó mà còn cả các cuộc xung đột.
Tuy nhiên, linh mục Vermander nói, “sự hội nhập văn hóa là kết quả của một quá trình chiếm đoạt đươc ưa chuộng mà không ai có thể thực sự chi phối”. Linh mục Vermander đã đề cập đến người Công giáo Trung Quốc đã đón nhận kinh Mân Côi và kinh cầu các Thánh vào cuộc sống gia đình của họ.
Linh mục Vermander đã đề xuất sự cam kết của Kitô hữu trong “việc hội nhâp văn hóa sáng tạo”. Thần học tâm linh có thể thu hút các nguồn lực Nho giáo và Đạo giáo xem xét việc Thiên Chúa đã làm cho con người trải nghiệm sự hiện diện của Ngài thế nào. Trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật, các Kitô hữu có thể cố gắng chứng tỏ với một đối tượng rộng lớn hơn theo cách thức “vì lợi ích to lớn đối với Kitô giáo Trung Quốc và đối với xã hội nói chung”. Họ cũng có thể phản ứng lại với các tình huống hiện tại với “sự nhận thức và hành động xã hội”, chẳng hạn như trong việc giải quyết sự bất bình đẳng và mất cân bằng xã hội mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã than phiền.
“Kitô giáo”, linh mục Vermander kết luận, “chắc chắn có thể trở nên mang đậm bản sắc Trung Quốc hơn; đồng thời, nó có thể giúp Trung Quốc trở nên cởi mở và hài hòa hơn”.
Minh Tuệ chuyển ngữ