Các Giáo lý viên, thường phải liều mạng sống của mình, là trụ cột của Giáo hội tại Burkina Faso. Bất chấp những mối đe dọa khủng bố liên tục nhắm vào họ, họ vẫn đảm bảo, khi không có Linh mục, đức tin vẫn tiếp tục ở các làng mạc và các trại tản cư. Trong một cuộc phỏng vấn với ACN, một Linh mục thuộc Giáo phận Kaya giải thích rằng trở thành một Giáo lý viên có nghĩa là hiến dâng toàn bộ bản thân, được hướng dẫn bởi đức tin không lay chuyển và mong muốn phục vụ không mệt mỏi cho cộng đồng Kitô giáo.
“Các Giáo lý viên là những anh hùng của Giáo hội tại Burkina Faso”, Cha Edgard Ouedraogo, Giám đốc Trung tâm đào tạo Giáo lý viên của Giáo phận Kaya, chia sẻ với Tổ chức Viện trợ các Giáo hội Đau khổ (ACN).
Việc trao Thánh giá cho các Giáo lý viên trong nghi thức tiếp nhận và sai đi có ý nghĩa đặc biệt tại Burkina Faso ngày nay và chỉ ra thực tế cuộc sống của anh chị em Giáo lý viên. Cha Ouedraogo giải thích: “Trong số những người làm công tác mục vụ, Giáo lý viên là những người bị đe dọa nhiều nhất và phải trả giá đắt nhất trong cuộc chiến khủng bố – có nhiều người chịu tử đạo trong số họ hơn là trong số các Linh mục”.
Ở nhiều quốc gia ở Sahel, các Giáo lý viên đóng vai trò trung tâm trong lòng Giáo hội, đặc biệt là ở những khu vực không có Linh mục. Kể từ khi các cuộc tấn công khủng bố ở Burkina Faso bắt đầu vào năm 2015, sứ mệnh của họ lại càng trở nên thiết yếu hơn nữa. Trong khi nhiều Linh mục đã phải di dời, đời sống Giáo xứ vẫn được duy trì ở nhiều nơi chỉ nhờ vào sự tận tụy của các Giáo lý viên. “Họ là những người tiếp quản từ các linh mục ở các làng mạc và các trại tản cư. Họ là những người chủ trì các buổi cử hành phụng vụ Chúa Nhật khi các Linh mục vắng mặt, họ là những người chăm lo việc giảng dạy Giáo lý, họ khuyến khích dân chúng lần hạt Mân Côi và thậm chí là giờ Kinh Nhật Tụng, và họ là những người có mặt bên giường bệnh nhân. Nơi chúng tôi ở, chúng tôi không thể thiếu các Giáo lý viên”, vị Linh mục nói.
Được đào tạo như trong Chủng viện
Do đó, không phải vô cớ mà việc đào tạo họ lại đòi hỏi cực kỳ khắt khe. Trong 4 năm đào tạo, gia đình của các Giáo lý viên tương lai sống trong cộng đồng cùng với các gia đình khác của các Giáo lý viên tương lai. Đời sống cầu nguyện chung của họ giống như một Chủng viện: Thánh lễ, Kinh sáng, Kinh giờ sáu, Kinh chiều, Kinh tối, Kinh Mân Côi, Chầu Mình Thánh… đôi khi những người vợ của các Giáo lý viên tương lai cũng trải qua quá trình đào tạo giống như chồng mình và sau đó được giao nhiệm vụ lãnh đạo cộng đồng Kitô giáo bên cạnh chồng mình.
Khi bạn hỏi Cha Ouedraogo về những lý do thúc đẩy một người trở thành Giáo lý viên ở Burkina Faso ngày nay, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo trả lời: “Bạn phải có lòng tin sâu sắc để đảm nhận sự phục vụ này. Đây là những người sẵn sàng dâng hiến cuộc sống của mình cho đến cùng vì Chúa Kitô”. Món quà này được thể hiện qua việc các Giáo lý viên không được trả công phải hoàn toàn trông cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Cha Ouedraogo nhấn mạnh rằng những người Giáo lý viên này tận tụy phục vụ cộng đồng Kitô giáo đến mức không có thời gian canh tác đất đai và do đó không có thu nhập ổn định để nuôi gia đình. “Nếu cộng đồng có thể hỗ trợ các Giáo lý viên, thì họ sẽ hỗ trợ, nhưng thường thì ngược lại: đặc biệt là trong thời điểm khó khăn, các Giáo lý viên là người mà mọi người thường nhờ giúp đỡ những Kitô hữu khác”.
Đây là lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu mọi người hỗ trợ các Giáo lý viên và tại sao trong nhiều năm qua ACN đã hỗ trợ họ thông qua nhiều dự án ở Burkina Faso, trong nhiều năm và đặc biệt là dịp lễ Giáng sinh này. Quỹ này đặc biệt giúp họ với các dự án đào tạo và chăm lo cho họ ăn uống và giáo dục con cái của họ.
Cha Ouedraogo muốn gửi lời cảm ơn đến các nhà hảo tâm của ACN, một thông điệp tương tự cũng được đưa ra từ Giáo hội địa phương thuộc Giáo phận Kaya của ngài: “Giáo hội tại Burkina Faso, và đặc biệt là trong Giáo phận của tôi, không thể thể hiện dung mạo thương xót của Chúa Kitô với các tín hữu nếu không có sự hỗ trợ của ACN và các nhà hảo tâm của tổ chức. Nếu Giáo hội không truyền giáo, thì không có lý do gì để tồn tại. Nếu không có sự giúp đỡ của ACN, các nhân viên mục vụ không thể truyền đạt đức tin của họ! Vì sự bất an, chúng tôi sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực thậm chí còn nghiêm trọng hơn, tình hình sẽ còn thảm khốc hơn. Chúng tôi rất biết ơn mọi sự giúp đỡ mà chúng tôi nhận được từ quý vị và chúng tôi cầu nguyện cho toàn thể quý vị, để Thiên Chúa ban muôn ơn lành cho tổ chức của quý vị cũng như các nhà hảo tâm!”.
Minh Tuệ (theo ACN)