Nigeria: Cuộc biểu tình ôn hòa kéo dài 3 ngày tại Giáo phận Auchi kêu gọi chấm dứt việc bắt cóc và giết người

Những người tham gia cuộc biểu tình ôn hòa kéo dài 3 ngày tại Giáo phận Auchi của Nigeria từ ngày 25 đến 27 tháng 3 năm 2025 đã nhấn mạnh đến nhu cầu cải thiện an ninh và kêu gọi chấm dứt các vụ bắt cóc nhắm vào giáo sĩ đã khiến một số người bị bắt cóc bị sát hại (Ảnh: ACI Africa)

Những người tham gia cuộc biểu tình ôn hòa kéo dài 3 ngày tại Giáo phận Auchi của Nigeria từ ngày 25 đến 27 tháng 3 năm 2025 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện vấn đề an ninh và kêu gọi chấm dứt các vụ bắt cóc nhắm vào giáo sĩ đã khiến một số người bị bắt cóc bị sát hại (Ảnh: ACI Africa)

Những người tham gia cuộc biểu tình ôn hòa diễn ra từ ngày 25 đến 27 tháng 3 tại Giáo phận Auchi của Nigeria đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện vấn đề an ninh và đồng thời kêu gọi chấm dứt các vụ bắt cóc nhắm vào hàng giáo sĩ đã khiến một số người bị bắt cóc bị sát hại.

Phát biểu với ACI Africa, đối tác tin tức của CNA tại Châu Phi, vào ngày 27 tháng 3, ngày cuối cùng của cuộc biểu tình, một nhóm người biểu tình đã kêu gọi thực thi luật chống chăn thả gia súc để hạn chế hoạt động của những người chăn gia súc có vũ trang bị tình nghi thực hiện các vụ tấn công.

“Chúng tôi, những người mẹ, đang than khóc! Con cái chúng tôi đang bị giết hại. Con gái chúng tôi đang bị hãm hiếp. Chúng tôi không thể đến trang trại, chúng tôi không thể đến chợ búa, chúng tôi thậm chí không thể đến nhà thờ mà không sợ hãi. Chúng tôi cần sự giúp đỡ ngay bây giờ!”, chị Monica Nosa nói với ACI Africa.

“Nạn đói đang đe dọa chúng tôi, và sự bất an đang khiến tình hình tệ hơn. Nếu chúng tôi có an ninh, chúng tôi có thể trồng trọt và nuôi sống gia đình. Nhưng giờ đây, chúng tôi sống trong nỗi sợ hãi liên tục. Điều này phải chấm dứt!”, chị Nosa than thở.

Một người biểu tình khác, Osagie Emafidon, cùng đồng tình: “Chính phủ phải thông qua và thực hiện chính sách chống chăn thả gia súc để các khu rừng của chúng tôi có thể được giải thoát khỏi những tên tội phạm này. Mọi người phải có thể đến trang trại của họ mà không sợ bị bắt cóc hoặc sợ bị giết hại”.

Emafidon kêu gọi triển khai khẩn cấp lực lượng an ninh để bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương, anh giải thích: “Những kẻ khủng bố Fulani hiện đang xâm chiếm nhà cửa. Chúng phá cửa và bắt cóc người ta từ ngay trong phòng ngủ của họ. Điều này cho thấy sự thất bại hoàn toàn về an ninh trong khu vực của chúng tôi”.

James Ekemhenkhoele, cũng là người tham gia cuộc biểu tình ôn hòa, bày tỏ lo ngại về tính nghi thức của các vụ giết người, đồng thời tiết lộ rằng những kẻ giết người hiện đang buôn bán các bộ phận cơ thể người.

“Nhìn thấy những người này trong rừng, họ đã biến việc cưỡng hiếp, giết chóc, gây thương tật trong các khu rừng của chúng tôi thành một nghĩa vụ, một nghĩa vụ dã tâm, có chủ ý, độc ác. Ngay cả trên các trang trại, họ có thể xông vào các trang trại và giết chóc, rồi họ lấy đi các bộ phận cơ thể… và bán chúng”, anh Ekemhenkhoele nói với ACI Africa.

Các cuộc biểu tình bao gồm các chiến dịch trực tuyến phản đối việc bắt cóc và các vụ giết người, một ngày để tang và một cuộc tuần hành ôn hòa kèm theo việc đọc Kinh Mân Côi để yêu cầu chính phủ Nigeria tăng cường an ninh.

Mamadou Suleyman, cố vấn đặc biệt của chính quyền địa phương, đã tranh luận về thách thức liên quan đến vấn đề an ninh, nêu ra những nỗ lực mới nhất trong việc giải quyết tình trạng mất an ninh theo như ý kiến ​​của người biểu tình.

“Chủ tịch điều hành đã có mặt tại Benin trong ba ngày qua để giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh này”, ông Suleyman đã được dẫn lời khi nói với những người biểu tình: “Chúng tôi hiểu mối quan tâm của các bạn và chúng tôi đảm bảo với các bạn rằng những nỗ lực đang được thực hiện để giải quyết vấn đề này. Một đội đặc nhiệm đã được tái triển khai đến Auchi. Chúng tôi yêu cầu sự kiên nhẫn trong khi chúng tôi tiếp tục giải quyết vấn đề này”.

