(Lời Chúa thứ Sáu sau Chúa Nhật V Mùa Chay: Gr 20,10-13; Tv 17; Ga 10,31-42)
Tin Mừng hôm nay (Ga 10,31-42) được trình bày trong bối cảnh Tuần Lễ Cung Hiến Đền thờ Giêrusalem, kéo dài tám ngày. Nguồn gốc biến cố Tuần Lễ này đối với người Dothái vào thời Đức Giêsu xem ra còn tươi rói. Sau cuộc đánh bại Đế quốc Babylon vào năm 539 trước Công nguyên, ngay sau đó vào năm 538 Hoàng đế Cyrus, Đế quốc Batư, cho phép người Dothái hồi hương để tái thiết Đền thờ Giêrusalem (x. Sách Étra).
Trong gần khoảng 4 thế kỷ, Đền thờ Giêrusalem liên tục được tu bổ và việc thờ phượng Đức Chúa tại Đền thờ hầu như được phục hồi. Tuy nhiên, vào năm 167, sau cuộc đánh chiếm Aicập bị thất bại, Antiochus IV [quen gọi là ‘Antiochus IV Epiphanes’, tiếng Hylạp có nghĩa là ‘Thiên Chúa Hiển Linh’; đôi khi đọc trệch đi kiểu châm biếm là ‘Antiochus Epimanes’, có nghĩa ‘Antiochus Điên Cuồng’] tức tối trở về tàn phá Đền thờ Giêrusalem và áp đặt chính sách Hylạp hóa người Dothái. Antiochus ngạo nghễ tự xưng mình là Đấng Tối Cao (x. Sách Đaniel 8,23-26).
Bởi chính sách hà khắc đối với niềm tin thờ Đức Chúa, cuộc nổi dậy của nhà Máccabê đã bùng nổ (x. Sách 1 và 2 Máccabê). Những cuộc chiến tranh du kích kéo dài trong suốt 3 năm. Vào ngày 25 tháng 12 [tiếng Dothái: Kislev] năm 164, đúng ngày thờ kính Zeus, thần Mặt Trời, bàn thờ Zeus trong Đền thờ bị đập xuống, Đền thờ Giêrusalem được tẩy uế và cung hiến cho Thiên Chúa. Cũng vào thời điểm này Antiochus đã bị chết vì bạo bệnh. Kể từ đây người Dothái cử hành Lễ Cung Hiến Đền thờ hằng năm bắt đầu từ ngày 25 tháng 12 (x. 1 Mcb 4,36-59), đôi khi cũng được gọi là Lễ Lều (x. 2 Mcb 1,9.18; 10,1-8).
Trong bối cảnh này, Đức Giêsu xưng mình là Con Thiên Chúa (Ga 10,25tt). Đối với người Dothái, Đức Giêsu không khéo lại như thể Antiochus, người đã tự xưng mình là Đấng Tối Cao. Họ nói: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10,33). Đây cũng là tội mà Hội Đồng Dothái cáo buộc để xử tử Đức Giêsu (x. Mc 14,25-65 và //). Nhiều khi người ta thường xuyên ở trong hoàn cảnh bị áp bức, bị thống trị, bị cái xấu và cái ác đè bẹp, họ không còn khả năng để nhận ra sự thật và ân sủng đến từ Thiên Chúa, không còn khả năng phân biệt được đâu là thật đâu là giả; thay vào đó, những mối nghi kỵ xâm chiếm tâm hồn họ. Đức Giêsu ở giữa người Dothái, bằng quyền năng Thiên Chúa, Người đã làm nhiều dấu lạ và nhiều việc tốt đẹp (Ga 8,32), mà họ vẫn không tin.
Tuy nhiên, sự thật là Đức Giêsu, Lời Thiên Chúa nhập thể, đã đến nâng chúng ta lên địa vị hàng thánh nhân, nghĩa là những người con của Thiên Chúa (Ga 1,12-13). Những người tin là những người đón nhận rằng Chúa Cha ở trong Đức Giêsu và Đức Giêsu ở trong Chúa Cha (Ga 8,38); do đó, họ cũng được ở trong Thiên Chúa (Ga 17,3.11). Ở những dịp Lễ trọng của người Dothái, Đức Giêsu đã tỏ lộ căn tính của Người: Nước Hằng Sống, Ánh Sáng Trần Gian (Lễ Lều), Con Thiên Chúa (Lễ Cung Hiến Đền Thờ), Đấng Cứu Độ (Lễ Vượt Qua). Ở lời cầu nguyện cuối cùng trước khi đi vào cuộc tế hiến, Đức Giêsu đã bộc lộ hết tình yêu sâu thẳm cho chúng ta: “Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa” (Ga 17,26).
Vincent Maria Phạm Cao Quý, C.Ss.R.