Niềm vui và sự lo lắng xen lẫn tại Myanmar đối với chuyến viếng thăm sắp tới của ĐTC Phanxicô

  • Tin tức
  • Thứ Sáu, 17-11-2017 | 18:47:42

Trong khi nhóm Phật tử không khoan nhượng phản đối chuyến viếng thăm sắp tới của ĐTC Phanxicô, những người khác đang chuẩn bị một cuộc chào đón nồng nhiệt.

1510739508

Ông Myint Swe, một Phật tử 74 tuổi, đang trông đợi chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô đến Myanmar mà ông tin rằng sẽ giúp cải thiện sự hòa hợp liên tôn, và đồng thời hàn gắn những vết thương của cuộc khủng hoảng Rakhine.

Chủ tịch nhóm Tôn giáo vì hòa bình (Religions for Peace), một nhóm liên tôn có trụ sở tại Yangon cho biết rằng ĐTC Phanxicô sẽ cảm nghiệm một sự chào đón nồng hậu từ các Phật tử địa phương, những người đang háo hức chờ đợi chuyến viếng thăm sắp tới vào ngày 27/11 đến 30/11 sắp tới.

“Năm năm trước, chúng tôi đã không thể tưởng tượng được rằng ĐTC Phanxicô sẽ thăm Myanmar nhưng giờ đây giấc mơ đã trở thành sự thật, không chỉ đối với những người Công giáo mà còn vì sự hạnh phúc cũng như lợi ích của đa số Phật tử”, ông Myint Swe phát biểu với ucanews.com

“Thông điệp mà chúng tôi muốn truyền đạt (trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng) đó là làm sao để mọi tín hữu thuộc các tôn giáo sẽ cùng cộng tác với nhau hướng tới hòa bình và sự hòa hợp”, ông  Myint Swe, người sẽ tham gia Thánh lễ sẽ được ĐTC Phanxicô chủ sự vào ngày 29 tháng Mười Một sắp tới, cho biết.

Ngoài những lời cầu nguyện, như một sự chuẩn bị tinh thần cho chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, Giáo hội Công giáo đã hợp tác với các tôn giáo khác sắp xếp các yêu cầu hậu cần cho những người hành hương. Các tu viện Phật giáo, các nhà thờ Tin lành và Công giáo tại Yangon sẽ cung cấp chỗ trú ẩn cho hàng ngàn người Công giáo trên cả nước.

Thánh lễ do ĐTC Phanxicô cử hành tại công viên Kyaikkasan, tại Yangon vào ngày 29 tháng Mười Một, dự kiến sẽ thu hút hơn 150.000 người Công giáo và nhiều người từ các tôn giáo khác.

Cha Joseph Mg Win, thành viên ban tổ chức cho chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô, cho biết các nhà lãnh đạo tôn giáo khác sẵn sàng giúp đỡ cho sự kiện này. “Chúng tôi có quan hệ gần gũi với nhiều tôn giáo khác nhau tại Myanmar nên họ rất mong muốn đóng góp cho việc chuẩn bị cho chuyến thăm của ĐTC Phanxicô”, linh mục Joseph Mg Win phát biểu với ucanews.com

Chẳng hạn như, Tăng đoàn Yangon (Cộng đồng Phật giáo) đã cung cấp các hội trường của họ để sử dụng làm nơi trú ẩn cho khách hành hương.

Cha Mg Win cũng cho biết rằng nhiều Phật tử đã thông báo với Ngài rằng họ sẽ tham dự Thánh lễ do ĐTC Phanxicô chủ sự vào ngày 29 tháng Mười Một.

Buổi cầu nguyện liên tôn cho hòa bình

Chỉ một tháng trước khi ĐTC Phanxicô viếng thăm Myanmar, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã tổ chức một buổi cầu nguyện liên tôn cho hòa bình trên khắp đất nước.

Các linh mục Công giáo, nhiều tu sĩ nam nữ và giáo dân nằm trong số 30.000 người tham dự đến từ các tôn giáo khác nhau, tham gia vào sự kiện chưa từng có diễn ra tại Yangon vào ngày 10 tháng 10 vừa qua.

Ông Zaw Min Latt, một cư dân Hồi giáo ở Yangon tham gia các hoạt động liên tôn, cho biết việc cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình quả là tốt đẹp biết bao.

“Chính phủ phải đưa ra những hành động chống lại những kẻ lan truyền những phát ngôn thù địch, hầu cho phép vấn đề tự do tôn giáo mà không có sự phân biệt đối xử, và phải để cho những quy định của pháp luật thắng thế”, ông Zaw Min Latt phát biểu với ucanews.com

Ông cho biết chuyến thăm của ĐTC Phanxicô sẽ mang lại hy vọng rằng vấn đề tự do tôn giáo và tình hình nhân quyền tại Myanmar đối với các nhóm thiểu số sẽ được cải thiện. Trái với mong đợi, ông cho biết rằng sự kỳ thị và hận thù đối với những người Hồi giáo thiểu số đã trở nên tồi tệ hơn dưới sự lãnh đạo của chính phủ dân sự.