Giám đốc Ủy ban Phát triển Công lý và Hòa bình của Giáo phận, Cha Clement Anaedevha, đã bày tỏ lo ngại về sự tổn thương mà các Linh mục và nhiều Kitô hữu khác phải trải qua trong bối cảnh tình trạng của các vụ bắt cóc và giết người liên miên xảy ra ở đó.

Trong một cuộc phỏng vấn với ACI Africa, Cha Anaedevha cho biết: “Các Linh mục đã phải chịu đựng sự chấn thương, các vụ giết chóc, bắt cóc và tấn công khủng khiếp. Nỗi sợ hãi và bất an đã bao trùm cộng đồng. Nếu tình trạng này tiếp tục không được kiểm soát, nó có thể dẫn đến một đợt bùng phát bạo lực trả đũa”.

“Có một sự bất ổn trong khu vực, và sự bât ổn đó có thể tạo ra sự hỗn loạn”, Cha Anaedevha cho biết thêm. “Mọi người có thể tự mình thực thi luật pháp. Chúng tôi có những người Fulani ở đây, và ai đó có thể vào chợ và bắt đầu tấn công họ một cách bừa bãi. Điều đó sẽ dẫn đến sự phá vỡ hoàn toàn luật pháp và trật tự”.

Cha Anaedevha tiếp tục bày tỏ sự thất vọng của mình về sự bất lực của cảnh sát. Nhắc đến một vụ bắt cóc gần đây, ngài nhớ lại: “Từ ngày đầu tiên đến ngày thứ 10, những kẻ bắt cóc đã sử dụng cùng một số điện thoại, nhưng chính quyền tuyên bố rằng họ đang ‘theo dõi’ cuộc gọi. Họ không bao giờ đưa ra bất cứ điều gì hữu ích. Chúng tôi không còn tin tưởng vào chế độ an ninh này nữa”.

“Nếu chính phủ không sẵn sàng hành động, thì họ nên chuẩn bị đối diện với hậu quả. Mọi người đã sẵn sàng tự vệ. Đó là ngôn ngữ cơ thể của mọi người vào lúc này”, Cha Anaedevha, người tham gia cuộc biểu tình ngày 27 tháng 3, cho biết.

Tại cuộc diễu hành hòa bình, Cha Anaedevha lưu ý rằng sự hiện diện của những người chăn gia súc có vũ trang ở Edo North không phải là ngẫu nhiên. “Họ đã ở đây trong nhiều thập kỷ, một số đã hơn 40 năm. Các cộng đồng cho phép họ ở lại phải chịu trách nhiệm. Các nhà cầm quyền lâu đời và các nhà lãnh đạo địa phương thông đồng với những tên tội phạm này bằng cách nhận hối lộ hoặc gia súc phải bị vạch trần”, Cha Anaedevha nói.

Trong tương lai, Cha Anaedevha nói với ACI Africa rằng họ “sẽ tập trung vào việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và môi trường, khuyến khích mọi người báo cáo các hoạt động đáng ngờ. Chúng tôi cũng sẽ gây sức ép buộc chính phủ phải hợp tác với các nhà lãnh đạo địa phương và thực thi các chính sách an ninh”.

Giáo phận đã thực hiện các bước chủ động để chống lại tình trạng mất an ninh, bao gồm thành lập Đội bảo vệ Uduma vào năm 2021, triển khai máy bay không người lái để giám sát và hợp tác chặt chẽ với những người theo dõi cộng đồng, Cha Anaedevha cho biết, đồng thời lưu ý rằng nếu không có sự hậu thuẫn của chính phủ, những nỗ lực này vẫn chưa đủ.

Cũng phát biểu với ACI Châu Phi, Linh mục Chánh xứ của Giáo xứ St. Patrick Enwan thuộc Giáo phận Auchi, Cha Terence Egwaogie, đã than phiền về những lỗ hổng trong sự can thiệp của chính phủ đối với các thách thức về vấn đề an ninh.

“Các thống đốc tiểu bang chẳng nói gì cả. Chính phủ không giải quyết vấn đề này. Cuộc biểu tình này là cách chúng tôi thúc giục hành động và ủng hộ an ninh cho đất nước chúng tôi”, Cha Egwaogie nói.

“Chúng tôi không thể tiếp tục như thế này. Những kẻ lạ mặt đang đến đất nước chúng tôi và khủng bố chúng tôi”, Cha Egwaogie cho biết thêm. “Chúng tôi cần sự an ninh trong chính cộng đồng của mình. Cuộc biểu tình này là một bước cần thiết và phải tiếp tục cho đến khi các yêu cầu của chúng tôi được đáp ứng”.

“Họ bắt cóc các Linh mục của chúng tôi và đòi số tiền chuộc quá đáng. Họ mong đợi chúng tôi lấy đâu ra số tiền đó? Họ cho rằng các Linh mục có các mối quan hệ giàu có, nhưng thực tế là tất cả chúng tôi đều đang phải vật lộn”, Cha Egwaogie nói.

Các Giám mục Nigeria liên tục thúc giục chính phủ ưu tiên vấn đề an ninh cho người dân.

Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết