
Giêrusalem, ngày 26 tháng 5 năm 2014: Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Bức tường than khóc cùng với Rabbi Abraham Skorka và Imam Omar Abboud (Ảnh: Truyền thông Vatican)
Tuyên ngôn ‘Nostrae Aetate’ – được chấp thuận bởi các Nghị phụ Công đồng Vatican II và được Đức Giáo hoàng Phaolô VI ban hành vào ngày 28 tháng 10 năm 1965 – đánh dấu một bước ngoặt không thể đảo ngược trong mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và Do Thái giáo, theo sau các bước được thực hiện bởi Đức Giáo hoàng Gioan XXIII. Thành quả của một quá trình soạn thảo kéo dài và cẩn trọng, Tuyên ngôn này cũng thay đổi đáng kể cách tiếp cận của Giáo hội Công giáo đối với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, và được coi như là một văn kiện nền tảng cho việc đối thoại với các tôn giáo khác.
Mối quan hệ độc đáo giữa Kitô giáo và Do Thái giáo
Trọng tâm chính của Tuyên ngôn là mối quan hệ với Do Thái giáo: “Khi tìm hiểu mầu nhiệm Giáo Hội, Công đồng nhắc lại mối dây liên kết thiêng liêng giữa dân của Tân Ước và dòng dõi Abraham… Vì các Kitô hữu và Do thái cùng có chung một di sản thiêng liêng thật cao quý, nên Công đồng muốn cổ võ và khuyến khích hai bên hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, nhất là bằng sự học hỏi Kinh Thánh và thần học cũng như bằng việc đối thoại huynh đệ” (Tuyên ngôn ‘Nostrae Aetate’, số 4). Những lời này thừa nhận nguồn gốc Do Thái của Kitô giáo, và mối quan hệ độc nhất tồn tại giữa đức tin Kitô giáo và Do Thái giáo, như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chỉ ra vào tháng 4 năm 1986 khi Ngài đến thăm Hội đường Do Thái giáo tại Rome. Với tư cách một thần học gia, Đức Joseph Ratzinger cũng đã suy tư về chủ đề này; và khi Ngài đến thăm Hội đường Do Thái giáo tại Rome vào tháng 1 năm 2010, với tư cách là vị Giám mục Rôma, Ngài nhắc lại rằng: “Giáo huấn của Công đồng Vatican II đã trình bày cho các tín hữu Công giáo một cột mốc rõ ràng trong đó liên quan đến thái độ và mối quan hệ của chúng ta với người Do Thái, đánh dấu một giai đoạn mới và quan trọng. Công đồng Vatican II đã tạo ra một sự thúc đẩy mạnh mẽ đối với cam kết không thể thay đổi của chúng ta trong việc theo đuổi cuộc hành trình đối thoại, tình huynh đệ và tình thân hữu…”
Chấm dứt những cáo buộc liên quan đến cái chết của Chúa Giêsu
Một tuyên bố mang tính quyết định khác trong Tuyên ngôn ‘Nostrae Aetate’ liên quan đến việc lên án chủ nghĩa bài Do Thái. Trong khi lên án “sự thù hận, các cuộc đàn áp, sự biểu dương chủ nghĩa bài Do Thái nhắm vào người Do Thái bất cứ lúc nào và bởi bất cứ người nào”, Tuyên ngôn đồng thời cũng giải thích rằng trách nhiệm đối với cái chết của Chúa Giêsu không được quy cho tất cả người Do Thái: “Mặc dù nhà cầm quyền Do thái cùng các thuộc hạ đã gây nên cái chết của Đức Kitô, nhưng trách nhiệm về những lỗi phạm trong cuộc khổ nạn của Người không thể bị gán buộc cách hàm hồ cho tất cả người Do thái đương thời hay cho người Do thái ngày nay” (Tuyên ngôn ‘Nostrae Aetate’, số 4).
Tia hy vọng của chân lý được phản chiếu nơi các tôn giáo khác
Trong phần mở đầu, liên quan đến Ấn Độ giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác nói chung, Tuyên ngôn ‘Nostrae Aetate’ giải thích rằng: “với nhiều phương thế khác nhau, các tôn giáo khác trên thế giới đều cố gắng giúp cho tâm hồn con người thoát khỏi những âu lo, bằng cách đề nghị những đường hướng phải theo, nghĩa là giáo thuyết, luật sống cũng như các nghi lễ phụng tự. Giáo Hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo ấy. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết của các tôn giáo, dù có nhiều điểm khác với chủ trương và đề nghị của Giáo Hội, nhưng vẫn thường mang lại một tia sáng của chính chân lý đang chiếu soi tất cả mọi người” (‘Nostrae Aetate’, số 2).
Sự trân trọng đối với các tín đồ Hồi giáo
Một đoạn quan trọng được dành riêng cho đức tin Hồi giáo: ” Giáo Hội cũng tôn trọng các tín đồ Hồi giáo, những người thờ phượng Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và hằng hữu, nhân hậu và toàn năng, Đấng Tạo Thành trời đất[1], Đấng đã ngỏ lời với con người, Đấng đưa ra những phán quyết bí nhiệm mà họ luôn luôn tuân phục với trọn cả tâm hồn, theo mẫu gương tùng phục Thiên Chúa của Abraham, người mà niềm tin Hồi giáo vẫn luôn gắn bó. Dù không nhìn nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng họ tôn kính Người như vị Tiên tri, kính trọng Mẹ đồng trinh của Người là Đức Maria và đôi khi cũng sốt sắng cầu khẩn Mẹ. Hơn nữa, họ cũng trông đợi ngày phán xét, ngày Thiên Chúa thưởng phạt mọi người khi sống lại. Chính vì thế, họ tôn trọng đời sống luân lý và thờ phượng Thiên Chúa, nhất là bằng việc cầu nguyện, bố thí và chay tịnh” (‘Nostrae Aetate’, số 3).
Đức Phaolô VI và ‘những người tuyên xưng đức tin Hồi giáo’
Các bước quan trọng đã được thực hiện bởi các Giáo hoàng trong cuộc đối thoại với thế giới Hồi giáo trong những năm sau khi ban hành ‘Nostrae Aetate’. Trong đó có những lời mà Đức Phaolô VI đã phát biểu trong chuyến viếng thăm Ugandacủa Ngài vào mùa hè năm 1969. Phát biểu với các vị chức sắc và đại diện của Hồi giáo, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã tỏ lòng tôn kính với các vị tử đạo Kitô giáo đầu tiên tại châu Phi, đồng thời đưa ra một so sánh liên quan đến “những người tuyên xưng đức tin Hồi giáo” với sự tử đạo của các bộ lạc địa phương dưới bàn tay của các vị lãnh chúa: “Chúng tôi chắc chắn sẽ được hiệp thông với anh chị em”, Đức Phaolô VI nói, “khi chúng ta cầu khẩn Đấng Tối cao khơi dậy trong tâm hồn của tất cả các tín đồ tại Châu Phi sự khao khát đối với sự hòa giải, sự tha thứ, thường được đề nghị trong Tin Mừng và trong Kinh Quran”. Đức Giáo hoàng Phaolô VI cho biết thêm: “Và làm thế nào chúng ta lại không thể liên tưởng đến lòng đạo đức và lòng trung thành của các vị tử đạo Công giáo và Tin lành, ký ức về những người tuyên xưng đức tin Hồi giáo, mà lịch sử nhắc nhở chúng ta rằng họ là những người đầu tiên, vào năm 1848, phải trả giá bằng chính mạng sống của họ vì đã từ chối những giới luật của tôn giáo của họ?”.
“Hậu duệ của Abraham”
Vào tháng 11 năm 1979, trong cuộc gặp gỡ với cộng đồng Công giáo nhỏ bé tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tái khẳng định sự tôn trọng của Giáo hội đối với Hồi giáo. “Đức tin vào Thiên Chúa”, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói, “được biểu lộ bởi con cháu của tổ phụ Áp-ra-ham – các tín đồ Kitô giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo – khi nó được sống một cách chân thành và được làm cho hồi sinh, là nền tảng vững chắc của phẩm giá, tình huynh đệ và tự do của mọi con người, nam giới cũng như phụ nữ, và nguyên tắc ứng xử đạo đức ngay thẳng và cùng tồn tại xã hội. Và hơn thế nữa: Như một hệ quả của đức tin này vào Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và siêu việt, loài người đứng trên đỉnh cao của công trình sáng tạo”.
Bài phát biểu tại Casablanca
Bài phát biểu của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trước các tín đồ Hồi giáo trẻ tuổi, diễn ra tại Casablanca, Morocco vào tháng 8 năm 1985, là một cột mốc quan trọng khác trong hành trình này. “Chúng ta, các Kitô hữu và các tín đồ Hồi giáo, có nhiều điểm chung, đều là các tín hữu và là con người”, Đức Gioan Phaolô II phát biểu vào thời điểm đó. “Chúng ta sống trong cùng một thế giới, được đánh dấu bằng nhiều dấu chỉ của niềm hy vọng, nhưng cũng có rất nhiều sự thống khổ. Đối với chúng ta, Áp-ra-ham là một mẫu mực về đức tin vào Thiên Chúa, về sự phục tùng Thánh ý của Thiên Chúa và sự tín thác vào lòng khoan nhân của Ngài. Chúng ta tin tưởng vào cùng một Thiên Chúa, Đấng duy nhất, Đấng hằng sống, vào một Thiên Chúa Đấng tạo dựng càn khôn và đưa mọi loài thọ tạo của Ngài hướng tới sự hoàn hảo của chúng”. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Cuộc đối thoại giữa các Kitô hữu và các tín đồ Hồi giáo ngày nay là cần thiết hơn bao giờ hết. Nó phát xuất từ lòng trung thành của chúng ta với Thiên Chúa và sự tin tưởng rằng chúng ta biết cách làm thế nào để nhận ra Thiên Chúa qua đức tin, và làm chứng cho Ngài bằng lời nói và hành động trong một thế giới ngày càng bị tục hóa và đôi khi thậm chí là vô thần”.
Đến Assisi cùng với Đức Gioan Phaolô II và Đức Nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI
Năm sau, vào ngày 27 tháng 10 năm 1986, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã mời các đại diện của các tôn giáo trên thế giới đến Assisi để cùng cầu nguyện cho hòa bình, vốn đang bị đe dọa. Cuộc gặp gỡ tại Assisi trở thành một biểu tượng cho cuộc đối thoại và cam kết chung giữa các tín đồ của các tín ngưỡng khác nhau. “Sự tụ họp của rất nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo để cùng nhau cầu nguyện”, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II phát biểu vào dịp đó, “tự nó là một lời mời gọi đối với thế giới để nhận thức rằng hiện nay tồn tại một khía cạnh khác của hòa bình, và một cách thức khác để thúc đẩy nó, vốn không phải là kết quả của các cuộc đàm phán, của các thỏa hiệp chính trị hoặc các cuộc thương lượng kinh tế. Đó chính là kết quả của việc cầu nguyện, mà trong sự đa dạng của các tôn giáo, thể hiện mối tương quan với một quyền lực tối cao vượt quá khả năng của con người chúng ta”.
Kỷ niệm 25 năm sự kiện tại Assisi, Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict XVI đã cảnh báo chống lại mối đe dọa được đặt ra bởi việc lạm dụng Danh Thánh của Thiên Chúa để biện minh cho sự thù hận và bạo lực, đồng thời lưu ý việc sử dụng bạo lực của các Kitô hữu trong suốt lịch sử: “Chúng ta thừa nhận điều đó với một sự hổ thẹn khôn xiết”, Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict XVI nói. Tuy nhiên, Ngài nói tiếp, “việc chối bỏ Thiên Chúa đã dẫn đến rất nhiều sự tàn nhẫn và mức độ bạo lực không hề có giới hạn, vốn chỉ có thể xảy ra khi con người không còn nhận ra bất kỳ tiêu chí hay bất kỳ thẩm phán nào ở trên mình, giờ chỉ còn mình mình là người đưa ra tiêu chí. Sự khủng khiếp của các trại tập trung đã tiết lộ với sự rõ ràng hoàn toàn về những hậu quả của sự vắng mặt của Thiên Chúa”.
Từ Công đồng Vatican II đến Tài liệu Abu Dhabi
Tuyên ngôn ‘Nostrae Aetate’ kết thúc bằng một đoạn dành riêng cho “tinh thần huynh đệ phổ quát”. “Chúng ta không thể kêu cầu Thiên Chúa là Cha tất cả mọi người, nếu chúng ta từ chối xử sự trong tình huynh đệ đối với những người cũng đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa là Cha và với anh em đồng loại, được liên kết chặt chẽ với nhau như lời Thánh Kinh: “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa” (1 Ga 4,8). Điều đó làm sụp đổ nền tảng của mọi lý thuyết hay hành động dẫn đến việc kỳ thị giữa người này với người kia hay giữa dân tộc này với dân tộc khác, liên quan đến phẩm giá con người và những quyền lợi xuất phát từ phẩm giá đó” (‘Nostrae Aetate’, số 5).
Truyền thống này được thể hiện trong Tài liệu về Tinh thần Huynh đệ Nhân loại được ký bởi Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đại Imam của Đại học Al-Azhar, Ahmad Al-Tayyeb, vào ngày 4 tháng 2 năm 2019 tại Abu Dhabi, vốn mở đầu rằng: “Nhân danh Thiên Chúa, Đấng tạo dựng tất cả mọi người bình đẳng về quyền, nghĩa vụ và phẩm giá, và Đấng đã mời gọi họ cùng chung sống với nhau như huynh đệ, để lấp đầy địa cầu và làm cho các giá trị của lòng bác ái bao dung, tình yêu thương và hòa bình được mọi người biết đến”.
Minh Tuệ (theo Vatican News)