Nỗ lực truyền giáo Công giáo ở Pakistan chia sẻ Tin Mừng, giải thoát các Kitô hữu khỏi cảnh nô lệ

Một Linh mục truyền giáo của Dòng Thánh Elijah cử hành Thánh lễ với sự tham dự của các Kitô hữu được giải thoát khỏi cảnh nô lệ tại một nhà nguyện nhỏ ở Pakistan (Hình ảnh được cung cấp bởi Dòng Thánh Elijah)

Một Linh mục truyền giáo của Dòng Thánh Elijah cử hành Thánh lễ với sự tham dự của các Kitô hữu được giải thoát khỏi cảnh nô lệ tại một nhà nguyện nhỏ ở Pakistan (Hình ảnh được cung cấp bởi Dòng Thánh Elijah)

Có những người trẻ được kêu gọi phục vụ ở những nơi nguy hiểm, không chỉ trong quân đội mà còn với tư cách là các nhà truyền giáo. Lời kêu gọi này đã được một số ít người lắng nghe, sẵn sàng đến nơi đức tin bị đàn áp hoặc thậm chí không tồn tại trong nhiều thế kỷ.

Dự án Omnes Gentes là sáng kiến ​​truyền giáo Công giáo của Dòng Thánh Elijah, có trụ sở tại Argentina, nhằm chia sẻ Tin Mừng trước hết đến các quốc gia chưa biết đến Chúa Kitô. Dự án này tổ chức các chuyến truyền giáo ngắn hạn đến những nơi xa xôi nhất, bao gồm Malawi, Pakistan, Tây Tạng và Yemen.

CNA đã phỏng vấn các nhà truyền giáo vừa trở về từ Pakistan, nơi họ đã giải thoát gần 200 Kitô hữu khỏi chế độ nô lệ. Linh mục Rico và giáo dân Diego không được xác định thêm vì mối nguy hiểm mà nó gây ra cho họ và các Kitô hữu bị đàn áp.

Diego, một giáo dân trẻ người Tây Ban Nha mới trở lại đạo Công giáo, đã dũng cảm dấn thân vào một trong những sứ mệnh nguy hiểm nhất mà Hội dòng này từng thực hiện. “Kể từ khi trở lại đạo cách đây khoảng 5 tháng, tôi cảm thấy có một sự thúc bách mãnh liệt phải loan báo Tin Mừng”, anh Diego nói với CNA.

Nhắc lại việc trở lại đạo của mình, Diego cho biết sau khi rời khỏi Thánh lễ như một người không có đức tin, anh đột nhiên cảm thấy “một sự hiện diện nặng nề, giống như một tấm chăn khổng lồ và nặng nề”. anh Diego đã cầu xin Chúa nâng đỡ anh.

“Sau khi để Thiên Chúa trở thành một phần trong cuộc sống của tôi một lần nữa, nhân giá trị này lên theo cấp số nhân, tôi không thể im lặng, tôi phải đi truyền giáo. Với Dòng Thánh Elijah, tôi có thể làm điều đó. Tôi tạ ơn Chúa hơn vì đã đặt họ vào con đường của tôi và tôi có thể cộng tác cùng với họ rao giảng Tin Mừng”, anh Diego nói.

Diego đã đi cùng với Cha Rico, một Linh mục của Dòng Thánh Elijah, đến vùng Punjab của Pakistan, một quốc gia mà Hồi giáo chiếm ưu thế. Theo tổ chức International Christian Concern, ít nhất 1.000 trẻ em gái và phụ nữ ở quốc gia đó bị bắt cóc, hãm hiếp và buộc phải cải sang đạo Hồi hàng năm. Một báo cáo của InfoVaticana tuyên bố rằng khoảng 700 trong số này là Kitô hữu. Nhiều người bị ép phải lao động khổ sai hoặc làm nô lệ trong gia đình.

Cha Rico nói với CNA: “Tạ ơn Chúa và Đức Trinh Nữ Maria, sứ mệnh đã hoàn thành mục tiêu của mình. Chúng tôi đã giải cứu 5 nô lệ tình dục nữ mù chữ, những người đã bị 4 người đàn ông khác nhau hãm hiếp trong suốt 10 năm. Khi những kẻ hiếp dâm đi tìm họ, chúng tôi đã có thể đưa họ chạy trốn. Chúng tôi cũng đã giải cứu 75 nô lệ nợ nần: trong số đó, có những người đã bị tra tấn và nhiều bé gái. Chúng tôi đã ‘mua’ họ bằng số tiền mà một Giám mục đã gửi cho chúng tôi”.

“Sau khi giải cứu, chúng tôi hỗ trợ họ những gì họ cần thiết để sống sót. Chúng tôi muốn bắt đầu một khu phố nhỏ an toàn cho những nô lệ được giải thoát — tại sao không mơ ước nếu ‘đối với Thiên Chúa không có gì là không thể’”, Cha Rico nói, trích dẫn Luca 1:37. Khu vực Kitô giáo mới, Cha Rico cho biết, sẽ được gọi là “Pax”, tiếng Latinh có nghĩa là “hòa bình”.

