Nigeria đứng đầu báo cáo về số lượng Kitô hữu bị giết hại và bắt cóc vào năm 2024

Nhà thờ tại Đại Chủng viện Chúa Chiên Lành ở Kaduna, Nigeria (ẢNh: Linh mục Samuel Kanta Sakaba, Giám đốc Đại Chủng viện Đại Chủng viện Chúa Chiên Lành ở Kaduna)

Nhà thờ tại Đại Chủng viện Chúa Chiên Lành ở Kaduna, Nigeria (Ảnh: Linh mục Samuel Kanta Sakaba, Giám đốc Đại Chủng viện Đại Chủng viện Chúa Chiên Lành ở Kaduna)

Theo báo cáo mới nhất của nhóm vận động Open Doors, Nigeria là quốc gia có nhiều Kitô hữu bị giết hại và bắt cóc nhất vào năm 2024.

Danh sách Theo dõi Thế giới (World Watch List), được công bố vào ngày 15 tháng 1, phát hiện rằng 3.100 Kitô hữu đã bị giết hại và 2.830 Kitô hữu đã bị bắt cóc ở Nigeria vào năm 2024, nhiều hơn nhiều so với các quốc gia khác trong cùng năm.

Báo cáo cũng cho biết quốc gia có nhiều Kitô hữu bị bắt giữ nhất năm 2024 là Ấn Độ, với 2.176 người, và Rwanda là nơi xảy ra nhiều vụ tấn công nhất vào các nhà thờ hoặc tòa nhà Kitô giáo với 4.000 vụ.

Danh sách theo dõi của Open Doors xác nhận rằng tình trạng đàn áp Kitô giáo tiếp tục gia tăng “theo nghĩa tuyệt đối” trong số khoảng 100 quốc gia mà nhóm này theo dõi vào năm 2024, với 13 quốc gia được xếp vào “mức độ đàn áp Kitô giáo cực đoan”.

Nhóm này ước tính có hơn 380 triệu Kitô hữu trên toàn thế giới đã phải trải qua ít nhất “mức độ” đàn áp và phân biệt đối xử cao vì đức tin của họ.

Bắc Triều Tiên, Somalia, Yemen, Libya và Sudan là 5 quốc gia đứng đầu trong báo cáo về đàn áp Kitô giáo vào năm 2024. Nigeria đứng thứ 7 trong danh sách theo dõi. Eritrea, Pakistan, Iran, Afghanistan, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út và Myanmar nằm trong số 13 quốc gia đứng đầu, tất cả đều được phân loại là có mức độ đàn áp chống Kitô giáo “cực đoan”.

Với việc công bố Danh sách Theo dõi Thế giới năm 2025, Giám đốc Cristian Nani của Open Doors Italy cho biết, “380 triệu Kitô hữu trên thế giới không được hưởng quyền cơ bản của con người là được tin vào những gì họ muốn. Chúng ta cần phải đếm thêm bao nhiêu Kitô hữu bị giết hại, phải di tản, bị ngược đãi và bị cầm tù trước khi đưa quyền tự do tôn giáo vào trung tâm của cuộc tranh luận công khai?”.

“Trong 32 năm nghiên cứu, chúng tôi ghi nhận sự gia tăng ổn định trong cuộc đàn áp chống Kitô giáo theo nghĩa tuyệt đối”, ông Nani nói thêm. “Năm 2024 một lần nữa là năm kỷ lục về sự bất khoan dung: cứ 7 Kitô hữu thì có 1 người phải chịu sự phân biệt đối xử hoặc đàn áp vì đức tin của họ: Điều quan trọng là phải quay lại thảo luận về quyền tự do tôn giáo trong cuộc tranh luận công khai”.

Open Doors, tổ chức hỗ trợ các Kitô hữu bị đàn áp tại hơn 70 quốc gia, biên soạn Danh sách Theo dõi Thế giới hàng năm thông qua thông tin từ các mạng lưới địa phương, các nhà nghiên cứu quốc gia, các chuyên gia bên ngoài và một nhóm các nhà phân tích đặc biệt.

Để xây dựng bảng xếp hạng của mình, nhóm vận động phân tích áp lực lên cuộc sống của một Kitô hữu trong 5 lĩnh vực: đời sống riêng tư, gia đình, cộng đồng, Giáo hội và công cộng. Bạo lực được thêm vào như một yếu tố riêng biệt trong phân tích.

Nigeria đã phải vật lộn với tình trạng bạo lực của những kẻ cực đoan Hồi giáo kể từ năm 2009, do các nhóm như Boko Haram gây ra, được cho là đã đàn áp các Kitô hữu, đôi khi bắt cóc họ để đòi tiền chuộc và trong một số trường hợp, giết hại họ.

Mặc dù báo cáo năm 2025 từ tổ chức từ thiện Giáo hoàng mang tên Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ cho biết số vụ bắt cóc giáo sĩ và tu sĩ Công giáo ở Nigeria đã giảm từ 28 vụ vào năm 2023 xuống còn 12 vụ vào năm 2024, thì đây vẫn là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất đối với các Linh mục hoặc tu sĩ.

Các Nữ tu gần đây nhất bị bắt cóc ở Nigeria, các Sơ Vincentia Maria Nwankwo và Grace Mariette Okoli, những người đã bị bắt cóc vào ngày 7 tháng 1 từ Tổng Giáo phận Onitsha, đã được trả tự do và “trong tình trạng sức khỏe tốt”, theo lời lãnh đạo Hội dòng của họ, Dòng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Maria, Mẹ Chúa Kitô (IHM).

Hoàng Thịnh (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết