Các cộng đồng tôn giáo thuộc mọi tín ngưỡng đều mong muốn đóng góp tích cực vào cuộc chiến chống lại vấn đề ô nhiễm không khí và khói bụi. Với tình trạng ô nhiễm không khí đạt mức cực cao (cao gấp ba lần giới hạn do Tổ chức Y tế Thế giới đặt ra) trên khắp tỉnh Punjab của Pakistan, nơi Lahore là thủ phủ, đặc biệt là vào những tháng mùa đông, chính quyền đã ra lệnh đóng cửa các trường tiểu học và các văn phòng công cộng và đồng thời cân nhắc lệnh cấm xe cơ giới, trong khi các bác sĩ báo cáo số người mắc các bệnh liên quan đến chất lượng không khí kém ngày càng tăng, chẳng hạn như các bệnh về đường hô hấp, các vấn đề về phổi và dị ứng nghiêm trọng.
Lahore, thủ phủ của Punjab với 14 triệu dân và là trung tâm văn hóa và kinh tế quan trọng của quốc gia, được gọi là “thành phố ô nhiễm nhất thế giới”. Trong bối cảnh này, các nhà lãnh đạo tôn giáo địa phương trong cộng đồng của họ đã phát động “các sáng kiến hợp tác liên tôn để giải quyết vấn đề đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất về môi trường và sức khỏe cộng đồng và gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe”, Christian James Rehmat, người đứng đầu Ủy ban Phát triển Con người Thế giới, giải thích và đồng thời báo cáo rằng các cộng đồng Hồi giáo và Kitô giáo, cũng như các cộng đồng tôn giáo Sikh và Hindu đã thành lập một liên minh để cùng nhau bảo vệ môi trường.
“Sự hợp tác này không chỉ nhằm giải quyết những lo ngại trước mắt về vấn đề ô nhiễm mà còn nhằm nuôi dưỡng thói quen bảo vệ môi trường lâu dài trong cộng đồng”, ông Rehmat giải thích. Các nhà lãnh đạo tôn giáo trong thành phố đang tận dụng sự ảnh hưởng của mình “để nâng cao nhận thức, giáo dục các tín hữu và khuyến khích cộng đồng tham gia vào các hoạt động bền vững”, ông Rehmat lưu ý.
Ngoài các chiến dịch được các nhóm môi trường và các tổ chức y tế hỗ trợ, “tất cả các cộng đồng tôn giáo đều đưa thông điệp ‘chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta’ vào cộng đồng và bài giảng của họ, đề cập đến truyền thống tôn giáo của riêng họ”.
Các giáo sĩ Kitô giáo thuộc nhiều giáo phái khác nhau “đã nói về việc bảo công trình sáng tạo và thông điệp ‘Laudato Si’, trong khi người Sikh, đơn cử như một ví dụ, thúc đẩy nguyên tắc ‘phúc lợi cho tất cả mọi người’ và ủng hộ trách nhiệm với môi trường, đồng thời nhắc nhở người Hồi giáo rằng công trình sáng tạo và các sinh vật sống không được hiểu như là ‘đối tượng của sự tiêu thụ’ cũng như thúc đẩy việc bảo vệ môi trường”.
Sự hợp tác này được thể hiện cụ thể qua nhiều sáng kiến khác nhau: các nhóm liên tôn đã phát động các chiến dịch trồng cây khắp thành phố để giúp tạo ra “lá phổi xanh” và bầu không khí trong lành. Các hội thảo, hội nghị chuyên đề và sự kiện cộng đồng về các hoạt động bền vững cũng đã được tổ chức. “Những thay đổi trong lối sống của mọi người đang được thúc đẩy, chẳng hạn như sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn, chia sẻ phương tiện đi lại; các nhà lãnh đạo tôn giáo muốn khuyến khích mọi người áp dụng các thói quen và hoạt động thân thiện với môi trường”, trong một nỗ lực chung và thống nhất. Một yêu cầu khác được gửi tới các chính trị gia: các cộng đồng tôn giáo cũng đang ủng hộ các chính sách môi trường thận trọng hơn, kêu gọi đưa ra các quy định về khí thải từ xe cộ và các chất gây ô nhiễm công nghiệp.
“Chúng tôi hy vọng rằng với tư cách là những đại diện tôn giáo, chúng tôi có thể thuyết phục các chính trị gia thực hiện các biện pháp giải quyết vấn đề khói bụi một cách có cấu trúc để làm cho môi trường đô thị sạch hơn”, ông Rehmat nói, tự giới thiệu mình là người đối thoại với các tổ chức thành phố và nhà nước. Một mục tiêu quan trọng cuối cùng, ông Rehmat nói, là công tác giáo dục: “Các cộng đồng tôn giáo đang nỗ lực truyền bá những vấn đề này trong giới trẻ, với các sáng kiến dạy trẻ em, thanh thiếu niên và giới trẻ, đặc biệt là ở các trường học ở mọi cấp độ, các nguyên tắc bảo vệ môi trường bắt nguồn từ các truyền thống tôn giáo tương ứng của họ. Cách tiếp cận này thúc đẩy ý thức trách nhiệm đối với môi trường như một phần của sự phát triển tinh thần và đạo đức và giúp tạo động lực cho sự thay đổi”.
Hoàng Thịnh (theo Fides)