Không phải ngẫu nhiên mà ngài bắt đầu công việc của mình vào đúng dịp Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ngày 15 tháng 8, và kết thúc vào Lễ Thánh Danh Đức Trinh Nữ Maria, ngày 12 tháng 9, Cha Rico cho biết. Ngài sẽ quay trở lại trong vài tháng nữa để giải thoát thêm nhiều người nữa.

“Trong số 80 nô lệ được giải thoát, 6 gia đình Kitô giáo đã rơi vào tình trạng bội giáo bất đắc dĩ vì họ đã từ bỏ Chúa Kitô và trở thành người Hồi giáo”, Cha Rico nói. “Những người đàn ông đã bị tra tấn và những người phụ nữ bị cưỡng hiếp trong quá trình này. Khi chúng tôi đến giải cứu họ, họ nói rằng họ rất hối hận. Những gia đình đó là những Kitô hữu Tin lành”. Ngài gần như luôn bị những người cung cấp thông tin Hồi giáo theo dõi, lời khai của họ có thể dẫn đến cái chết.

Một tình nguyện viên địa phương (bên trái trong ảnh) đang trò chuyện với một gia đình Kitô hữu Pakistan được giải thoát khỏi cảnh nô lệ (Ảnh: Dòng Thánh Elijah)

Một tình nguyện viên địa phương (bên trái trong ảnh) đang trò chuyện với một gia đình Kitô hữu Pakistan được giải thoát khỏi cảnh nô lệ (Ảnh: Dòng Thánh Elijah)

“Chúng tôi chứng kiến sự độc ác quá mức đến nỗi nó không thể chỉ là sự dã tâm của con người. Tôi nghĩ đó là sự độc ác siêu nhiên của ma quỷ. Nếu không thì làm sao có thể giải thích được tại sao họ lại đánh thuốc một người đàn ông để cưỡng hiếp vợ anh ta và giết chết đứa bé được sinh ra trong vụ hiếp dâm thông qua việc phá thai?”, Cha Rico nói.

Cha Rico cũng cho biết thêm rằng ngài hy vọng sẽ tham khảo ý kiến ​​của các nhà tâm lý học Công giáo và nhân viên xã hội để giúp chữa lành cho những nô lệ được giải phóng. “Trước hết, chúng tôi sẽ đặt các nạn nhân trước Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria”, Cha Rico nói.

Vị Linh mục cho biết các Kitô hữu Tin lành và chưa rửa tội đã yêu cầu được hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội Công giáo. Ngài đã rửa tội cho họ theo nghi lễ truyền thống Rituale Romanum, bao gồm một số nghi lễ trừ tà.

“Chúng tôi đã tặng họ ảnh Thánh Gia Thất, Kinh Thánh và tràng hạt. Chúng tôi đã cử hành Thánh lễ cho họ và liên hệ với một Linh mục sẽ dạy Giáo lý cho họ. Họ đã gia nhập Giáo hội Công giáo với niềm vui tràn đầy”, Cha Rico kể lại.

“Việc chứng kiến Chúa Thánh Thần thực hiện những phép lạ như vậy, và nhìn thấy cách các Kitô hữu thà chết còn hơn là từ bỏ đức tin, đã kết hợp tôi với Thân mình huyền nhiệm của Chúa Kitô ở những cấp độ mà tôi không thể tưởng tượng được”, Cha Diego nói. “Thật sự choáng ngợp khi trò chuyện với những người Công giáo bị đàn áp này về việc họ trở lại đạo, đức tin, kinh nghiệm của họ. Tôi chắc rằng nhiều người trong số họ, trải qua địa ngục đó, sẽ đạt được phúc vinh thiên đàng”.

Theo báo cáo năm 2023 của WalkFree, cứ 1.000 người Pakistan thì có khoảng 10 người liên quan đến lao động cưỡng bức. Nói cách khác, 2,3 triệu người Pakistan phải chịu lao động cưỡng bức hoặc hôn nhân cưỡng bức. Tổ chức giám sát phi lợi nhuận này cho biết Pakistan đứng thứ 18 trên thế giới và thứ tư ở Châu Á về các hoạt động này. Bộ Lao động Hoa Kỳ báo cáo rằng lao động cưỡng bức chủ yếu diễn ra trong các ngành sản xuất gạch, dệt thảm, khai thác than và nông nghiệp.

Các Kitô hữu ở Pakistan thường xuyên bị người Hồi giáo và chính quyền nhắm đến vì vi phạm luật báng bổ Hồi giáo nghiêm ngặt của đất nước này, luật cấm lên án Hồi giáo và người sáng lập ra đạo Hồi, tiên tri Muhammad. Vào tháng 9, tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ (ACN) đã báo cáo rằng một phụ nữ Pakistan, một bà mẹ có 4 người con, đã bị kết án tử hình vì tội danh bị cáo buộc.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết