Ông Martin Patzelt, nghị sĩ thuộc Quốc hội Công Hòa liên bang Đức, người theo dõi về nhân quyền đã đến Việt Nam, với mục đích tham dự phiên tòa xử Anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh vào ngày 23/3/2016 tại Hà Nội.
Đến Việt Nam, ông đã gửi thư đến các cơ quan, tòa án và lãnh đạo nhà nước Việt Nam với đề nghị sẽ được vào dự phiên tòa công khai xét xử Anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh vào ngày 23/3/2016 tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, ông vẫn chưa nhận được câu trả lời về một việc mà lẽ ra hẳn nhiên chẳng cần xin phép.
Sáng ngày 22/3/2016, tại cuộc giới thiệu sách Anh Ba Sàm, một ấn phẩm của Nhà xuất bản Trẻ Hà Nội ấn hành cùng với nhiều nhân viên sứ quán các nước như Hoa Kỳ, Cộng hòa Liên Bang Đức, Nauy, Thụy sĩ… và nhiều cơ quan ngoại giao khác, ông có mặt và phát biểu ý kiến của mình.
Trong lời chia sẻ, ông cho biết: “Tôi đã sống dưới chế độ cộng sản Đông Đức một thời gian dài, nên tôi rất hiểu những vấn đề mà các bạn hiện đang phải đối mặt”.
Sau cuộc gặp gỡ, giới thiệu sách Anh Ba Sàm, ông đã dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn:
– Thưa ông, ông đến Việt Nam với tâm trạng như thế nào và với mục đích gì?
– Tôi nghĩ rằng, sự có mặt của tôi ở Việt Nam sẽ cải thiện được một chút về bản án, có thể là trả tự do hoặc giảm án.
– Xin cảm ơn ông, chúng tôi rất xúc động khi nghe ông nói rằng ông đã trải qua một thời kỳ dài dưới chế độ Cộng sản. Đến đây, ông sẽ cảm nhận được bầu khí của Cộng hòa dân chủ Đức cách đây khá lâu. Vậy xin ông cho biết chúng tôi có thể hy vọng gì vào sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong việc cải tiến nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam?
– Tôi nghĩ rằng, ngoài Việt Nam, chúng tôi chỉ có thể bày tỏ tình đoàn kết và giúp cho các bạn bằng tình cảm, chia sẻ của chúng tôi. Còn mọi việc thay đổi phải đến từ bên trong. Tôi nghĩ rằng những người đấu tranh cho quyền công dân của Việt Nam phải nói cho chúng tôi để chúng tôi biết như thế nào.
Hồi ở Đông Đức, chúng tôi cũng tự giúp chúng tôi chứ người Tây Đức cũng không giúp được chúng tôi. Bởi vì tôi cũng xuất thân từ phong trào công nhân của Đông Đức ngày trước , tôi biết là tình hình như thế nào. Chúng tôi cũng làm báo, làm sách một cách bất hợp pháp từ ngày xưa, nghĩa là bí mật thời Đông Đức. Hồi đó, chúng tôi cũng thuyết phục chính quyền Đông Đức rằng sẽ không có tương lai, nếu chúng tôi không có tự do, dân chủ.
Trong tinh thần như vậy, tôi cũng đã viết trong thư gửi đại lãnh đạo Việt Nam khi tôi mong muốn tham dự quan sát phiên tòa ngày mai. Trong đó, tôi cũng nói rằng: Hãy nghĩ đến việc thay đổi, nếu không, trong tương lại chính những người cầm quyền là những người thua cuộc.
– Thưa ông, thời gian qua, chúng tôi biết Đại sứ quán CHLB Đức, các nhân viên và nghị sĩ Đức rất quan tâm đến tình hình Việt Nam chúng tôi, chúng tôi rất xúc động trước những tình cảm như vậy. Chúng tôi hy vọng rằng, sự giúp đỡ đó sẽ tiếp tục để giúp đỡ cho những người trong nước chúng tôi đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam.
– Tôi chỉ có thể nói về cá nhân tôi được thôi, chúng tôi sẵn sàng làm những việc chúng tôi có khả năng làm được để giúp đỡ. Tuy nhiên, với nhiều đồng nghiệp khác ở Đức chúng tôi, hiện nay cũng có nhiều khó khăn khác che lấp tầm nhìn của chúng tôi. Nhất là vấn đề tỵ nạn, nên hiện nay chúng tôi đang tập trung vào vấn đề tỵ nạn. Đối với tôi, quan trọng là tôi đã có mặt ở đây vào giờ phút này.
– Chúng tôi rất cảm ơn ông, tôi là một thành viên của Hội nhà báo Độc lập Việt Nam, cũng là một nhóm không được công nhận ở Việt Nam. Chúng tôi cũng hy vọng được sự quan tâm của quý vị, là nguồn động lực đối với chúng tôi trong cuộc đấu tranh này.
– Tôi nghĩ rằng nếu không có các nhà báo, nhất là những nhà báo dũng cảm, thì chúng ta không làm được việc gì.
– Xin cảm ơn ông.
Hà Nội, ngày 22/3/2016
- J.B Nguyễn Hữu Vinh