“Chính phủ có trách nhiệm bảo vệ công dân cũng như những quyền lợi của họ và đồng thời phải đảm bảo pháp quyền được duy trì, hầu không có bất kì một sự phân biệt đối xử hoặc bạo lực nào xảy ra đối với bất kỳ chủng tộc hoặc tôn giáo nào”, ông Zaw Min Latt nói.

Cuộc khủng hoảng Rakhine

Tuy nhiên, tin tức về chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô đã thu hút sự tức giận của các nhóm Phật giáo cứng rắn, những người đã phát động bạo lực và phản đối giáo phái, đặc biệt là chống lại người Rohingya và những người Hồi giáo khác trong năm năm qua.

Quan điểm về chủ nghĩa dân tộc và chống Hồi giáo đã gia tăng sau khi các chiến binh Rohingya tấn công các trụ sở của chính phủ vào ngày 25 tháng 8, gây ra cuộc đàn áp quân sự ở Miến Điện tại tiểu bang Rakhine ở miền bắc đã bị cuộc xung đột tàn phá. LHQ đã miêu tả hành động của quân đội như một ví dụ điển hình của hành động thanh trừng sắc tộc.

Trong hai tháng qua, hơn 600.000 người Rohingya đã chạy trốn khỏi bang Rakhine đến nước láng giềng Bangladesh.

Nhiều Phật tử cứng rắn đã lên tiếng phản đối chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô. “Tại sao Đức Giáo Hoàng lại viếng thăm Myanmar? “. “Đừng can thiệp vào lĩnh vực chính trị khi Ngài là một nhà lãnh đạo tôn giáo” và “Không có những người Rohingya vì vậy tại sao ông ấy lại sử dụng thuật ngữ này” là một vài ví dụ về những lời nhận xét trực tuyến.

Với một hành động thiếu tôn trọng, Aye Ne Win, cháu nội của nhà độc tài Ne Win, đã diện trang phục giống như một vị Giáo Hoàng khi tham gia một bữa tiệc Halloween. Những bức ảnh của hắn ta trong trang phục này lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội đã xúc phạm cộng đồng Công giáo cũng như một số Phật tử.

Ma Wanyi, một nhà sư theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Mandalay và là lãnh đạo của phong trào Phật giáo cứng rắn, Ma Ba Tha, đã phát biểu với The New York Times rằng chuyến thăm của ĐTC Phanxicô là “một sự xúi giục liên quan đến chính trị”.

“Không có nhóm người Rohingya nào ở đất nước của chúng ta, nhưng vị Giáo Hoàng tin rằng những người này xuất phát từ đây. Đó hoàn toàn là một điều giả dối”, lời Wirathu được trích dẫn trong tờ The New York Times vào ngày 22 tháng 8.

Một số người Công giáo đã nêu lên những mối bận tâm của họ đối với vấn đề an ninh của ĐTC Phanxicô trong chuyến viếng thăm sắp tới, trong khi những người khác lại đang hết sức lo lắng – đặc biệt là trong số các nhà lãnh đạo Công giáo Myanmar – về việc liệu ĐTC Phanxicô sẽ có sử dụng thuật ngữ Rohingya hay không hay Ngài sẽ tránh việc sử dụng thuật ngữ này như họ đã gợi ý.

Việc sử dụng thuật ngữ Rohingya, tên nhóm người Hồi giáo dân tộc tự xác định, là một vấn đề nhạy cảm ở Myanmar. Chính phủ và quân đội – cùng với nhiều công dân Miến Điện – thay vì ám chỉ hàng triệu người Rohingya là “Bengalis” đã tuyên bố rằng họ xuất phát từ quốc gia láng giềng Bangladesh.

Nếu ĐTC Phanxicô sử dụng thuật ngữ Rohingya trong các bài phát biểu của mình, các giáo dân Công giáo lo ngại Giáo hội có thể phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ các nhóm Phật giáo cứng rắn. Là một phần của nỗ lực ngăn ngừa điều này xảy ra, các Giám mục Công giáo đã khuyên ĐTC Phanxicô nên tránh sử dụng thuật ngữ này.

Nhưng nhà lãnh đạo Phật giáo Myint Swe không bận tâm đến vấn đề này.

“Tôi tin rằng ĐTC Phanxicô nắm rõ được thực tế của đất nước này, thậm chí nếu như Ngài sử dụng thuật ngữ Rohingya, nó sẽ chỉ xác định nhóm người này và không có một động cơ chính trị nào”, nhà lãnh đạo Phật giáo nói.

Ông Zaw Min Latt cho biết rằng ĐTC Phanxicô có quyền nói về những người Rohingya cũng như Ngài có quyền nói về bất cứ vấn đề nào mà Ngài muốn nhấn mạnh.

“Tôi muốn hỏi rằng thậm chí ngay cả khi ĐTC Phanxicô tránh sử dụng tên gọi Rohingya theo lời khuyên của các nhà lãnh đạo Công Giáo, thì vấn đề tự do tôn giáo và tín ngưỡng sẽ cải thiện nhiều hơn đối với các nhóm thiểu số chẳng hạn như các Kitô hữu, hay những người Hồi giáo hay không?”, ông Zaw Min Latt nói.

 Minh Tuệ chuyển ngữ 

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết